Thời sự y học số 344 – BS Nguyễn Văn Thịnh

1/ CHỨNG VÔ SINH NAM KHÔNG CÒN LÀ MỘT ĐỊNH MỆNH NỮA
Nhờ những tiến bộ của y khoa, chỉ cần một tinh trùng chín (spermatozoide mature) có thể đủ để có thể thụ thai một đứa bé. Tuy nhiên phải tìm ra tinh trùng này !ANDROLOGIE. Đã qua rồi thời kỳ trong đó nhà vua gạt bỏ hoàng hậu chỉ vì động cơ duy nhất là bà không có khả năng sinh cho ông một em bé ! ” Khi một cặp không có con sau hai năm mặc dầu có những giao hợp thường xuyên (và vào lúc thuận lợi đối với sự rụng trứng), chứng mất khả năng sinh sản (infertilité) có nguồn gốc nam giới trong 30% các trường hợp, nguồn gốc nữ giới trong 30% các trường hợp và nguồn gốc hỗn hợp trong 40% các trường hợp, GS Stéphane Droupy, thầy thuốc chuyên về niệu khoa (CHU Nimes) và là người phụ trách conseil scientifique của Hiệp hội niệu học Pháp đã giải thích như vậy.
Chính vì vậy trong một bilan về khả năng sinh sản (fertilité) của đôi lứa cần đòi hỏi rất nhanh một spermogramme. ” Trước khi thực hiện xét nghiệm này, người đàn ông cần được khám và đả thông. Vậy andrologue và urologue phải ở tuyến đầu, thế mà quyết định thực hiện spermogramme lại được thầy thuốc phụ khoa trao cho người vợ mà chẳng bao giờ nói gì hết với người chồng “, GS Louis Bujan, trưởng pole Femme-Mère-Couple ở CHU de Toulouse và chủ tịch của Fédération franaise des Cecos (centre d’études et de conservation des oeufs et du sperme) ở Pháp đã nhấn mạnh như vậy.
Một quan điểm được chia xẻ bởi GS Célia Ravel (biologie de reproduction, Cecos du CHU de Rennes) và điều này, bởi vì “chỉ một spermogramme bất thường không nói lên điều gì cả. Ta nói chứng vô sinh nam (infertilité masculine) trong trường hợp bất thường được tìm thấy trên hai spermogramme được thực hiện cách nhau 3 tháng. Ngoài ra, sự việc có một phần các tinh trùng bất thường hay kém di động là chuyện bình thường : điều đó làm lo âu những người đàn ông khi họ nhận báo cáo của phòng xét nghiệm, nhưng điều làm chuyên gia về khả năng sinh sản quan tâm, đó cũng là sự hiện diện của những tinh trùng bình thường bởi vì đó là điềm triệu tốt “. Mặc dầu những tinh trùng trưởng thành này có số lượng không đủ để có thể có một đứa bé một cách tự nhiên, nhưng có rất nhiều xác suất đạt được điều đó bằng thụ thai nhân tạo (FIV : fécondation in vitro), thậm chí FIV với tiêm một tinh trùng duy nhất vào noãn bào (Icsi : injection d’un spermatozoide dans l’ovocyte). Chỉ có sự thụ thai từ một tinh tử (spermatide) (tinh trùng chưa chín) là đã bị bỏ vì lẽ một nguy cơ gia tăng bị dị tật ở trẻ sơ sinh.
Mục đích của bilan là xác định nguyên nhân đối với 1% những người đàn ông, ở họ một spermogramme không tìm thấy một tinh trùng nào (azoospermie). Hoặc là sự tạo tinh trùng bị vấn đề, hoặc chính sự vận chuyển chúng trong tinh dịch.” ” Khi có sự tạo những tinh trùng, nhưng chúng bị chận lại trong tinh hoàn vì những lý do khác nhau (không có hay dị dạng hay tắc những ống dẫn), thường có cách để tác động, thí dụ bằng cách lấy đi cho tắc hay bằng cách tìm kiếm những tinh trùng ở nơi mà chúng hiện diện, để thực hiện FIV. Như thế, những nguyên nhân cơ học của chứng vô tinh trùng (azoospermie) thường có tiên lượng khá tốt “, GS Droupy nói tiếp như vậy.
Với những nguyên nhân không cơ học, những nguồn gốc thay đổi (di truyền, nhiễm trùng, tiếp xúc với những độc chất…) đến độ sự thành công tùy thuộc vào khả năng tìm thấy hay không những tinh trùng chín. ” Để thử nâng cao sự sản sinh những tinh trùng chín này, ta khuyên những người đàn ông hãy thực hiện những cố gắng về vệ sinh đời sống (không thuốc lá, không cannabis, không tiếp xúc với một tiết trời quá nóng, dùng vitamine, kem và những chất chống oxy hoa, mặc dầu tính hiệu quả cần phải được chứng minh), nhưng điều đó không luôn luôn đủ “, GS Droupy tiếp tục nói. Lời khuyên thực hành khác : ” Ta khuyên họ phóng tinh thường xuyên bởi vì những tinh trùng ứ đọng quá lâu trong những đường sinh dục cuối cùng sẽ chết và phóng thích những gốc tự do (radicaux libres) làm biến chất những tinh trùng lân cận “, GS Ravel đã xác nhận như vậy.
Dầu sao, khi không thể thu hồi tinh trùng để thực hiện thụ thai nhân tạo với Icsi, cần đặt vấn đề tìm một giải pháp thay thế. ” Cho đến nay, không có phương tiện để làm cho một tinh trùng chưa chín trở thành chín mùi, ngay cả khi tất cả mục tiêu của nghiên cứu là đạt đến điều đó từ những mô tinh hoàn được trích ra và cấy “, GS Ravel đã ghi nhận như vậy.” Những kết quả nghiên cứu là tốt ở chuột, nhưng vẫn còn rất gây thất vọng ở người. Vậy không nên chờ đợi gì trong nhiều năm đến. Thế thì còn lại là giải pháp hiến tinh trùng (don de spermatozoides).”
Tuy nhiên điều đó không có thể được thực hiện ngay : cần phải làm một công tác tâm lý ở thượng nguồn. ” Sự vô sinh nam (stérilité masculine) là nguồn gốc gây đau khổ trong xã hội latin của chúng ta, sự không có khả năng sinh đẻ dẫn đến những biểu hiệnkhác như bất lực (impuissance) mặc dầu không có một giao hợp nào “, GS Bujan đã nhấn mạnh như vậy. Không phải là tất cả : ” Đôi lứa cũng phải để tang cho đứa bé mà họ nghĩ có thể thụ thai nhân tạo. Chấp nhận ý tưởng hiến giao tử (gamète) và khả năng nói điều đó chung quanh mình. Vì tất cả những lý do này, thường cần một năm giữa lúc thăm bệnh đầu tiên để có được một hiến giao tử và lúc điều trị “, GS Ravel đã xác nhận như vậy. ” Sự giữ nặc danh là thiết yếu. Cả đôi lứa cũng như đứa trẻ sẽ sinh ra đời không thể biết lý lịch của người hiến tinh trùng “, GS Ravel đã kết luận như vậy.
(LE FIGARO 12/5/2014)

GHI CHÚ :
– Infertility (infertilité) : sự không có khả năng sinh sản, chứng vô sinh : sự mất khả năng có thai ở một phụ nữ hay mất khả năng gây mang thai ở một người đàn ông.
– Male infertility (infertilité masculine) : chứng vô sinh nam có thể do những tinh trùng trong dịch phóng tinh (ejaculate) bị thiếu sót về khả năng cử động (necrospermia) hay về số lượng (oligospermia) hay đó một sự vắng mặt toàn bộ tinh trùng (azoospermia : chứng vô tinh trùng).
– Sterility : sự vô sinh : mất khả năng có con, hoặc do không có khả năng sinh sản (infertility), hoặc, ở người đã từng có khả năng sinh sản (fertile) do một phẫu thuật (triệt sản)
– Stérilié masculine : vô sinh nam
– Fertility : khả năng sinh sản. Male fertility : khả năng sinh sản của phái nam
– Hypofertilité : giảm khả năng sinh sản
– Procréer : sinh đẻ
– Procréation des enfants : sự đẻ con
– Assistance médicale à là procréation : Hỗ trợ y khoa sinh đẻ
– Spermatozoon (số nhiều spermatozoa) tinh t rùng (spermatozoide)
– Spermatid : tinh tử (tính trùng không thành thục)
– Sperme : tinh dịch (seminal fluid, liquide séminal)
– Spermogramme (sperm count) : xét nghiệm tinh địch có mục đích khảo sát số lượng và khả năng di động của các tinh trùng, cũng như tỷ lệ bách phân những tinh trùng bất thường.
– Azoospermie (azoospermia, aspermia) : chứng vô tinh trùng. Hoàn toàn không có tinh trùng trong tinh dịch. Điều này hoặc do các tiểu quản sinh tinh (seminiferous tubule) trong tinh hoà không tạo được tinh trùng hoặc do tắc những những ống dẫn tinh trùng từ các tinh hoàn.

2/ “TÔI ĐÃ NGHĨ LÀ MÌNH BỊ VÔ SINH “
” Trong xã hội của tất cả, ngay tức thì (société de tout, tour de suite) của chúng ta, mọi sự chậm trễ trong việc thụ thai có thể rất khó được chấp nhận đến độ vài cặp vợ chồng tự tạo cho mình quá nhiều áp lực. Huống chi khi những xét nghiệm lại là bình thường. Phải biết cho thời gian có thời gian (il faut savoir laisser du temps au temps) ! “, GS Célia Ravel (CHU Rennes) đã nhấn mạnh như vậy. Cũng phải biết nuôi hy vọng, trong trường hợp chẩn đoán giảm khả năng sinh sản (hypofertilité). Bằng cớ…
Mặc dầu một spermogramme rối loạn (có quá ít những tinh trùng và chúng cũng quá kém di động), được thực hiện sau khi có những khó khăn để có con với người bạn gái của mình, Denis Guérand (Mayenne) cuối cùng đã có hai cậu con trai cách nhau 13 tháng, bằng phương pháp sinh đẻ tự nhiên.
” Những năm 2010, người ta chẩn đoán tôi bị một ung thư tinh hoàn vào một giai đoạn may mắn thay ít tiến triển. Để phòng trước điều trị sắp đến và trong trường hợp khó sinh đẻ trong tương lai, người ta đã khuyên tôi làm đông lạnh tinh dịch (congélation du sperme). Sau đó ít lâu chúng tôi chia tay. Thời gian trôi qua và từ đó, tôi đã tìm lại một người bạn gái mới. Cô này được 33 tuổi và mong muốn lập gia đình. Sau một năm, vì không có con một cách tự nhiên, tôi đã làm lại một spermogramme, và cũng như lần trước, tinh dịch đồ này đã cho thấy một số lượng tinh trùng rất giới hạn và chúng vẫn luôn luôn ít di động. Các thầy thuốc đã hướng chúng tôi về một thụ thai nhân tạo (FIV) với Icsi. Tất cả đã diễn ra rất nhanh vì lẽ lần thụ thai nhân tạo đầu tiên đã là một thành công : người bạn gái của tôi hôm nay có thai 7 tháng và chúng tôi đang chờ đợi một bé gái ! Thế mà nếu tôi tha thiết làm chứng hôm nay, đó là để nói với những người đàn ông bị vấn đề vô sinhvà/hoặc ung thư tinh hoàn là hãy đừng bỏ cuộc. Y khoa đã tiến bộ nhiều và thiên nhiên luôn luôn dành cho chúng ta những bất ngờ đẹp !”.
Đối với Yamin Sidi (Ile-de-France), những hậu quả của sự giảm khả năng sinh sản đã là tàn nhẫn hơn. ” Vào năm 1998, vì lo không có con với người vợ của tôi, tôi đã thực hiện một spermogramme và phát hiện những bất thường. Vợ tôi, vì trước hết mong muốn được làm mẹ, nên đã giã từ tôi ! Về phần tôi, tôi đã đành chấp nhận ý nghĩ sẽ không có con để nối dòng dõi, tin là mình bị vô sinh. 10 năm đã trôi qua và tôi gặp người bạn gái hiện nay, đã tỏ ra hiểu biết hơn và điều đó cũng dễ hiểu : mặc dầu nàng cũng có những vấn đề về con cái, nhưng vẫn mong muốn có con. Nàng đã khuyên tôi đi khám bệnh lần nữa. Thay đổi thầy thuốc chuyên khoa, thay đổi chẩn đoán : thầy thuốc chuyên khoa tiết niệu đã đánh giá rằng những tiền sử y khoa về tinh hoàn nằm trong bụng đi xuống bìu lúc 10 tuổi hướng nguyên nhân nhiều hơn về một vấn đề cơ học. Do đó ông ta đã đề nghị mổ tôi năm 2011 và, vào cơ hội này, những tinh trùng chất lượng tốt đã được tìm thấy. Chúng đã được làm đông lạnh để được thụ thai nhân tạo. Nhưng sau 4 lần thử không kết quả và mất ba năm trời, cuối cùng đã phải công nhận : khả năng buồng trứng của người bạn gái tôi yếu kém làm cho chúng tôi đã phải hướng về một giải pháp hiến noãn bào (don d’ovocyte). Bình thường, thời gian chờ đợi mất nhiều năm, nhưng Cecos ở Rennes đã đả thông với chúng tôi rằng tìm một người hiến noãn bào (donneuse d’ovocyte) làm rút ngắn thời hạn này còn một năm. Một cô bạn tuyệt vời đã chấp nhận hiến noãn bào và service de Rennes đã giữ lời hứa : vậy nếu mọi chuyện tốt đẹp, một phôi thai thu được từ một noãn bào được hiến bởi một người vô danh với một trong những tinh trùng của tôi sẽ được cấy vào tử cung ở người bạn gái của tôi từ nay đến cuối tháng năm, với hy vọng tạo ra một sự sống tương lai phát xuất từ 3 người !
(LE FIGARO 12/5/2014)

GHI CHÚ
– Stérile : không thể mang thai. Femme stérile : người đàn bà vô sinh
– Stérilité : vô sinh
– Concevoir (conceive) : thụ thai
– Concevoir un enfant : thụ thai một đứa bé
– Conception : sự thụ thai

3/ BÁO ĐỘNG VỀ SỰ HẠ NỒNG ĐỘ CỦA TINH DỊCH
Theo những nhà nghiên cứu của InVS (Institut de veille sanitaire) và của Inserm, đã nghiên cứu những hồ sơ của 26.000 người đàn ông tham dự vào một chương trình hỗ trợ y khoa sinh sản (assistance médicale à là procréation) với người bạn gái của họ (do người bạn gái bị này vô sinh), một sự giảm nồng độ của tinh dịch lên đến 32,2 % đã được nhận thấy giữa 1989 và 2005. Điều này không làm ngạc nhiên GS Bernard Jégou, giám đốc Inserm ở Rennes và chuyên gia về những yếu tố môi trường ảnh hưởng lên sự sinh tinh trùng, cũng như GS Louis Bujan (CHU Toulouse) : ” Sự hạ nồng độ tinh dịch khoảng 2% mỗi năm được xác nhận bởi những công trình nghiên cứu khác trong những Cecos, ít nhất giữa những năm 1973 và 1996, nhưng không một cách toàn thể. ” Tuy vậy, những chuyên gia về khả năng sinh sản (spécialiste de la fertilité) khẳng định : ” sự hạ nồng độ của các tinh trùng có một ảnh hưởng trong toàn dân là điều không được xác lập bởi vì nồng độ của các tinh trùng, ở phần lớn những người đàn ông là rất trên những nhu cầu để có được một em bé. Đáng lo ngại hơn ở những người đàn ông có một tình trạng giảm khả năng sinh sản (hypofertilité) lúc khởi đầu và, nhất là, mỗi người thích hiểu những yếu tố trách nhiệm là những yếu tố nào để chống lại chúng tốt hơn “, GS Stéphane Droupy (CHU Nimes) và GS Célia Ravel (CHU Rennes) đã đánh giá như vậy.
Thế mà khi đánh giá những nguyên nhân khả dĩ, phải chú ý không để bị chi phối bởi những sự tin chắc của mình, GS Péjou và Bujan đã giải thích như vậy : ” Thật khó xác lập một mối liên hệ nhân quả giữa một yếu tố môi trường riêng rẻ và sự giảm khả năng sinh sản bởi vì, trong cuộc sống hàng ngày, tất cả chúng ta chịu những yếu tố khác nhau khả dĩ ảnh hưởng lên khả năng sinh sản, dầu đó là những sản phẩm hóa học như những thuốc trừ sâu (pesticide) và những phtalates hay cả những tác nhân vật lý (những bức xạ thiên nhiên, sự tiếp xúc với nhiệt, những sóng điện từ, độ cao), những tác nhân sinh học (virus, vi khuẩn) hay những yếu tố xã hội- văn hóa : stress, những chứng nghiện… Ngoài ra, ta không thể nói rằng có mối nguy hiểm đối với tất cả, chỉ với lý do là điều đó đã được chứng minh ở những professionnel bị tiếp xúc với cùng sản phẩm với liều lượng mạnh.
KHÔNG LOẠI BỎ MỘT NGUYÊN NHÂN NÀO.
Sau cùng, ta không thể được phép loại trừ ngay bất cứ một nguyên nhân nào. ” Ví dụ suy diễn rằng nếu ở Aquitaine và Midi-Pyrénées (hai vùng rất nông nghiệp) chất lượng tinh dịch đã chịu một sự thoái hóa mạnh do tiếp xúc với những thuốc trừ sâu, đó là làm một giản lược quá táo bạo giữa điều mà ta quan sát và những lý thuyết hiện nay khả dĩ giải thích hiện tượng này, GS Jégou đã nhấn mạnh như vậy. Nếu sự giải thích cung hiển nhiên như thế, phải giải thích tại sao vùng Bretagne, là một vùng không kém phần nông nghiệp, nhưng lại không bị sự thoái hóa tinh dịch theo công trình nghiên cứu này.” Những dữ kiện thu tập bởi InVS phát xuất từ những phòng xét nghiệm rất khác nhau, với những phương pháp phân tích thay đổi từ vùng này đến vùng khác, vậy tốt nhất là cẩn thận trọng. Sau cùng, cùng sự tiếp xúc như nhau, vài người sẽ bị ảnh hưởng hơn những người khác, điều này chứng tỏ rằng cũng có những tố bẩm cá nhân (prédisposition individuelle) cần phải xét đến.
” Vì những lý do này, điều hữu ích là tiếp tục những nghiên cứu về tình trạng vô sinh sản nam giới (infertilité masculine) và điều này, bởi những nhà nghiên cứu độc lập “, GS Droupy nói tiếp. ” Thế mà cần phải thú nhận rằng từ khi xuất hiện FIV với Icsi, cho phép những người đàn ông có con từ một tinh trùng duy nhất, không còn có ngân sách nữa dành cho sự tìm hiểu về quá trình tạo các tinh trùng trong tinh hoàn “, GS Bujan đã kết luận như vậy.
(LE FIGARO 12/5/2014)

4/ KHẢ NĂNG SINH SẢN NAM GIỚI BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG.
PROCREATION. Từ hơn 10 năm nay, những cuộc điều tra khắp nơi trên thế giới báo cáo một sự giảm số lượng các tinh trùng ở những người đàn ông vào lứa tuổi sinh sản. Nhiều giả thuyết, nhất là liên quan đến môi trường, các thuốc trừ sâu (pesticide), những sản phẩm hóa học đã được gợi lên để giải thích một tiến triển như thế. Thế thì chế độ ăn uống có phải là một nguyên nhân ?
Dẫu sao một cuộc điều tra ở Hoa Kỳ, được công bố trong một tờ báo châu Âu Human Reproduction đã chỉ rõ rằng, một chế độ ăn uống quá giàu mỡ động vật ảnh hưởng lên chất lượng của tinh dịch (sperme). Ngược lại, sự tiêu thụ oméga-3 (những acide béo của cá và vài loại dầu thực vật) được liên kết với một chất lượng tốt hơn. Công trình nghiên cứu, được tiến hành ở Hoa Kỳ, giữa tháng 12 /2006 và 8/2010, bởi GS Jill Attaman (Havard Medical School, Boston) trên 99 người đàn ông, được hỏi qua bảng câu hỏi, về những thói quen ăn uống của họ. Tinh dịch của 23 trong số những người đàn ông này đã được phân tích. Chính lúc thực hiện một sự doi chieu giữa chất lượng của các tinh trùng (số lượng, tính di động, suc song, những dạng bất thường…) và cách ăn uống mà họ đã có thể khám phá tác động âm tính của vài loại mỡ. Những người đàn ông ăn nhiều mỡ bảo hòa nhất có một tổng số những tinh trùng 35% thấp hơn so với những người ăn mỡ bảo hòa ít nhất, cũng như một nồng độ tinh dcịh 38% thấp hơn.
Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và chất lượng tinh dịch vậy là do sự tiêu thụ những chất mỡ bảo hòa (charcuterie, chip, viennoiseries, vài loại thịt, beurre, dầu cọ (huile de palme), cũng được biết là một yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch. Mặc dầu đó là công trình nghiên cứu quan trọng nhất đánh giá ảnh hưởng của chế độ ăn uống lên khả năng sinh sản, nhưng số lượng người tham dự quá thấp ; những kết quả đáng lưu ý này cần được lập lại với một quy mô lớn hơn.
(LE FIGARO 19/3/2013)

5/ SỰ KIỆN BỊ STRESS CÓ THỂ LÀM BẤT LỰC ?
Ai nói stress người đó muốn nói ” gia tăng nồng độ adrénaline “, một kích thích tố được sản xuất bởi một bộ phận của hệ thần kinh được gọi là giao cảm của chúng ta, mà chức năng chủ yếu là phân bổ thần kinh những nội tạng. Những stress cũng gây nên sự phóng thích một kích thích tố khác ít được biết hơn : noradrénaline.Thế mà hai kích thích tố này, adrénaline và noradrénaline, có tác dụng co thắt những cơ trơn của các động mạch và của dương vật. Chính cơ chế này làm phong bế sự cương cứng.
Thật vậy, để một sự cương cứng phát khởi, dương vật phải được làm đầy máu động mạch. Các cơ trơn mà nó chứa, hiện diện trong những thể hang (corps caverneux) và thể xốp (corps spongieux) khi đó phải giãn ra, cũng như những cơ trơn của những động mạch tưới máu dương vật, để lưu lượng máu có thể gia tăng một cách đáng kể ở đó. Lúc nghỉ ngơi, ở trạng thái nhẽo (flaccide), những cơ này co một cách tự nhiên dưới tác dụng của một hoạt động cơ bản của hệ thần kinh giao cảm : hệ thần kinh này được kích hoạt mạnh dưới tác dụng của stress và từ đó phát xuất adrénaline và noradrénaline ! Điều này ngăn cản quá trình bình thường được phát khởi bởi một kích thích sinh dục (stimulation sexuelle).
Bởi vì vào lúc bình thường, trong trường hợp một kích thích sinh dục, một bộ phận khác của hệ thần kinh của chúng ta, được gọi là ” phó giáo cảm “, đi vào hoạt động và lấn bước hoạt động của hệ giao cảm. Qua những sợi thần kinh của mình, hệ phó giao cảm phóng thích một chất làm giãn các huyết quản và làm giãn các cơ, monoxyde d’azote. Như thế dương vật tăng thể tích và áp lực. Sự gia tăng thể tích và áp lực này đè ép những tĩnh mạch tháo máu ra khỏi cơ quan, và lưu lượng tĩnh mạch khi đó giảm một cách đáng kể. Trong khi cương cứng, như vậy máu một phần bị kẹt trong những thể hang và xốp. Nói chung sự cương cứng đạt được tiếp tục kéo dài cho đến khi phóng tinh. Sau đó, sự sụt giảm hoạt động của những đường thần kinh phó giao cảm và sự tái tục của một hoạt động giao cảm về hướng dương vật có lẽ là nguyên nhân của sự trở lại tình trạng nghỉ ngơi.
Ta phân biệt một cách cổ điển những cương cứng nguyên nhân tâm lý (érection psychogénique) (được phát khởi bởi những kích thích như nhìn, khứu giác, những phantasme được phát sinh và được điều hợp bởi não bộ) và những cương cứng phản xạ (được phát khởi bởi những kích thích của vùng sinh dục, chủ yếu được điều hợp bởi tủy sống.
Trong thực tế, rất có thể chính sự hội tụ những thông tin phát xuất từ những cơ quan ngoại biên và tủy sống điều hòa hoạt động của các đường thần kinh giao cảm, cần thiết cho sự phóng tinh, với những đường thần kinh phó giao cảm, cần thiết cho sự cương cứng.
(SCIENCES ET VIE : QUESTIONS ET REPONSES)

6/ TẠI SAO MÙI MỒ HÔI NỒNG HƠN KHI TA SỢ HÃI ?
Bởi vì có hai loại mồ hôi. Trước hết có sự ra mồ hôi (transpiration) chịu trách nhiệm sự điều hòa nhiệt của cơ thể, được sinh ra bởi hơn 2 triệu glande escrine nằm khắp nơi dưới da. Cố gắng vật lý càng quan trọng, các cơ càng sản xuất nhiệt, chúng ta càng ra mồ hôi để bài xuất nó (cho đến 4 lít/giờ).” Sueur escrine được cấu tạo bởi rất ít thể béo (corps gras) và những vi khuẩn bao phủ da được nuôi sống bởi những thể béo này, thầy thuốc chuyên bệnh ngoài da Fabien Guibal đã giải thích như vậy. Vì rất acide, nên sueur escrine cũng kềm hãm sự phát triển của những vi khuẩn này. Thế mà chính sản phẩm của sự tiêu hóa vi khuẩn chịu trách nhiệm mùi khó chịu.” Vậy, thơm mát, mồ hôi này rất ít được cảm thấy.
Sự ra mồ hôi khác, rất có mùi, được tiết ra trong trường hợp stress (vài mililit) bởi những tuyến apocrine (dưới nách, những cơ quan sinh dục…) ” Đặc và như sữa, mồ hôi loai này chứa nhiều thể béo và phéromone (message chimique) hơn. Vì không có tính chất acide nên loại mồ hôi này tạo nên thức ăn lý tưởng đối với các vi khuẩn !”, Fabien Guibal đã xác định như vậy. Vậy mùi được cảm nhận tức thì. Điều này có thể đúng đó là vai trò của nó : gởi một tín hiệu (sợ hãi, quyến rũ…) nhờ một mùi nồng và đột ngột.
(SCIENCE & VIE 5/2014)

7/ UNG THƯ THỰC QUẢN : ÍT NHỮNG TÁC DỤNG PHỤ HƠN VÀ ÍT NHẬP VIỆN HƠN
GS Thierry Conroy, thầy thuốc ung thư nội khoa (oncologue médical) thuộc Viện ung thư Lorraine (Nancy), thành viên của Unicancer, trình bày những lợi ích của điều trị mới này có được sau 15 năm nghiên cứu.
Hỏi : Có những dạng ung thư thực quản khác nhau không ?
GS Thierry Conroy : Có hai dạng : những carcinome épidermoide (70% những trường hợp) liên quan đến thuốc lá và rượu, xảy ra ở bất cứ phần nào của thực quản, và những adénocarcinome (30%), liên quan đến thuốc lá, chứng béo phì và trào ngược dạ dày-thực quản (reflux gastro-oesophagien) bị trong một thời gian rất dài. Các adénocarcinome thường nhất xuất hiện ở 1/3 dưới của thực quản.
Hỏi : Làm sao ta nhận biết ta phát triển những khối u này ?
GS Thierry Conroy : Những triệu chứng đầu tiên là khó nuốt những thức ăn ăn đặc và gầy sút. Chẩn đoán có được nhờ những mẫu nghiệm được thực hiện bằng một nội soi thực quản (fibroscopie oesophagienne).
Hỏi : Ở giai đoạn khởi đầu, điều trị quy ước là gì ?
GS Thierry Conroy : Quyết định được thông qua sau buổi họp của kíp nhiều chuyên khoa (thầy thuốc chuyên khoa tiêu hóa, thầy thuốc chuyên khoa ung thư, thầy thuốc quang tuyến…). Ở giai đoạn này điều trị thường nhất là ngoại khoa. Can thiệp nhằm lấy đi thực quản và thay thế nó bằng một ông được chế tạo với niêm mạc của dạ dày (ống dạ dày). Cuộc phẫu thuật nặng nề này, không phải là không có những nguy cơ, cho phép chữa lành trong rất nhiều trường hợp với một nhập viện khoảng 15 ngày.
Hỏi : Khi bệnh không thể mồ được bởi vì quá lớn tuổi hay bị vài bệnh nặng, giải pháp thay thế là gì ?
GS Thierry Conroy : Ta thực hiện đồng thời một protocole phối hợp xạ tri liệu và hóa trị liệu. Nhưng trong trường hợp này điều trị kéo dài cả thảy 3 tháng, trong đó 20 ngày nhập viện để bệnh nhân có thể nhận những tiêm truyền hóa tri liệu 24 giờ trên 24 giờ..
Hỏi : Ta thu được những kết quả nào với hai điều trị quy ước này ?
GS Thierry Conroy : Những tỷ lệ chữa lành đều tương tự. Hóa trị liệu , bao gồm hai loại thuốc (5-fluorouracile và cisplatine), có một nguy cơ bị những tác dụng phụ quan trọng : apthe trong miệng, ỉa chảy, viêm thực quản và đôi khi rụng tóc, những nguy cơ tim mạch, suy thận .
Hỏi : Đã lâu ta đã tìm kiếm một protocole ít nặng nề hơn nhiều để điều trị những ung thư thực quản này. Ông hãy trình bày cái mới vừa được hiệu chính.
GS Thierry Conroy : Đó là tiến bộ đầu tiên trong lãnh vực xạ-hóa trị liệu liệu chuyên nhất (radiochimiothérapie exclusive) từ hai mươi năm nay. Điều trị luôn luôn nhằm thực hiện những buổi xạ trị liệu (radiothérapie) trong 5 tuần. Cũng vậy đối với hóa trị liệu mới, nhưng lần này được thực hiện ngoại trú chứ không phải ở bệnh viện. Từ nay hóa trị liệu dựa trên oxaliplatine, acide folinique và 5-fluorouracile. Đợt tiêm truyền đầu tiên được thực hiện ở bệnh viện nhưng bệnh nhân không ở lại mà trở về nhà sau đó. Bệnh nhân được thiết đặt một bình chứa (réservoir) nhỏ dưới da ở vùng ngực, nhằm truyền thuốc ở nhà trong hai ngày và mỗi hai tuần qua một cathéter. Cathéter này được nối với một thiết bị (m một t pousse-seringue), được y tá thiết đặt và ngắt đi.
Hỏi : Phải chăng những kết quả của những công trình nghiên cứu đã chứng minh những hiệu năng của protocole mới này ?
GS Thierry Conroy : Một công trình nghiên cứu so sánh đã được tiến hành bởi nhóm Unicancer trên 267 bệnh nhân bị một ung thư thực quản ở giai đoạn tiến triển tại chỗ (stade localement avancé). Họ được phân thành hai nhóm : một nhóm nhận điều trị quy ước, nhóm kia protocole điều trị mới.
Hỏi : Những kết quả của những thử nghiệm này là gì ?
GS Thierry Conroy : Tính hiệu quả tuy giống nhau nhưng điều trị mới đã tỏ ra ít độc hơn : ta đã không quan sát thấy suy thận, rõ rệt ít rụng tóc và ít bị apthe trong miệng hơn. Chất lượng đời sống trong điều trị mới tốt hơn bởi vì không phải nhập viện. Protoccole mới này, có thể thực hiện được bởi nhiều kíp bệnh viện, mang lại cho bệnh nhân một sự thoải mái hơn, và, vì làm giảm những tác dụng phụ, nên làm mất đi tính bi kịch của căn bệnh. Ta dự kiến cho điều trị cải tiến của hóa trị liệu này trước khi mổ để làm gia tăng nhưng cơ may chữa lành.
(PARIS MATCH 27/3-2/4/2014)

8/ UNG THƯ TỤY TẠNG : NHỮNG TIẾN BỘ MỚI NHẤT ĐỂ ĐƯỢC NHIỀU TRƯỜNG HỢP CHỮA LÀNH HƠN
GS Christian Partensky, giáo sư danh dự ngoại tiêu hóa, trình bày những tiến bộ cho phép xét đến một phẫu thuật đối với những khối u trước đây không thể mổ được
Hỏi : Những khối u tụy tạng thường gặp nhất là gì ?
GS Christian Partensky. Những khối u thường gặp nhất là ung thư (khoảng 95%). Ta đã thống kê 11.662 trường hợp ở Pháp năm 2012. Những khối u hiền tính xuất hiện dưới dạng lỏng (tumeur kystique : u nang) hay hiếm hơn dưới dạng đặc (những u nội tiết, trong đó một nửa tiết các hormone). Trên thế giới, ung thư của tụy tạng là nguyên nhân thứ bảy gây tử vong, và tạo nên một vấn đề y tế công cộng thật sự.
Hỏi : Những dấu hiệu có thể báo động là gì ?
GS Christian Partensky. Những triệu chứng của ung thư tụy tạng chỉ xuất hiện ở một giai đoạn thường quá muộn : gầy ốm, hoàng đản, đau dạ dày lan ra sau lưng… Những tumeur kystique thường hơn được khám phá do tình cờ khi thực hiện một xét nghiệm. chụp hình ảnh.
Hỏi : Những thăm dò nào cho phép một chẩn đoán đáng tin cậy ?
GS Christian Partensky. Trong trường hợp co những triệu chứng, siêu âm là thăm dò đầu tiên phải được thực hiện. Nếu có chút ít nghi ngờ, tiếp theo siêu âm là một chụp cắt lớp vi tính ngực-bụng (scanner thoraco-abdominal). Ta có thể bổ sung thăm đó bằng một protocole IRM đặc thù. Nếu vẫn còn nghi ngờ, một mẫu nghiệm mô học (biopsie à l’aiguille) cho phép chẩn đoán chắc chắn.
Hỏi : Hôm nay ta có biết những nguyên nhân của những khối u ung thư này không ?
GS Christian Partensky. Yếu tố nguy cơ được xác lập một cach rõ ràng là chứng nghiện thuốc lá. Dường như rượu có một ảnh hưởng lúc tiêu thụ số lượng lớn và kéo dài. Cũng có một tố bẩm gia đình (prédisposition familiale) khi những người bà con gần đã bị bệnh (từ cha hay mẹ đến con). Nhiều bất thường di truyền cũng có thể là nguyên nhân.
Hỏi : Ngoại khoa tụy tạng là một can thiệp nặng nề và cơ quan nằm ở sâu. Ông quyết định mổ theo équipe ?
GS Christian Partensky. Những tiến bộ lớn về kỹ thuật chụp hình ảnh hôm nay cho phép xác định một cách chính xác hơn nhiều sự lan rộng của khối u. Từ nay mỗi bệnh nhân, trước mỗi quyết định ngoại khoa, được sự giám định của một kíp các chuyên gia có kinh nghiệm (thầy thuốc ngoại khoa, thầy thuốc X quang, thầy thuốc chuyên khoa tiêu hoa, chuyên viên giải phẫu bệnh lý…), hội họp để bàn về mỗi hồ sơ bệnh án.
Hỏi : Những tiến bộ mới nhất cho phép cắt bỏ những khối u tụy tạng trước đây không mổ được là gì ?
GS Christian Partensky. Cách nay không lâu, tỷ lệ tử vong rất là quan trọng bởi vì chúng ta phải đối diện với những chướng ngại cơ thể học không thể vượt qua. Thí dụ, khi khối u đã đến một cơ quan lân cận, như tĩnh mạch cửa (dẫn máu từ ruột về gan), khi mổ ta có nguy cơ gây một huyết khối (thrombose) và, do đó một nhồi máu ruột (infarctus intestinal). Và trước đây khi can thiệp trên những động mạch nằm tiếp xúc với tụy tạng lúc chúng bị xâm nhập đã là một sự nguy hiểm. Tuổi của bệnh nhân cũng là một chống chỉ định : ta không mổ sau 70 tuổi. Hôm nay, nhờ những tiến bộ mới nhất của kỹ thuật ngoại khoa, ta có thể mổ một tụy tạng ngay cả khi tĩnh mạch cửa bị xâm nhập : ta lấy đi tĩnh mạch cửa, ta nối hai đầu lại hay ta tái tạo nó với một mẫu ghép (greffon). Trong những trường hợp rất được chọn lọc, cùng những kỹ thuật được sử dụng để can thiệp lên một động mạch bị xâm nhập. Tiến bộ lớn là trong trường hợp xâm nhập khu trú của một mô lân cận, như những huyết quản của đại tràng, vẫn có thể xét đến một phẫu thuật.
Hỏi : Với những chiến lược mới nhất này, ta có được những kết quả tốt hơn không ?
GS Christian Partensky. Vì những nguy cơ giảm rất nhiều, nhất là nhờ những tiến bộ trong gây mê và hồi sức, nên tỷ lệ tử vong hậu phẫu đã xuống dưới 1% trong khi cách nay 10 năm là từ 5 đến 10%. Những tài liệu xuất bản đã liệt kê nhiều bệnh nhân đã sống hơn 20 năm sau khi cắt bỏ tụy tạng của họ.
Hỏi : Có những khối u hiền tính nhưng có nguy cơ thoái hóa cần phải mổ hay không ?
GS Christian Partensky. Vâng những u nang (tumeurs kystiques) có một tính chất đáng lo ngại khi chụp hình ảnh. Đó có thể là trường hợp đối với những cystadénome mucineux và những TIPMP (tumeurs intracanalaires papillaires mucineues), nhất là khi chúng phát triển từ ống tụy chính và đôi khi những ống tụy phụ.
(PARIS MATCH 13/3-19/3/2014)

9/ TÔI GẦN NHƯ KHÔNG CÒN HAM MUỐN NỮA…tsyh337 6Sự giảm ham muốn tình dục (désir sexuel) hay ham muốn tình dục giảm hoạt (DSH : désir sexuel hypoactif) là rối loạn phức tạp nhất trong sexologie. Không có giải pháp nhiệm màu, vì những nguyên nhân có thể rất thay đổi. Trong trường hợp của cô, rõ ràng sự giảm dục tính (libido) này không phải là vì cô không thương chồng cô nữa hay anh ấy không làm vừa lòng cô nữa. Đó là một điểm tốt, bởi vì trong vài đôi lứa, đó là một vấn đề.
Hãy kiểm điểm tình trạng sức khỏe của cô.
Cô có sử dụng những thuốc khả dĩ làm giảm sự ham muốn của cô không ? Nếu cô theo một điều trị, hãy đọc rất chăm chú những bản chỉ dẫn (notice). Thí dụ, những thuốc ngừa thai có thể có một ảnh hưởng lên dục tính, bởi vì chúng làm giảm nồng độ testostérone, kích thích tố cần thiết cho ham muốn tình dục nữ (désir féminin). Những thuốc ngừa thai có tác dụng âm tính nhất trên bình diện này là những thuốc chứa acétate de cyprotérone (một progestatif) và tất cả những thuốc ngừa thai được kê đơn để chống mụn trứng cá. Nếu thuốc ngừa thai là nguyên nhân giải pháp đó là sự lựa chọn một vòng tránh thai bằng đồng (không có hormone). Hoặc là nếu cô không còn muốn có con nữa, quyết định thắt vòi trứng.
Cô có bị trầm cảm không ? Căn bệnh này làm giảm ham muốn tình dục. Trong trường hợp này, cô phải chữa bệnh, bằng thuốc và lý tưởng nhất bằng tâm lý liệu pháp và thể dục.
Một tình trạng mệt mãn tính quan trọng cũng có thể là nguyên nhân không ? Bởi vì mệt có cùng tác dụng lên dục tính như bệnh trầm cảm. Như thế, những phụ nữ trẻ có nhiều con nhỏ tuổi thuờng kiệt sức…và ít ” ham muốn”
Cô hãy đặt các câu hỏi về đôi lứa ?
Cô có cảm thấy hận thù chồng cô hay không ?
Đó là một nguyên nhân thường gặp làm giảm ham muốn nhục dục. Có một sự đua tranh giữa các tình cảm. Nếu sự thù hận của cô mạnh hơn lòng ham muốn, tình cảm này làm át dần dần đi sự ham muốn…Phương thuốc khi đó là hãy làm vỡ áp xe, đôi khi đã lâu và sâu kín. Tôi nhớ một bệnh nhân vẫn luôn luôn giận chồng mình vì đã thúc đẩy cô ấy phá thai chỉ ít lâu sau khi gặp nhau. Người chồng đã không bao giờ đo lường đến mức nào hành động này đã để lại dấu ấn lên vợ mình. Nói về chấn thương này trong quan hệ của họ đã cho phép họ tìm lại nhau….
Cô có cảm thấy bị tràn ngập bởi dục tính của chồng cô không ? Chồng cô rõ rệt đòi hỏi nhiều hơn cô. Đôi khi, đó là điều xảy ra trong đôi lứa. Nếu sự ham muốn của chồng cô được biểu hiện thường trực, anh ta không để cho sự ham muốn của cô có thời gian để bộc lộ. Để giải quyet khó khăn này, tôi thường yêu cầu những partenaire mỗi người chọn tuần lễ của mình. Trong một tuần chính bà quyết định lúc nào giao hợp. Và tuần tiếp theo đến phiên ông. Điều này cho phép, trong tuần lễ của cô, sự ham muốn của cô được nẩy nở…
Cô có một chuyện riêng có thể làm phong bế ham muốn nhục dục của cô không ? Đó có thể là những biến cố (hành hung, sự chế diễu, kinh nghiệm bất hạnh…), những mặc cảm (lên cân khi có thai, cảm giác xấu xí…) hay một sự giáo dục quá cứng ngắt. Khi đó cô cần bắt đầu một liệu pháp với thầy thuốc tâm thần.
(TOP SANTE 3/2013)

10/ RICHARD PETRI, NGƯỜI KHÁM PHÁ HỘP PETRI.
tsyh344 6Ai tưởng tượng được rằng, vào đầu thế kỷ 20, sự khám phá của nhà vi khuẩn học người Đức này, một ngày nào đó sẽ dùng doodle thay cho google ? Cần một sự giải thích nhỏ.
Richard Julius Petri sinh năm 1852 ở Barmen, một thành phố nhỏ của Confédération germanique, hôm nay được gọi là Vuppertal. Sau một học trình cơ bản, ông hướng về y khoa và học ở Berlin, ở viện Kaiser Wilhelm, chuyên đào tạo những quân y sĩ. Vào năm 24 tuổi, với văn bằng trong tay, ông trở thành assistant ở La Charité, một trung tâm y tế lớn của Berlin, đồng thời phục vụ trong quân đội rồi trong trừ bị.
Vào năm 25 tuổi, ông làm việc cho Sở y tế hoàng gia trong đó ông là phó của Robert Koch, một trong những nhà vi trùng học nổi tiếng nhất thế giới. Ông phụ tá cho Koch vào thời kỳ của những khám phá lớn của ông này, nhất là khi Koch nhận diện trực khuẩn bệnh lao mang tên ông.
HỘP PETRI NỔI TIẾNG
Chính trong bối cảnh này mà Petri đã thai nghén hộp Petri nổi tiếng của ông, nhằm sản xuất những canh cấy các vi trùng, đồng thời cho phép quan sát chúng. Trước phát minh này, những vi khuẩn được cấy trong một canh lỏng (bouillon liquide), nhưng Koch có trực giác về ưu điểm của một môi trường đặc để có được những khuẩn lạc (colonies) được phân lập trên bề mặt. Trong một cố gắng để chế tạo support này, Koch thí nghiệm những khối gélatine được đặt trên thủy tinh hay trong các chai. Petri hiểu ý tưởng của Koch và cụ thể hóa nó bằng cách đổ agar nấu chảy vào trong một đĩa nhỏ có một nắp đậy có thể tháo ra dễ dàng nhưng bảo vệ không để bị lây nhiễm từ bên ngoài.
Ông cũng thành công phát triển một kỹ thuật để sinh ra những sao bản chính xác những giống gốc vi khuẩn (souche bactérienne) (sự bắt đầu của clonage) bằng cách cấy một khuẩn lạc từ một ống nghiệm vào trong hộp của ông. Phương pháp này vẫn luôn luôn được sử dụng hôm nay. Ngoài ra những năm 1850-1900 được gọi là thời đại vàng son của vi khuẩn học nhờ khám phá này và do sự nhận diện kế tiếp nhau nhiều mầm bệnh là nguyên nhân của những nhiễm trùng cho đến khi đó vẫn còn bí ẩn.
MỘT SỰ THĂNG TIẾN THÀNH CÔNG.
Lúc chỉ mới 34 tuổi, Petri trở thành quản đốc của bảo tàng viện Vệ sinh học (musée d’Hygiène) ở Berlin, và ba năm sau là hội viên chính thức không những của hội đồng phụ trách những vấn đề y tế của đất nước, mà còn của hoàng đế, và vào cuối đường sự nghiệp ông sẽ là cố vấn riêng của hoàng đế.
Ngay vào thời kỳ này, ông cũng phụ trách sanatorium Gobersdorf, được quản trị bởi Hội đồng y tế hoàng gia. Đích thân chính ông, vốn quen với kỷ luật Phổ, ông điều khiển cơ quan và những người bị bệnh lao theo một đường lối rất nghiêm túc, không những đối với nhân viên mà còn đối với những bệnh nhân.
Lúc trở về già, Petri được mô tả như hơi phệ, thích mang y phục quân y sĩ. Ông trở nên phát phì đến độ dây đai quần siết bụng ông giống với, người ta nói, ” đường xích đạo trên quả địa cầu” ! Ngoài những phát minh của ông, Petri công bố khoảng 150 bài báo dành cho vệ sinh học và vi khuẩn học.
Julius Richard Petri chết ngày 20 tháng 12 năm 1921 ở Zeitz (Cộng hòa Weimar) vào năm 69 tuổi.
NỔI TIẾNG ĐẾN TẬN GOOGLE.
Năm 2013, google vinh danh nhà vi khuẩn học người Đức bằng một doodle và một vidéo để làm lễ sinh nhật lần thứ 161 của ông. Thuật ngữ doodle được chọn vì định nghĩa tiếng Anh của nó có nghĩa là bức tranh lèm nhèm, cũng bởi vì sự thuận tai với chữ google. Hình vẽ này, nói chung sống động, thay thế trong một ngày, đôi khi hơn, logo của động cơ nghiên cứu nổi tiếng, nhân dịp những biến cố quốc gia, quốc tế hay những ngày sinh nhật.
Doodle của Richard Pétri cho thấy 6 canh cấy vi khuẩn (culture bactériene) lớn thêm khi tạo những chữ google. Ý tưởng này nhằm làm cho những internaute khám phá kẻ đã từng phát minh những chiếc hộp nhỏ được sử dụng hàng triệu mẫu.
(LE JOURNAL DU MEDECIN 9/5/2014)

BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(26/5/2014)

Bài này đã được đăng trong Chuyên đề Y Khoa, Thời sự y học. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

3 Responses to Thời sự y học số 344 – BS Nguyễn Văn Thịnh

  1. Pingback: Thời sự y học số 507 – BS Nguyễn Văn Thịnh | Tiếng sông Hương

  2. Pingback: Thời sự y học số 524 – BS Nguyễn Văn Thịnh | Tiếng sông Hương

  3. Pingback: Thời sự y học số 611 – BS Nguyễn Văn Thịnh | Tiếng sông Hương

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s