CẨN THẬN ĐỀ PHÒNG PHẢN ỨNG HAI GIAI ĐOẠN CỦA PHẢN VỆ
(BEWARE OF THE BIPHASIC REACTION OF ANAPHYLAXIS)
Jan M. Schoenberger, MD
Department of Emergency Medicine
Keck School of Medicine
University of Southern California
Phản vệ là một phản ứng dị ứng toàn thân nặng, có khả năng gây chết người. Một cách điển hình, phản vệ có một khởi đầu nhanh với thương tổn nhiều cơ quan. Những phản ứng phản vệ thường nhất theo một quá trình một giai đoạn (uniphasic course) ; tuy nhiên đến 20% những phản ứng là hai giai đoạn (biphasic).
Những dấu hiệu và triệu chứng của phản vệ nói chung có khởi đầu trong vài phút nhưng đôi khi xảy ra muộn đến một giờ sau khi tiếp xúc với dị ứng nguyên. Với điều trị thích đáng, sự biến đi của những dấu hiệu và những triệu chứng có thể xảy ra trong vòng một giờ sau khi điều trị. Đối với hầu hết các bệnh nhân, không có tái phát xảy ra, nhưng đối với 1 trên 5 những bệnh nhân , một đợt khác sẽ tiếp theo sau. Tài liệu ban đầu, mô tả đáp ứng hai giai đoạn này, đã mô tả những thời kỳ không triệu chứng (asymptomatic period) giữa các đợt phản vệ từ 1 đến 8 giờ. Từ đó đã có thêm vài công trình nghiên cứu báo cáo những thời kỳ không triệu chứng (1 đến 3 giờ) cũng như những báo cáo về sự tái hoạt động xảy ra chậm 24 đến 38 giờ sau phản ứng ban đầu. Một công trình nghiên cứu mới đây báo cáo thời gian trung bình khởi đầu “second-phase reactivity” (tái hoạt động đợt hai) là 10 giờ.
Về mặt mức độ nghiêm trọng của giai đoạn hai, khoảng 1/3 các đợt sẽ ít nghiêm trọng hơn đợt ban đầu, 1/3 nghiêm trọng hơn, và 1/3 có mức độ nghiêm trọng tương tự. Mặc dầu corticosteroids là điều trị được khuyến nghị chủ yếu để ngăn ngừa hay giảm thiểu giai đoạn hai, nhưng đã có những case reports về những bệnh nhân đã nhận corticosteroids nhưng vẫn còn chịu những phản ứng hai giai đoạn trầm trọng.
Khó tiên đoán bệnh nhân nào có nguy cơ bị phản ứng giai đoạn hai (second-phase reaction). Trong một công trình nghiên cứu, những bệnh nhân đã có một kiểu hai giai đoạn các triệu chứng cần nhiều thời gian hơn để những triệu chứng ban đầu biến đi. Trong cùng công trình nghiên cứu, thời gian biến mất những triệu chứng ban đầu tương quan một cách dương tính với thời gian khởi đầu giai đoạn hai ; nghĩa là, càng cần nhiều thời gian hơn để đạt được sự biến mất của các triệu chứng, thì khoảng thời gian không triệu chứng dài hơn nếu phản ứng giai đoạn hai xảy ra. Ngoài ra, những bệnh nhân đã phát phản ứng giai đoạn hai nhận ít điều trị epinephrine và corticosteroid hơn (một giải thích khả dĩ cho thời gian dài hơn để các triệu chứng biến mất). Một công rinh nghiên cứu khác của Lee và các cộng sự viên đã xem xét những phản ứng hai giai đoạn ở trẻ em. Họ đã nhận thấy một sự liên kết giữa sự trì hoãn trong việc cho epinephrine và sự xuất hiện của phản ứng hai giai đoạn. Điều này phù hợp với giả thuyết cho rằng sự không điều trị đủ với epinephrine có thể được liên kết với một tỷ lệ cao hơn bị những phản ứng hai giai đoạn.
Một khi những triệu chứng của bệnh cảnh ban đầu của phản vệ đã biến đi, khi nào bệnh nhân có thể được cho xuất viện một cách an toàn ? Căn cứ trên thông tin có được, phương pháp an toàn nhất là theo dõi các bệnh nhân đã bị một phản ứng nặng, đe dọa mạng sống trong 24 giờ. Những đơn vị theo dõi (observation unit) là những môi trường hoàn hảo để những bệnh nhân này được theo dõi. Đối với nhiều khoa cấp cứu, đây không phải là một khuyến nghị thực hành, và có thể cần nhận các bệnh nhân với những bệnh cảnh thật sự đe dọa mạng sống vào một khoa nội để theo dõi.
Các bệnh nhân có thể được cho xuất viện một cách an toàn trong những trường hợp sau đây :
– Có được sự theo dõi thích đáng (nghĩa là bệnh nhân không được xuất viện về nhà một mình).
– Bệnh nhân và người săn sóc có khả năng tiếp cận 911 EMS system nếu những triệu chứng tái diễn, và thời gian chuyển đến một khoa cấp cứu không quá lâu.
– Một epinephrine autoinjector (Epipen) được kê đơn lúc xuất viện, và bệnh nhân có khả năng chứng minh một sự hiểu biết khi nào và sử dụng nó như thế nào sau những chỉ thị đặc biệt từ kíp điều trị.
Các bệnh nhân được đả thông lúc xuất viện về khả năng xảy ra một đáp ứng hai giai đoạn để nếu điều đó xảy ra sau xuất viện, các bệnh nhân và gia đình được chuẩn bị và thông hiểu.
Avoiding common errors in the Emergency Department
BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(30/9/2015)