Thời sự y học số 436 – BS Nguyễn Văn Thịnh

CHUYÊN ĐỀ BỆNH TÂM THẦN
PHẦN II

1/BỆNH TRẦM CẢM : ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ QUÁ ÍT
Cứ mười người thì sẽ có một sẽ bị ít nhất một đợt trầm cảm trong suốt cuộc đời mình.PSYCHIATRIE. Đó là một trong những bệnh thường gặp nhất, mà tên gọi bị tầm thường hóa đến độ đôi khi ta quên nó thật sự nghĩa là gì. ” Đối với người thầy thuốc, trong số những triệu chứng của trầm cảm, hai triệu chứng có một độ nhạy cảm và đặc hiệu đến độ sự hiện diện liên tục của chúng trong hơn 15 ngày cũng đủ phát hiện một cách trung thực một trầm cảm chính thức : khí chất trầm cảm (humeur dépressive), nghĩa là sự u sầu mà không có gì làm khuây khỏa được, và anhédonie, sự mất năng lực cảm thấy thích thú với điều mà ta thích làm vào lúc bình thường”, GS Pierre-Michel Llorca, thầy thuốc chuyên khoa tâm thần (CHU Clermont-Ferrand) đã giải thích như vậy. Ở Pháp, cứ 10 người thì có một bị, trong suốt cuộc đời mình, một đợt trầm cảm đặc trưng (một trầm cảm thật sự), có thể xảy ra một lần duy nhất hay tái phát. Và khoảng 30% những bệnh nhân trong y khoa tổng quát có, vào một lúc nào đó, một hay nhiều triệu chứng trầm cảm : những triệu chứng được kể, nhưng cũng mệt vào buổi sáng (fatigue matinale), rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, cảm giác tội lỗi (sentiment de culpabilité), khó tập trung, những ý nghĩ đen tối…
”Khi đó, điều quan trọng là khám thầy thuốc của mình vì những hậu quả khả dĩ của bệnh trầm cảm, GS Christophe Lanon, thầy thuốc tâm thần (bệnh viện Sainte-Margerite, Marseille) đã nhấn mạnh như vậy. Ta biết rằng cứ hai trường hợp tự tử thì có một xảy ra ở người đang hoặc đã bị đợt một trầm cảm. Mặc dầu trầm cảm không trực tiếp chịu trách nhiệm tự tử, nhưng nó là một yếu tố nguy cơ quan trọng mà ta có thể giảm bằng cách điều trị nó.”
Những yếu tố tạo thuận (facteur de vulnérabilité) cho tự tử cho phép phát hiện một nguy cơ gia tăng chuyển qua hành động. ” Một toan tính tự tử trước đây hay những tiền sử gia đình tự tử, sự ngược đãi sớm (maltraitance précoce) gia tăng nguy cơ này và phải được tìm kiếm, GS Philippe Courtet, thầy thuốc tâm thần (CHU Montpellier) đã giải thích như vậy. Nguy cơ càng gần kề và sự hỗ trợ của những người thân thuộc càng thấp, thầy thuốc sẽ có khuynh hướng cho nhập viện. ” Đào tạo tốt hơn những thầy thuốc đa khoa trong chẩn đoán, trong đánh giá mức độ nghiêm trọng và điều trị bệnh trầm cảm là hiệu quả trong phòng ngừa tự tử.
Thầy thuốc cũng sẽ yêu cầu một bilan máu để loại bỏ một nguyên nhân nội khoa của trạng thái trầm cảm này. ” Không thực hiện điều tối thiểu này là một sự đánh mất cơ may đối với những bệnh nhân “, GS Lançon đã nhấn mạnh như vậy. ” Ngoài sự gia tăng của nguy cơ tự tử, bệnh trầm cảm cũng ảnh hưởng lên sức khỏe bằng cách làm xáo trộn những chức năng quan trọng của cơ thể như giấc ngủ, sự ăn uống, libido…”, thầy thuốc tâm thần đã chỉ rõ như vậy. Thế mà nguy cơ tái phát gia tăng, 50% sau đợt trầm cầm đầu tiên, và ngay cả một đợt duy nhất để lại một tình trạng dễ bị thương tổn (vulnérabilité).
Tuy nhiên bệnh trầm cảm vẫn rất ít được chẩn đoán, và không chỉ trong y khoa tổng quát. ” Trong những bệnh viêm như xơ cứng rải rác hay những bệnh phong thấp, chứng trầm cảm, thường gặp hơn nhiều, dường như được làm dễ bởi sự viêm mãn tính. Một biến cố nghiêm trọng trong cuộc sống như một nhồi máu cơ tim có thể phát khởi một trầm cảm ; trong trường hợp này trầm cảm là một yếu tố tiên lượng tiến triển ít tốt hơn của nhồi máu. Những thầy thuốc chuyên khoa tim Hoa Kỳ kê đơn, với mục đích phòng ngừa, những thuốc chống trầm cảm sau một nhồi máu cơ tim “, GS Llorca đã chỉ rõ như vậy. Đối với ông, ” phải hệ thống hóa sự phát hiện chứng trầm cảm trong những bệnh lý nghiêm trọng này “.
Vì không được chẩn đoán đủ, nên bệnh trầm cảm không được điều trị đủ. Nếu cường độ của trầm cảm biện minh điều đó, thầy thuốc có thể kê đơn một thuốc chống trầm cảm được chọn ưu tiên trong số những thuốc có những tác dụng phụ ít nhất, nhất là như những inhibiteur de recapture de la sérotonine. Nhưng phải theo sát những bệnh nhân vào lúc đầu điều trị, và bắt đầu bằng những liều thấp để giảm bớt những tác dụng phụ này. ” Không có công cụ để tiên đoán một bệnh nhân có sẽ đáp ứng tốt hơn với một thuốc chống trầm cảm nào đó và sự lựa chọn vẫn khá thường nghiệm. Thường, liều lượng hay thời gian dựng thuốc không đủ”, GS Llorca đã chỉ rõ như vậy. Một thời hạn 4 đến 6 tuấn được khuyến nghị để đánh giá tính hiệu quả. Đối với GS Lançon,” Thật không thực tế đòi hỏi một bệnh nhân phải chờ 4-6 tuần trước khi có một cải thiện. Phải có thể tái đánh giá điều trị sau 3 hay 4 ngày để thích ứng tốt hơn những liều lượng.”
Điều trị chống trầm cảm này phải được theo đuổi ít nhất 6 đến 8 tháng sau khi biến mất hoàn toàn tất cả những triệu chứng ban đầu để tránh một nguy cơ tái phát. Phối hợp với thuốc chống trầm cảm, tâm liệu pháp, đặc biệt psychothérapie cognitivo-comportementale, đã chứng minh tính hiệu quả của chúng, cũng như sismothérapie trong những trầm cảm nặng. Tính hiệu quả của kích thích từ qua sọ (stimulation magnétique transcranienne) đã được đánh giá trong những trầm cảm đề kháng với những thuốc trầm cảm và cần những trang bị phức tạp. Kiến thức tốt nhất về nhưng cơ sở sinh học của trầm cảm cũng mở ra những triển vọng mới. ” Thí dụ, kétamine, một thuốc gây mê tổng quát chống đau rất mạnh, mang lại một phương sách quan trọng trong phòng ngừa tự tử bằng cách “hủy” tức thời những ý tưởng tự tử. Nó đang được thử nghiệm lâm sàng, vậy còn phải chờ đợi”, GS Courtet đã giải thích như vậy.
(LE FIGARO 30/1/2017)

2/ NHỮNG NGƯỜI GIÀ : NHỮNG TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM BỊ CHE DẤU (DÉPRESSION MASQUÉE)” Nếu tỷ lệ của bệnh trầm cảm không cao hơn ở những người già, có lẽ là bị đánh giá rất thấp, GS Michel Benoit, thầy thuốc chuyên khoa tâm thần (CHU Nice) đã đánh giá như vậy. Những triệu chứng trầm cảm ở người già khá khác với những triệu chứng của những người trưởng thành trẻ hơn…Tính tinh cũng có thể bị biến đổi, de cau, không khoan dung.”
Ngoài những tính chất yếu ớt (fragilités) mắc phải trong cuộc sống, những yếu tố dễ bị thương tổn (facteur de vulnérabilité), liên kết với sự lão hóa sinh lý, có thể lót đường, sau 50 tuổi, cho những bệnh thoái hóa-thần kinh (neurodégénérative) hay bệnh mạch máu thần kinh (neurovasculaire). Sự liên kết của hai cơ chế làm phát khởi hay tái kích động một trầm cảm. ” Phải đặc biệt chú ý những đợt trầm cảm xảy ra muộn này. Đôi khi, sự trầm cảm là phản ứng với một biến cố trầm trọng, như một tang chế. Nhưng ngoài khung cảnh này, có thể đó là một trầm cảm giả (pseudo-dépression), mở đầu cho một bệnh thoái hóa-thần kinh, thí dụ một Alzheimer “, thầy thuốc tâm thần đã nhấn mạnh như vậy.
Khó khăn khác, ” một sự cam chịu nào đó đứng trước sự buồn rầu, như thể khi trở thành già buồn là do bản chất “. Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng hơn ở người già có lẽ là nguyên nhân của một sự ít chẩn đoán và không điều trị đủ. ” Tuy nhiên, nếu ta chú ý ta sẽ tìm thấy những tiêu chuẩn nghiêm túc của bệnh trầm cảm, mặc dầu sự lãnh cảm và sự mất động cơ là thường gặp hơn. Và tỷ lệ tự tử, gia tăng một cách đáng kể với sự lão hóa, một cách không chối cãi là do sự trầm cảm và những điều kiện sống, đặc biệt do tình trạng cô lập, mà những người đàn ông khi đối diện với nó, dễ bị thương tổn hơn.”PHÁ VỠ TÌNH TRẠNG CÔ LẬP
Các thầy thuốc cũng không luôn luôn thoát khỏi một dạng cam chịu nào đó, một sự thiếu tinh thần can thiệp, được biện minh bởi ý chí không muốn làm hại thêm nữa, không thêm vào những thuốc, nhất là nếu như những thuốc này dường như ít hiệu quả hơn. ” Thầy thuốc phải giữ một thái độ duy ý chí (volontariste), GS Benoit đã nhấn mạnh như vậy, ngay cả khi đáp ứng đối với những thuốc chống trầm cảm là chậm hơn ở người già và nếu phải bắt đầu bằng những liều rất nhỏ rồi gia tăng dần dần cho đến khi đạt được hiệu quả, đồng thời chú ý đến những giao thoa thuốc.” Cũng phải điều trị đau. Một hỗ trợ tâm lý trị liệu cụ thể, thực tiễn, có thể hữu ích để trấn an người già về những năng lực thích nghi theo lứa tuổi của họ.
” Nhưng ngay cả điều trị tốt nhất sẽ không giúp những người già này nếu ta không phá vỡ tình trạng cô lập, sự cô đơn. Do đó tầm quan trọng thiết đặt những người phụ việc, những người giúp việc, và làm tất cả để phục hồi mối liên hệ xã hội chung quanh họ.” Và, ở những người trẻ hơn, tầm quan trọng khuyến khích ngay ở lứa tuổi 50 “bien viellir” (già mà khỏe), một vệ sinh đời sống tốt và sự duy trì một đời sống xã hội tích cực là thiết yếu.
(LE FIGARO 30/1/2017)

3/ PHÒNG NGỪA VÀ PHÁT HIỆN TRƯỚC VÀ SAU KHI CÓ THAI
Là thời kỳ dễ bị thương tổn vẻ mặt cảm xúc (vulnérabilité émotionnelle) và hypersensibilité psychique, thai nghén tạo một lúc thuận lợi cho sự xuất hiện của những triệu chứng trầm cảm và, ở 10 đến 15% những phụ nữ, cho sự xuất hiện của bệnh trầm cảm, mà tần số đạt cao điểm khoảng 6 tuần sau khi sinh.
Trong những triệu chứng trầm cảm này của thời kỳ chu sinh, những yếu tố kích thích tố và tâm-xã hội chằng chịt với nhau rất mạnh. ” Ở vài phụ nữ, tác dụng kích thích tố có lẽ có tính chất quyết định trong sự xuất hiện của một trầm cảm. Ở những người khác, sự ra đời của em bé, sự thiếu ngủ, stress, tình trạng cô lập sẽ góp phần mạnh mẽ cho sự xuất hiện của một trầm cảm, được vài người đồng hóa với một loại burn-out, thường được cải thiện bởi sự hỗ trợ, bởi những người thân thuộc, cho phép người mẹ ngủ và phục hồi một phần nào”, BS Anne-Laure Sutter, thầy thuốc chuyên khoa tâm thần (CH Charles-Perrens, Bordeaux) đã giải thích như vậy.
HỖ TRỢ XÃ HỘI.
Trong tình huống này, sự phòng ngừa và công tác điều tra phát hiện có tính chất quyết định. Do đó cuộc mạn đàm sớm trước khi sinh (entretien prénatal précoce) phải được đề nghị một cách hệ thống, rất sớm trong thời kỳ thai nghén, và cho phép phát hiện những yếu tố dễ bị thương tổn (facteur de vulnérabilité) và những yếu tố bảo vệ cần phát triển trước khi em bé ra đời. Rất ít phụ nữ yêu cầu điều đó. Cuộc mạn đàm cũng phải kéo dài, trong trường hợp cần, bởi một parcours de prise en charge psychologique spécialisé, càng hữu ích khi một nửa những đợt đầu tiên của các bệnh tâm thần cũng xảy ra trong thời kỳ chu sinh và rằng một phòng ngừa hiệu quả có thể tránh chúng một phần nào.
Những tiền sử trầm cảm, cá nhân hay ở những người thân, tạo yếu tố nguy cơ chính và gợi ý một vulnérabilité tiềm tàng. Chất lượng của mối liên hệ vợ chồng và sự hỗ trợ xã hội cũng rất quan trọng. ” Những thuốc chống trầm cảm có hiệu quả trong những trầm cảm thật sự, nhưng tốt nhất thường cần thận trọng và điều trị nhất là những triệu chứng như mất ngủ, và tạo điều kiện cho sự nâng đỡ, BS Sutter, đã đánh giá như vậy. Cũng không quên những người cha, trong thời kỳ này, cũng dễ bị trầm cảm như những người mẹ.”
(LE FIGARO 30/1/2017)

4/ MỘT IMPLANT NÃO CHỐNG BỆNH TRẦM CẢM
Sự kích thích vùng sâu của não mang lại một hy vọng điều trị mới cho 30% những trường hợp trầm cảm nặng đề kháng với mọi điều trị.
NEUROLOGIE. Những điện cực được cắm một cách thường trực trong não sẽ cho phép điều trị những trường hợp trầm cảm trầm trọng nhất. Một thử nghiệm lâm sàng, được tiến hành bởi bệnh viện đại học Fribourg-en-Brisgau, đại học Bonn (Đức) và đại học John Hopkins de Baltimore (Hoa kỳ) mang lại một hy vọng điều trị đối với 30% những trường hợp trầm cảm nặng. Các thầy thuốc đã cắm ở 8 bệnh nhân hai điện cực trong hai nhánh của bó trước của não, có can dự trong système de la récompense. Với sự kích thích vùng sâu của não, tình trạng của 6 trong số những bệnh nhân này đã được cài thiện trong khoảng 7 ngày. Lại còn hơn thế ! ” 4 bệnh nhân được thuyên giảm “, Thomas Schlaepfer, thuộc bệnh viện Fribourg-en-Brisgau, đã lấy làm hớn hở. Và sau 4 năm điều trị liên kết với một theo dõi tâm thần, những kết quả kéo dài. Tác dụng phụ duy nhất đáng ghi nhận, một strabisme được phát khởi bởi một cường độ quả cao ở vài bệnh nhân.
(SCIENCES ET AVENIR 5/2017)

5/ TRẦM CẢM : CON ĐƯỜNG CỦA CÁC THUỐC KHÁNG VIÊM.
BS Guillaume Fond, psychiatre ở clinique Jeanne-d’Arc, enseignant chercheur của université Paris-Est, giải thích tại sao những loại thuốc này cho phép điều trị một dạng bệnh trầm cảm nào đó.
Hỏi : Bệnh trầm cảm có thường gặp không và những loại khác nhau là gì ?
BS Guillaume Fond. Theo những thống kê mới nhất, 20% dân Pháp sẽ có một lần trầm cảm trong suốt cuộc đời mình. Đó là quá nhiều ! Và, vào năm 2020, căn bệnh này sẽ là nguyên nhân đầu tiên gây phế tật trong những nước phương Tây. Có 3 loại. 1. Đợt trầm cảm riêng rẻ (épisode dépressif isolé) không tiền sử (90% những trường hợp), được biểu hiện bởi một sự u sầu sâu đậm, một sự đau khổ tinh thần (souffrance morale) với mất hoàn toàn lạc thú. Những triệu chứng này có thể được liên kết với những triệu chứng khác, như một sự mệt rất lớn, mất cảm giác ăn ngon và mất ngủ, thậm chí những ý nghĩ tự tử (idées suicidaires). 2. Rối loạn đơn cực trầm cảm (trouble unipolaire dépressif) được biểu hiện bởi những đợt lập lại (épisodes à répétition). 5. Rối loạn lưỡng cực, được đặc trưng bởi một sự luân phiên của những đợt hưng phấn và u buồn sâu đậm.
Hỏi : Để xử trị bệnh này, những điều trị quy ước là gì ?
BS Guillaume Fond. Những đợt riêng rẻ được điều trị trong khoảng 6 tháng, với những thuốc chống trầm cảm hay một tâm liệu pháp, thậm chí một sự phối hợp cả hai. Những bệnh nhân bị trầm cảm đơn cực (dépression unipolaire) được điều trị lâu dài bằng những thuốc chống trầm cảm liên kết với một tâm liệu pháp. Những bệnh nhân bị những rối loạn lưỡng cực (trouble bipolaire) nhận những thuốc điều hòa khí chất và cũng có thể theo một tâm liệu pháp.
Hỏi : Những kết quả là gì ?
BS Guillaume Fond.
1. Ở 1/3 những bệnh nhân bị đợt riêng rẻ, các thuốc chống trầm cảm không hiệu quả. Khi đó ta có thể điều trị những trầm cảm đề kháng này bằng sốc điện (sismothérapie) nếu bệnh rất nặng. Trong phần lớn các trường hợp, điều trị này cho phép có được một thuyên giảm lâu dài, thậm chí một sự lành bệnh hoàn toàn.
2. Ở những bệnh nhân bị trầm cầm đơn cực (dépression unipolaire), ta ổn định được căn bệnh nhưng thường với những triệu chứng tồn đọng.
3. Trong dạng lưỡng cực, những triệu chứng có thể biến mất hoàn toàn ở khoảng 50% các bệnh nhân.
Hỏi : Không điều trị, những nguy cơ là gì ?
BS Guillaume Fond. Trong những trường hợp rất nặng, nguy cơ quan trọng là tự tử. Theo một báo cáo của OMS, trên thế giới cứ mỗi 40 giây có một người tự tử vì trầm cảm.
Hỏi : Một nguyên nhân mới của trầm cảm là do một phản ứng viêm ở não. Làm sao ta đã khám phá hướng nghiên cứu này ?
BS Guillaume Fond. Trong thì đầu, các công trình trên chuột đã cho thấy rằng khi ta chủng cho chúng một tác nhân gây viêm, chúng phát triển một trầm cảm. Một ít lâu sau, ta chứng thực rằng một nửa những bệnh nhân mà điều trị biến đổi hệ miễn dịch-viêm (système immuno-inflammatoire) trở nên trầm cảm. Sau đó nhiều công trình nghiên cứu đã được tiến hành.
Hỏi : Chúng đã chứng minh điều gì ?
BS Guillaume Fond. Những công trình này đã đo nồng độ của các chất chỉ dấu viêm trong máu của những bệnh nhân trầm cảm. Kết quả : 1/3 trong số họ có một nồng độ rất cao những phân tử viêm. Vậy có một mối liên hệ không thể chối cãi giữa một dạng trầm cảm và sự rối loạn này, mở đường cho những điều trị cá thể hóa mới.
Hỏi : Phải chăng những điều trị phối hợp với những thuốc kháng viêm đã được thực hiện ?
BS Guillaume Fond. Những thử nghiệm đã được thực hiện ở những người trầm cảm với thuốc uống oméga 3 trong 6 đến 8 tuần, đơn độc hay liên kết với một điều trị chống trầm cảm. Kết quả : chúng đã tỏ ra có hiệu quả trong việc cải thiện những triệu chứng của những bệnh nhân bị trầm cảm đơn thuần (những đợt riêng rẻ). Vậy những oméga 3 có thể được đề nghị ưu tiên, phối hợp với những thuốc chống trầm cảm và đối với vài bệnh nhân dùng đơn độc (monothérapie), điều này có ưu điểm tránh những tác dụng phụ của các thuốc chống trầm cảm.
Hỏi : Ngoài những oméga 3, những thuốc chống viêm khác nào đã được thử nghiệm ?
BS Guillaume Fond. Một công trình nghiên cứu so sánh đã được tiến hành ở Hoa Kỳ ở 60 bệnh nhân đề kháng với những thuốc chống trầm cảm. Các bệnh nhân được chia thành hai nhóm : một nhóm đã nhận, ngoài điều trị chuẩn, thuốc kháng viêm infliximab, nhóm kia một placebo. Trong nhóm được điều trị, ta đã nhận thấy rằng tính hiệu quả của các thuốc chống trầm cảm đã được gia tăng bởi thuốc ở những bệnh nhân bị một vấn đề viêm.
(PARIS MATCH 15-21/12/2016)

6/ BỆNH TRẦM CẢM : NHIỀU CƠ CHẾ SINH BỆNH
” Trong bệnh trầm cảm, nồng độ của một chất dẫn truyền thần kinh, sérotonine, thấp một cách bất thường. Nhiều thuốc chống trầm cảm (antidépresseur) tìm cách làm gia tăng nó, một cách trực tiếp hoặc bằng cách ức chế những thụ thể của sérotonine trên những neurone. Nhưng hơn 50% những trường hợp trầm cảm không đáp ứng, hay đáp ứng tồi với những thuốc chống trầm cảm này. Từ đó sinh ra giả thuyết là những trường hợp trầm cảm này và do chuyện khác.
Vài trường hợp trầm cảm có thể là do sự biến đổi của hai chất trung gian thần kinh (neuromédiateur) khác, gợi lên nhiều công trình nghiên cứu, GABA (nồng độ giảm trong bệnh trầm cảm) và glutamate (gia tăng trong bệnh này)”, GS Catherine Belzung (Inserm 930 đại học Tours) đã giải thích như vậy.
Một giả thuyết khác là một cơ chế viêm thần kinh (mécanisme neuro-inflammatoire) có thể đóng một vai trò. Stress cũng có thể can thiệp bằng cách gây nên một sự tăng tiết của cortisol, xấu đối với hippocampe của não. ” Các thuốc chống trầm cảm hiện nay gây nên sự tạo thành những neurone mới trong hippocampe, điều này giải thích sự phục hồi của sự điều hòa tốt của những hormone de stress “, nhà nghiên cứu đã giải thích như vậy. Cần được xác nhận.
(LE FIGARO 30/1/2017)

7/ BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆTỞ Pháp :
Cứ một trăm người có một người khả dĩ phát bệnh tâm thần phân liệt.
Đó là gì ?
Không kiểm soát được, hung bạo, tội phạm…Trong tri tuong tuong, người bị bệnh tâm thần phân liệt biểu hiện người “điên nguy hiểm” hoàn hảo. Tuy vậy, thực tế phức tạp hơn nhiều. Bệnh có những nét giống với một tập hợp những triệu chứng hơn là một hợp chứng thật sự. Các thầy thuốc xếp chúng thành 3 loại. Trước kết là nhận thức (cognitif) : rối loạn của những ý nghĩ, tình cảm, hành vi, sự biến đổi của sự phân biệt, của trí nhớ, của sự tập trung…Thêm vào đó là những triệu chứng “dương” : ảo giác, cảm giác bị truy hại (sentiment de persécution). Sau cùng, những triệu chứng “âm” giống với một sự khép mình tự kỷ (repli autistique) : thiếu sáng kiến, không hoạt động, khó hội nhập.
Những nguyên nhân :
Căn bệnh này phát ra khá muộn, giữa 20 và 30 tuổi. Có phải nói rằng người ta không sinh ra bị tâm thần phân liệt, nhưng ta trở thành nó ? Rằng mọi người có thể “mắc phải” căn bệnh đáng sợ này ? Không có gì ít chắc chắn hơn, bởi vì các chuyên gia đều nhất trí về tầm quan trọng của terrain génétique và nguy cơ di truyền, tuy nhiên, được cặp đối với những yếu tố môi trường (nhiễm trùng trong lúc thai nghén, cannabis lúc thiếu niên). Tất cả điều đó thúc đẩy não thực hiện một sự loại bớt rất triệt để các synapse thay vì chỉ loại bỏ những nối kết ít hiệu năng nhất, quá trình bình thường ở tuổi thiếu niên, não cũng loại bỏ vài connexion hữu ích cho sự vận hành chức năng của nó.
Điều trị.
Các thuốc chống loạn thần (antipsychotique) và neuroleptique cho phép làm thuyên giảm vài triệu chứng, với cái giá của những tác dụng phụ quan trọng (lên cân, giảm bạch cầu…). Một thérapie cognitive et comportementale thường được liên kết, cho phép các bệnh nhân tâm thần phân liệt sống một cuộc sống “bình thường”. Nhưng ta không bao giờ chữa lành căn bệnh này và chỉ cần ngừng điều trị sẽ gây nên một tái phát.
(SCIENCE ET VIE Janvier-Février-Mars 2017)

8/ TÂM THẦN PHÂN LIỆT : PISTE AUTO-IMMUNE
Giải Marcel Dassault đã được trao cho những công trình nghiên cứu về những bệnh tâm thần.RECHERCHE. Tâm thần học thường bị coi rẻ trong nghiên cứu y khoa, mặc dầu những bệnh tâm thần vô cùng phố biển : cứ 5 người Pháp sẽ có một bị liên hệ bởi bệnh này trong năm. Phản ứng lại điều này, từ 4 năm nay, mỗi năm giải Marcel Dassault thưởng hai nhà nghiên cứu vì những công trình nghiên cứu đầy hứa hẹn của họ trong lãnh vực này.
Đối với năm 2015, Fondation fondaMental, mạng hợp tác khoa học đã trao giải ” dự án cải tiến” cho Laurent Groc, giám đốc nghiên cứu CNRS ở Institut interdisciplinaire de neurosciences (Đại học Bordeaux).
NHUNG PHUƠNG PHÁP CHỤP HÌNH ẢNH RẤT HOÀN THIỆN
Những công trình nghiên cứu của équipe của ông thăm dò “những liên hệ nguy hiểm” giữa hệ miễn dịch và vài bệnh tâm thần phân liệt. Mới đây các nhà khoa học đã quan sát rằng vài bệnh nhân tâm thần phân liệt có trong máu của mình những “tự kháng thể”, dấu hiệu của một emballement của hệ miễn dịch của họ. Sự bùng phát này, vào một lúc nào đó trong cuộc đời và vì những lý do không được biết rõ quay ngược trở lại chống cơ thể của họ. ” Những tự kháng thể này ban đầu đã được quan sát ở những người bị viêm não mà những giai đoạn đầu tiên của bệnh là những rối loạn loạn thần (trouble psychotique) tương tự với những rối loạn của những bệnh nhân tâm thần phân liệt “, Laurent Groc đã chỉ rõ như vậy.
Bằng cách sử dụng những phương pháp chụp hình ảnh rất hoàn tiện, nhà nghiên cứu và équipe của ông đã quan sát rằng những tự kháng thể này có tác dụng làm bất động vài récepteur neuronal (được gọi là NMDA) di động ở những người có sức khỏe tốt. Một bất thường có thể giải thích từ 10 đến 20% trường hợp tâm thần phân liệt, Laurent Croc đã ước tính như vậy.
Giải Dassault (230.000 euros) cho phép theo đuổi những nghiên cứu theo hai hướng : hiệu chính một phương pháp chẩn đoán nhanh để nhận diện những người bệnh liên quan, và hiểu tốt hơn cơ chế tác dụng của những tự kháng thể này, với trên đường nhắm, “trong thời gian ngắn hạn”, thí nghiệm trên những bệnh nhân có điều trị miễn dịch khác nhau đã được cho trong những bệnh lý khác. ” Một thử nghiệm lâm sàng nhỏ với một chất suy giảm miễn dịch đã cho thấy những kết quả ngoạn mục.
Giải của nhà nghiên cứu của năm đã được trao cho GS Philip Gorwwod (bệnh viện Sainte-Anne, Paris) cho những công trình của ông về sự nhận diện của tính dễ bị thương tổn di truyền (vulnérabilité génétique) ở những chứng nghiện. ” Nghiện (addiction) là một bệnh của não “, ông đã nhắc lại như vậy. Những công trình nghiên cứu của ông đã cho phép nhận diện những chỉ dấu di truyền (marqueur génétique) làm gia tăng 3% nguy cơ nghiện ở những người mang chúng.
(LE FIGARO 8/12/2015)

9/ BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT : LÀM SAO GIÚP TUÂN THỦ CÁC ĐƠN THUỐC.

Docteur Guillaume Fond
Unité Inserm 955
Institut Mondor de recherche biomédicale (Créteil)

Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh thường gặp, xảy ra ở gần 1% dân số Pháp. Bệnh thường xuất hiện ở những bệnh nhân từ 15 đến 25 tuổi. Những triệu chứng thường gặp nhất là những những ý tưởng mê sảng (idées délirantes), đôi khi được liên kết với những ảo giác (hallucination). Bệnh này vẫn còn không được biết rõ và bệnh nhân bị buộc tội. Điều trị chuẩn là một thuốc chống loạn thần (antipsychotique) được dùng lâu dài. Cũng như trong những bệnh lý mãn tính khác (đái đường, cao huyết áp..), sự ngừng điều trị sớm là một trong những nguyên nhân chính gây tái phát. Một sự tuân thủ tốt hơn, nghĩa là sự tôn trọng bởi bệnh nhân bị tâm thần phân liệt những toa thuốc của bác sĩ điều trị là một enjeu quan trọng. Nó có thể cải thiện tiên lượng tiến triển của bệnh nhân và hạn chế ảnh hưởng xã hội và kinh tế của căn bệnh.
Ý tưởng thường được chấp nhận là bệnh nhân ngừng điều trị vi vài tác dụng phụ khách quan, như lên cân hay những hiệu quả thần kinh. Những nghiên cứu mới đây với những kết quả được công bố trong Journal of Clinical Psychiatry, cho thấy rằng chính điều được cảm nhận chủ quan âm tính do tác dụng của điều trị chống loạn thần là yếu tố quyết định chính của một sự tuân thủ điều trị kém. Những bệnh nhân ít tôn trọng nhất sự kê đơn cảm thấy mệt nhiều hơn do thuốc. Họ tuyên bố cảm thấy “kỳ lạ, như những zombies” do điều trị.
Cộng tác với BS Misdrahi (Bordeaux) và GS Pierre-Michel Llorca (Clermont-Ferrand), chúng tôi đã phân tích những dữ kiện của 350 bệnh nhân bị tâm thần phân liệt. Những bệnh nhân này được điều trị ổn định và đã khám trong một trong số những centre Expert Schizophrénie của mạng FondaMental. Mục tiêu của chúng tôi là xác định những yếu tố liên hệ trong sự tuân thủ điều trị (observance thérapeutique).
Công trình nghiên cứu của chúng tôi cũng xác nhận rằng những người có nguy cơ nhất tuần thủ kém là những người trưởng thành trẻ tuổi, những người tiêu thụ các chất hoạt thần (substances psychoactives) (như cannabis), với những triệu chứng trầm cảm và thật sự không ý thức bị bệnh. Trái với một định kiến ta không ghi nhận một khác nhau nào giữa những mức độ tuân thủ giữa đàn ông và đàn bà. Trái lại, nhận nhiều điều trị khác nhau làm để một sự tuân thủ ít tốt hơn.
LIÊN MINH ĐIỀU TRỊ
Những kết quả gợi ý những chiến lược mới để cải thiện sự tuân thủ điều trị của những bệnh nhân bị bệnh tâm thần phân liệt.Trong số những chiến lược này, ta có thể đề nghị việc xét đến cảm nhận chủ quan của bệnh nhân đối với điều trị của mình, sự điều trị bệnh trầm cảm và những chứng nghiện, và sự hạn chế số điều trị được thực hiện. Toàn thể những hành động này không có thể được thiết đặt nếu không có một liên minh điều trị (alliance thérapeutique).
Những bệnh nhân đã tham gia vào công trình nghiên cứu này sẽ được theo dõi trong 3 năm. Điều đó cho phép chúng ta xác định những chiến lược hiệu quả nhất trong việc cải thiện tuân thủ điều trị. Phát triển một y khoa cá thể hóa (médecine personalisée) về sức khỏe tâm thần, nghĩa là điều chỉnh theo những nhu cầu của mỗi bệnh nhân, là một trong những mục tiêu ưu tiên của kíp nghiên cứu Inserm của chúng tôi cộng tác với mạng FondaMental.
(LE FIGARO 25/1/2015)

10/ BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT : NHỮNG LỢI ÍCH CỦA VITAMINE B
Bệnh này là một bệnh loạn thần (psychose), xảy ra trung bình cho 1% population générale. Những triệu chứng thường gặp nhất của tâm thần phân liệt là những ảo giác, mê sảng, với cảm giác đối với bệnh nhân bị kiểm soát bởi một lực bên ngoài theo dõi và muốn làm hai bệnh nhân.
Thêm vào đó là những trouble cognitif làm biến đổi năng lực tự tổ chức. Điều trị dựa trên những thuốc chống loạn thần, cho phép những thuyên giảm nhưng với cái giá của những tác dụng phụ nặng nề và với những tái phát thường xuyên. Những nhà nghiên cứu người Anh của đại học Manchester đã thực hiện một métaanalyse tu những kết quả của 18 công trình nghiên cứu, đã so sánh những hiệu quả của điều trị chuẩn đơn độc hay liên kết với nhiều vitamine (B6,B8,B12) ở 832 bệnh nhân tâm thần phân liệt. Sự sử dụng những vitamine này với liều cao giảm một cách rất đáng kể những triệu chứng. Kết quả này gây nhiều sự quan tâm.
(PARIS MATCH 9/3-15/3/2017)

BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(13/6/2017)

Bài này đã được đăng trong Chuyên đề Y Khoa, Thời sự y học. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

2 Responses to Thời sự y học số 436 – BS Nguyễn Văn Thịnh

  1. Pingback: Cấp cứu tâm thần số 13 – BS Nguyễn Văn Thịnh | Tiếng sông Hương

  2. Pingback: Thời sự y học số 616 – BS Nguyễn Văn Thịnh | Tiếng sông Hương

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s