Cấp cứu nhi khoa số 28 – BS Nguyễn Văn Thịnh

ỈA CHẢY Ở TRẺ EM
(DIARRHEA IN CHILDREN)

I/ ỈA CHẢY LÀ GÌ ?

     Ỉa chảy được định nghĩa như là một sự giảm độ đặc (consistency), hay một sự gia tăng tần số của phân. Có những biến thiên rõ rệt về số lượng, thể tích, và độ đặc “ bình thường” của phân giữa các cá thể. Thí dụ những nhũ nhi bú sữa mẹ có thể đi cầu hơn 7 lần mỗi ngày.Theo quy tắc, các nhũ nhi sản xuất phân giữa 5-10g/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Một số lượng lớn hơn hay một tần số lớn hơn 10 lần đi cầu mỗi ngày tạo nên ỉa chảy trong nhóm tuổi này. Vào năm 3 tuổi, xuất lượng phân đạt những trị số chuẩn của người lớn 100g/ngày ; một chế độ ăn uống nhiều sợi gia tăng thể tích. Xuất lượng phân hơn 200 g /ngày đáp ứng định nghĩa về ỉa chảy.
     Ỉa chảy được gây nên bởi một rối loạn về các cơ chế điều hòa sự vận chuyển dịch và chất điện giải của ruột. Viêm không đặc hiệu, sự xâm nhập biểu mô bởi các vi sinh vật, tình trạng quá mức dịch hay đường, và các tác nhân dược học tất cả đều có can dự vào.

II/ THỜI GIAN CÁC TRIỆU CHỨNG ĐÓNG VAI TRÒ GÌ TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH NGUYÊN NHÂN CỦA ỈA CHẢY ?
      Ỉa chảy kéo dài dưới 2 tuần được xếp loại là cấp tính và, trong đại đa số các trường hợp, do nhiễm trùng ruột.
      Các nhiễm trùng ngoài ruột như nhiễm trùng đường tiểu, viêm tai giữa, và ruột thừa viêm cũng có thể gây ỉa chảy và cần được loại bỏ.
      Ỉa chảy cấp tính cũng có thể là kết quả của các độc tố được mang bởi thức ăn (food-born toxins), hay là biểu hiện ban đầu của sự không dung nạp chất đạm của protein sữa hay đậu nành.

      Chẩn đoán phân biệt của ỉa chảy kéo dài hơn hai tuần thay đổi theo tuổi của bệnh nhân. Ỉa chảy mãn tính ở nhũ nhi có thể xảy ra sau nhiễm trùng, kết quả của sự không dung nạp chất đạm hay suy dinh dưỡng, xảy ra sau những rối loạn chuyển hóa như xơ hóa nang (cystic fibrosis : mucoviscidose) hay những thiếu sót men và vận chuyển, hay thứ phát những bất thường cơ thể học như hội chứng ruột ngắn (short bowel syndrome) hay sự teo bẩm sinh của những những vi mao   ruột (microvillus).
      Ở những trẻ lớn hơn và những trẻ đi chập chững, sự không dung nạp chất đạm (protein intolerance) và ỉa chảy sau nhiễm trùng còn thường xảy ra. Những trẻ trong nhóm tuổi này thường có ỉa chảy mãn tính, không đặc hiệu, hay toddler’s diarrhea. Những nguyên nhân khác gồm có giardiasis, celiac sprue (bệnh ỉa chảy mỡ), thiếu hụt sucrase-isomaltase, và viêm tiểu-kết tràng (enterocolitis) Hirsprung.
     Ở những trẻ tuổi đi học và những thiếu niên, hãy xét đến giardiasis, celiac disease, sự không dung nạp lactose, ruột dễ kích thích, và bệnh ruột viêm (IBD). Những thiếu niên với ỉa chảy mãn tính phải được hỏi về sự sử dụng/lạm dụng thuốc nhuận tràng, vì có thể chúng bị chứng chán ăn (anorexia) hay ăn uống vô độ (bulimia)

III/ BỆNH SỬ CÓ THỂ CHO NHỮNG ĐẦU MỐI NÀO ?
        – Những tác nhân sinh bệnh virus có khuynh hướng gây thương tổn ở phần gần của ruột non. Khởi đầu bệnh thường đột ngột, và thời gian bệnh hạn chế. Những bệnh nhân này có khả năng hơn không sốt và được biểu hiện bởi cả mửa lẫn ỉa chảy.Thường thấy liên kết với những triệu chứng hô hấp hay nổi ban.

        – Những tác nhân sinh bệnh vi khuẩn gây viêm đại tràng, với phân có máu hay dạng nhầy, và đau bụng quặn. Sốt và đau mót(tenesmus) có thể là những đặc điểm nổi bật. Sự phân biệt không tuyệt đối, bởi vì các độc tố vi khuẩn có thể cho phân toàn nước.

        – Ngộ độc thức ăn được đặc trưng bởi khởi đầu mửa đột ngột sau một bữa ăn. Phân mùi hôi gợi ý hấp thụ kém (malabsorption), trong khi một sự gia tăng đánh rắm (flatus) có thể thấy với Giardia hay chứng không dung nạp lactose. Hội chứng kích thích ruột (irritable bowel syndrome) được đặc trưng bởi đau bụng quặn, cũng như ỉa chảy thường xuyên vớiphân lỏng, thể tích nhỏ, luân phiên với bón ; stress vật lý và xúc cảm làm gia tăng tình trạng này

       Hãy hỏi về cuộc du lịch gần đây, những con vật cưng, và khả năng tiếp xúc với nước uống không được xử lý hay nước câu lạc bộ bị nhiễm phân. Thời gian của các triệu chứng và đồ thị thể trọng hay tỷ suất thể trọng/trọng lượng có thể chỉ rối loạn mãn tính tiềm năng. Hãy hỏi những câu hỏi về ăn uống, tần số của các tả ướt, và sự mất trọng lượng để đánh giá tình trạng mất nước

IV. LÚC KHÁM VẬT LÝ TÔI TÌM KIẾM GÌ ?
   
 Đánh giá một cách cẩn thận tình trạng cấp nước (hydration status) của đứa trẻ. Nhịp tim, chất lượng của các niêm mạc, capillary refill và perfusion, mắt hay thóp trũng xuống, và mức độ hoạt động, tất cả điều này mang lại những đầu mối quan trọng.
     Những trẻ với viêm dạ dày-ruột không biến chứng (uncomplicated gastroenteritis) có khuynh hướng có nhạy cảm đau bụng lan tỏa và nhẹ và những tiếng ruột hoạt động.

     Nhạy cảm đau khu trú (localized tenderness), nhạy cảm đau dội ngược (rebound tenderness), và những tiếng động ruột vắng bóng hay có cường độ cao, điều này chỉ khả năng có một quá trình ngoại khoa hay tắc ruột. Ấn chẩn thấy hay khối u (mass), hay một quai ruột riêng rẻ, điều này gợi ý bệnh viêm ruột (IBD : inflammatory bowel disease), lồng ruột, hay bón.
     Trương lực hậu môn gia tăng và phân nổ (explosive stools) phải khiến quan ngại về Hirschsprung’s enterocolitis, trong khi những mảnh da quanh hậu môn (perianal tags), những vết nứt (fissures) hay abscess là những dấu hiệu xác nhận của bệnh viêm ruột (IBD).
     Những trẻ em với bụng nhô lên và mông và chi teo dần phải được đánh giá tìm giardiasis, celiac sprue (bệnh ỉa chảy mỡ), và cystic fibrosis (mucoviscidose)

V/ KHI NÀO ỈA CHẢY LÀ NGUY HIỂM ?
  
  Can thiệp cấp cứu được đòi hỏi đối với đứa bé với mất nước mức tu trung bình đến nặng, hoặc là khi một nguyên nhân ngoại khoa được nghi ngờ. Các nhũ nhi và những trẻ em suy dinh dưỡng hay bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao nhất bị mất nước hay những bệnh toàn thân với ỉa chảy.
     Hirschspung’s enterocolitis có tỷ lệ tử vong lên đến 50% : bệnh nên được điều trị một cách nhanh chóng với giảm đè ép (decompression) bằng ống trực tràng (rectal tube) trong khi chờ đợi điều trị quyết định.

     Ruột thừa viêm, thường bị chẩn đoán nhầm ở trẻ em, có thể được thể hiện bởi ỉa chảy, thứ phát viêm cecum
     Khi các triệu chứng đau bụng, mửa và ngủ lịm đi kèm ỉa chảy ra máu, lồng ruột phải ở vị trí cao trong chẩn đoán phân biệt.
     Ỉa chảy không thể giải thích không phù hợp với một kiểu đặc biệt phải nêu khả năng Munchausen‘s by proxy ở một nhũ nhi hay một trẻ em nhỏ tuổi, và lạm dụng thuốc nhuận trường ở các thanh niên.
     Ỉa chảy đi kèm xanh tái có thể gợi ý hemolytic uremic syndrome.
     Ghi chú : hội chứng Munchhausen là một rối loạn tâm thần trong đó bệnh nhân khăng khăng đòi nhập viện để điều trị một bệnh không hề có : đây là một thể nặng của giả bệnh (malingering). Bệnh có thể được mô tả với các chi tiết sống động và trong một số trường hợp bệnh nhân cố tình tự gây thương tổn để những mô tả có vẻ thật.

VI/ VAI TRÒ CỦA DAYCARE TRONG BỆNH ỈA CHẢY TRẺ EM

     Trong khi đứa trẻ dưới 3 tuổi trung bình có ba đợt ỉa chảy mỗi năm, nhịp độ tăng gấp đôi đối với những trẻ in daycare. Những trẻ trong khung cảnh này có  nguy cơ cao bị truyền b ở i những tác nhân gây bệnh đường ruột qua đường phân-miệng hay chất lây. Daycare attendance đã liên quan trong những cơn bộc phát rotavirus, shigella, campylobacter, giardia, và cryptosporidium.

VII/ KỂ NHỮNG NGUYÊN NHÂN NHIỄM KHUẨN THÔNG THƯỜNG CỦA ỈA CHẢY ?
Siêu vi trùng : Rotavirus, tác nhân norwalk, adenovirus enteric, astrovirus, calcivirus
     Vi khuẩn : Salmonella, shigella, campylobacter, yersinia, Escherichia coli, Clostridium difficile
     Ký sinh trùng : Giardia, cryptosporidium, Entamoeba histolytica, strongyloides

VIII/ NHỮNG TÌNH TRẠNG NÀO CÓ THỂ NHẦM VỚI ỈA CHẢY NHIỄM KHUẨN ?
– Ỉa chảy mãn tính, không đặc hiệu (của toddler)
           – Ỉa chảy gây nên bởi sorbitol
           – Dị ứng protein sữa
           – Không dung nạp lactose
           – Munchausen’s by proxy.

IX/  KHI NÀO KHÔNG PHẢI LÀ ỈA CHẢY ?

      Những trẻ với bón nặng có thể phát triển són ỉa do tràn đầy (overflow incontinence). Ỉa đùn (encopresis) thường làm bẩn với phân lỏng, rỉ ra quanh khối phân. Bệnh sử và khám vật lý có thể giúp phân biệt ỉa đùn với ỉa chảy. Những trẻ với ỉa chảy có thể làm điều đó đúng lúc ở phòng tắm.Trẻ ỉa đùn không nhận thức rằng chúng đang làm bẩn, do giảm trương lực và cảm giác trực tràng. Khám vật lý thuờng phát hiện những quai ruột đầy phân và phân bị nén lúc khám trực tràng, trong khi thường gặp một bệnh sử cho thấy sự tạo thành những vệt trong quần lót.

X/ MÁU VÀ DẠNG CỦA PHÂN CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG ?
       Máu hay niêm dịch có thể nhìn thấy trong phân gợi ý một căn nguyên viêm. Ngoài sự hiện diện của máu, màu của phân nói chung không quan trọng. Phân to  (bulky stools) được thấy trong kém hấp thụ mỡ (fat malabsorption), trong khi phân toàn nước bùng nổ (watery explosive stools) có thể chỉ sự kém hấp thụ đường.

     Cha mẹ có thể mô tả hình dạng của các hạt thức ăn chưa tiêu trong phân liên kết với ỉa chảy của trẻ đi chập chững (toddler’s diarrhea). Thật ra những hạt này là những hạt cellulose chưa tiêu không được phân hủy trong ruột già.

XI/ CÒN VỀ MÙI ?

       Sự hấp thụ đường kém đưa đến phân lỏng, hôi thối có một mùi như giấm. Phân của một bệnh nhân với hấp thụ mỡ kém là to và mùi hôi. Hãy xét bệnh celiac disease (ỉa chảy mỡ), cystic fibrosis, bất túc tụy tạng, và hấp thụ kém muối mật khi hiện diện của phân mỡ (steatorrhea). Phân mùi dễ chịu không hiện hữu.

XII/ THỨC ĂN NÀO CÓ THỂ GIỐNG PHÂN CÓ MÁU ?       
Những trẻ em đã ăn vào nước ép trái cây, gelatin, popsicles, Kool-Aid, những kẹo đỏ, cà chua, củ cải đường, hay cranberries có thể có phân đỏ.
        Phân giống hắc ín là do sự tiêu thụ những thuốc chống ỉa chảy chứa bismuth, sắt, licorice đen, spinach, blueberries, nho tím, chocolate, hay nước ép nho.

        Phân không có máu có thể trắc nghiệm dương tính ở một trẻ đã ăn thịt đỏ, quả anh đào, vỏ cà chua, hay những chất bổ sung sắt.

XIII/ CÓ NHỮNG THAY ĐỔI THEO MÙA CỦA NHỮNG TÁC NHÂN GÂY ỈA CHẢY NHIỄM TRÙNG ?
       Rotavirus, nguyên nhân thông thường nhất của ỉa chảy nhiễm trùng ở như nhi và trẻ em, thường xảy ra hơn trong những tháng mùa đông ở vùng khí hậu ôn đới. Không thấy sự thay đổi theo mùa trong các vùng có khí hậu nhiệt đới.

    Các tác nhân gây bệnh vi khuẩn thường xảy ra hơn trong những tháng hè hay đầu thu. Thịt nấu không chín và các hors d’oeuvre không được làm lạnh tốt trong những buổi picnic và những món ăn ngoài trời thường có liên hệ trong ia chảy nhiễm trùng. Sự lây nhiễm bởi phân nước câu lạc bộ và sự tiêu thụ nước ngọt không được xử lý bởi các người cắm trại có thể làm gia tăng sự phơi nhiễm với các ký sinh trùng trong những tháng mùa ấm hơn.
      
XIV/ CÁC TRẺ EM BỊ ỈA CHẢY CÓ NÊN TRÁNH NHỮNG SẢN PHẨM SỮA KHỔNG ?

       Khi ỉa chảy được kèm theo mửa, các dịch trong thường được dung nạp tốt hơn. Hãy ghi nhận rằng nên tránh nước ép táo, vì chứa sorbitol, có thể làm cho ỉa chảy nặng thêm. Đối với ỉa chảy đơn độc, sữa bột (formula) cung cấp dinh dưỡng cao. Một chế độ ăn uống không có lactose (lactose-free diet) thường được khuyến nghị trong thời kỳ hồi phục viêm dạ dày ruột, nhưng chỉ được đòi hỏi khi bị bệnh nặng hay suy dinh dưỡng. Những bệnh nhân với viêm ruột nặng có thể làm tổn hại brush border membrane của ruột non, với kết quả giảm tạm thời nồng độ của các enzyme như lactase. Sự hấp thụ kém đường, đặc biệt là lactose, có thể dẫn đến một ỉa chảy thẩm thấu, lên men (osmotic, fermentative diarrhea) kéo dài trong những trường hợp này. Đối với những nhũ nhi ỉa chảy phân nước và nổ (explosive), một sửa bột không có disaccharide như Prosobee hay Isomil-DF có thể hữu ích cho đến khi ruột phục hồi. Những trẻ lớn tuổi hơn với những triệu chứng này nên tránh những sản phẩm chứa lactose trong một đôi tuần.

XV/ CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG BRAT LÀ GÌ ?
B : bananas : chuối
       R : rice : gạo
       A : applesauce : nước ép táo
       T : toast : bánh mì nướng

XVI/ NHỮNG BIẾN CHỨNG NÀO CỦA ỈA CHẢY NHIỄM KHUẨN CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM ?
     
 Cả Shigella và E.coli có thể gây co giật do sốt cao hay sự chế tạo độc tố. Salmonella gây vi khuẩn huyết (bacteremia) ở khoảng 6% các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn ; tỷ lệ vi khuẩn huyết do salmonella 11-45% đã được ghi nhận ở các nhũ nhi và các trẻ sơ sinh. Các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và các bệnh nhân bị bệnh huyết học có nguy cơ gia tăng phát triển viêm xương-tủy. Nhiễm ký sinh trùng Giardia, cũng như celiac sprue và IBD, thường được biểu hiện bởi kém tăng trưởng.

       Sự tăng trưởng của C.difficile và sự phóng thích cytotoxin có thể dẫn đến một viêm đại tràng màng giả (pseudomembranous colitis).
       Cytotoxin được chế biến bởi E.coli 0157 : H7 gây nên thương tổn nội mạc khuếch tán, dẫn đến HUS (hemolytic uremic syndrome) và thrombotic thrombocytopenic purpura.10 % những bệnh nhân với nhiễm trùng E.coli 0157 : H7 phát triển một hoặc cả hai di chứng này.

XVII/ NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHUYỂN HOÁ CỦA ỈA CHẢY ĐÃ ĐƯỢC NHẬN DIỆN ?
     Neuroendocrine tumors, nhiễm độc do tuyến giáp, và tăng sản bẩm sinh tuyến thượng thận tất cả có thể gây ỉa chảy. Cả prostaglandin và serotonin có tính chất vận mạch ; những lượng quá nhiều của chúng có thể gây ỉa chảy bằng cách gia tăng di động ruột. Trong cystic fibrosis, ỉa chảy do sự hấp thụ kém, thứ phát bất túc tụy tạng.

XVIII/ KHI NÀO NHỮNG BỆNH NHÂN VỚI ỈA CHẢY NÊN ĐƯỢC GỞI CHO CHUYÊN KHOA ?
      Những nhũ nhi hay trẻ em với mất nước nặng hay tiến triển cần được chuyển để bù nước và monitoring. Sự chuyển cũng thích đáng đối với một bệnh nhân có vẻ nhiễm độc, hay phân có máu. Khi một trẻ có một dấu hiệu khu trú hay những dấu hiệu phúc mạc, một thăm khám ngoại khoa được chỉ định. Những bệnh nhân với bệnh mãn tính hay thiếu tăng trưởng nên được khám bởi một thầy thuốc chuyên khoa tiêu hóa.

XIX/ NHỮNG TRẺ EM VỚI ỈA CHẢY NÀO ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ BẮNG THUỐC CHỐNG NHU ĐỘNG (ANIMOTILITY AGENT) ?
      Các hợp chất chứa bismuth có hiệu quả trong ỉa chảy cấp tính. Nói chung chúng an toàn, mặc dầu bệnh não do bismuth (bismuth encephalopathy) đã được báo cáo ở những bệnh nhân với suy thận. Hoạt tính kháng vi trùng đối với E.coli, salmonella, shigella, và campylobacter đã được chứng minh, làm cho những dược phẩm này hữu ích trong những nhiễm trùng với những vi khuẩn sinh độc tố ruột (enterotoxigenic bacteria ; tính hữu ích trong viêm dạ dày-ruột do virus còn được bàn cãi). Phân đen do dùng thuốc này thường bị lầm với đại tiện máu đen  (melena).
      Tránh các chế phẩm có thuốc phiện, như Lomotil, và những chế phẩm thuốc phiện tổng hợp, như Imodium, ở những nhũ nhi và những trẻ nhỏ, và hãy sử dụng chúng một cách cẩn thận ở trẻ em. Cả hai có thể gây CNS-induced sedation và suy giảm hô hấp. Đặc biệt tránh lomotil vì chứa atropine. Những biến chứng khác gồm có tắc ruột tiêu hóa (gastrointestinal ileus) với mửa, trướng bụng và ỉa chảy nặng thêm. Sự ứ đọng ở ruột sau khi dùng những chất này có thể đưa đến sự xâm nhập thành ruột bởi những tác nhân gây nhiễm, khiến nhiễm trùng nặng thêm và tình trạng mang mầm bệnh và thải các vi khuẩn gây bệnh bị kéo dài ra.

XX/ KHI NÀO KHÁNG SINH ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH ?
      
Điều trị viêm dạ dày ruột do salmonella ở các nhũ nhi dưới 3 tuổi, ở những trẻ nhiễm vi khuẩn huyết dưới 1 năm, và ở những trẻ có vẻ nhiễm độc hay bị suy giảm miễn dịch hay không có lách. Ở những trẻ lớn hơn, viêm dạ dày ruột do salmonella tự giới hạn ; không có cải thiện lâm sàng về sốt, thời gian bệnh, hay mức độ nghiêm trọng xảy ra sau liệu pháp kháng sinh, thật ra điều này có thể kéo dài tình trạng mang trùng (carrier state). Sự đề kháng kháng sinh đối với shigella là một vấn đề quan trọng. Điều trị được khuyến nghị đối với những trẻ bị đau nặng và đối với những trẻ có triệu chứng kéo dài. Hãy xét điều trị trong daycare, vì shedding được ngừng lại trong 1 đến 2 ngày, dieu này làm giảm sự lan truyền giữa người với người.Điều này cũng đúng với campylobacter enteritis. Bệnh nhẹ và tự giới hạn, nhưng shedding có thể xảy ra trong đến 7 tuần nếu không được điều trị kháng sinh. Yersinia chỉ cần điều trị đối với bệnh nặng, nhiễm vi khuẩn huyết, hay có bệnh kèm theo. Trong khi thời gian bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trong nhiễm trùng do E. coli sinh độc tố ruột (traveler’diarrhea) có thể được làm giảm bởi các kháng sinh, chúng bị chống chỉ định trong những nhiễm trùng với E. coli 0157 : H7. Thật vậy sự phóng thích độc tố giống Shiga sau khi dùng kháng sinh có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển HUS. Điều trị dịch tả làm giảm thời gian bệnh, cùng với mất nước và tỷ lệ tử vong. Quan trọng hơn hết kháng sinh làm ngừng sự bài tiết vi khuẩn, kiểm soát sự lan truyền.

      Những nhiễm trùng nhẹ bởi C.difficile được cải thiện khi ngừng kháng sinh. Viêm ruột nặng nên được điều trị với vancomycin bằng đường miệng hay metronidazole. Không có liệu pháp hiệu quả được tìm thấy đối với cryptosporidium, trong khi Giardia đáp ứng với furoxone và metronidazole. Ngộ độc thức ăn hay nhiễm trùng do virus không điều trị kháng sinh.

XXI/ KHI NÀO TRẮC NGHIỆM ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH Ở NHỮNG TRẺ BỊ ỈA CHẢY
      Những trẻ em với ỉa chảy mãn tính hay với nguyên nhân không nhiễm trùng nênđược thăm dò, nếu được chỉ định, tìm những tình trạng như bệnh viêm đại tràng (IBD), celiac disease, hay không dung nạp carbohydrate. Giardia antigen testing, hay lấy những mẫu nghiệm trứng và ký sinh trùng, nên được thực hiện ở những trẻ em với ỉa chảy mãn tính và thiếu tăng trưởng. Gây tranh cãi hơn là ý niệm xét nghiệm thăm dò phân (stool screening tests) như là một phương tiện để nhận diện những trẻ có nguy cơ cao hơn bị nhiễm vi khuẩn. Dựa trên ý tưởng rằng viêm dạ dày-ruột vi khuẩn (bacterial gastroenteritis) thường gây nên viêm đại tràng, nhiều người chủ trương thăm dò phân ỉa chảy để tìm máu hay những bạch cầu như là phương tiện chọn lọc những bệnh nhân để cấy. Hemoccult testing, mặc dầu không đắc, có tính nhạy cảm kém và tính đặc hiệu vừa phải trong viêm dạ dày-ruột vi khuẩn. Sự hiện diện của các bạch cầu trong phân là hơi nhạy cảm hơn, nhưng ít đặc hiệu hơn. Phí tổn và thời gian kỹ thuật được đòi hỏi để làm xét nghiệm này làm cho nó ít thực tiễn hơn.

     Sự sử dụng những tiêu chuẩn lâm sàng và bệnh sử (sốt, máu hay niêm dịch có thể thấy được trong phân, không mửa, và tần số đại tiện), phối hợp với sự áp dụng chọn lọc screening test hay cấy phân, mang lại một phương tiện ít tốn kém để nhận diện những bệnh nhân với những tác nhân gây bệnh vi khuẩn. Một index of suspicion cao hơn được đòi hỏi đối với các nhũ nhi, vì những di chứng thường xảy ra hơn.Trong những tháng mùa đông, rotavirus stool antigen test có thể hữu ích trong mục đích kiểm soát nhiễm trùng.
      
Reference : Pediatric Emergency Medicine Secrets
Đọc thêm : Cấp cứu bệnh nhiễm khuẩn số 12 : Ngộ độc thức ăn

BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(9/12/2022)

Bài này đã được đăng trong Cấp cứu nhi khoa, Chuyên đề Y Khoa. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s