LỊM VÀ NGẤT
(LIPOTHYMIES ET SYNCOPES)
Gilbert Pochmalicki
Chef du service de cardiologie et maladies
vasculaires du centre hospitalier de Provins
François Jan
Cardiologue, professeur de médecine interne
à la faculté de médecine de Créteil (Paris XII)
Lịm (Lipothymie) là một trạng thái khó ở (malaise) tạm thời, được đặc trưng bởi một cảm giác lo âu bị ngất sắp xảy ra với tái xanh, ra mồ hôi, ù tai và mờ mắt (brouillard visuel). Triệu chứng khó ở này thường được đi trước bởi sự tái xanh và hiếm khi dẫn đến ngất hoàn toàn.
Ngất (syncope) là một sự mất tri giác đột ngột và hoàn toàn, được liên kết với một tình trạng thiếu oxy mô não (anoxie cérébrale) đột ngột. Ngất được kèm theo xanh tái và ngừng hô hấp. Sự hồi phục tình trạng tri giác xảy ra nhanh chóng mà không có sự mù mờ ý thức (obnubilation) sau cơn ngất.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng hai triệu chứng này, có cùng ý nghĩa tiên lượng, buộc phải tìm kiếm một cách tích cực một nguyên nhân do tim.
I. HỎI BỆNH.
Thường nhất, chính sau khi cơn đã xảy ra mà ta có thể vấn chẩn một cách tỉ mỉ bệnh nhân và những người chung quanh.
Ta hỏi về những trường hợp xảy ra, đồng thời cố tìm kiếm một yếu tố phát khởi : sự thay đổi tư thế, sự gắng sức, tư thế chỉnh lập (orthostatisme), cơn ho, sự tiểu tiện, xảy ra lúc đói hay sau bữa ăn, sau một tình trạng căng thẳng (stress), một cảm xúc, khi cử động cơ, trong một bầu không khí tù hãm.
Cơn đôi khi cũng được đi trước bởi các tiền chứng : mồ hôi, nôn, cảm giác đói, hồi hộp, đau ngực.
Những tiền sử khi hiện diện có tầm quan trọng : bệnh tim hay bệnh thần kinh, sử dụng thuốc (thuốc giải ưu, thuốc chống cao áp), sự lặp lại của các cơn tương tự, bệnh đái đường.
Cần tìm kiếm những dấu hiệu kèm theo : chấn thương sọ, cắn lưỡi, són tiểu, co giật, những đặc điểm của mạch khi malaise.
Sự chấm dứt cơn phải được xác định : phục hồi nhanh hay trạng thái đờ đẫn (torpeur) sau cơn.
II. THĂM KHÁM
Bilan đầu tiên là hướng định về tim mạch.
Thăm khám lâm sàng chủ yếu sẽ hướng vào :
– đo huyết áp ở hai cánh tay, ở tư thế nằm và tư thế đứng ;
– thính chẩn tim
– ấn chẩn và thính chẩn chăm chú tất cả các trục động mạch, đặc biệt là các động mạch cảnh ;
– thăm khám kỹ thần kinh
Các xét nghiệm phụ sau đây được thực hiện một cách hệ thống :
– Đếm máu và công thức bạch cầu, điện giải đồ, canxi-huyết, đường huyết, D-dimères ;
– chụp phim ngực ;
– điện tâm đồ : chú ý tìm kiếm một rối loạn nhịp hay rối loạn dẫn truyền, khoảng QT kéo dài, những dấu hiệu suy động mạch vành hay tim phổi cấp tính (coeur pulmonaire aigu), một dạng tiền hưng phấn (préexcitation) hay một phì đại tâm thất.
– Doppler các huyết quản cổ, điện não đồ khi ta nghi ngờ một nguyên nhân thần kinh hay mạch máu não ;
– Siêu âm tim chủ yếu để tìm kiếm một huyết khối (thrombus), một khối u trong xoang tim, một bệnh van tim, một bệnh cơ tim gây tắc (cardiomyopathie obstructive) ;
– Holter trong 24 đến 48 giờ để tìm kiếm một rối loạn nhịp hay dẫn truyền không được nhận thấy ở điện tâm đồ bề mặt ;
– Thậm chí thăm dò bó His khi nghi ngờ một loạn năng nút xoang (dysfonction sinusale) hay một bloc nhĩ-thất kịch phát
Sau bilan sau cùng này, các ngất giả (fausses syncopes) nguồn gốc chủ yếu thần kinh sẽ được loại trừ và chẩn đoán nguyên nhân được xác lập trong 75% các trường hợp.
Reference : Urgences cardiovasculaires
BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(1/5/2014)