NHỮNG PHÁT BAN NHI ĐỒNG
(PEDIATRIC RASHES)
I/ KỂ 4 BỆNH NHIỄM TRÙNG VỚI NHỮNG BIỂU HIỆN NGOÀI DA CÓ THỂ ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG KHỦNG BỐ SINH HỌC.
Bệnh đậu mùa (smallpox), bệnh than (anthrax), botulism, và bệnh dịch hạch (plague) tất cả có thể được sử dụng trong khủng bố sinh học và có những biểu hiện ngoài da. Đậu mùa và bệnh than đứng đầu danh sách của các tác nhân tiềm năng. Những vấn đề về sản xuất và gieo rắc botulism và dịch hạch làm cho những bệnh này đứng thấp hơn trên danh sách.
Đậu mùa có thời gian tiềm phục từ 10 đến 14 ngày, và bệnh nhân biểu hiện với một bệnh giống cúm, tiếp theo hai ngày sau bởi những sần nhỏ (small papules) phát triển trên mặt và lan đến các chi.
Bacillus anthracis, một vi khuẩn gram dương tạo bào tử, được tìm thấy trong đất. Sau khi hít nó vào, bệnh nhân có những triệu chứng tương tự với cúm nặng, tiếp theo vài ngày sau bởi khó thở, vã mồ hôi, và choáng. Những triệu chứng ngoài da của bệnh than bắt đầu bằng một sần (papule), trở thành một vết loét (ulcer) vào ngày thứ 2. Những mụn nước nhỏ tháo dịch cấy dương tính và để lại vảy mục đen không đau kéo dài 1-2 tuần.
II/ BA BIỂU HIỆN NGOÀI DA CỦA BỆNH GIANG MAI LÀ GÌ ?
Bệnh giang mai mắc phải (acquired syphilis) ở một thiếu niên trong giai đoạn đầu xuất hiện như một săng (chancre : một vết loét không đau của da và niêm mạc ở nơi bị nhiễm). Giang mai thứ phát (secondary syphilis), được đặc trưng bởi một ban dát-sần (maculopapular rash), xuất hiện ở các lòng bàn tay và bàn chân, bắt đầu 1-2 tháng sau khi mắc phải. Các mụn cóc sinh dục (genital warts) với hình dạng cải hoa (cauliflower) trên các môi âm hộ, dương vật, hay chung quanh trực tràng được gọi là condyloma lata (condylome phẳng).
III/ BỆNH VIÊM DA QUANH HẬU MÔN DO LIÊN CẦU KHUẨN ĐƯỢC BIỂU HIỆN NHƯ THẾ NÀO ?
Những nhiễm trùng quanh hậu môn do liên cầu khuẩn (perianal streptococcal infection) thường xảy ra ở những trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi. Chứng viêm da này được biểu hiện ở vùng quanh hậu môn bởi ban đỏ nóng, được giới hạn rất rõ. Ở vài bệnh nhân, ban có màu đỏ sáng với bề mặt ướt, trong khi ở những bệnh nhân khác ban khô và màu hồng. Thường không có sốt, thường bị chậm trễ trong việc cấy, chẩn đoán và khởi đầu điều trị.
IV/ Một đứa trẻ tạng dị ứng (atopic) với chàm mãn tính, đột ngột phát triển một ban mụn nước (vesicular rash) đau đớn ở những vùng trước đây bị chàm. Chẩn đoán khả dĩ nhất là gì ?
Eczema herpeticum, gây nên bởi herpes simplex, là một sự phát ban mụn nước (vesicular eruption) được tập trung ở những vùng da bị chàm. Những trẻ với eczema herpeticum thường ốm nặng với sốt cao, khi bệnh có thể bị biến chứng bởi các nhiễm trùng vi khuẩn thứ phát. Điều trị với acyclovir tĩnh mạch được khuyến nghị đối với thương tổn lan rộng hay tiến triển nhanh.
V/ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG CỦA SỞI ?
Sởi, gây nên bởi một virus RNA trong họ Paramovirus, đã hầu như bị trừ tiệt ở Hoa Kỳ. Những dịch bệnh đã được thấy gần đây nhất trong đầu những năm 1990, và những trường hợp lẻ tẻ còn xảy ra trong số những du khách và dân nhập cư. Sởi là một bệnh cấp tính được đặc trưng bởi sốt, ho, sổ mũi, viêm kết mạc, và một ban đỏ dát-sần (erythematous maculopapular rash), bắt đầu trên trán và sau tai, lan đến mặt, cổ, thân trên, và các chi. Những đốm Koplik, những chấm đỏ sáng với những đốm trắng ở trung tâm, trên niêm mạc miệng gần những răng hàm thứ hai, được thấy trong giai đoạn sớm của bệnh và là dấu hiệu đặc hiệu của bệnh.
VI/ CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT GIỮA HỒNG BAN ĐA DẠNG VỚI HỘI CHỨNG STEVENS-JOHNSON
HỒNG BAN ĐA DẠNG (ERYTHEMA MULTIFORME)
Hồng ban đa dạng là một phản ứng tăng nhạy cảm (hypersensitivity reaction) cấp tính ở da và niêm mạc, thường xảy ra nhất dưới dạng “thứ yếu”, tự giới hạn (self-limited minor form)
***6
Đó là một ban đỏ dát-sần (maculopapular rash), được đặc trưng bởi những thương tổn lớn rộng ra, tạo thành các mảng tròn hoặc hình dáng không đều. Những vòng đồng tâm của ban đỏ và sự biến đổi thành màu xám sẩm có thể tiến triển, tạo nên những thương tổn điển hình hình bia (target-like lesions). Những thương tổn này có thể hợp nhất lại và phát triển một bờ hình vòng hay hình con rắn (serpiginous).Tiến triển thường ngắn ngủi và biến mất trong vòng 2 tuần, nhưng thường hay tái phát. Có thể có sưng khớp liên kết.
STEVENS-JOHNSON SYNDROME
Hội chứng Stevens-Johnson được mô tả vào năm 1922 bởi hai thầy thuốc nhi khoa có tên là Stevens và Johnson. Hội chứng này được xem như là một biến thể quan trọng của hồng ban đa dạng (erythema multiforme) và gồm có sự tróc da và niêm mạc nghiêm trọng và lan rộng, có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng. Tiến triển kéo dài, nhưng hiếm khi xảy ra tái phát.
Những yếu tố phát sinh đối với hồng ban đa dạng và hội chứng Stevens-Johnson gồm có thuốc (sulfonamides và các thuốc chống động kinh), những nhiễm trùng (HSV, EBV, mycoplasma, lao phổi, và giang mai) và những rối loạn miễn dịch (SLE và inflammatory bowel disease). Điều trị đối với cả hai thể này phần lớn là điều trị hỗ trợ (supportive care). Những bệnh nhân với hội chứng Stevens-Johnson đòi hỏi nhập viện, đôi khi trong một đơn vị bỏng chuyên môn ; nguy cơ tử vong cao.
VII/ Ban đỏ của Rocky Mountain spotted fever thay đổi với thời gian như thế nào ?
Ban lúc khởi đầu đỏ (erythematous) và dát (macular), nhưng sau đó trở nên sần (papular) hơn và thường có đốm xuất huyết (pétechial). Đầu tiên ban xuất hiện ở cổ tay và mắt cá chân, trong vài giờ lan tràn hướng tâm để xuất hiện ở phần gần của các chi và thân mình. Nói chung những lòng bàn tay và lòng bàn chân bị thương tổn.
VIII/ Một đứa trẻ giúp mẹ cắt những cây chanh lá cam (lime, linden) trước khi đi ra ngoài để chơi và sau đó trở lại với những bàn tay bị viêm, nhanh chóng phát triển một tăng sắc tố (hyperpigmentation). Tên của ban này là gì và tác nhân căn nguyên ?
Tình trạng này là một loại toxic photoreaction được gọi là phytophotodermatitis. Nó được gây nên khi da tiếp xúc với psoralen, một tác nhân gây cảm quang (photosensitizing), và ngay sau đó với ánh sáng mặt trời. Psoralens có thể được tìm thấy trong vài nước hoa, thực vật, cây cỏ, trái cây và rau. Cây chanh lá cam (lime), cần tây (celery), và parsley cũng chứa psoralen.
IX/ NHỮNG TÍNH CHẤT ĐIỂN HÌNH CỦA BỆNH VẢY CÁM HỒNG (PITYRIASIS ROSEA) ?
Được thấy chủ yếu ở các thiếu niên, bệnh vảy cám hồng (pityriasis rosea) bắt đầu ở 80% các bệnh nhân với một thương tổn lớn, hình bầu dục, đơn độc được gọi là mảng báo trước (herald patch), xuất hiện ở nơi nào đó trên thân mình.Tiếp theo sau nổi lên những sần (papule) có màu thay đổi từ hồng đến nâu và có những vảy ở ngoại biên. Những thương tổn được mô tả như là có dạng cây giáng sinh (Christmas tree pattern) ở lưng và phần lớn xuất hiện ở các vùng thân, trừ mặt, da đầu, và các đầu chi. Sự phát ban kéo dài và có thể kéo dài 4- 8 tuần.
X/ LIỆT KÊ NHỮNG TÍNH CHẤT CHỦ CHỐT PHÂN BIỆT BAN XUẤT HUYẾT HENOCH-SCHONLEIN VỚI NHỮNG BAN XUẤT HUYẾT NHIỄM KHUẨN QUAN TRỌNG HƠN.
HENOCH-SCHONLEIN PURPURA
– Sự phân bố thường giới hạn ở các chi, Thường nhất xuất hiện ở phần dưới cẳng chân, mông, và đôi khi chi trên. Ở các nhũ nhi có thể thấy ở mặt.
– Những tính chất liên kết gồm có đau khớp, đau bụng, và tiểu ra máu.
– Đứa trẻ có vẻ mạnh khỏe trừ đau khớp và (đôi khi) đau bụng.
– Đếm tiểu cầu và những trắc nghiệm đông máu khác bình thường
PURPURA FULMINANS (BAN XUẤT HUYẾT TỐI CẤP)
– Phân bố lan rộng của ban xuất huyết
– Những tính chất liên kết gồm có ngủ lịm, giảm thông khí, và choáng
– Đứa bé dạng vẻ ốm với những mức độ nhiễm độc khác nhau
– Giảm tiểu cầu và các trắc nghiệm đông máu bất thường.
XI/ 5 BIỂU HIỆN NGOÀI DA CÓ THỂ THẤY TRONG HỘI CHỨNG KAWASAKI
– Môi đỏ, nứt và khô
– Ban đỏ đa hình trên thân, có thể dạng tinh hồng nhiệt hay sởi.
– Bàn tay và bàn chân đỏ, sưng
– Bong (peeling) quanh móng và các ngón tay
– Ban tróc vảy vùng đáy chậu.
XII/ Vài triệu chứng ngoài da có thể lầm với ngược đãi trẻ em (child abuse)
+ LICHENS SCLEROSIS là một bệnh ngoài da được tìm thấy ở những vùng âm hộ và quanh hậu môn của phụ nữ và đôi khi trên bộ phận sinh dục nam. Những mảng được tạo thành, dẫn đến những vùng hóa rắn và teo bóng, thường giống những vết thâm tím
+ MONGOLIAN SPOTS là những vùng tăng sắc tố chắp vá, thường được thấy nhất trên xương cùng. Những thương tổn này thường được thấy hơn ở những nhũ nhi da sẫm màu.
Những trẻ em của những dân nhập cứ từ đông nam Á có thể có một kiểu những vết thâm tím hay những đốm xuất huyết do « coining » (xoa bóp bằng đồng tiền) trên lưng và thân mình, thường trong và sau một bệnh sốt. Điều trị dân gian bằng cách chà xát bằng đồng tiếng hay bằng cái muỗng (coin hay spoon rubbing) này nhằm trừ khử cơ thể khỏi những luồng gió xấu.
Chúng ta đừng quên rằng những trẻ té ngã và bị những thương tổn nhẹ. Những vùng bầm tím không có ý thường xảy ra gồm những vùng trên những chỗ lồi xương như ở cẳng chân, đầu gối, cẳng tay, khuỷu tay, trán, và cằm.
XIII/ Bệnh GHẺ (SCABIES) biểu hiện ở trẻ em như thế nào ?
Ghẻ ở nhũ nhi và trẻ nhỏ đi chập chững có thể chàm hóa (eczematous) hơn và ít điển hình hơn ở người lớn. Ngoài những hang (burrow) đặc trưng ở bàn tay và bàn chân, những nhũ nhi nhỏ tuổi có thể có viêm da khuếch tán trên thân mình, mặt, cổ, và da đầu. Nách, vùng tã, những lòng bàn tay và bàn chân là những nơi phân bố thường gặp. Vì những nhũ nhi không thể gãi những thương tổn ngứa dữ dội, nên chúng có thể trở nên cáu kỉnh và ngủ kém.
XIV/ Những biểu hiện ngoài da của lậu cầu khuẩn huyết tỏa lan (disseminated gonococcemia) là gì ?
Những thương tổn đã liên kết với lậu cầu khuẩn huyết tỏa lan (disseminated gonococcemia) thường ở các chi và có thể nằm trên những khớp bị thương tổn. Ban đầu những dát nhỏ xuất hiện và tiến triển thành sần. Những thương tổn nhạy cảm này có thể phát triển một mụn nước nhỏ và sau đó một trung tâm hình rốn màu xám. Một chẩn đoán có thể được xác lập với nhuộm gram hay cấy những thương tổn da.
XV/ Hiện tượng KOEBNER là gì ?
Koebnerization là một phản ứng của da trong đó những thương tổn phát triển ở những chỗ kích thích hay thương tổn tại chỗ Nhũng thí dụ có thể được thấy ở những bệnh nhân với psoriasis, lichen planus, lichen nitidus, và mụn cơm.
XVI/ POISON IVY có dễ lây không ?
Một nhận thức sai thường gặp trong gia đình và ở những nhân viên trường học là nổi ban do dây thuờng xuân độc (poison ivy) là lây nhiễm.
Sự tin tưởng sai lầm này xảy ra bởi vi các mụn nước (vesicle) và những bóng rỉ nước (weeping bullae) phát triển ở vài cá nhân. Một khi da, quần áo, và các móng tay được làm sạch khỏi nhựa từ cái cây xảo trá này, ban sẽ không lan xa hơn những vùng da bị tiếp xúc. Góp phần vào nhận thức sai lầm này là sự kiện những vùng bị nhiễm tối thiểu có thể phát triển 5-10 ngày sau khi những vùng bị nhiễm nặng xuất hiện. Kết luận là đứa trẻ nên đi học trở lại !
XVII/ NHỮNG TÁC NHÂN DÙNG TẠI CHỖ CÓ NÊN ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ ĐIỀU TRỊ POISON IVY ?
Bất hạnh thay, những nghiên cứu tốt đã cho thấy rằng hydrocortisone đắp tại chỗ và những antihistamine không có hiệu quả lên poison ivy hơn thuốc xức làm dịu, như calamine. Điều trị hỗ trợ cho những trường hợp nhẹ gồm có tắm, gạc mát, và thuốc xức calamine. Những thuốc steroids bằng đường miệng hầu như luôn luôn kiểm soát viêm da cấp tính và thích hợp đối với những trường hợp trung bình đến nặng. Antihistamines bằng đường miệng có thể hữu ích.
XVIII/ U HẠT SINH MỦ (PYOGENIC GRANULOMA) LÀ GÌ ?
Một u hạt sinh mủ (pyogenic granuloma) là một sự tăng sinh huyết quản tăng nhanh, phát triển ở vị trí của một chấn thương rõ rệt hay không được nhận biết. Mặc dầu tên gọi như vậy, thương tổn này không lây nhiễm. Bệnh nhân thường đến phòng cấp cứu với xuất huyết ngẫu nhiên, hay sau chấn thương nhẹ tại chỗ. Xuất huyết cấp tính có thể được kiểm soát bằng đè ép kéo dài hay những que nitrate bạc (silver nitrate stick). Nhiên hậu, điều trị gồm electrodesiccation và nạo
XIX/ ERYTHEMA TOXICUM NEONATORUM
Một bà mẹ lo lắng mang đứa con tháng tuổi đến phòng cấp cứu. Nhũ nhi có một bệnh sử 2 ngày một ban mụn mủ (pustular rash) nhỏ trên mặt và trên
thân thể, đã lan tràn nhanh và bây giờ có trên 100 thương tổn, Điều này có đang quản ngại không ?
Trấn an là tất cả những gì cần thiết đối với cả người mẹ và thầy thuốc. Đậy là một mô tả điển hình đối với erythema toxicum neonatorum, một nỗi ban hiền tính, tự lành, thường xuất hiện giữa 3-4 ngày đầu và đôi khi muộn đến ngày thứ 10. Những thương tổn bắt đầu như blotchy erythema, phát triển thành những sần hay mụn mủ vàng nhạt hay trắng. Mỗi thương tổn keo dài khoảng 2 ngày, và khám te bào hoc, nếu cần để phân biệt với những ban khác, phát hiện những cluster nhung eosinophil và neutrophil và một sự vắng mặt của vi khuẩn
XX/ Những đặc điểm của TRANSIENT PUSTULAR MELANOSIS ?
Ban hiền tính trẻ sơ sinh này gồm những thương tổn mụn nước-mụn mủ (vesiculopustular) nông, hiện diện lúc sinh. Những thương tổn này vỡ dễ dàng khi tắm lần đầu tiên, để lại một collarette những vảy trắng, mịn và nhưng đất tăng sắc tố nâu. Những thương tổn phai đi trong vòng vài tuần đến vài tháng và không có triệu chứng.
XXI/ ĐIỀU TRỊ THÍCH HỢP CỦA MỘT CHÍN MÉ DO HERPES SIMPLEX (HERPETIC WHITLOW) ?
Chín mé do herpes simplex (herpetic whitlow) là một nhiễm tại chỗ do virus herpes simplex, gồm những thương tổn mụn nước đơn độc hay nhiều, ở phần xa của các ngón tay và ngón chân. Đợt đầu tiên có thể kèm theo viêm lợi răng-miệng do herpes (herpetic gingivostomatitis). Điều trị gồm săn sóc tại chỗ đối với những trường hợp nhẹ, trong khi những trường hợp với những thương tổn nặng có thể được điều trị với acyclovir bằng đường miệng. Tránh xẻ và dẫn lưu, vì điều này có thể kéo dài quá trình hồi phục và làm xấu tình trạng.
XXII/ Tình trạng nào được liên kết với những mụn mủ tái diễn trên chân của vài nhũ nhi ?
INFANTILE ACROPUSTULOSIS là những đợt 7-10 ngày của những mụn mủ ngứa và những mụn nước-sần (papulovesicle) trên những bàn tay và bàn chân của nhũ nhi. Tuổi khởi đầu thường giữa 2 và 10 tháng và biến đi khoảng 2 đến 3 tuổi.
XXIII/ Những điểm tương tự và khác nhau giữa GRANULOMA ANNULARE và TINEA CORPORIS ?
Cả hai được đặc trưng bởi những mảng hình tròn (circular plaques) gồm một vòng các sần (papules) xung quanh một trung tâm lõm xuống
Granuloma annulare là một vòng của các sần đỏ hay màu da, không bong vảy, thường nhất được thấy ở mặt lưng của bàn tay và bàn chân. Chúng không đối xứng và biến đi một cách ngẫu nhiên sau vài tháng đến một năm.
Tinea corporis là một nhiễm nấm thông thường, nông, gồm những thương tổn với những bờ viêm bong vảy, xuất hiện bất cứ nói nào trong cơ thể. Có thể có nhiều thương tổn
XXIV/ Tại sao một DIAPER RASH không biến đi với điều trị chuẩn ?
Đây có thể là một trong những biểu hiện ngoài da của histiocytosis X, một rối loạn được đặc trưng bởi sự tăng sinh của những Langerhans histiocytes trong da hay những hệ cơ quan khác. Hãy xét làm một sinh thiết để xác nhận chẩn đoán hay sự vắng mặt của histiocytosis X khi một ban do tã (diaper rash) đề kháng hay bất thường, gồm những ban khuếch tán, sần, bong vảy, và nứt không đáp ứng hoàn toàn với những thuốc kháng viêm hay chống nấm.
XXV/ Liệt kê những thức ăn đưa đến URTICARIA và ANGIODEMA
– củ lạc (peanuts)
– trứng
– chocolate
– loài tôm cua (shellfish)
– sữa
– quả dâu tây (strawberry)
– thuốc nhuộm v
XXVI/ Loại CHỐC LỞ (IMPETIGO) thông thường nhất : bóng giộp (bullous) hay không bóng giộp (nonbullous) ?
Chốc lở không bóng giộp (nonbullous impetigo) gồm những mụn nước hay mụn mủ nhỏ vỡ và sau đó phát triển thành những thương tổn đóng vảy cứng, màu mật. Nó chịu trách nhiệm 70% những trường hợp chốc lở và thường được gây nên bởi những liên cầu khuẩn.
Chốc lở bóng giộp (bullous impetigo) là dạng ít gặp nhất và thường được gây nên bởi loài sinh độc tố của tụ cầu khuẩn
XXVII/ Dấu hiệu NIKJOLSKY là gì ?
Đó là một tính dễ bị thương tổn của da đến độ biểu bì dáng vẻ bình thường có thể bị tróc đi với chấn thương nhẹ. Nó có thể được thấy trong những bệnh sinh bóng nước biểu bì (epidermal blistering diseases) như scalded skin syndrome và pemphigus vulgaris
XXVIII/ NHỮNG PHẦN NÀO CỦA CƠ THỂ ĐỂ BỊ ECZEMA HƠN ?
Ở các nhũ nhi, má, thân hình, và bề mặt dưới của các chi có khả năng bị chàm hơn. Khi trẻ lớn, cổ và các bề mặt gấp của cánh tay và cẳng chân thường xảy ra hơn. Trong cả hai trường hợp, hãy tìm kiếm sự đối xứng hai bên như là một chìa khóa của chẩn đoán.
XXIX/ CÁC BỆNH NHÂN VỚI ERYTHEMA INFECTIOSUM (BỆNH THỨ NĂM) CẦN CÁCH LY BAO LÂU ?
Bệnh nhiễm virus này được gây nên bởi parvovirus. Đối với hầu hết các bệnh nhân với dấu hiệu lâm sàng của một “ chiếc má bị tát ” và một ban hình dentelle (a lace-like rash) trên cánh tay và cẳng chân, không cần phải cách ly vào lúc chẩn đoán. Vào lúc ban trở nên rõ ràng trên phương diện lâm sàng, những bệnh nhân này không có khả năng lây nhiễm. Ban thường biến mất trong vòng 3 đến 6 ngày sau khi khởi phát.
XXX/ VIRUS GÌ GÂY BAN ĐÀO (ROSEOLA, RUBEOLE) ? NHỮNG ĐẶC TÍNH THÔNG THƯỜNG LÀ GÌ ?
Roseola infantum (exanthem subitum) (ban đào đột ngột) là một bệnh sốt cấp tính, chủ yếu xảy ra ở những trẻ nhỏ từ 6 đến 36 tháng. Bây giờ hầu hết các trường hợp được nghĩ gây nên bởi human herpes virus 6, một virus DNA thuộc họ Herpesviridae. Sau ba ngày sốt cao, bệnh nhân đột ngột hạ nhiệt, và một ban đỏ dạng sởi với những dát hồng xuất hiện. Ban bắt đầu trước hết trên thân và sau đó lan nhanh đến các chi, cổ, và mặt. Vào lúc đó ban quấy rầy cha mẹ hơn là bệnh nhân.
XXXI/ Những dấu hiệu thông thường trong HỘI CHỨNG GIANOTTI-CROSTI ?
Bệnh tự khỏi này được đặc trưng bởi những sần đỏ chủ yếu trên các chi, nhưng thường trên má và mông. Ban có thể kéo dài vài tuần. Mặc dầu được nhận diện đầu tiên ở châu Âu ở những trẻ với viêm gan B, nó được thấy ở Hoa Kỳ chủ yếu liên kết với những nguyên nhân khác, gồm Epstein-Barr virus, coxsackie, parainfluenzae, poliovirus, và những nhiễm trùng bởi liên cau khuẩn beta-dung huyết.
Syndrome de Gianotti-Crosti : đó là một sự nổi, hiếm và đối xứng, của những mụn nước nhỏ và đỏ, xuất hiện ở nhũ nhi và trẻ nhỏ. Nói chung nó bắt đầu trên những cẳng chân, đùi và mông và lan đến cánh tay. Đôi khi ta chứng thực những hạch và gan lách to. Bệnh lành một cách ngẫu nhiên trong 2 đến 8 tuần.
XXXII/ Một trẻ đi chập chững có vài dát nhỏ, tròn, đỏ, và viêm trong một cột thẳng xuống giữa ngực và bụng Căn nguyên khả dĩ nhất là gì ?
Một trong những nguyên nhân thông thường nhất của viêm da tiếp xúc (contact dermatitis) là dị ứng với nickel. Các nhũ nhi có những thương tổn da tương ứng với những định vị của những cái khóa trên quần áo ngủ hay quần áo khác. Tránh vật gây thương tổn bằng một áo lót hay quần áo không có khóa, và đắp một topical steroid nhẹ, sẽ giải quyết vấn đề
XXXIII/ Những triệu chứng ngoài da thông thường nào hiện diện ở những trẻ với sốt tinh hồng nhiệt ?
– Mặt đỏ với xanh tái quanh miệng
– Ban đỏ, khuếch tán, trắng khi đè, có thể chất giấy nhám (sandpaper consistency), với sự nổi bật ở nách và bẹn.
– Những đường Pastia ở mặt gấp của khuỷu tay
– Bong vảy khi giai đoạn cấp tính tan đi.
XXXIV/ Tại sao vài trẻ em có một đáp ứng gia tăng đối với những vết cắn côn trùng ?
Những trẻ em với mày đay sần (papular urticaria) trải nghiệm một bệnh da ngứa, gây nên bởi những vết chích của muỗi, bọ chét, hay những côn trùng khác. Phản ứng tăng nhạy cảm thường xảy ra ở những nhũ nhi và những trẻ em trong những tháng mùa xuân và hè. Những thương tổn xảy ra từng đám ở những vùng bị phơi trần và kéo dài trong vài ngày đến vài tuần. Chúng có thể bị trầy và trở nên nhiễm trùng thứ phát. Điều trị gồm có topical lotion (thuốc rửa), steroid, và những antihistamine. Thuốc trừ sâu và phủ những vùng bị phơi trần giúp phòng ngừa vấn đề ở những cá nhân mẫn cảm.
XXXV/ Làm sao có thể phân biệt IRRITANT CONTACT DIAPER RASH với CANDIDA DIAPER DERMATITIS ?
Generic diaper rash được gây nên do tiếp xúc của da với nước tiểu hay phân trong môi trường ẩm ướt, kín, tạo nên bởi một tấm tã . Những sản hay những mảng đỏ xuất hiện trên những bề mặt nhô lên của những vùng mang tã, đặc biệt trong những vùng nếp gấp đã gối lên nhau và da trực tiếp kế cận những phần plastic của tã.
Candida diaper dermatitis phát xuất từ khuẩn chí ruột, Candida albicans. Những nét đặc trưng của ban nhiễm (infectious rash) này gồm ban đỏ và ngâm (maceration) quanh hậu môn, lan tràn để sinh ra những mảng ẩm ướt, đỏ sáng và hội tụ trong vùng tã, đặc biệt trong những nếp hăm kẽ. Những thương tổn vệ tinh thường xảy ra.
XXXVI/ Những biểu hiện ngoài da của Kwashiorkor ?
Kwashiorkor (hội chứng thiếu dinh dưỡng trẻ em) là một loại thiếu dinh dưỡng chất đạm (protein malnutrition) và được đặc trưng bởi ỉa chảy, cáu kỉnh, và phù của các bàn tay và bàn chân. Những mảng nhỏ, đậm màu xuất hiện ở những điểm đè ép của khuỷu, mắc cá, cổ tay, và đầu gối và sau đó lăn ra. Những mảng này có bờ rõ rệt và tróc vỏ. Những vết nứt ở bờ miệng cũng được nhận thấy. Một sự biến thành màu đỏ-nâu toàn thể của da với phù toàn thể có thể hiện diện
XXXVII/ Những biểu hiện ngoài da của thiếu kẽm ?
Sự thiếu hụt do chế độ ăn uống hay sự hấp thụ không thích đáng của kẽm dẫn đến acrodermatitis enteropathica. Bệnh này được đặc trưng bởi ban đỏ, sự đóng vảy cứng, và sự nứt của da quanh miệng và má. Vùng tả có thể phát triển một ban đỏ khuếch tán với bờ có giới hạn rõ rệt trên bụng. Những thương tổn có dạng vẩy nến có thể phát triển quanh hậu môn và trên các mông và chân. Điều trị với cho bổ sung kẽm trong chế độ ăn uống có thể mang lại sự biến mất rõ rệt tất cả những triệu chứng da và toàn thân.
Reference : Pediatric Emergency Medicine Secrets.
Đọc thêm :
– Cấp cứu nhi khoa số 4 : Những bệnh nhiễm khuẩn thông thường trẻ em
– Cấp cứu nhi khoa số 23 : Pediatric Exanthems
– Cấp cứu nhi khoa số 25 : Infectious disease associated with exanthems
– Cấp cứu bệnh ngoài da số1 : Scabies and pediculosie
– Cấp cứu bệnh ngoài da số 2 : Bacterial skin infection
BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(3/1/2023)