Thời sự y học số 375 – BS Nguyễn Văn Thịnh

1/ NHỮNG ĐIỀU TRỊ HỨA HẸN CHỐNG HEN PHẾ QUẢN NẶNG.
Một hy vọng cho 350.000 đến 400.000 người Pháp bị liên quan bởi căn bệnh này, gây 920 trường hợp tử vong mỗi năm ở Pháp.
PNEUMOLOGIE. Hoạt động vật lý hạn chế, những cơn tái diễn ngày cũng như đêm, đến khoa cấp cứu, nhập viện…Hen phế quản nặng (asthme sévère) là một phế tật thật sự đối với 350.000 đến 400.000 người Pháp bị liên hệ. Những bệnh nhân này mặc dầu dùng thuốc một cách đúng đắn (các thuốc giãn phế quản, corticoides), nhưng sự khó thở và ngay cả nguy hiểm (khoảng 920 trường hợp tử vong mỗi năm) vẫn xảy ra hàng ngày.
Là bệnh mãn tính, hen phế quản do một viêm nhiễm của các phế quản, phản ứng một cách quá mức với vài yếu tố (các dị ứng nguyên, ô nhiễm, stress…). Phản ứng viêm này đặc biệt có tác dụng làm dày cơ bao quanh các phế quản. Trở nên mạnh hơn, cơ này, được gọi là “trơn” (muscle lisse), co lại rất mạnh quanh phế quản khi nó bị kích thích và làm giảm không gian dành cho sự lưu thông không khí. Những năm vừa qua, các sinh liệu pháp (biothérapie) chủ yếu đã cho phép cải thiện tình trạng của vài bệnh nhân. Nhưng một hướng nghiên cứu khác hướng vào sự thu nhỏ cơ trơn cho những kết quả hứa hẹn trong khung cảnh hai thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở Pháp.
Liệu pháp thí nghiệm (thérapie expérimentale) đầu tiên, được gọi là thermoplastie bronchique, dựa trên một can thiệp cơ học. Được hiệu chính ở Canada, liệu pháp này được trắc nghiệm ở Pháp trong hai bệnh viện (Hôpital Bichat à Paris và Hôpital Nord à Marseille). Phương thức nhằm đẫy vào trong các phế quản dưới gây mê tổng quát một ống soi mềm (fibroscope), được trang bị ở đầu miệng bởi 4 điện cực nhỏ. Khi thiết bị đã được đẫy càng xa càng tốt trong cây phế quản, các điện cực dính vào thành của các phế quản và hâm nóng chúng lên 65 độ C trong 10 giây bằng radiofréquence. Nhiệt lan tỏa làm giảm kích thước của cơ trơn, và thao tác được lặp lại mỗi 5 phút đồng thời đi dần lên trở lại. Điều trị toàn bộ dựa trên 3 can thiệp khoảng 40 phút mỗi buổi, cách quảng nhau khoảng 3 tuần.
Những kết quả đầu tiên, được công bố vào tháng 12 trong American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine trên cơ sở 10 bệnh nhân, cho thấy rằng bề dày của cơ trơn đã giảm trung bình từ 49 đến 78%. ” Đó còn hơn là điều mà ta dự kiến “, GS Michel Aubier, người tiến hành thử nghiệm cùng với GS Pascal Chanez, đã giải thích như vậy. ” Ngạc nhiên dễ chịu ” khác : ” Hiệu quả không chỉ giới hạn vào các phế quản (nơi ta đưa cathéter vào) mà còn những vùng lân cận”, thầy thuốc chuyên khoa phổi nói tiếp. Những công trình nghiên cứu đã được tiến hành trước đây ở Canada và ở Hoa Kỳ sau cùng cho thấy rằng sự cải thiện kéo dài ít nhất 5 năm.
Con đường hứa hẹn khác chống hen phế quản nặng, điều trị bằng thuốc : gallopamil, một thuốc được sử dụng từ những năm 1980 để điều trị vài bệnh lý tim. Thuốc này, được trắc nghiệm trên khoảng 30 bệnh nhân bởi Trung tâm nghiên cứu tim-ngực Bordeaux, thu nhỏ kích thước của cơ phế quản đồng thời hạn chế những cung cấp calcium trong những tế bào cơ. Sau một năm điều trị, thuốc cho thấy một sự lùi lại 12% bề dày của cơ, một công trình nghiên cứu được công bố cuối tháng giêng trong cùng tạp chí đã tiết lộ như vậy. ” Những bệnh nhân này bị những cơn bộc phát 4 lần ít hơn so với nhóm placebo”, GS Patrick Berger đã xác nhận như vậy.
Những liệu pháp này sẽ xác nhận tính hiệu quả của chúng ở một quy mô lớn hơn, và mỗi liệu pháp có những điều bất tiện của nó. Thermoplastie bronchique chủ yếu có hiệu quả ngoạn mục ở những bệnh nhân mà cơ trơn rất dày, điều này hiện nay buộc phải thực hiện một sinh thiết để chọn lọc những cá nhân mà nó mang lợi nhiều nhất. Cũng như mọi kỹ thuật xâm nhập (technique invasive), thermoplastie bronchique có những nguy cơ gây biến chứng. Sau cùng, kỹ thuật này phí tổn từ 15.000 đến 20.000 euro. ” Dầu sao chắc chắn điều đó có lợi bởi vì sự điều trị một bệnh nhân hen phế quản nặng bằng biothérapie tổn phí 20.000 đến 25.000 euro mỗi năm”, GS Aubier đã nhắc lại như vậy. Ông nói rõ rằng một hồ sơ để đòi hỏi sự đảm trách bởi Sécurité Sociale đã được đệ trình lên Bộ y tế. Gallopamil, thuốc được thương mại hóa từ lâu, ngược lại ít tốn kém, GS Berger đã đưa ra nhận xét như vậy. Nhưng cũng như mọi loại thuốc, nó không phải là không có những tác dụng phụ.
” Hai đường hướng này rất có nhiều hứa hẹn và có một cách không chối cãi được một nhu cầu to lớn về mặt y tế công cộng đối với hen phế quản nặng, BS Marc Sapène, chủ tịch hiệp hội hen phế quản và dị ứng đã bình luận như vậy. Việc mở rộng những phương pháp điều trị càng quan trọng khi bệnh lý này đang tiến triển mạnh trong các nước phương tây.
(LE FIGARO 5/5/2015)

2/ HEN PHẾ QUẢN NẶNG : HƯỚNG VỀ MỘT ĐIỀU TRỊ MỚI
GS Patrick Berger, thầy thuốc chuyên khoa phổi thuộc CHU de Bordeaux, giám đốc của một kíp Inserme ở Centre de recherche cardio-thoracique de Bordeaux, giải thích tác dụng có lợi của một thuốc chống cao áp trong những trường hợp tắc phế quản.
Hỏi : Những dạng khác nhau của hen phế quản là gì ?
GS Patrick Berger. Căn bệnh viêm các đường khí này được đặc trưng bởi những cơn khó thở do một sự co thắt của các cơ phế quản. Trong những thể nặng các cơ này dày lên ; khẩu kính của các đường khí bị hẹp lại rất nhiều, kềm hãm sự hô hấp, và các cơn trở nên trầm trọng. Có ba dạng hen phế quản : thể nhẹ trong đó các cơn thường ít xảy ra (3-4 lần mỗi năm). Thể trung bình (forme modérée) trong đó các cơn xảy ra nhiều lần mỗi tuần và cần một điều trị nền (traitement de fond). Nếu điều trị này không đủ, nguy cơ đối với bệnh nhân khi đó là chuyển qua thể thứ ba được gọi là thể nặng (forme sévère).
Hỏi : Thể nặng này được biểu hiện như thế nào ?
GS Patrick Berger. Bằng nhiều cơn mỗi ngày. Ngay cả ngoài các cơn, thở vẫn khó : người hen phế quản khó thở lúc gắng sức và, khi các cơn quá gần nhau, ta nói là “cơn bộc phát” (exacerbation) của hen phế quản, có thể cần phải nhập viện.
Hỏi : Ta đã nhận diện được một cách rõ ràng các nguyên nhân của hen phế quản ?
GS Patrick Berger. Không. Ta có thể tìm thấy những tiền sử gia đình… nhưng những gène đơn độc không đủ. Môi trường đóng một vai trò quan trọng. Để làm phát khởi cơn, phải có một sự tiếp xúc với một dị ứng nguyên (allergène) : phấn hoa, mốc (moississures), bụi bặm…hay những yếu tố tạo thuận khác. Ta không biết tất cả những nguyên nhân ; những công trình nghiên cứu đã cho thấy một mối liên hệ giữa chứng béo phì với những dạng hen phế quản, những công trình khác cho thấy một mối liên hệ với một gắng súc vật lý.
Hỏi : Hiện nay ta điều trị những dạng này như thế nào và những thất bại nào đã khiến ông tìm kiếm một điều trị mới ?
GS Patrick Berger. Đối với những thể nhẹ, người hen phế quản mang theo mình một cách thường trực một thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh được hít vào trong trường hợp lên cơn hen. Những thể trung bình buộc sử dụng một điều trị nên dựa trên một thuốc kháng viêm. Nếu thuốc không đủ, ta liên kết một thuốc giãn phế quản có thời gian tác dụng kéo dài. Đối với những thể hen phế quản nặng, cùng protocole được cho, nhưng lần này với những liều rất mạnh, điều này có thể gây nên những phản ứng phụ khó chịu. Trong trường hợp thất bại, để cải thiện hô hấp, ta cho một biothérapie chống dị ứng hay cortisone. Nhưng trong trường hợp dùng cortisone, khi đó có nguy cơ mất chất khoáng (déminéralisation) (với gãy xương), đái đường, đục thủy tinh thể, khó ngủ..Mặc dầu một sự cải thiện nhanh, căn bệnh vẫn còn không được kiểm soát tốt. Phải công nhận rằng chất lượng sống không được tốt. Những kết quả không đủ.
Hỏi : Ông hãy giải thích cách tác dụng của điều trị mới, được hiệu chính bởi kíp của ông ở Inserm.
GS Patrick Berger. Đó là một thuốc chống cao áp được cho để làm giảm bề dày của cơ phế quản như vậy làm rộng khẩu kính của đường dẫn khí. Loại thuốc này, Gallopamil, gây một tác dụng bằng cách phong bế sự tăng sinh của những tế bào cơ của các phế quản. Nó đã được sử dụng ở Hoa Kỳ và ở Đức để điều trị cao huyết áp. Với kíp của tôi ở Inserm, chúng tôi đã có ý nghĩ , đối với những thể nặng, liên kết Gallopamil với điều trị quy ước.
Hỏi : Protocole của công trình nghiên cứu của ông là gì ?
GS Patrick Berger. Công trình nghiên cứu này so với phacebo được thực hiện trên 31 bệnh nhân bị hen phế quản nặng đã đề kháng tất cả các loại thuốc. Trước thử nghiệm các bệnh nhân này đã được chụp cắt lớp vi tính và soi phế quản mềm để đo để dày của các phế quản và các cơ. Sau một năm điều trị bằng đường miệng, chúng tôi đã lập lại cùng những xét nghiệm.
Hỏi : Những kết quả có đáng phấn khởi không ?
GS Patrick Berger. Ở những bệnh nhân được điều trị, bề dày của các phế quản và của các cơ phế quản đã được giảm rất nhiều. Ở họ, ta liệt kê 4 lần có ít hơn những cơn bộc phát (những cơn kế tiếp nhau). Độ dung nạp đã tỏ ra rất tốt. Không có vấn đề nhiễm độc cũng như không có những tác dụng phụ ở tim, thận, gan…Những kết quả này rất đáng phấn khởi ở những người hen phế quản bị thất bại tất cả những điều trị quy ước. Một công trình nghiên cứu khác trên một quần thể bệnh nhân lớn hơn được dự kiến.
Hỏi : Có những chống chỉ định đối với liệu pháp này không ?
GS Patrick Berger. Chủ yếu : 1. Những rối loạn nghiêm trọng của nhịp tim. 2. Tim đập quá chậm. 3. Vài bệnh nặng của gan.
(PARIS MATCH 19/3-25/3/2015)

3/ HEN PHẾ QUẢN NẶNG : MỘT BƯỚC TIẾN : THERMOPLASTIE BRONCHIQUE.
GS Michel Aubier, trưởng khoa bệnh phổi thuộc bệnh viện Bichat, Paris, trình bày cách tác dụng của điều trị mới nhất chống lại thể đề kháng.
Hỏi : Ông hãy nhắc lại cho chúng tôi định nghĩa của căn bệnh hô hấp thường gặp này ?
GS Michel Aubier. Hen phế quản là do một phản ứng viêm của các phế quản, dẫn đến một sự hẹp lại của các đường khí. Các triệu chứng thở rít (sifflement), khó thở (essoufflement), cảm giác cảm giác tức thở ở ngực (oppression thoracique), có thể xuất hiện ngày cũng như đêm. Hiện nay ở Pháp ta thống kê được 4 triệu người hen phế quản. Các nguyên nhân làm phát khởi các cơn là môi trường và xuất hiện ở những người có một tố bẩm di truyền
Hỏi : Có nhiều thể hen phế quản không ?
GS Michel Aubier. Có 3 thể được xếp loại tùy theo mức độ nghiêm trọng của chúng bằng sự đánh giá những triệu chứng và sự đo lượng khí thở ra, khí dung kế (spirométrie). 1. Những thể nhẹ (60 đến 70% các trường hợp) : các cơn ít thường xuyên, khoảng 3 đến 4 lần mỗi năm. 2. Thể trung bình (20% những trường hợp) : nhiều lần mỗi tuần. 3. Các thể nặng (10%) : các cơn dữ dội hơn nhiều, xảy ra mỗi ngày và kéo dài lâu hơn. Thành cơ bao quanh các phế quản, lại còn dày nhiều hơn nữa, cản trở thêm sự hô hấp. Khi các cơn quá sát nhau (ta nói là “cơn bộc phát”) có thể cần phải nhập viện.
Hỏi : Những điều trị quy ước là gì ?
GS Michel Aubier. Đối với những thể nhẹ, người bệnh hen phế quản mang theo mình một thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh. Những thể khác cần một điều trị nền (traitement de fond), những thuốc kháng viêm loại cortisone được cho với một thuốc giãn phế quản có thời gian tác dụng kéo dài (bronchodilatateur de longue durée) để tránh các cơn. Với liều thấp, những loại thuốc này, trái với những thuốc được cho bằng đường miệng, không gây nên hoặc rất ít những tác dụng phụ. Nhưng đối với những hen phế quản thể nặng, chúng ta buộc gia tăng điều trị và khi những liều tối đa đã đạt đến, ta nhờ đến những corticoides bằng đường miệng, gây nên những tác dụng phụ quan trọng (đái đường, loãng xương, cao huyết áp, tan cơ). Trong trường hợp thất bại, một biothérapie được xét đến.
Hỏi : Với những điều trị này, những kết quả như thế nà
GS Michel Aubier. Trong những thể nhẹ, những thuốc hit cho phép kiểm soát khoảng 95% những bệnh nhân, nhưng chỉ 60 đến 70% trong những thể khác, điều này không đủ : chất lượng sống của họ không tốt.
Hỏi : Đối với những bệnh nhân bị hen phế quản nặng và đề kháng với tất cả liệu pháp, biện pháp cuối cùng là gì ?
GS Michel Aubier. Thermoplastie bronchique, một điều trị can thiệp làm giảm khối lượng của cơ trơn đã làm hẹp khẩu kính của các phế quản. Ta đưa
một ống soi mềm (fibroscope) vào trong cây phế quản rồi ta chuồi một ống thông (sonde) vào trong ống soi mềm. Ở đầu của ống thông ta gắn 4 điện cực được nối với một máy phát tần số. Một khi được triển khai các điện cực sẽ phát những xung động 10 giây làm phát sinh nhiệt (65 độ C). Những xung động này được phát ra mỗi 5 milimet, làm giảm bề dày của cơ trơn, và do đó thành của phế quản. Điều trị này được thực hiện với gây mê tổng quát và cần 3 buổi cách nhau một tháng.
Hỏi : Có cần nhập viện không ?
GS Michel Aubier. Sau mỗi buổi điều trị, trong đó một phần của phổi được điều trị, ta nhập viện bệnh nhân trong một đêm.
Hỏi : Những kết quả có khuyến khích sử dụng kỹ thuật này ở càng ngày càng nhiều bệnh nhân bị hen phế quản nặng ?
GS Michel Aubier. Những kết quả là tuyệt vời. Đó là một tiến bộ điều trị lớn : 50% những người bị hen phế quản được điều trị bằng thermoplastie bronchique chuyển từ một thể nặng qua một thể nhẹ hay trung bình. Chấn lượng sống của họ được biến đổi : 20% thấy tình trạng của mình được cải thiện rõ rệt. Có khoảng 30% trường hợp thất bại.
Hỏi : Có những chống chỉ định không ?
GS Michel Aubier. Ta không thể áp dụng thermoplastie bronchique cho những bệnh nhân hen phế quản mà bề dày của cơ không đủ, cũng như cho những bệnh nhân bị giãn phế quản ; có nguy cơ xuất huyết hay nhiễm trùng. Kỹ thuật này chỉ được chỉ định đối với những trường hợp rất nặng, khi thất bại những điều trị chuẩn và những biothérapie.
Hỏi : Ở Pháp, ở đâu ta có thể được điều trị bởi thermoplastie bronchique ?
GS Michel Aubier. Ở Bichat và ở bệnh viện Nord de Marseille. Những bệnh viện khác ở Pháp sẽ sử dụng kỹ thuật này trong những tháng đến.
(PARIS MATCH 11/6-17/6/2015)

4/ HEN PHẾ QUẢN VÀ DỊ ỨNG

Professeur Renaud Louis
Chef du service de pneumologie
CHU Sart-Tilman (Liège, Belgique)

O, D, 18 tuổi, là sinh viên trường cao đẳng. Cậu ta không có tiền sử gia đình đặc biệt ngoài dermatite atopique khi cậu còn là một đứa bé và một viêm mũi dị ứng vào mùa xuân từ hai năm nay. Mẹ cậu bị hen phế quản. Cậu đặc biệt lo âu khi nghĩ đến kỳ thi ” thật sự” đầu tiên của cậu và đã bắt đầu bế quan tỏa cảng ngay vacances de Paques. Lúc nghỉ, một cuộc dạo chơi bằng xe đạp ở nông thôn, cậu đã bị điều mà cậu báo cáo cho thầy thuốc gia đình như là một cơn hen phế quản : khó thở, ho, thở rít (respiration sifflante). Mẹ cậu đã cho cậu hít puff de Ventolin và ” rất có hiệu quả”. Thầy thuốc gia đình đã kê đơn cho cậu Ventolin để sử dụng trong trường hợp tái phát và cétrizine, một viên mỗi ngày, để dieu trị ” rhume de foins”.
Một tháng sau, cậu đi khám lại để nói về vấn đề giấc ngủ và vigilance. Cậu thường bị đánh thức dậy bởi một cơn loại hen phế quản vào sáng sớm, mà cậu điều trị nó với puff de ventolin. Nhưng cậu có cảm tưởng rằng điều đó ngăn cản cậu có một giấc ngủ bồi sức (sommeil récupérateur) và phàn nàn bị ngủ gà, điều này làm xáo trộn sự bế quan tỏa cảng của cậu.
Hỏi : Phải thực hiện những thăm dò nào ? Theo phương pháp điều trị nào ?
GS Renaud Louis : Rất thường hen phế quan có nguồn gốc dị ứng. Trong một quần thể 8010 bệnh nhân hen phế quản mà chúng tôi đã theo dõi trong clique de l’asthme của chúng tôi, 60% có một thể địa quá mẫn (terrain atopique), được đánh giá bởi một sự tăng cao của những nồng độ IgE lưu thông trong máu đối với những aéroallergène thông thường. 40% những người hen phế quản dị ứng với acarien từ bụi bặm, dị ứng nguyên số 1. Những dị ứng nguyên chiếm vị trí thứ hai về tần số là những phấn hoa graminées, ở 35% những bệnh nhân hen phế quản. Tiếp theo sau là lông mèo (30%) và lông chó. Tiếp theo, ta nhận thấy ở khoảng 20% những người hen phế quản một dị ứng với các phấn hoa bouleau và ở 15% một tăng nhạy cảm với mốc (moississure). Đáng ngạc nhiên, những con số này không thay đổi theo mức độ nghiêm trọng của hen phế quản (nhẹ, trung bình hay nặng) nhưng có một tương quan giữa mức độ nghiêm trọng của hen phế quản và nồng độ IgE toàn thể. Mặt khác, chúng ta biết rằng có một quá trình liên tục (continuum), ” một chặng đường” của dị ứng trong cuộc đời : những dị ứng thức ăn và da trong thời thơ ấu có thể tiến triển thành hen phế quản và viêm mũi dị ứng vào thời kỳ thiếu niên.
Trong trường hợp được trình bày trên đây, trước hết cần xác nhận chẩn đoán hen phế quản ở chàng thanh niên này. Thật vậy, mặc dầu những triệu chứng mà anh ta báo cáo dường như chỉ hen phế quản, nhưng những dữ kiện mới đây cho thấy rằng 30% những chẩn đoán hen phế quản là sai lầm. Có thể đó là những viêm phế quản, với một triệu chứng tương tự. Những trắc nghiệm của chức năng hô hấp với sự phát hiện một hyperréactivité bronchique, được biểu hiện bằng những dao động của chức năng hô hấp với thời gian, là cần thiết. Thường nhất, ta sẽ nhờ đến spirométrie, với một test de provocation. Nếu ta chuyển cho một thầy thuốc chuyên khoa, ta sẽ lợi dụng cơ hội để cho bệnh nhân chịu những trắc nghiệm dị ứng, để nhận diện những dị ứng nguyên mà bệnh nhân bị nhạy cảm hóa. Mặc đầu thời kỳ sớm của sự xuất hiện của những triệu chứng rhume des foins khiến nghĩ đến một dị ứng các phấn hoa của cây (bouleau), những dị ứng nguyên khác cũng có thể được phát hiện (acariens, những phấn hoa khác, lồng động vật…)
Một khi các dị ứng nguyên được nhận diện, ta sẽ khuyên bệnh nhân tránh tiếp xúc tối đa với những dị ứng nguyên này (tránh xa động vật, những biện pháp về vệ sinh và lối sống…). Trong trường hợp một tăng cảm ứng với các pollens de bouleau, ta sẽ lưu ý bệnh nhân về sự hiện diện của những dị ứng chéo (fruits à noyeu hay à pépéins…)
Điều trị viêm mũi dị ứng, ngay cả xảy ra theo mùa, trước hết bằng một corticoide bằng đường mũi. Nếu kê đơn một antihistaminique, ta khuyên dùng vào buổi chiều. Những anti-H1 mới nhất rõ rệt gây an thần ít hơn những anti-H1 cũ và có một biến thiên giữa mỗi cá nhân về quan điểm này. Nếu chẩn đoán hen phế quản, với tăng phản ứng phế quản (hyperréactivité bronchique) được xác nhận, ta sẽ tiến hành một điều trị nền gồm một corticoide inhalé (ICS) và một thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (bronchodilatateur long acting). Ventolin chỉ được sử dụng trong điều trị cấp cứu.
Sự lựa chọn thuốc cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi loại inhalateur được đề nghị. Đó là một lựa chọn chủ yếu và, theo cá nhân tôi, tôi đề nghị những khả năng khác nhau cho bệnh nhân để kéo bệnh nhân tối đa vào sự theo đuổi điều trị cữa mình. Giáo dục bệnh nhân sử dụng đúng đắn inhalateur của mình là chủ yếu : một sự thở vào chậm và sâu là cần thiết với những aérosol doseur trong khi thở vào mạnh được khuyến nghị đối với những aérosol en poudre. Trong tất cả các trường hợp, một điều trị bằng aérosol chỉ có hiệu quả nếu nó được hít một cách đúng đắn và không bị ngừng ở miệng-thanh quản.
(TEMPO MEDICAL 5/2015)

5/ KHI KHÓ THỞ CHE DẤU MỘT BỆNH HÔ HẤP NGHIÊM TRỌNG
Bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính (BPCO : broncho-pneumopathie) liên quan đến 3,5 triệu người Pháp, nhưng hai phần ba không biết rằng họ bị bệnh.
POUMONS. Đó là một căn bệnh hô hấp liên quan chủ yếu đến những người hút thuốc hay những người từng hút thuốc, và tuy vậy 8 người Pháp trên 10 đã không bao giờ nghe nói về bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính. Biểu lộ sự không quan tâm của giới hữu trách y tế, căn bệnh ngay cả đã không được nêu lên bởi bà Bộ trưởng y tế Marisol Touraine, ngày 25/9/2014 lúc trình bày chương trình giảm nghiện thuốc lá của bà ! BPCO có nghĩa là broncho-pneumopathie chronique obstructive.
Căn bệnh tự nó là khá phức tạp và, mặc dầu nó bắt đầu ở hai lá phổi, nhưng ảnh hưởng của nó có thể đi quá suy hô hấp riêng rẻ : thương tổn cơ, bệnh động mạch vành, loãng xương, trầm cảm…” Những hậu quả của Bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính là đáng kể, chúng ta không nhấn mạnh đủ về những bệnh hô hấp nói chung và Bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính nói riêng”, Pascal Mélihan-Cheinin, phó giám đốc y tế nhân dân và phòng ngừa những bệnh mãn tính ở Diection générale de la santé đã nhấn mạnh như vậy.
Trong bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính, có một viêm mãn tính của cây hô hấp, chịu trách nhiệm triệu chứng toux grasse (ho có đờm), thường ngay vào buổi sáng, và một tính nhạy cảm gia tăng đối với những nhiễm trùng. Thêm vào thuốc lá, điều đó làm gia tốc sự phá hủy phổi, làm gia tăng phế tật. Mặt khác, căn bệnh được đặc trưng bởi một sự phá hủy dần dần các phế nang phổi (emphysème), những túi tận cùng (sacs terminaux) bé nhỏ ở đó những trao đổi khí cần cho sự sống được thực hiện. CO2 trong máu được trao đổi O2 của khí trời. Do đó sự khó thở xảy ra dần dần (dyspnée), trước hết lúc gắng sức rồi ngay cả lúc nghỉ ngơi. Những căn bệnh tiến triển một cách chậm chạp và hiếm có những người hút thuốc lo ngại khi bị ho hay khi bị khó thở một cách dễ dàng.
Vào giai đoạn tận cùng, tình huống trở nên cực kỳ trầm trọng. Bệnh nhân cần thở khí giàu oxy đồng thời được nối thường trực với những bình oxy. Ở Pháp, gần 100.000 người được điều trị liên tục với oxy. ” Ta không bao giờ nói đến sự lo âu thiếu khí (angoisse de manquer d’air), cảm giác tức thở (sensation d’oppression) này “, Philippe Poncet, 55 tuổi, mà bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính (BPCO) đã được chẩn đoán cuối năm 2008 ở CHU de Grenoble khi ông ở giai đoạn cuối của bệnh, đã nói như vậy.
Philippe Poncet không phải là một trường hợp riêng rẻ, 2/3 những người bị bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính không hay biết rằng họ bị bệnh, trước khi đi đến một giai đoạn nghiêm trọng. ” Cứ 6 người thì có một khám phá căn bệnh của mình ngày được nhập viện vì một mất bù hô hấp ! ” GS Bruno Housset, chủ tịch của Fédération française de pneumologie, đã nhận xét như vậy.
Tuy vậy, căn bệnh không phải là hiếm. ” Ở Pháp có 3,5 triệu người bị bệnh bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính, trong đó 1 triệu với những triệu chứng “, BS Frédéric Le Guillou, thầy thuốc chuyên khoa phổi ở La Rochelle và là chủ tịch của Hiệp hội Bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính, tổ chức colloque hàng năm ở Paris, đã nhắc lại như vậy. Chỉ cần đo hơi thở bằng một khí dung kế điện tử nhỏ (minispiromère électronique) cũng đủ để chẩn đoán được nghi ngờ, trước khi được xác nhận bằng những thăm dò phức tạp hơn ở một thầy thuốc chuyên môn phổi.
Than ôi, vì không được bồi hoàn nên việc đo không bao giờ duoc phổ biến ở các thầy thuốc gia đình. Kết quả : ” 8 bệnh nhân bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính trên 10 không biết là họ bị bệnh này “, GS Housset đã phàn nàn như vậy.
Điều đáng tiếc nhất là 900.000 bệnh nhân có thể hưởng một phục hồi chức năng hô hấp (réhabilitation respiratoire) với một chẩn đoán y khoa tốt hơn và nhất là được bồi hoàn bởi Sécurité sociale về những động tác thực hiện ngoại trú, điều này không phải là như vậy hiện nay.
Sự phục hồi hô hấp này dựa trên một sự tái tập luyện lúc gắng sức (réentrainemnt à l’effort) dưới sự kiểm soát y khoa, đôi khi được thực hiện với sự giúp đỡ của những kinésithérapeutes, dựa trên những lời khuyên hành vi và giáo dục điều trị bởi các y tá. ” Sự phục hồi chức năng hô hấp cải thiện sự khó thở, chất lượng sống, sự chịu được lúc gắng sức (tolérance à l’effort) và làm giảm số lần và thời gian của những nhập viện “, GS Yves Grillet, chủ tịch danh dự của Hiệp hội BPCO, quy tụ các bệnh nhân và những người săn sóc bệnh nhân. Mặc dầu bệnh không thể đảo ngược được, hiện nay đó là phương tiện duy nhất làm chậm sự tiến triển của nó.
(LE FIGARO 24/11/2014)

6/ KHÍ PHẾ THỦNG : MỘT CHẨN ĐOÁN THƯỜNG QUÁ MUỘN.
Một công trình nghiên cứu cho thấy rằng, trong hơn một nửa các trường hợp, căn bệnh này đáng lý ra đã có thể được chẩn đoán ít nhất 5 năm sớm hơn.
PNEUMOLOGIE. Đó là một bệnh phổi âm ỉ gây nên những thiệt hại đáng kể. Ở Pháp, 3,5 triệu người bị khí phế thủng (emphysème) mà không hay biết, còn được gọi là bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính (BPCO).
” Có hai thành phần trong căn bệnh, GS Gérard Huchon, chủ tịch của Fondation du souffle đã giải thích như vậy. Thành phần đầu tiên là viêm phế quản mãn tính (bronchite chronique) làm ho và khạc đờm và có thể hồi phục nếu ta ngừng hút.” Bởi vì 80% các bệnh nhân là những người hút thuốc hay đã từng hút thuốc. ” Thành phần thứ hai là bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính (BPCO), không đảo ngược được”, thầy thuốc chuyên khoa phổi nói thêm như vậy. Nói một cách khác, các lá phổi bị phá hủy không tái sinh được và suy hô hấp thành hình. ” Chính vì điều đó mà điều căn bản là phải chẩn đoán trước khi những thiệt hại không thể đảo ngược được. Bằng cách ngừng hút, hay bằng cách tránh tiếp xúc những tác nhân trong nghề nghiệp, có thể ổn định căn bệnh”, GS Huchon đã nhấn mạnh như vậy.
Chẩn đoán sớm ư ? Chính đó là điều mà các nhà nghiên cứu Anh đã muốn đánh giá. Họ đã lấy lại các hồ sơ của gần 39.000 bệnh nhân mà chẩn đoán bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính đã được thực hiện giữa 1990 và 2009. Họ đã nhận thấy rằng, trong hơn một nửa các trường hợp, những cơ hội chẩn đoán đã có từ 6 đến 10 năm sớm hơn. Thật vậy, 57% những bệnh nhân đã đi khám ít nhất một lần thầy thuốc gia đình của mình hay một thầy thuốc chuyên khoa đồng thời có những triệu chứng hô hấp.
” Tôi không có một nghi ngờ nào về sự việc là đó cũng chính là điều xảy ra ở Pháp, GS Huchon đã giải thích như vậy, bởi vì có nhiều nguyên nhân của chậm chẩn đoán. ” Thứ nhất, một cách nghịch lý, là ở trong tay của chính bệnh nhân. Nếu ta không nói với thầy thuốc của mình rằng ta ho, khạc đờm và khó thở khi ta gắng sức dễ dàng hơn trước, thì thầy thuốc không thể đoán được điều đó.
Nguyên nhân thứ hai phát xuất từ những thầy thuốc đa khoa. ” Khi một thầy thuốc nghi ngờ một bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính, hay đối với mọi người hút thuốc sau 15 năm nhiễm độc. Vị thầy thuốc này phải cho đo hơi thở để thiết đặt chẩn đoán”, GS Huchon đã gợi ý như vậy. ” Vì lẽ tỷ lệ lưu hành và mức độ trầm trọng của bệnh, chúng ta phải nghĩ đến điều đó cho dầu bệnh nhân không có một triệu chứng hô hấp nào một cách ngẫu nhiên”, GS Philippe Serrier, thầy thuốc đa khoa Paris đã nói như vậy khi phát động chiến dịch “BPCO, maladie pulmonaire qui tue à petit feu”, vào tháng 11 năm 2013.
Vào cơ hội này, một thăm dò OpinionWay cho Fondation du souffle đã cho thấy rằng chỉ một người Pháp trên ba là biết rằng thuốc lá là trách nhiệm chính của BPCO và một trên hai biết rằng đó là một bệnh có tiềm năng gây chết người. ” 16.000 người chết mỗi năm vì bệnh này, GS Nicolas Roche, thầy thuốc chuyên khoa phổi thuộc bệnh viện Cochin (Paris) đã giải thích như vậy và những triển vọng tương lai không vui vì chứng nghiện thuốc lá hiện nay không giảm nữa, nhất là ở những người trẻ và nữ giới.
(LE FIGARO 16/2/2014)

7/ NHỮNG ĐIỀU TRỊ CỦA HEN PHẾ QUẢN, BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH : HÔM QUA, HÔM NAY VÀ NGÀY MAI.
GS Wilfried De Backer, trưởng khoa bệnh phổi thuộc UZ Antwerpen, professeur ordinaire của đại học Anvers nói về những tiến triển quan trọng trong điều trị hen phế quản và bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính (BPCO)
Về điều trị hen phế quản và bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính, guidelines quy chiếu là GINA và GOLD
Ta không thể không biết chúng : từ 20 năm nay, những guidelines GINA (Global initiative for Asthma) và GOLD (Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease) lần lượt xác định những khuyến nghị điều trị toàn bộ và thuốc của hen phế quản và bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính. Từ khi được thành lập vào năm 1993 và 1997, những tổ chức này hoạt động, cộng tác với những chuyên gia và giới hữu trách y tế, để có được một định nghĩa, sự thấu hiểu, phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị tốt hơn của những bệnh phổi mãn tính này. Một trong những mục đích nguyên thủy là truyền đạt, trên quy mô thế giới, ý kiến được nhất trí ở mức độ cao và dựa trên chứng cớ về những điều trị hen phế quản và bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính. Đó là điều giải thích sự thành công của những tổ chức này. GS De Backer xác nhận ” Phải nói thêm rằng những guidelines này không tĩnh tại. Dĩ nhiên chúng đã tiến triển với thời gian, song song với sự cải thiện những kiến thức của chúng ta về hen phế quản và bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính, nhưng cũng dựa vào những dữ kiện khoa học và lâm sàng mới hiện có, những kết quả của những công trình nghiên cứu và những méta-analyse, và những phương pháp điều trị thay thế mới được đề nghị bởi công nghiệp dược phẩm. Nhưng khi chúng ta nhìn sau chúng ta, ta có thể nói rằng chúng đã quyết định một cách liên tục những thái độ điều trị của chúng ta.
Tiến triển của những tiêu chuẩn chẩn đoán và ảnh hưởng của chúng lên điều trị
” Hen phế quản và bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính trên quan điểm này đã kinh qua một tiến triển song hành trong 20 năm qua, GS De Backer tiếp tục. Lúc đầu, sự xếp loại và những tiêu chuẩn chẩn đoán của hai bệnh cảnh lâm sàng này được biểu hiện một cách rõ ràng thành các tầng (étage), xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh, từ nhẹ đến rất nặng. Ở mỗi nấc (palier) tương ứng với một sơ đồ điều trị đối với mỗi sous-groupe. Nhưng ta đã nhận thức rằng sự xếp loại này là một hình ảnh rất tĩnh, thường nhất không tương ứng với thực tế lâm sàng, và rằng những nhóm này không đồng nhất, với rất nhiều biến thiên của những bệnh cảnh lâm sàng.” Chính như thế mà concept de “controle de l’asthme” đã được đưa vào trong những khuyến nghị của GINA và rằng những GOLD-guidelines đã thêm vào những tiêu chuẩn chẩn đoán cổ điển (indice de Tiffenau < 70%) những tiêu chuẩn lâm sàng như mức độ nghiêm trọng của khó thở và số những cơn bộc phát
Điều trị thuốc của hen phế quản.
Khái niệm “asthme controlé”, uyển chuyển và năng động hơn, đã ảnh hưởng cách điều trị hen phế quản nhưng cũng kích thích sự hiệu chính và phát triển những thuốc mới. Trên thực hành điều đó được thể hiện bởi những khuyến nghị điều trị từng nấc (par paliers), bắt đầu bằng những corticoides hít liều thấp, được thêm vào những thuốc giãn phế quản (chủ yếu những LABA), rồi những corticoides hít liều mạnh, và một thuốc giãn phế quản cấp cứu (bronchodilatateurs để secours) và cuối cùng bởi những corticoides uống và những điều trị toàn thân mới khác, như kháng thể đơn động chống IgE (omalizumab). Những phối hợp những điều trị bằng thuốc hít, và những cải thiện máy hít (inhalateur), đã cải thiện sự tuân thủ điều trị (compliance), điểm rất quan trọng trong những bệnh lý này.
Tuy nhiên vẫn luôn luôn tồn tại một nhóm bệnh nhân không được kiểm soát đủ, những bệnh nhân được gọi là “nặng”. Và chính như thế mà chúng ta lại rơi vào một trong những nhược điểm ban đầu của chúng ta, đó là tạo một nhóm bệnh nhân căn cứ trên sự kiện là họ không đáp ứng với những điều trị hiện nay. Tuy nhiên những công trình nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng nhóm bệnh nhân mới này cũng rất không đồng nhất và rằng một số nguyên nhân có thể giải thích sự không đáp ứng với những điều trị tối đa hiện nay. Những lý do chính, một mặt, là một sự viêm không nhạy cảm với các corticoides và, mặt khác, một vấn đề lắng đọng thuốc được hít vào trên vài vùng viêm do flux pulmonaire bị biến đổi gây nên ở vài bệnh nhân một sự không (hay gần như không) đáp ứng với những thuốc kháng viêm.” Ngoài ra GS De Backer, cùng với BS Sally Wenzel của đại học Pittsbourgh, đã thực hiện một công trình nghiên cứu về những đặc điểm hình học của các đường khí phổi cản trở sự đi qua hoặc gây lắng đọng những hạt được hít vào.” Từ công trình nghiên cứu này chúng tôi kết luận rằng sự hẹp của đường khí phổi ở những bệnh nhân không đáp ứng với những liệu pháp hít (thérapie inhalée), gây nên một vòng luẩn quẩn. Những bệnh nhân này khi đó bị gán cho là những bệnh nhân hen phế quản nặng (asthmatique sévère) bởi vì họ không phản ứng với điều trị, mà thật ra họ đã không nhận được điều trị !”. Giải pháp cho nhóm những bệnh nhân này có lẽ là ở một liệu pháp kháng viêm không phải corticoide, sẽ đến vào ở chân trời 2015-2016. Những công trình nghiên cứu ở giai đoạn cuối là rất đáng phấn khởi đối với những kháng thể đơn dòng (anticorps monoclonaux), nhất là những anti-cytokines. ” Những điều trị sinh học (traitement biologique) này tôi tin sẽ làm đảo lộn paradigme của bệnh hen phế quản, để hướng nó về một điều trị “cá thể hoá” thật sự, và médecine “sur mesure” này sẽ biến đổi một cách đáng kể sự theo kèm của bệnh hen phế quản. Dĩ nhiên, 80 đến 90% những bệnh nhân hen phế quản sẽ tiếp tục được điều trị, và được điều trị tốt, bởi những liệu pháp hiện nay nhưng 10% những bệnh nhân đề kháng với corticoides, dầu nguyên nhân là gì, có thể được điều trị bởi những liệu pháp sinh học này, bởi vì chúng sẽ được chỉ định để làm điều đó.
Điều trị bệnh phế quản phối tắc nghẽn mãn tính
Cái bất tiện của sự đưa vào số những cơn bộc phát trong định nghĩa của BPCO là ở chỗ bây giờ nó dựa trên sự kiện là ta đã cho cho hay không những thuốc kháng sinh và/hoặc những corticoides bằng đường miệng.
Giai đoạn sắp đến sẽ là một điều trị cá thể hóa hơn. Có một sự đa dạng những hình ảnh lâm sàng đến độ chúng khó có thể được biểu hiện thành “nhóm”. Đa số các bệnh nhân cho thấy một BPCO nhẹ, và được điều trị một cách thích đáng bởi những thérapie inhalée được đề nghị, thường là những phối hợp cố định. Vấn đề lớn là ta gặp thường hơn những dạng nặng của BPCO, dẫn đến suy hô hấp, giảm oxy mô và tăng thán huyết. Đó là một hậu quả trực tiếp vì lẽ đó là một bệnh tiến triển dần dần và do tuổi thọ gia tăng (nhiều người bị những cơn bộc phát hơn và nhiều bệnh kèm theo hơn). Vậy ta tiến về một thái độ điều trị càng lâu càng tốt với tam liệu pháp (LAMA + LABA + corticoides inhalés), và hướng về một nhóm ngày càng gia tăng những bệnh nhân không còn đáp ứng nữa. ” Chúng ta phải đối diện cùng tình huống như trong hen phế quản. Trong nhóm những bệnh nhân không được kiểm soát với điều trị hiện nay này, ta nhận thấy một nhóm không thuần nhất những bệnh nhân. Có thể đó là một viêm không nhạy cảm với điều trị, một emphysème terminal hay một vấn đề lắng đọng của thérapie inhalée. Nói chung luồng khí (flux) được tái phân bố trong BPCO ở phía trên, do đó những mức dưới, không nhận được thuốc, chịu một viêm gia tăng thêm nữa, các đường khí đọng lại và điều đó dẫn đến sự tăng phồng (hyperinflation) (tại chỗ). ” Giải pháp cho vấn đề này, cũng như trong hen phế quản, là phối hợp điều trị toàn thân (thérapie systémique) với hít (inhalation). De Backer đã điều tra vai trò của roflumilast (inhibiteur de la PDE4) ở mức này. Một công trình nghiên cứu, vừa mới được công bố trong tạp chí The Lancet, cho thấy rằng roflumilast có thể làm giảm viêm ở những người đáp ứng và như thế một phần tái lập luồng khí, do đó liệu pháp hít (thérapie par inhalation) có thể hoạt động tốt hơn, và cải thiện một cách đáng kể những triệu chứng của BPCO.”Roflumilast (Daxas) không phải là thuốc lý tưởng (nhiều tác dụng phụ tiêu hóa), nhưng chắc chắn nó hữu ích đối với một nhóm bệnh nhân và đang được chấp nhận bởi vì còn phải chờ lâu mới thấy xuất hiện những thuốc mới “, GS De Backer đã giải thích như vậy. Một lớp khác mà chúng ta phải chờ đợi trong bối cảnh này, là lớp những kháng thể đơn dòng (anticorps monoclonal), được phát triển để điều trị BPCO (thí dụ Mepoluzimab), có thể làm giảm viêm trong những đường khí nhỏ, do đó điều trị bằng hít hiệu quả hơn. ” Mặc dầu nhóm những bệnh nhân đề kháng với điều trị được giới hạn trong hen phế quản, nhưng nó quan trọng trong BPCO và tiếp tục phát triển hằng định. Chúng ta có thể, bằng cách suy diễn những con số cách nay 10 năm, ước tính rằng hiện nay ở Bỉ có > 700.000 bệnh nhân BPCO, trong đó hơn 150.000 ở giai đoạn II-IV. Vậy có một nhu cầu to lớn và gia tăng đối với những sản phẩm sinh học mà chúng ta chờ đợi trong hai đến ba năm trên thị trường.Vị trí của những sản phẩm này, do ảnh hưởng tài chánh, sẽ phải được định rõ và hạn chế vào những trường hợp BPCO nặng “, GS De Backer đã kết thúc như vậy.
Điều trị không dùng thuốc của BPCO
GS De Backer cũng muốn lưu ý chúng ta về tầm quan trọng của những liệu pháp không dùng thuốc trong bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mãn tính. Trước hết, sự thu giảm hyperinflation pulmonaire, trước đây được thực hiện bằng ngoại khoa, nhưng bây giờ bằng nội soi. Ngoài ra, càng ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu được thực hiện về sự thông khí mãn tính không xâm nhập (ventilation chronique non invasive) ở những bệnh nhân BPCO trong tình trạng hypoxie. Điều đó hiệu quả như một CPAP trong apnée du sommeil nhưng với một áp lực thở vào mạnh hơn và thở ra thấp hơn. Giáo sư De Backer giải thích : ” Trong một công trình nghiên cứu được công bố năm 2011 trong International Journal of COPD, chúng tôi đã chứng minh rằng có một nhóm những bệnh nhân đáp ứng với kỹ thuật này. Ở những bệnh nhân này hình học của những đường khí cho phép biến đổi luồng khí, và cho phép thuốc được tiếp cận rộng rãi hơn trong những đường khí “. Một giải pháp thứ ba, hiện nay và trong tương lai, là ở khả năng ghép phổi. Còn có một số đáng kể những bệnh nhân trẻ, rất bị thương tổn bởi những tác dụng của chứng nghiện thuốc lá và mất nhanh chức năng phổi, đối với những bệnh nhân này ghép phổi là giải pháp duy nhất.
(TEMPO MEDICAL 4/2015)

8/ XƠ HÓA PHỔI : HAI VŨ KHÍ CHỐNG LẠI.
GS Bruno Crestani, thầy thuốc chuyên khoa phổi thuộc bệnh viện Bichat, Paris, xác nhận tính hiệu quả của pirfénidone và những hy vọng của một thuốc mới.
Hỏi : Ông hãy nhắc lại cho chúng tôi những đặc điểm của một xơ hóa phổi ?
GS Bruno Crestani. Đó là một bệnh (hiếm trước 50 tuổi) làm thương tổn mô phổi. Bình thường đàn hồi, mô này cho phép phổi phồng lên và sẽ vider một cách dễ dàng khí thở. Trong trường hợp xơ hóa, phổi trở nên cứng, và thở đòi hỏi một gắng sức. Các phế nang, những vùng trao đổi giữa khí và máu, dần dần bị phá hủy, và phổi càng ngày càng khó bắt oxy và thải khí CO2. Sự biến đổi này của mô phổi tiếp theo sau một sự tích tụ bất thường của những fibroblaste, những tế bào chế tạo collagène.
Hỏi : Ta có biết nhưng nguyên nhân của sự tích tụ những fibroblaste này ?
GS Bruno Crestani. Có nhiều nguyên nhân. Đó có thể là những chất mà ta thở, (amiante, silice hay những chất nguồn gốc động vật hay thực vật). Đó có thể là vài thuốc chống ung thư. Trong những trường hợp fibrose idiopathique, thường gặp nhất (30 đến 50% những trường hợp) và trầm trọng nhất (đó là fibrose tiến triển nhanh nhất), yếu tố làm dễ là thuốc lá. Cũng có những thể gia đình nguồn gốc di truyền.
Hỏi : Ông hãy mô tả cho chúng chúng tôi những triệu chứng đầu tiên phải báo động.
GS Bruno Crestani. Ho khan, nhất là trong ngày, một khó thở tăng dần dần cho đến khi tạo nên một phế tật. Lúc thính chẩn, sự hiện diện của những ran nổ là dấu hiệu đặc trưng. Sau đó, một chụp cắt lớp vi tính nhận diện bệnh xơ hóa phổi, nhưng chẩn đoán phải được xác nhận bởi một thầy thuốc chuyên về phổi.
Hỏi : Những nguy cơ là gì ?
GS Bruno Crestani. Tiến triển sẽ hạn chế càng ngày càng nhiều những năng lực hô hấp. Bệnh nhân, vào một lúc nào đó, sẽ cần một système portatif cho phép gìn giữ khả năng vận động của mình. Bệnh xơ hóa phổi cũng có thể biến chứng thành ung thư phổi.
Hỏi : Ta điều trị những xơ hóa phổi này như thế nào ?
GS Bruno Crestani. Trước hết, phải hủy bỏ nguyên nhân khi ta đã có thể nhận diện nó. Thí dụ, ngừng sử dụng một thuốc gây nhiễm độc.Ngoại trừ fibrose idiopathique, đôi khi ta phải cho những corticoides bằng đường miệng và những thuốc làm suy giảm miễn dịch. Với điều trị này, ta có được một cải thiện và ta ổn định căn bệnh. Nhưng ta không chữa lành nó. Trong những trường hợp tiến triển nhất, trong đó sự sống còn bị đe dọa, ta xét đến ghép phổi.
Hỏi : Những tiến bộ mới nhất nào đã cho phép điều trị những xơ hóa phổi nặng nhất, những xơ hóa phổi không rõ nguyên nhân ?
GS Bruno Crestani. Từ lâu ta đã điều trị chúng với những corticoides ; những thuốc này gây nên những tác dụng phụ và làm gia tốc căn bệnh. Rồi, cách nay hai năm, một loại thuốc mới, pirfénidone, làm chậm tiến triển của dạng bệnh nặng này, đã được thương mãi hóa ở châu Âu. Nhưng giới hữu trách y tế Hoa Kỳ (FDA) đã không đồng ý để đưa ra thị trường ở Hoa Kỳ.
Hỏi : Vì những lý do nào ?
GS Bruno Crestani. Hai công trình nghiên cứu đã được thực hiện ở những bệnh nhân ở Tây phương, một dương tính và một âm tính. Một công trình nghiên cứu thứ ba của Nhật bản, đã chứng minh những kết quả tốt, nhưng FDA đã không xét đến điều đó bởi vì thử nghiệm đã không được thực hiện với cùng những liều lượng. FDA chờ đợi một công trình nghiên cứu thứ tư nhằm xác nhận tính hiệu quả của thuốc trước khi cho phép thương mãi hóa nó.
Hỏi : Công trình nghiên cứu sau cùng này là gì ?
GS Bruno Crestani. Công trình nghiên cứu Ascend, được tiến hành trên 600 bệnh nhân ở Bắc Mỹ trong 52 tuần. Kết quả : thuốc làm chậm tiến triển của fibrose idiopathique kho ả ng 50 % và kéo dài thời gian sống. Vậy thử nghiệm mới nhất này xác lập một cách dứt điểm tính hiệu quả của pirfénidone với cái giá của vài rối loạn tiêu hóa.
Hỏi : Tiến bộ sắp đến cùng liên quan fibrose idiopathique ?
GS Bruno Crestani. Vâng. Những lợi ích của một thuốc mới, nintedanib, có tác dụng làm chậm nhiều tiền triển của bệnh, vừa được chứng minh bởi hai công trình nghiên cứu so sánh (Inpulsis 1 và 2). Đó là một thuốc dùng bằng đường miệng mang hy vọng, có những tác dụng phụ vừa phải. Đơn xin phép đã được đệ trình ở giới hữu trách châu Âu và Mỹ. Chúng tôi hy vọng có được chúng trong 1 đến 2 năm nữa. Những thuốc mới, những kháng thể điều trị đang được đánh giá. Những xơ hóa phổi nguồn gốc di truyền hiện đang được nghiên cứu một cách tích cực. Ta đã nhận diện 4 gène bị biến dị (bất thường).
(PARIS MATCH 4/9-10/9/2014)

9/ OXY LIỆU PHÁP : NGHIÊN CỨU CHỐNG UNG THƯ
Một đặc điểm chung cho phần lớn các ung thư là sự hiện diện, trong các khối u, những vùng có một oxygénation thấp hơn oxygénation của những mô lành mạnh. Những tế bào của chúng đề kháng hơn đối với các tia và với hóa trị so với những tế bào ung thư khác. Ngoài ra chúng tiết những lượng lớn adénosine, một chất mà sự thặng dư ức chế những tế bào miễn dịch. Kíp của GS Michail Sitkovsky (đại học Northeastern, Boston) đã tiến hành nhiều công trình trên những con chuột bị ung thư. Sự thở một khí có nồng độ oxy hai hay ba lần nhiều hơn khí môi trường đã cho phép làm giảm tình trạng giảm oxy mô (hypoxie) khối u, làm giảm tiết adénosine, đánh thức những tế bào miễn dịch giết (cellules tueuse immunitaire), tăng cường tính hiệu quả của hóa trị và gia tăng tỷ lệ sinh tồn của những động vật được điều trị.
(PARIS MATCH 19/3-25/3/2015)

10/ TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ NỒNG ĐỘ VITAMINE D
Các tác giả của một công trình nghiên cứu Hoa Kỳ (đại học Masschusetts, Worcester) đã chứng thực, trên một série 100 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não rằng những người có một nồng độ vitamine D dưới trị số chuẩn (dưới 30 ng/ml) có những vùng nhồi máu não hai lần lan rộng hơn so với những người có một nồng độ bình thường, những người này bình phục nhanh hơn.
(PARIS MATCH 19/3-25/3/2015)

BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(3/7/2015)

Bài này đã được đăng trong Chuyên đề Y Khoa, Thời sự y học. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

2 Responses to Thời sự y học số 375 – BS Nguyễn Văn Thịnh

  1. Pingback: Thời sự y học số 502 – BS Nguyễn Văn Thịnh | Tiếng sông Hương

  2. Pingback: Thời sự y học số 518 – BS Nguyễn Văn Thịnh | Tiếng sông Hương

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s