Như để thử thách “lòng chung thủy” của người hâm mộ đối với nhạc Trịnh, những hoạt động nghệ thuật tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa ấy diễn ra trong những cơn mưa của một trận bão trái mùa vào ngày 31.3 rồi kéo sang ngày 1.4, ngày Giỗ Trịnh Công Sơn.
Giai điệu của “Em còn nhớ hay em đã quên” réo rắt tha thiết khi mây đen vần vũ trên bầu trời và gió rít lật đổ nhiều cây trên đường phố Sài Gòn. Và rồi ” Mưa vẫn mưa bay trên hàng lá đổ…Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Để người phiêu lãng quên mình lãng du” bỗng có sức quyến rũ lạ thường. Sức quyến rũ của một hiện tượng văn hóa đích thực.Gọi là “hiện tượng văn hóa” vì khó để dùng một khái niệm khác đủ sức biểu đạt tình cảm mà công chúng hâm mộ dành cho người nghệ sĩ đã thực sự chiếm lĩnh trái tim họ. Một nét văn hóa rực sáng trong bầu trời ảm đạm.
Sáng ngày 1.4 lên thăm mộ anh mình, các em của nhạc sĩ họ Trịnh đã sững sờ xúc động khi nhận ra rằng trước đó, một nhóm các chàng trai cô gái đã đến tưới rượu “rửa” sạch lớp bụi bám trên bức tượng Trịnh, mùi rượu vẫn còn phảng phất nương náu nơi bức tượng màu đá xám kia. Và, trên mộ Anh đã phủ đầy những bó hoa và trái cây còn tươi. Thế rồi, một nhóm bạn trẻ hơn 20 người với những chiếc đàn guitar đeo vai đã say sưa hát những bài hát của Trịnh mà họ yêu thích khi mưa đã nặng hạt. Một nhóm khác thì gội mưa đứng đợi để tiếp tục đến lượt mình.
Với họ lúc này thì “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” trong “Diễm Xưa” như tiếng lòng tha thiết của họ, và rồi khi câu kết thúc ngân nga : “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” thì không chỉ là một nỗi niềm thẳm sâu trong ca khúc ngẫu hứng của thiên tài họ Trịnh, mà là nỗi niềm của chính họ. Một khát vọng nhân văn, một đúc kết mang tính quy luật của tình yêu muôn đời, vượt khỏi mọi ranh giới không gian và thời gian. Một nét văn hóa sáng ngời.
Trên mặt những phiến đá đặt trên mộ Trịnh, những giọt sáp đèn cầy vẫn bám chặt vào mặt đá xám cho biết những ngọn nến tưởng niệm này đã được thắp từ đêm trước, và có thể cả đêm trước nữa. Những người hâm mộ muốn lặng lẽ có mặt và lặng lẽ ra về khi đã hát cho người nhạc sĩ đang nằm “trong nghĩa trang này, chỉ có chim thôi” [ Cho một người nằm xuống] nghe. Không, còn có chúng tôi, những người yêu mến anh. Thiên tài không bao giờ cô đơn cả, họ đang sống trong sự giàu có vô tận của những trái tim yêu thương, những tấm lòng ngưỡng mộ.
Họ đến đây với tiếng lòng của họ “Như những dòng sông nhỏ/ Ôi những dòng sông nhỏ, Lời hẹn thề là những cơn mưa” [Tình xa]!
Chính “lời hẹn thề” này đã định hình một nét văn hóa tuyệt đẹp và thật độc đáo như vừa nói. Chẳng cần phải băng rôn, khẩu hiệu rộn ràng, không ai bảo ai, những người hâm mộ nhạc Trịnh đã tự phát tổ chức những hình thức tưởng niệm rất sáng tạo nhân 11 năm người nghệ sĩ tài hoa ấy “về làm cát bụi” sau khi “cát bụi tuyệt vời” đã nhận được “Mặt trời soi một kiếp rong chơi” [Cát bụi] . Chính những hình thức tưởng niệm sáng tạo và tự phát ấy là những sinh hoạt văn hóa mà xã hội ta đang cần, đang rất cần để làm vơi bớt đi những ồn ào, dung tục kiểu “cờ đèn kèn trống” và hàng vạn hàng vạn những tấm biển lớn treo ngang đường về cái gọi là “khu phố văn hóa” nhưng bên cạnh một vài điển hình tốt, không thiếu những nơi đầy rẫy những nét phản văn hóa được phơi bày ngay trong những “lãnh địa văn hóa” ấy. Trong nỗi bức xúc của “sự xuống cấp của văn hóa và đạo lý xã hội” thì những nét sinh hoạt văn hóa kia là những hạt ngọc long lanh. Cho nên, gọi là “hiện tượng văn hóa đích thực” là nhằm vào ý nghĩa đó.
Một thứ văn hóa do chính người dân tự cảm nhận, tự thể hiện, cảm thụ và do đó mà góp phần xây đắp văn hóa. Nếu đúng “văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội” thì cái nền tảng tinh thần ấy phải được xây đắp từ chính người dân, từ những hành vi văn hóa, ứng xử văn hóa của những con người bình thường trong môi trường xã hội, môi trường thiên nhiên mà họ đang sống.
Trong sâu thẳm của triết lý phương Đông, con người tương kính, tương ái với thiên nhiên, găn bó hóa quyện với thiên nhiên, bởi thế mà “những cơn mưa” đến trong những ngày tưởng niệm Trịnh này như những dấu ấn ngẫu nhiên song lại hàm chứa nhiều liên tưởng khá thú vị. Mà thú vị vì nó độc đáo. Thì đây, “Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em, đã nương theo vào đời…” [Ru đời đi nhé”] trong ca khúc “Ru đời đi nhé”, rồi ” “Mưa có buồn bằng đôi mắt em/ tóc em từng sợi nhỏ/ Rơt xuống đời làm sóng lênh đênh” trong giai điệu của “Như cánh vạc bay” được các chàng trai và cô gái kia với những chiếc đàn thùng giản dị và quen thuộc tấu lên bên mộ người nhạc sĩ thiên tài ấy giữa trời mưa hôm 1.4 bỗng gợi đến câu nói bất hủ của Trang Chu : “Minh nhiên dữ tạo hóa vi nhất, tắc vô vãn như phi ngã dĩ”, con người cùng tạo hóa đã hợp làm một thì đi đi đâu về đâu mà chẳng phải là mình vậy! Và thế là, “lời hẹn thề là những cơn mưa” bỗng trở thành một “hiện tượng văn hóa đích thực”.
“Những cơn mưa” như những thách đố! Đêm 31.3 diễn ra buổi tưởng niệm hoành tráng tại một công viên rộng ở đô thị Phú Mỹ Hưng và ngày 1.4 với nhiều cuộc trình diễn nhạc Trịnh thì trời đổ mưa. Xin không bàn đến chất lượng của các buổi trình diễn mà chỉ nói đến dòng người nườm nượp kéo đên tham dự mặc cho mây đang vần vũ báo hiệu cơn bão. Chợt nhớ đến một câu nói của V.Hugo “Hãy nhìn vào dân chúng. Bạn sẽ thấy chân lý”. Rồi ngày 1.4, từ sáng sớm nhiều người gội mưa đển thắp nhang trước bàn thờ người nhạc sĩ đã chiếm lĩnh trái tim họ tại ngôi nhà 47C Phạm Ngọc Thạch. Nhiều người ngồi lại cho đến tận 12 giờ đêm trước ban thờ Trịnh, cùng hát với nhau những ca khúc mà họ yêu thích khi bên ngoài cơn bão vẫn chưa thôi gọi mưa đến. Có tiếng hát của những ca sĩ chuyên nghiệp với phần lớn là những tiếng hát nghiệp dư ngẫu hứng. Họ hát cứ như chưa bao giờ được hát thoải mái như thế. Ngoài trời vẫn mưa. ” Từng cơn mưa, từng cơn mưa, từng cơn mưa, mưa thì thầm dưới chân ngà” [Gọi tên bốn mùa].
Liệu có thể hiểu được rằng những tiếng hát nghiệp dư trước ban thờ của người nhạc sĩ ấy đang “gọi mưa vào hạ” để cho “mưa thì thầm dưới …” chân dung của tác giả những ca khúc mà họ đang say sưa hát.
Với dáng ngồi tư lự , người nhạc sĩ ấy đang trầm ngâm lắng nghe và sẻ chia cùng họ khi “Trời còn làm mưa, mưa rơi mưa rơi…để cùng họ tấu lên “Lời ru miệt mài ngàn năm ngàn năm” [Tuổi đá buồn].
Trận bão vẫn đang gọi mưa. Có cơn gió thổi những hạt mưa bay vào gần sát nơi những người hâm mộ đứng hát trước di ảnh của người đã chiếm lĩnh trái tim họ. Câu hát như một linh ứng diệu kỳ về “lời hẹn thề là những cơn mưa”.
“Lời hẹn thề” của những trái tim đa cảm khi mà “trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang, từng ngón tay buồn em mang em mang” trong “ngày chủ nhật buồn”1.4 này mà Sơn đã viết trong “Tuổi đá buồn” cách đây mấy thập kỷ. Và hôm nay, có phải là “đôi khi trên mái tình ta nghe những giọt mưa? [Tình xa].
Đây là những giọt mưa chung tình, là “lời hẹn thề” giữa người nghệ sĩ và công chúng khi Anh đã sống mãi trong sâu thẳm trái tim yêu thương của họ. Xúc động làm sao khi “lời hẹn thề là những cơn mưa”!
Sài Gòn, ngày 4.4.2012
Tương Lai