Thoái hóa khớp là một căn bệnh gây thương tổn ở các khớp, bệnh còn được gọi với tên « bệnh khớp thoái hóa kinh niên ».
Bệnh thường biểu hiện bởi cơn đau có tính cơ học, xảy ra ban ngày và gây hạn chế chức năng cử động. Ở tại khớp, bề mặt sụn bị nứt nẻ, vở vụn và cuối cùng là biến mất. Sau đó, có sự tăng sinh xương tạo ra các gai xương và gây trở ngại khi vận động. Thoái hóa khớp là một tiến trình thoái hóa lớp sụn của khớp mà không gây ra hiện tượng viêm nhiễm gì đặc thù. Sự thoái hóa này dẫn đến sự phá hủy dần dần hoặc nhanh chóng lớp sụn bao bọc quanh khớp xương.
Đây là căn bệnh về khớp thường gặp nhất. Các dấu diệu đầu tiên bắt đầu xuất hiện vào độ tuổi từ 40-50 nhưng thực sự căn bệnh đã “đâm chồi” sớm hơn.
CƠ CHẾ SINH BỆNH NHƯ THẾ NÀO ?
Thoái hóa khớp là một bệnh về khớp trong đó tổn thương bao gồm sụn, màng hoạt dịch và xương dưới sụn nhưng thành phần tổn thương chủ yếu là sụn. Thoái hóa sụn bao hàm các yếu tố sinh học và cơ học gây ra sự mất quân bình giữa sự đồng hóa và dị hóa của tế bào sụn với các tiến trình sinh hóa để tổng hợp các cytokin tiền-viêm, đặc biệt là các interleukin I và các men metalloprotease, men trực tiếp gây ra thoái hóa sụn. Sụn khớp không phải là một tổ chức mô bất hoạt mà sụn nằm ở một vị trí có cường độ hoạt động rất cao. Tại đó các tế bào sụn được sản sinh để đối đầu lại, ít ra là lúc khởi đầu nhưng về sau thì cũng chính những tế bào đó bị hủy hoại. Khi hiện tượng phá hủy tế bào sụn diễn ra, bề dày của lớp sụn giảm đi và khớp bị tổn thương.
Hoạt động tăng sinh tế bào sụn thái quá này đã tạo ra ở mép khớp các khối u: đó là các gai xương. Trong tiến trình phá hủy sụn, có thể có những mảnh vụn sụn bị tách ra và “lơ lững” trong bao khớp: chính các mảnh vụn này đã gây ra các cơn bộc phát viêm nhiễm cơ học, được biểu hiện bởi sự tăng tiết dịch và gây phù nề khớp.
Thoái hóa khớp được biểu hiện bởi 3 tổn thương giải phẫu học như sau :
– tổn thương sụn khớp dưới dạng nứt nẻ và có thể gây ra các lỗ hống, được gọi với từ chuyên môn là hổng xương (géode).
– tổn thương ngay tại xương do hiện tượng mất can-xi một vài nơi và đậm đặc nơi khác, thông thường là phần ở gần khớp chịu áp lực nặng nhất: gọi là chứng xơ cứng khớp dưới sụn.
– Hình thành ở mép khớp các u xương nhỏ : đó là các gai xương.
Các tổn thương này có thể kèm theo viêm màng hoạt dịch. Sự thoái hóa sụn xảy ra dần dần trong một quá trình từ 10 đến 20 năm mà thỉnh thoảng có các cơn bộc phát sung huyết.
NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA BỆNH ? VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ
Trong thoái hóa khớp, sự phá hủy sụn tương ứng với sự nứt nẻ từ bề mặt vào sâu bên trong của mô sụn. Sự nứt nẻ này liên quan đến những hiện tượng cơ học nhưng đồng thời cũng do thương tổn về mặt sinh hóa của cấu trúc sụn.
Các yếu tố nguy cơ chủ yếu bao gồm:
– tổng quát: lớn tuổi, béo phì, mãn kinh và các bệnh thấp khớp khác.
– di truyền: thoái hóa khớp gia truyền thường ở khớp gối, háng và bàn tay; các tật bẩm sinh như vẹo chân hoặc do gen liên quan đến gen GDF5, MCF2L.
– cục bộ: do chấn thương nặng hoặc nhẹ nhưng lập đi lập lại nhiều lần như lao động nặng, các trò thể thao bạo lực, tổn thương đĩa đệm…
CÁC DẤU HIỆU CỦA BỆNH NHƯ THẾ NÀO?
Các dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp thay đổi tùy theo khớp mắc phải. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp thường có triệu chứng đau và khó cử động.
Trên lý thuyết, đau do thoái hóa khớp là đau “cơ học” bởi vì nó biểu hiện các tính chất đặc biệt sau đây:
– cơn đau xảy ra và nặng thêm khi cử động.
– cơn đau ngừng lại hoặc giảm đi khi nghỉ ngơi.
– sáng sớm ngủ dậy không đau, chỉ đau trong ngày và tối đa vào chiều tối.
Rối loạn chức năng tương quan với giới hạn vận động khớp bị thoái hóa. Rối loạn thay đổi tùy theo hoạt động của bệnh nhân. Chẳng hạn như người chơi gôn (golf) sẽ thấy đau nhức do thoái hóa khớp gối trong khi người chơi đàn piano thì lại bị rối loạn vì thoái hóa khớp ngón tay.
Trên lý thuyết, khớp bị thoái hóa không bị nóng, đỏ. Nhưng nó có thể sưng phù vì tràn dịch bao khớp, nhất là ở khớp gối.
Lâu dài các gai xương có thể gây ra sự biến dạng của các khớp, dễ gặp nhất là ở bàn tay và đầu gối.
Tổng trạng của bệnh nhân vẫn tốt. Không bị sốt hay sụt cân.
Các tổn thương khớp là không thể hồi phục và ngoài dị dạng khớp còn có thể dẫn đến cứng khớp.
LÀM SAO BIẾT BỊ BỆNH THOÁI HÓA KHỚP ?
Bác sĩ sẽ khám và chẩn đoán dựa vào sự biểu hiện cơn đau ở khớp, khi cử động nhất là khi gắng sức. Điểm đặc biệt của căn bệnh này là cơn đau xảy ra ban ngày chứ không vào ban đêm và không có biểu hiện cứng khớp kéo dài khi thức dậy.
Hạn chế chức năng vận động được đánh giá dựa trên các chỉ điểm đau chức năng.
Bệnh thoái hóa khớp tiến triễn theo 3 dạng sau:
– Dạng tiêu tế bào sụn nhanh với sự phá hủy hoàn toàn sụn trong khớp trong khoảng từ 6-24 tháng.
– Dạng thoái hóa khớp tiến triễn chậm, không có cơn bộc phát sưng phù.
– Dạng thoái hóa khớp tiến triễn theo từng cơn bộc phát với các giai đoạn phá hủy sụn rồi chuyển sang ổn định.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi để xem gần đây bệnh có tiến triễn nặng thêm do các triệu chứng như viêm nhiễm hay không.
Khi có cơn bộc phát sung huyết : được xem là trường hợp cấp cứu. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chọc dò để tháo bớt dịch và lấy dịch để xét nghiệm phân tích. Phân tích dịch khớp là rất quan trọng, cho thấy đây là dịch xuất tiết, vô khuẩn, < 1000 yếu tố/mm3 , không có vi thể. Vì vậy, có thể loại trừ được bệnh viêm khớp nhiễm trùng, thoái hóa khớp vi thể, cơn bộc phát viêm nhiễm do chấn thương hay tụ máu.
CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH
Để xác định bệnh chính xác, bác sĩ sẽ cho chụp XQ tiêu chuẩn. Chụp XQ là cần thiết và đủ, không cần phải chụp cắt lớp (CTScan) hay chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI).
Dấu hiệu XQ thường gặp :
– Hẹp khớp giới hạn
– Gai xương
– Đậm độ xương tăng ở dưới vùng sụn bị tổn thương, có hay không có các lỗ hổng xương do tăng áp lực.
– Không có hiện tượng mòn xươngChụp XQ cần chụp cả 2 bên để so sánh, đối với chi dưới:
– Đối với khớp háng:chụp thẳng và nghiêng (Lequesne) để theo dõi các tổn thương cấu trúc hiện diện trong 50% trường hợp thoái hóa khớp háng.
– Đối với khớp gối: chụp thảng và nghiêng để xem tình trạng hẹp khớp, hiện diện của gai xương, các lỗ hỗng xương và các nốt calci-hóa sụn đặc biệt ở người cao tuổi.
Chụp XQ nhiều lần là cần thiết để theo dõi tiến triễn của sự tiêu sụn.
ĐIỀU TRỊ BỆNH THOÁI HÓA KHỚP NHƯ THẾ NÀO ?
Mục đích của điều trị là để cải thiện tối thiểu là 50% các triệu chứng bằng cách làm giảm hay dứt hẵn các cơn đau, cải thiện chức năng vận động, chất lượng cuộc sống và ngăn chận sự tiến triễn của bệnh.
* Thuốc
– Paracetamol: thuốc chống đau được ưu tiên lựa chọn. Nên cho uống vào thời điểm cố định, tốt nhất là buổi sáng và buổi trưa. Nếu có hiệu quả, cần sử dụng dài ngày.
– Thuốc kháng viêm: dùng đường uống hay thoa tại chỗ, được dùng trong trường hợp mà paracetamol không có hiệu quả. Thuốc kháng viêm chỉ nên dùng trong thời gian ngắn từ 10-15 ngày, nhất là trong trường hợp có các cơn đau sưng phù. Không nên dùng dài ngày vì tác dụng phụ của thuốc về đường tiêu hóa, tiết niệu và tim mạch, nhất là ở người lớn tuổi.
– Tiêm corticoid vào khớp: được chỉ định trong các cơn đau, đặc biệt trong trường hợp tràn dịch khớp sau khi đã tháo dịch. Thủ thuật này do bác sĩ chuyên khoa thực hiện.
– Trong trường hợp các cơn bộc phát sưng phù, việc tháo dịch chỉ có tác dụng làm giảm đau, còn việc lợi ích trong ngăn chận tiến trình hủy hoại sụn thì chưa được chứng thực.
– Đối với bệnh thoái hóa khớp tiến triễn chậm, thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm như glucosamin sulfat, chondroitin sulfat, diacerhein, có tác dụng về mặt cấu trúc. Được dùng chủ yếu sau các cơn đau và hạn chế chức năng từ 6-8 tuần lễ và không dùng chung với thuốc chống đau.
– Acid hyaluronic : được sử dụng trong trường hợp thoái hóa khớp gối tiến triễn không nặng lắm, không có tràn dịch, chỉ được tiêm vào khớp 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tuần. Tiêm acid hyaluronic cho thấy có hiệu quả trên cơn đau và hạn chế chức năng, có tác dụng kéo dài từ 6-9 tháng.
LIỆU PHÁP KHÔNG DÙNG THUỐC
* Vật lý trị liệu: thường được áp dụng để làm mạnh cơ tứ đầu và để duy trì hoạt động của khớp gối.
* Bao đầu gối: để làm giảm đau và cải thiện sự cứng khớp.
* Liệu pháp ngoại khoa: Can thiệp ngoại khoa được chỉ định ở những bệnh nhân mà điều trị thuốc không làm giảm đau hay không cải thiện được chức năng. Có nhiều phương pháp được dùng như :
– Rửa khớp: rửa sạch khớp bằng cách lấy hết các mảnh vụn trong khớp gối.
– Chỉnh hình khớp gối giới hạn: tỏ ra có hiệu quả ở những bệnh nhân bị chứng thoái hóa khớp giới hạn.
– Thủ thuật đục xương: chỉ định ở những bệnh nhân trẻ tuổi bị thoái hóa khớp háng hay khớp gối.
– Chỉnh hình khớp toàn bộ: can thiệp phẫu thuật rất có hiệu quả ở bệnh nhân có nhiều triệu chứng và rối loạn chức năng trầm trọng.
(Theo « 100 Situations clés en médecine générale », 2013)
BS NGUYỄN VĂN THÔNG
DrThong007@gmail.com