Tiếng Việt trong sáng

Thời còn đi học trung học mỗi học sinh được chọn sinh ngữ 1 và sinh ngữ 2 có nghĩa là sau khi học hết trung học, ngoài cái vốn thuần thục tiếng Việt cha sinh mẹ đẻ mỗi học sinh ít nhiều có được một số vốn về ngoại ngữ. Thời đó có 2 sinh ngữ thông dụng nhất là Anh văn và Pháp văn (học sinh chọn Anh văn làm sinh ngữ 1 và Pháp văn làm sinh ngữ 2 hoặc ngược lại).
Việc học ngoại ngữ không những chỉ để có thêm một tiếng nước ngoài để dọn đường cho việc học tập và nghiên cứu (trong những năm học đại học, hậu đại học hay trong việc làm sau này) mà còn để học được những điều hay về văn hóa, xã hội, lịch sử của xứ người. Để tìm hiểu thêm được những tinh tế của từng ngôn ngữ (nếu việc học ngoại ngữ được thực hiện đúng đắng). Và cũng từ đó mà biết tôn trọng giữ gìn cho tiếng mẹ đẻ được luôn trong sáng.

Tại sao gọi là « SINH » ngữ ? (bây giờ thì chỉ gọi là ngoại ngữ = tiếng nước ngoài) sinh ngữ dùng để gọi một ngôn ngữ đang đuoc xử dụng và không ngừng tiến triển, thích ứng với đời sống, xã hội, văn hóa của nước xử dụng ngôn ngữ đó. Trái lại với « TỬ » ngữ có nghĩa là một ngôn ngữ không còn được xử dụng hàng ngày nữa và cũng vì thế mà không còn được cái tiến, thích ứng với đời sống, văn hóa đương thời, điển hình như tiếng La Tinh là một tử ngữ !
Tiếng Việt là một sinh ngữ và cũng theo định luật chung của ngôn ngữ, nó không ngừng được cải tiến, làm thích ứng với đời sống xã hội, văn học của người Việt Nam từ lúc được tạo nên bởi Alexandre dẹ Rhodes vào thế kỷ thứ 17 (chữ quốc ngữ) cho đến giờ.

Hàng năm đều có những chữ mới được cập nhật hoặc thay đổi trong định nghĩa (những chữ hoàn toàn mới hoặc những chữ Việt hoá từ các ngôn ngữ khác)
Thế nhưng những năm gần đây những thay đổi này có chiều hướng hỗn độn, một số chữ mới được « phát minh » một cách vô tội vạ, đôi lúc tối nghĩa hay tệ hơn nữa là vô nghĩa ! những chữ mới xuất hiện mặc dù đã có từ lâu những chữ có cùng một định nghĩa, những chữ mới ra đời bởi sự « kết hợp tắt » của nhiều chữ, những chữ vay mượn của một ngôn ngữ khác v.v. Thêm vào đấy là cách viết của lớp trẻ đã làm mất đi rất nhiều tính trong sáng của tiếng Việt, những nhà báo, dẫn chương trình trên các đài truyền hình hay những « đại văn hào mạng » đã góp phần không ít cho sự hỗn loạn văn chương này.

Tôi không có tham vọng lượt ra đây tất cả những sự biến đổi của tiếng Việt trong những năm gần đây, tôi chỉ xin nêu ra một vài chữ trong muôn vàn ví dụ mà tôi cảm thấy thô thiển và khó chịu khi đọc hay nghe thấy:
Chùm ảnh: Chữ chùm dùng để chỉ những « cá thể » cùng loại dính liền với nhau, ví dụ như chùm nho, chùm dâu, chùm chôm chôm. Để nói về ảnh sao lại dùng chữ chùm ảnh ? Sao không dùng chữ tập ảnh ?
Cặp đôi: tại sao lại rắc rối hóa một ý nghĩa bằng cách ghép 2 chữ có cùng nghĩa thành một chữ kép ? Từ xưa người ta đã nói « Cặp tài tử nổi tiếng » hay « đôi bạn thâm giao », chữ « cặp » hay « đôi » đều có nghĩa là 2 cá thể rồi đâu cần phải vừa cặp lại thêm đôi nữa ?
Bề dày: bây giờ ở đâu cũng nghe nói « bề dày lịch sử », « bề dày văn hóa » chữ bề dày là để nói lên sự đo lường cụ thể: « bề dày của tấm ván này là 10cm », không thể dùng « bề dày » cho lịch sử hay văn hóa – là một khái niệm không thể đo lường cụ thể được – có thể nói Việt Nam có 4000 năm văn hiến nhưng nếu nói « bề dày văn hiến của Việt Nam là 4000 năm » là sai vì lúc thêm vào chữ bề dày thì con số 4000 năm trở thành một số đo lường chính xác mà không còn « chỉ là một khái niệm về thời gian nữa ».
Có tính khả thi: nếu nói có khả năng thực hiện được tuy dài hơn những rõ rằng và trong sáng
Giải phóng mặt bằng: giải phóng chỉ dùng cho những gì « sinh động và trừu tượng » (giải phóng dân tộc) chứ không dùng cho vật chết (đất đai, nhà cửa), tại sao không dùng « giải tỏa mặt bằng » (đối nghĩa của « giải tỏa » là « phong tỏa » vậy thì đối nghĩa của « giải phóng » ở đây là gì ?)
Chất lượng: dùng chữ này để chỉ phẩm chất là sai vì trong chữ này có đến 2 nghĩa: « Chất » (qualité) và « Lượng » (quantité). Nếu muốn nói về qualité thì phải dùng chữ « phẩm chất ».
Ô sin: tại sao không dùng chữ « người giúp việc » ? gọi ô sin thì thấy sang hơn hay sao ?

Đó là chưa nói đến đề nghị (quái đàng) cải đổi cách viết tiếng Việt của ông Bùi Hiền.

Thay đổi, cải tiến hay thêm vào kho tàng tiếng Việt đã có thì là một điều tốt, nhưng những sự cải tiến, thay đổi đó phải nhằm mục đích làm cho tiếng Việt một ngày một phong phú, trong sáng, thanh lịch hơn để sinh ra những mỹ từ, những lời hay ý đẹp chứ không phải để sinh ra những « quái thai » như thực trạng hiện nay.
Nếu mỗi người trong chúng ta không ý thức được từ từng chữ viết để cho việc xử dụng chữ nghĩa một cách bừa bãi vô tội vạ trở thành thói quen thì e rằng văn học Việt Nam sẽ dần dần trở thành một « đám quái thai đầu gà đít vịt chẳng đâu vào đâu ».
Nhất là với đà phát triển của mạng xã hội hiện nay sự phổ biến của những sai lầm này là vô bờ bến, việc phát tán từng câu từng chữ trở thành dễ dàng và nhanh chóng, nhiều người viết nhiều nói nhiều nhưng chính họ cũng không hiểu được đã viết gì hay nói gì, mạng xã hội trở thành một đống rác vĩ đại mà người đọc phải tự mình bới tìm những điều hay lẽ tốt và loại bỏ những cái sai cái xấu ! Nhưng mấy ai có được sự kiên trì này ? hay để rồi xuôi tay để cho đống rác rưởi thời đại cuốn đi !

Đó là chưa kể đến những người làm văn hoá nghệ thuật, những cán bộ các cấp trong lãnh vực giáo dục, những nhà lãnh đạo lại càng phải cẩn thận hơn trong việc dùng chữ cho đúng, vì ở trong vị trí của những người nầy cử chỉ, hành động lời nói của họ không thể coi nhẹ được. Người làm văn hóa mà phát biểu kém văn hóa, người làm giáo dục mà có hành động hay lời nói vô giáo dục thì xã hội này sẽ đi về đâu ?

Bài này đã được đăng trong Đôi dòng cảm nghĩ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s