Chứng bệnh thường gặp: Dau thần kinh toạ – BS Nguyễn Văn Thông

1. Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa (TKT) liên quan đến đau vùng thắt lưng do tổn thương dây thần kinh tọa. Thần kinh tọa là một dây thần kinh lớn, chạy từ vùng thắt lưng đến mặt sau của đùi và xuống cẳng chân. Khi dây thần kinh tọa bị tổn thương hay bị chèn ép, sẽ gây ra cơn đau ở vùng thắt lưng và lan xuống mông, đùi và cẳng chân.Hơn 90% người bị chứng đau thần kinh tọa được chữa khỏi mà không cần can thiệp phẫu thuật.

2.Triệu chứng của đau thần kinh tọa
Triệu chứng thường gặp nhất là đau vùng thắt lưng và lan ra hông, mông rồi chạy xuống một bên đùi.Cơn đau thông thường chỉ xảy ra ở một chân và cơn đau tăng lên khi bạn ngồi, ho hay hắt hơi. Cẳng chân cũng có thể có cảm giác tê, yếu hay đôi khi có cảm giác bị châm chích. Triệu chứng của đau thần kinh tọa thường có khuynh hướng xảy ra đột ngột và có thể kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần lễ.

3.Đau thần kinh tọa hay đau lưng khác?
Trên 85% người Mỹ mắc phải một số chứng đau lưng trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, các chứng đau lưng này không phải luôn luôn là do có vấn đề với thần kinh tọa. Trong nhiều trường hợp, đau lưng là hậu quả của sự căng dãn cơ vùng lưng quá độ. Trong đau thần kinh tọa, cơn đau thường chạy xuống cẳng chân, đến tận bàn chân. Có cảm giác như cẳng chân bị chuột rút, kéo dài đến vài ngày.

4. Ai thường bị đau thần kinh tọa
Những đối tượng dễ bị đau thần kinh tọa nằm trong độ tuổi từ 30-50 tuổi. Phụ nữ mang thai dễ bị chứng bệnh này nhất do tử cung lớn ra, gây chèn ép thần kinh tọa. Những nguyên nhân khác bao gồm thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống.

5.Nguyên nhân: Thoát vị đĩa đệm
Nguyên nhân thông thường nhất của đau thần kinh tọa là thoát vị đĩa đệm. Đĩa đệm có chức năng của một cái đệm giữa các đốt sống của cột sống. Các đĩa này yếu dần đi theo tuổi tác và trở nên dễ bị thương tổn. Đôi khi chất dịch đệm trung tâm của đĩa đệm bị thoát ra ngoài và gây chèn ép các rễ của dây thần kinh tọa. Cứ khoảng 50 người thì có một người bị thoát vị đĩa đệm vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Hơn ¼ trong số đó có triệu chứng kéo dài hơn 6 tuần lễ.

6. Chứng hẹp tủy
Sự hao mòn và tổn hại tự nhiên của cột sống có thể dẫn đến chứng hẹp tủy sống. Sự hẹp này, được gọi là chứng hẹp tủy, có thể gây tăng áp lực lên các rễ của dây thần kinh tọa. Chứng hẹp tủy sống thường xảy ra ở nam giới trên 60 tuổi.

7. Nguyên nhân: U tủy
Trường hợp hiếm gặp hơn, đau thần kinh tọa là hậu quả của sự tăng trưởng của khối u ở bên trong hay dọc theo tủy sống hoặc dọc theo thần kinh tọa. Khi khối u phát triển, nó có thể chèn ép lên rễ dây thần kinh đi ra từ tủy sông.

8. Nguyên nhân: “Hội chứng cơ quả lê”
Cơ quả lê là một cơ nằm sâu bên trong mông. Cơ này nối phần cột sống phía dưới với phần xương đùi trên và chạy thẳng qua phia trên dây thần kinh tọa. Nếu cơ này bị co cứng thì sẽ tạo ra áp lực lên trên dây thần kinh tọa, gây ra triệu chứng của đau thần kinh tọa. “Hội chứng cơ quả lê” này thường gặp ở nữ giới nhiều hơn ở nam giới.

9. Ví tiền quá cộm có thể kích thích cơ quả lê
Bạn đừng nghĩ rằng tiền mặt quá nhiều là nguyên nhân gây đau mà thật ra cái ví quá cộm có thể gây ra “hội chứng cơ quả lê”. Hội chứng này thường xảy ra ở nam giới do để ví tiền ở túi sau của quần tây. Điều này gây áp lực kinh diễn lên trên cơ quả lê và theo thời gian sẽ tác động đến dây thần kinh tọa. Bạn có thể tránh được vấn đề này bằng cách bỏ ví tiền ở túi trước hay ở trong túi áo veston.

10. Nguyên nhân: Viêm khớp nối giữa xương cùng và xương chậu
Viêm khớp nối giữa xương cùng và xương chậu là viêm một trong hai khớp xương cùng-xương chậu, đây là nơi mà xương cùng nối kết với vùng chậu. Viêm khớp nối này có thể gây đau trong vùng mông, vùng thắt lưng và có thể lan tỏa đến một hoặc hai cẳng chân. Cơn đau tăng lên khi đứng lâu hay leo lên lầu. Viêm khớp nối này có thể do các chứng bệnh như viêm khớp, chấn thương, thai nghén hay nhiễm trùng gây ra.

11. Nguyên nhân: Chấn thương hay nhiễm trùng
Các nguyên nhân khác của đau thần kinh tọa bao gồm viêm cơ, nhiễm trùng hay chấn thương như gãy xương. Nói chung, bất kỳ bệnh nào gây kích thích hay chèn ép dây thần kinh tọa đều gây ra triệu chứng này.

12. Chẩn đoán đau thần kinh tọa: Thử nghiệm
Để xác định xem bạn có phải bị chứng đau thần kinh tọa không, bác sĩ sẽ hỏi bạn cơn đau khởi đầu như thế nào và vị trí đau chính xác. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngồi chồm hổm, đi bằng gót chân hay trên đầu ngón chân hoặc đưa thẳng chân mà không gập đầu gối. Các thử nghiệm cơ này có thể giúp ích cho bác sĩ xác định xem dây thần kinh tọa của bạn có bị kích thích không.

13. Chẩn đoán đau thần kinh tọa: Hình ảnh học
Bác sĩ có thể cho bạn đi chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định chính xác vị trí và nguyên nhân gây ra kích thích thần kinh tọa. Phim chụp MRI có thể cho thấy sự thẳng hàng của các đĩa đệm cột sống, các dây chằng và các cơ. Cũng có thể chụp cắt lớp (CT scan) cản quang để có thể thấy được hình ảnh về tủy sống và thần kinh. Xác định được nguyên nhân gây ra đau thần kinh tọa sẽ giúp cho sự điều trị được dễ dàng hơn. Chụp X-quang thông thường có thể phát hiện được những bất thường về xương nhưng không thể phát hiện được các vấn đề về thần kinh.

14. Biến chứng liên quan đến đau thần kinh tọa
Nếu bạn đi tiêu hay tiểu không tự chủ được thì nên đi khám bác sĩ ngay. Đây có thể là dấu hiệu cấp cứu đòi hỏi phải can thiệu phẫu thuật để tránh tổn thương lâu dài. May thay, biến chứng này thường hiếm gặp. Phần lớn, đau thần kinh tọa sẽ tự biến mất sau khoảng vài ngày hay vài tuần lễ và không gây tổn thương lâu dài.

15. Liệu pháp giảm đau: Nước đá và nhiệt
Có nhiều cách chữa trị đau thần kinh tọa tại nhà mà bạn có thể thực hiện. Chườm nóng hay chườm đá đặc biệt có thể giúp giảm đau. Ap túi chườm nóng hay đá vào khoảng 20 phút mỗi 2 giờ. Tùy theo trường hợp, có thể chườm nóng hay chườm đá hoặc có thể luân phiên giữa 2 thứ.

16. Liệu pháp giảm đau: Thuốc chống đau
Một số thuốc chống đau (mà không cần đơn thuốc) cũng có thể làm giảm đau tạm thời. Acetaminophen hay thuốc kháng viêm không phải corticoid (NSAID) như ibuprofen, naproxen cũng được chỉ định. Bác sĩ có thể tiêm thuốc corticoid để làm giảm viêm.

17. Liệu pháp giảm đau: căng cơ
Khi đang chữa trị đau thần kinh tọa, hãy cố duy trì hoạt động. Hoạt động thực sự giúp làm giảm viêm và đau. Các chuyên viên về vật lý trị liệu có thể giúp bạn cách làm cho giãn cơ gân kheo và vùng xương cùng. Tùy theo tình trạng bệnh lý của bạn, các chuyên viên sẽ hướng dẫn cho bạn các bài tập luyện thích hợp. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên đi bộ với quảng đường ngắn.

18. Liệu pháp giảm đau: Tiêm thuốc
Trong những trường hợp nặng, bác sĩ có thể tiêm corticoid vào vùng xương sống để làm giảm viêm nhiễm. Bằng cách tiêm thuốc, có thể đưa thuốc đến thẳng vùng xung quanh dây thần kinh tọa.

19. Liệu pháp giảm đau: Phẫu thuật
Nếu chứng đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm và đã được điều trị trong khoảng từ 4 đến 6 tuần lễ mà vẫn còn đau ghê gớm thì có chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật viên sẽ cắt bỏ một phần đĩa đệm đã bị thoát ra để làm giảm áp lực lên trên dây thần kinh tọa. Khoảng 90% bệnh nhân cảm thấy hết đau sau phẫu thuật. Nếu đau thần kinh tọa do hẹp ống tủy gây ra thì cũng cần phẫu thuật theo kiểu khác.

20. Hồi phục
Thời gian sau phẫu thuật, bạn cần tránh lái xe, nâng đồ vật hay cúi khom người trong khoảng 1 tháng. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên tập vật lý trị liệu để làm mạnh cơ lưng. Sau khi đã phục hồi hoàn toàn, bạn có thể trở về với những sinh hoạt thường ngày.

21. Những Liệu pháp bổ sung
Những Liệu pháp bổ sung như châm cứu, xoa bóp, yoga và phương pháp nắn khớp xương đều có thể làm giảm đau lưng điển hình. Tuy nhiên cần có thêm các công trình nghiên cứu để xác định xem những liệu pháp bổ sung này có hiệu quả đối với đau thần kinh tọa hay không.

22. Phòng ngừa đau thần kinh tọa
Nếu bạn đã bị đau thần kinh tọa một lần rồi thì nguy cơ bị tái phát là rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, bạn cần theo các bước sau đây thì có thể làm giảm nguy cơ:
– Tập luyện đều đặn hàng ngày
– Giữ tư thế đúng
– Cong đầu gối khi nâng vật nặng
Các bước này có thể giúp bạn tránh được các tổn thương có thể dẫn đến đau thàn kinh tọa.

(Theo WebMD, 2.2016)
BS NGUYỄN VĂN THÔNG
DrThong007@gmail.com

Bài này đã được đăng trong Chuyên đề Y Khoa. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s