Châm cứu dưới mắt phương tây

Hai vị bác sĩ cùng nghiên cứu những biến đổi của động mạch tay quay ở các bệnh nhân đang được châm cứu. Mục đích là để xác định một cách khoa học phương pháp chữa bệnh này của y học cổ truyền Trung Quốc.

Điều tương đồng giữa TS Robert Corvisier, nhà châm cứu ở thành phố Tours và GS Stephane Laurant, chuyên gia về cao huyết áp của Bệnh viên Georges Pampidou, đó là động mạch tay quay.
Đối với Tây y, động mạch đập đều đặn ở cổ tay chỉ có ý nghĩa là đếm nhịp của mạch máu. Trong khi ở Đông y, mạch cổ tay đóng một vai trò phức tạp và quan trọng hơn rất nhiều. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, các thầy thuốc thường đặt 3 ngón tay dọc theo bờ ngoài của cổ tay bệnh nhân. Mới đầu đặt nhẹ trên tay rồi sau đó đè mạnh xuống dần dần. Bằng cách đó, các thầy thuốc có thể phân biệt được 28 mạch khác nhau, phân loại theo mạch trầm bỗng, tốc độ, nhịp và hình thái. Cách khám này kết hợp với vấn bệnh, khám lưỡi và khám tổng quát có thể giúp cho các nhà châm cứu có thể chẩn đoán bệnh và tìm đúng huyệt đạo để châm cứu chữa trị. Hiện nay, châm cứu khá phổ biến ở phương Tây mặc dù vẫn còn mang vẻ huyền bí. Châm cứu dựa trên nguyên lý 12 kinh mạch chạy khắp cơ thể để tạo ra năng lượng mà đông y gọi là “khí”. Nhưng không có người nào có thể thấy được các kinh mạch này bằng mắt trần. Cũng như không thể giải thích được cơ chế tác dụng của việc lưu kim khoảng 20 phút trên một hoặc nhiều huyệt đạo của 361 huyệt đạo được mô tả trong các y thư cổ truyền.
Tuy nhiên, không phải ai cũng công nhận hiệu quả chữa trị của châm cứu mà một số trong y giới phương tây vẫn còn hoài nghi. Để khẳng định tác dụng của châm cứu, một nhóm khoa học gia đã tìm cách chứng minh những biến đổi về sinh lý khi châm cứu. TS Robert Corvisier và GS Stephane Laurent quyết định tập trung nghiên cứu về động mạch tay quay “lừng danh” này.
Để xác định một cách khách quan về những thay đổi nhận thức trước và sau khi châm cứu, 2 nhà khoa học sử dụng máy siêu âm Doppler để chẩn đoán. Siêu âm Doppler có thể đo được bằng sóng siêu âm đường kính của mạch máu và tốc độ của dòng máu chảy, thường được sử dụng để chẩn đoán các trường hợp bất thường của mạch máu. Các máy siêu âm thông thường đang được sử dụng, không có độ nhạy cao để có thể xác định những thay đổi nhạy cảm về đường kính của động mạch mà khẩu độ khoảng 3mm với độ dày chỉ 0,3mm. Vì vậy, GS Laurent thuộc nhóm nghiên cứu Inserm, đã đưa vào sử dụng máy đo mạch máu có độ phân giải cao, được gọi là Echotracking NIUS2 (Non Invasive Ultrasound System). Đây là loại máy duy nhất có khả năng đo được những thay đổi khoảng 1 micromet của đường kính động mạch tay quay.

Pierre Boutourye, dược sư, và Brigitte Laloux, kỹ sư, tham gia cuộc thử nghiệm để thực hiện các phép đo. Người ta cố định tay bệnh nhân, bôi một lớp gel (để tăng sự dẫn truyền) trên da cổ tay rồi đặt đầu dò thẳng góc với mạch máu, ngay dưới ngón cái. Tức thì, Echotracking khảo sát được sự khác biệt dữ liệu trước và sau khi châm cứu về đường kính và độ dày của động mạch cũng như những biến thiên theo thời gian.
Trong thời gian đầu, nhóm nghiên cứu thử nghiệm trên 30 bệnh nhân đã được chữa trị bằng châm cứu vì các chứng bệnh như đau lưng, rối loạn tiêu hoá, mất ngủ… Trước tiên, họ được thử nghiệm bằng một cuộc châm cứu “placebo” (châm cứu giả để đối chứng) nghĩa là các nhà châm cứu châm kim vào các huyệt trung tính, không có tác dụng chữa bệnh. Các nhà nghiên cứu nhận thấy có một sự dãn mạch có ý nghĩa của động mạch tay quay đến 7% trong nhóm này và chỉ duy nhất nhóm này.
Các nhà nghiên cứu lại tiến hành cuộc thử nghiệm trên những bệnh nhân bị chứng nhức nửa đầu nặng mà chưa hề được chữa trị bằng châm cứu. Khoảng 30 người trong nhóm thử nghiệm này đã được điều trị tại trung tâm chữa trị đau của Bệnh viện Georges-Pompidou. Cuộc thử nghiệm kéo dài trong 6 tuần lễ. Động mạch tay quay của những người thử nghiệm được đo trước và sau khi châm cứu cả thật và giả. Kết quả lần này thì thật “ngoạn mục”. Tất cả bệnh nhân được châm cứu thật thì không những mạch máu tay quay dẫn nở đáng kể mà sự dãn nở này lại còn tồn tại trong một tháng sau khi đã ngưng châm cứu. Và các bệnh nhân nhức nửa đầu đã giảm đau rất nhiều.
Công trình nghiên cứu đã khẳng định tính khoa học của châm cứu không những bằng các dữ liệu trên động mạch tay quay mà còn về sự thay đổi trên sợi collagen của da. Vào năm 2001, trong Khu thần kinh học của Viện đại học Vermont, Hoa Kỳ, TS Helene Langevin đã chứng minh cho thấy tầm quan trọng của việc ve kim trong châm cứu. Các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự kết tụ các phân tử actine ở giữa các sợi cơ. Actine là một loại protêin nằm trong sợi cơ, có tác dụng làm cơ co thắt. Điều này giải thích vì sao động mạch dãn nở và tồn tại một thời gian lâu. Các sợi cơ khi co thắt sẽ lôi kéo các sợi thần kinh nằm gần chúng. Đây là giả thuyết về cơ chế “cơ học-dẫn truyền” của châm cứu mà các nhà khoa học đã đưa ra gần đây để giải thích về hiệu ứng của châm cứu.

(Theo Sciences et Avenir)
BS NGUYỄN VĂN THÔNG
DrThong007@gmail.com

Bài này đã được đăng trong Khoa học ngày nay. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s