Quảng trường ở phía tây nối với Place de L’Etoile
bởi Avenue des Champs Elysées,
Ở phía nam nhìn ra sông Seine và phía bên kia Pont de La Concorde là Assemblée Nationale,
Ở phía đông tiếp giáp với Jardin des Tuileries.
Ở phía bắc quảng trường được đóng lại bởi Bộ Hải Quân
và Hotel Crillon.
Place de La Concorde được thực hiện bởi kiến trúc sư Jaques-Ange Gabriel từ năm 1753 đến năm 1763 để đón nhận tượng vua Louis XV cưỡi ngựa nhằm vinh danh nhà vua. Quảng trường lúc đó được gọi là Quảng trường Louis XV, nhưng rồi năm 1792 bức tượng bị đập phá và quảng trường được đổi tên là Quảng Trường Cách Mạng (Place de La Révolution).
Trong thời kỳ Khủng Bố (La Terreur) hơn 1200 người bị chặt đầu ở đây, trong số đó có vua Louis XVI (21/1/1793), hoàng hậu Marie Antoinette, Robespierre (1794), Danton. Năm 1796 trong tinh thần hòa giải quốc gia, quảng trường được đặt tên lại là Place de La Concorde (Quảng Trường Hòa hợp).
Vua Louis Philippe cho dựng ở trung tâm quảng trường một Obélisque de Luxor (cao 23m) bằng cẩm thạch hồng, được làm cách nay 3300 năm.
Đây là món quà của Phó Vương Ai cập Muhammad Ali trao tặng năm 1829. Đài Tháp (obélisque) này là ” anh em song sinh ” với một đài tháp khác ở Đền Luxor (Ai Cập). Để vận chuyển món quà này từ Ai cập về Pháp không phải là chuyện nhỏ, bởi cần đóng một con tàu đặc biệt để chuyên chở món quà kềnh càng nặng 230 tấn bằng cẩm thạch này.
Phải mất 2 năm 25 ngày để tàu đến Toulon và phải đợi thêm 3 năm nữa đài tháp mới đuợc dựng lên.
Trên đài tháp, chiến công của các vua triều đại Ramses II và III được ghi khắc bằng tiếng Ai Cập.
Vua Louis Philippe còn cho dựng 2 đài nước (fontaine)
và 4 tượng nữ ở 4 góc của quảng trường, biểu hiện cho 8 thành phố lớn nhất của Pháp.
PHIÊN XỬ MARIE-ANTOINETTE
Vào lúc phiên xử vua Louis XVI, Marie-Antoinette (38 tuổi) bị giam trong nhà tù Le Temple cùng với con gái và em dâu là bà Elisabeth. Ngày 1 tháng 8 năm 1793, bà được chuyển qua Conciergerie và được giam trong một căn phòng ở đó có hai giám thị trại giam thường xuyên theo dõi.
Ngày 11/9 bà bị hỏi cung trong phòng giam. Cuộc thẩm vấn này nhằm buộc bà phải thú nhận những mối liên hệ giữa bà với các người di tản ra nước ngoài. Ngày 11/10 một viên lục sự (greffier) và hai viên thừa phát lại (huissier) thông báo cho bà bản cáo trạng buộc tội bà.
Ngày 14/10 bà ra trước tòa án cách mạng, được chủ tọa bởi Herman, đại biểu Hội nghị Công ước (le conventionnel). Bà được bào chữa bởi hai luật sư, Cheauveau-Lagarde và Tronson du Coudray. Công tố viên, Fouquier-Tinville đọc bản cáo trạng. Bản cáo trạng đưa ra những lời buộc tội về vai trò chính trị của hoàng hậu, đặc biệt là sự phung phí tiền công quỹ và làm nội ứng cho quân thù.
Phiên tòa đúng ra đã có thể diễn biến thuận lợi cho hoàng hậu bởi vì Marie-Antoinette đã bào chữ tài tình và khôn khéo. Nhưng viên thẩm phán hung dữ Hébert, khi thấy nạn nhân tương lai của mình sắp thoát khỏi nanh vuốt của y, đã phóng ra những lời buộc tội bẩn thỉu chống lại bà mẹ của thái tử. Thẩm phán Hébert báo cáo những lời khai bêu riếu, theo đó “ bà góa phụ Capet ” đã có những quan hệ loạn luân với con trai mình. Khi đó Hoàng Hậu đã phát biểu những lời lẽ, mãi mãi sẽ còn làm xúc động do tính mộc mạc và lòng chân thật : “ Tôi kêu gọi tất cả các bà mẹ…” Các luật sư của bị cáo can thiệp nhưng lại bị cho là quá khoan hồng và bị bắt giữ ngay trong phiên tòa !
Ngày 16/10, lúc 4 giờ sáng, sau khi tuyên đọc quyết định của
ban bồi thẩm, ông chánh án đã kết án tử hình Marie-Antoinette. Vào tảng sáng, bà chuẩn bị để ra pháp trường. Mặc chiếc áo dài trắng, khoác trên vai chiếc khăn choàng trắng, bà bước lên chiếc xe độc mã của các tội phạm (charrette des criminels), đứng thẳng người, đơn độc, lưng hướng về phía con ngựa. Suốt trong lộ trình qua các đường phố dẫn đến pháp trường, bà đưa mắt chăm chú nhìn các số nhà bởi vì bà biết rằng một trong những ngôi nhà kia sẽ có một vị linh mục phản kháng đang sẵn sàng ban phước lành cho bà (Tòa án buộc bà phải chấp nhận một linh mục tuyên thệ).Sau khi đi xuyên qua Paris trên một chiếc xe độc mã hở trần, cựu hoàng hậu cuối cùng đã bị đưa đến đoạn đầu đài. Marie-Antoinette nhanh chóng bước lên các bậc cấp dẫn lên máy chém. Khi Samson (đao phủ thủ) đưa bà đến tấm ván thẳng đứng, bà vô ý bước lên chân ông ta và tức thì xin lỗi : “ Thưa ông, tôi xin ông tha lỗi, tôi đã không cố ý làm như vậy đâu.” Viên đao phủ thủ buộc bà vào tấm ván và còn nghe bà kêu lên : Con gái tôi ơi, các con ơi ! Vĩnh biệt các con ! Mẹ sắp đi gặp cha của các con !
ĐẠI LINH