Tháng chạp – Saigon bắt đầu nhộn nhịp đón xuân về. Cuộc sống vội vã hơn, náo nhiệt hơn, và tôi, cũng như mọi người cùng náo nức chuẩn bị chào mừng một năm mới.
Buổi tối đang nằm thư giãn nghe nhạc sau một ngày làm việc mệt nhọc thì tiếng chuông điện thoại vang lên. Tôi lười biếng nhấc máy – thì ra con gái tôi ở TOKYO gọi về. Sau vài lời thăm hỏi, cháu than thở vì công việc dồn dập, và phải đi công tác xa nhà một thời gian ngắn nên cầu cứu tôi qua TOKYO để giúp đỡ cháu.
Cháu cũng tâm sự với tôi rằng, bảy năm xa quê hương, chưa hề được ăn một cái TẾT cổ truyền VIỆT NAM đúng nghĩa, nên mong muốn lần này tôi qua TOKYO thì sẽ mang theo hương vị ngày TẾT quê hương, cho cháu được sống lại khoảng thời gian còn ở chung với cha mẹ, đón mừng năm mới trên quê hương thân yêu.
Vào thời điểm cận TẾT, khoảng thời gian mà mọi người đều nô nức chuẩn bị mọi chuyện để đón mừng năm mới, thì tôi phải sửa soạn hành lý để xa nhà. Đây là cái TẾT thứ hai trong hơn ba mươi lăm năm chung sống, vợ chồng tôi ăn tết xa nhau. Lần đầu cách đây hơn mười năm, tôi để anh ăn tết ở nhà với hai con và tôi phải ra HUẾ ăn tết cùng ba mẹ và các em tôi, một cái tết sum họp đầy đủ vì sau đó thời gian ngắn thì mẹ tôi vĩnh viễn ra đi sau một mùa xuân đoàn tụ đầy ý nghĩa.
Và lần này, anh lại phải ăn tết một mình, vi các con đều ở xa nhà. Anh không vui, và tôi cũng cảm thấy chẳng nhẹ nhàng. Nhưng vì tình mẫu tử, nên anh và tôi đành chấp nhận. Và tôi sẻ có một cái tết ly hương.
Rằm tháng chạp – Sau tuần lễ tất bật lo toan, nào sắm sửa TẾT ở nhà, nào lo giấy tờ visa qua NHẬT, tôi ra phi trường TÂN SƠN NHẤT để lên chuyến bay vào lúc 23g55ph đêm. Con gái tôi định cư ở NHẬT bảy năm thì đã hơn bảy lần tôi xách valy qua TOKYO thăm con cháu, nhưng chưa có lần nào có cảm giác bùi ngùi như lần này. Có lẽ cảm nhận được nỗi buồn của mùa xuân xa xứ, xa gia đình, mà lẽ ra TẾT NGUYÊN ĐÁN là khoảng thời gian để mọi người tìm về quê cha đất tổ chăng??? Chồng tôi cũng im lặng tiễn đưa tôi, vì mọi lời nói lúc này đều trở nên vô nghĩa.
Bước chân vào phòng cách ly tôi vẫy chào anh rồi quay đi vì sợ nỗi buồn sẽ làm nước mắt tôi trào ra, dù buổi chia tay chỉ là tạm thời trong thời gian ngắn. Nhìn bóng dáng cao lớn của anh quay đi, tôi ngậm ngùi.
Con gái tôi đón mẹ tại phi trường NARITA TOKYO. Trời vừa sáng, nhưng lạnh thấu xương. Mưa bay nhè nhẹ làm tăng thêm nỗi nhớ nhà dù tôi chỉ mới xa cách chưa đầy 12g đồng hồ, Tôi mặc áo len, rồi thêm chiếc áo da dày cộp nhưng vẫn lạnh. Con tôi trao thêm cho tôi chiếc khăn quàng len rồi mở máy sưởi trong xe ở nhiệt độ cao cho tôi ấm dần lên. Con gái tôi lái xe trên đường cao tốc với vận tốc rất cao, vun vút hai bên đường là những hàng cây khô trơ cành trụi lá vì mùa đông rét mướt làm cảnh vật càng thêm buồn. Đường xa ướt mưa bóng loáng, tôi nhìn những tòa nhà cao tầng nằm im lìm, từng hàng xe cộ nối đuôi nhau nhưng lặng lẽ, không có tiếng còi, khác hẳn với SAIGON nhộn nhịp, và lại càng nhộn nhịp hơn vào mùa TẾT NGUYÊN ĐÁN.
Vừa lái xe, chúng tôi vừa nói chuyện. Con tôi náo nức muốn nghe chuyện về VN, về gia đình đang đón tết ở như thế nào. Cháu tâm sự về công việc ở NHẬT, công việc của người kỹ sư thiết kế mà cháu đang mang trọng trách trên đất nước văn minh. Công việc với tốc độ làm việc chóng mặt, đòi hỏi kỹ thuật cao và sức bền mãnh liệt. Nó ríu rít như ngày còn bé thơ: “Mẹ có đem bánh chưng qua cho con không? Con thèm bánh chưng quá!!!”.
“Bánh chưng chiên ăn với dưa món đó nghe mẹ, mà bánh chưng kiểu HUẾ mẹ nghe, nhân đậu xanh và thịt ướp gia vị đậm đà, không có vị ngọt của đường nghe mẹ” Tôi mỉm cười âu yếm nhìn con. Xa HUẾ từ năm ba tuổi, theo cha mẹ vào SAIGON lập nghiệp, rồi học hành thành tài, tốt nghiệp xong lại theo chồng đến một nơi xa xôi, vậy mà nó vẫn giữ nguyên chất HUẾ. Cái chất HUẾ đậm đà, ăn sâu vào xương tủy, bền bĩ không bao giờ phai nhạt được. Nó nhắc lại, con thèm miếng bánh chưng ăn với dưa món, thèm chén cơm chan nước mắm ruốc có xắn trái ớt xanh!!! Ôi chao!!! Biết bao nhiêu là cái thèm… Sao tôi thấy thương con quá!!!
Về đến nhà, tôi mất hẳn cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ sau một đêm thức trắng trên máy bay vì đứa cháu ngoại mừng rỡ đón chào tôi. Ôm cổ tôi và đưa bàn tay nhỏ xíu vuốt ve khuôn mặt tôi như để truyền qua bao nhiêu nhớ thương của những tháng ngày xa cách. Đứa cháu ngoại mà rất nhiều người gặp nó đều nói rằng nó giống tôi như đúc. Tôi thì không cảm nhận được điều giống nhau đó, tuy nhiên, tôi biết được một điều chắc chắn là nó thừa hưởng của tôi đôi mắt to và đen, chứ không như những đứa bé NHẬT BẢN khác sỡ hữu đôi mắt một mí và nhỏ xíu.
Tôi soạn hành lý mang theo: hai cặp bánh chưng tôi phải bỏ ngay vào tủ đông, mứt gừng, chai nước mắm để tôi có thể làm thịt dầm nước mắm, và vài món ăn đơn giản truyền thống của ngày tết.
Ngoài ra, tôi còn mang theo các loại rau củ đã được sấy khô, dự định sẽ làm thẩu dưa món, và việc này sẽ dành sự ngac nhiên cho con gái, là tôi sẽ tổ chức cái TẾT tương đối đầy đủ: “Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh”. Đồng thời tôi cũng muốn nhân dịp này sẽ giải thích về phong tục tập quán nhân dịp xuân về của người VN cho con rể tôi hiểu và nhất là đối với đứa cháu ngoại thân yêu, cháu cũng sẽ phải hiểu về quê hương VN, quê hương HUẾ mà cháu đang mang nửa dòng máu trong người.
23 tháng chạp. Vậy là đã đến ngày cúng đưa ông TÁO. Những ngày này con gái và con rể tôi đi công tác ở OSAKA và NAGOYA nên chỉ có một mình tôi ở nhà với cháu ngoại. Buổi sáng tôi vẫn đạp xe đưa cháu đến trường như thường lệ, rồi đi siêu thị mua sắm thức ăn và vật dụng cần thiết cho hai bà cháu ở nhà. TOKYO rất ít người nước ngoài định cư, người VN lại càng ít hơn nhất là ở trung tâm TOKYO. Nhật bản lại chỉ xử dụng dương lịch như các nước phương tây nên ở đây không có khái niệm về TẾT NGUYÊN ĐÁN như ở VN và TQ
TẾT của người NHẬT đơn giản chỉ là tuần lễ nghỉ ngơi vào đầu năm dương lịch. Các gia đình được nghỉ ngơi, thoát khỏi áp lực căng thẳng của công việc nên hè nhau đi mua sắm, và đổ về những khu vui chơi như TOKYO DOME, TOKYO TOWER, DISNEY SEA, DISNEY LAND… và các khu nghĩ dưỡng mà người NHẬT hay gọi là ONSEN, đề thư giãn và tận hưởng lạc thú của cuộc đời.
Người VN ở NHẬT ít tham gia vào những hoạt động vui chơi này, vì giá cả ở TOKYO rất đắt đỏ, đắt vào hàng đầu thế giới. Họ thường lập thành những nhóm nhỏ, tụ họp nhau ở nhà, hay tại các nhà hàng VN ở NHẬT, ăn uống với nhau, thi nhau kể chuyện về quê hương, về gia đình, và nhất là về nỗi nhớ, nỗi nhớ bàng bạc lúc nào cũng quẩn quanh bên mỗi người.
Những ngày qua công việc cuốn hút tôi, nên thời gian trôi qua nhanh. Buổi chiều 23 âm lịch, ở NHẬT lúc này cũng đang mưa. Vén màn cửa nhìn ra ngoài, con đường trước mặt nhà bóng loáng nước mưa. Thỉnh thoảng một chiếc xe vút qua làm bắn tung những bọt nước trắng xóa, rồi không gian lại rơi vào tĩnh lặng, không như SG, lúc nào cũng náo nhiệt, ồn ào của nhiều âm thanh đan xen vào nhau. Khung cảnh bên này làm tôi liên tưởng đến những cơn mưa dai dẳng ở HUẾ. Tiếng chuông diện thoại vang lên cắt đứt giòng tư tưởng đang nhớ về quê nhà của tôi. Chồng tôi gọi… anh nói ở nhà đã cúng đưa ông TÁO, rồi kể chuyện nhà, chuyện cháu nội, chuyện quê hương… và ngập ngừng nói chuyện nhớ tôi… Tôi buồn man mác. Ở đây không có chút gì không khi TẾT. Thông thường hàng năm, trưa 23 tháng chạp, vợ chồng tôi bận rộn chuẩn bị cúng đưa ông TÁO, mặc dù thời nay chẳng còn ai nấu cơm bằng ba ông táo như thủa xa xưa, nhưng người VN vẫn giữ truyền thống cúng đưa ông táo về trời. Báo hiệu chỉ còn một tuần nữa là TẾT NGUYÊN ĐÁN, cho nên chiều 23 tháng chạp này tôi thấy nao nao buồn. Đứa cháu ngoại vẫn vô tư ngồi coi phim hoạt hình, thỉnh thoảng chạy đến bên tôi nhõng nhẽo một chút rồi quay về với cái TV của nó. Ngoài trời vẫn mưa rả rích, tôi lên mạng tìm bài nhạc ĐÊM ĐÔNG của NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN THƯƠNG để nghe lòng thổn thức, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương đang len lỏi trong từng ngóc ngách của tâm hồn.
Rồi ngày 28 tháng chạp. Bạn bè tôi ở TOKYO hẹn gặp nhau vì 28 tháng chạp năm nay là ngày chủ nhật của tuần. Chúng tôi hẹn gặp nhau để ăn tết sớm, vì giao thừa và mồng 1 TẾT năm nay sẽ là những ngày đi làm bình thường của các bạn. Tôi và cháu ngoại ra ga đi xe điện ngầm đến trung tâm SHINJUKU, tại đây các bạn sẽ đón tôi đến chỗ hẹn. Ở NHẬT taxi là phương tiện rất đắt đỏ. Khoảng đường chừng 10km cũng tiêu tốn gần 8000yen, tương đương 100USD, cho nên tôi xử dụng phương tiện di chuyển là xe điện ngầm rất thuận lợi.
Bàn tiệc đã sẵn sàng. Các bạn của tôi cũng đến đầy đủ. Trên bàn tiệc tôi thấy nhiều món ăn VN như chả giò, gỏi cuốn, đặc biệt còn có mấy cái bánh chưng và vài dĩa dưa món.
Chúng tôi ngồi bên nhau, như cùng chung một suy nghĩ, cùng một tâm tư. Ai cũng đều nhớ về TẾT quê hương, riêng tôi và anh bạn người HUẾ thì nhớ đến mùa xuân ở HUẾ, mùa xuân có mưa phùn, gió lạnh, nhưng mọi người đều hớn hở, tươi vui, diện quần áo đẹp như cầu mong cho năm mới vẹn toàn, may mắn hơn.
Chúng tôi nhắc nhớ nhau về nồi bánh chưng, bánh tét và những câu chuyện vui bên bếp lửa hồng khi cùng nhau ngồi canh bánh chín. Ôi! biết bao nhiêu là kỷ niệm như tuôn tràn về. Đứa cháu ngoại ngồi bên tôi, đưa đôi mắt ngây thơ nhìn tôi như thầm hỏi, có chuyện gì mà các bạn bè của ngoại vui cười quá vậy. Tôi lấy miếng bánh chưng đút cho cháu và hỏi: “oishii???” có nghĩa là ngon không? Nó gật đầu lia lịa: oishii, oishii… tôi nói tiếp: “betonamugo” có nghĩa là nói bằng tiếng VN đi, nó trả lời: “rất ngon” bằng giọng ngọng nghịu làm các bạn tôi đều bật cười.
Những câu chuyện vỡ òa ra, các bạn tôi ở TOKYO bao nhiêu năm không có một cái tết VN đúng nghĩa. Nếu những ngày TẾT trùng vào ngày thứ bảy hay chủ nhật thì còn được nghỉ ngơi ở nhà, nhớ về quê hương, bạn bè và diện thoại về thăm hỏi gia đình. Còn nếu tết rơi vào những ngày bình thường trong tuần thì các bạn vẫn phải đi làm. Cuộc sống ở TOKYO là cuộc sống công nghiệp, như ngọn sóng trào dâng cuốn phăng đi những dòng suy nghĩ trầm mặc ưu tư của người VN nói chung và những người HUẾ nói riêng.
Chúng tôi vỗ tay cùng đồng ca bài LY RƯỢU MỪNG của nhạc sĩ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG mà nghe lòng rưng rưng.
Chia tay nhau, chúng tôi cùng chúc nhau “CHÚC MỪNG NĂM MỚI” “VẠN SỰ NHƯ Ý” mà lời chúc như nghẹn lại. Tôi nắm chặt tay bạn bè và hẹn nhau sẽ cố gắng một ngày rất gần cùng nhau ăn tết ở VN.
Giao thừa!!! Đứa cháu ngoại đã ngủ yên. Giao thừa ở VN là đúng hai giờ sáng ở NHẬT, nhưng tôi vẫn không hề nhắm mắt ngủ được. Ngoài trời tuyết rơi dày đặc. Những bông hoa tuyết tạo nên cảnh quang thơ mộng và đẹp khác thường. Tôi vén màn nhìn ra ngoài, mưa tuyết vẫn rơi… Con gái tôi vừa điện thoại hồi chiều báo tin ba ngày nữa hai vợ chồng sẽ kết thúc chuyến công tác và trở về nhà. Và con tôi ước mong rằng, dù về nhà muộn, chúng tôi vẫn tổ chức được một cái TẾT đầm ấm của gia đình… Tôi cầm điện thoại lên và bấm máy. Giọng chồng tôi trong điện thoại thật thân thương. Tôi ngập ngừng: “Chúc mừng năm mới” Anh cũng cố gắng vui vẻ mà nói với tôi: “Chúc mừng năm mới” Và anh nói anh đang cúng giao thừa, đang đứng trên sân thượng xem bắn pháo bông…
Anh kể nhiều chuyện nhà cho tôi nghe. Tôi như nuốt từng lời từng chữ
Và tôi hẹn anh: “Năm nay em sẽ về đón TẾT muộn anh nhé”.
TOKYO, XUÂN 2009
BS MBT