1/ LÀM SAO PHÒNG NGỪA NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIỂU ?
Các bệnh nhiễm trùng đường tiểu thường nhất là hiền tính nhưng có thể gây rất khó chịu và đôi khi tái phát.
VESSIE. “ Các công trình nghiên cứu cho thấy rằng hơn một nửa các phụ nữ sẽ bị ít nhất một nhiễm trùng đường tiểu trong suốt cuộc đời mình, GS François Haab đã chỉ rõ như vậy. Nếu ta không tính đến các trẻ em và những người rất già, số nhiễm trùng đường tiểu đạt 2 triệu mỗi năm ở Pháp.” Vậy đó là một nhiễm trùng thông thuờng và trong đại đa số các trường hợp không trầm trọng. Nói chung nhiễm trùng đường tiểu là do một sự tự lây nhiễm (autocontamination), các mầm bệnh phát xuất từ đường tiêu hóa, được vận chuyển từ hậu môn lên đến lỗ đái (méat urinaire), từ đây sau đó chúng có thể đi lên đường tiểu để xâm nhập, đặc biệt, niệu đạo (urètre) và bàng quang. Các nhiễm trùng đường tiểu dưới (infection urinaire basse) chiếm đại đa số các trường hợp nhưng có khi các mầm bệnh lên đến thận : khi đó đó là một viêm thận-bể thận (pyélonéphrite).
Các phụ nữ đặc biệt dễ bị nhiễm trùng đường tiểu bởi vì không những hậu môn và niệu đạo nằm rất sát gần nhau mà còn bởi vì niệu đạo rất ngắn : các vi khuẩn chỉ cần vượt một ít đoạn đường để đến bàng quang. Niệu đạo ở đàn ông thì dài hơn nhiều, vì vậy những nhiễm trùng đường tiểu thường do một yếu tố khác hay một bệnh lý khác : phì đại tuyến tiền liệt (hypertrophie de la prostate), hẹp niệu đạo, dị tật bộ máy tiết niệu, rối loạn thần kinh.
Sự hiện diện của các vi khuẩn trong đường tiểu là bình thường, chính sự làm vơi thường xuyen của bàng quang cho phép loại bỏ một cách đều đặn những mầm bệnh và tránh một nhiễm trùng.
Các triệu chứng thay đổi, nhưng thường nhất, bệnh nhân rất thường buồn tiểu, khẩn trương muốn đi tiểu, đau ở vùng bàng quang. Đau ở vùng thắt lưng, đối xứng bên phải và bên trái, cũng có thể được cảm thấy. Tất cả những dấu hiệu này là kết quả của viêm bàng quang. Nhiễm trùng có thể gây nên một cảm giác rát buốt khi đi tiểu. “ Trong 20% các trường hợp, máu hiện diện trong nước tiểu (hématurie), nhưng đó không phải là một dấu hiệu nghiêm trọng ”, GS Haaab đã xác nhận như vậy. Phải thăm khám nhanh chóng nếu xuất hiện sốt trên 38 độ, nếu đau chỉ hoàn toàn ở một bên, nếu bệnh nhân có thai, nếu đó là một người đàn ông và nếu ta đã chịu phẫu thuật từ dưới 1 tháng.
UỐNG NƯỚC NHIỀU
Chẩn đoán dựa trên những dấu hiệu lâm sàng và có thể được xác nhận bởi một xét nghiệm với bandelette urinaire. Xét nghiệm này phải được thực hiện sau khi đã loại bỏ một tia nước tiểu đầu tiên vì các vi khuẩn luôn luôn hiện diện xung quanh lỗ tiểu. Xét nghiệm này phát hiện sự hiện diện của nitrite và bạch cầu, những chỉ dấu về sự hiện diện của một nhiễm trùng. Việc sử dụng một ECBU (examen cytobactérilologue des urines: xét nghiệm tế bào-vi khuẩn học nước tiểu) cũng như một xét nghiệm máu không được khuyến nghị trong nhiễm trùng đường tiểu không gây biến chứng. Những thăm dò phụ chỉ cần thiết khi điều trị thất bại, khi có tái phát hay trong trường hợp viêm bàng quang tái diễn (cystites récidivantes). Khi đó thầy thuốc đòi hỏi một ECBU, một siêu âm bàng quang hay một nội soi bàng quang (cystoscopie).
Điều trị phải ngắn ngày đối với phụ nữ trưởng thành và từ nay được thực hiện bằng một liều duy nhất kháng sinh dành cho đường tiểu.
Mục tiêu là không làm dễ sự xuất hiện những đề kháng đối với các thuốc kháng sinh, càng ngày càng thường xảy ra. “ Điều quan trọng là đừng kê đơn quinolone nhằm để dành lớp kháng sinh này cho những nhiễm trùng phổi, mà từ nay quinolone đôi khi là điều trị duy nhất có hiệu quả ”, GS Haab đã nhắc lại như vậy.
Thầy thuốc cũng khuyên uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên. Các triệu chứng liên kết với nhiễm trùng biến mất rất nhanh nhưng đôi khi cần nhiều ngày để viêm bàng quang tan biến đi. Các thuốc giảm đau (antalgiques) và các thuốc chống co thắt (antispasmodiques) cũng có thể được kê đơn.
Nhiều trường hợp làm dễ nhiễm trùng đường tiểu và vài động tác có thể được áp dụng để làm giảm tần số của chúng. Sự giao hợp làm dễ sự lây nhiễm niệu đạo : vậy cần đi tiểu sau mỗi lần giao hợp. Một sự vệ sinh thái quá vùng âm đạo có thể có hại cho quần thể vi khuẩn âm đạo (flore vaginale) vì chúng có tác dụng bảo vệ tất cả vùng này. Ngoài ra những phụ nữ mãn kinh với quần thể vi khuẩn âm đạo bị biến đổi nhạy cảm hơn đối với nhiễm trùng đường tiểu.
Những người bị bệnh đái đường cũng cần phải chú ý hơn và đảm bảo rằng họ phải uống đủ nước và đi tiểu thường xuyên. Những động tác này, đối với tất cả, vẫn là cách bảo vệ tự nhiên tốt nhất. Ngoài ra canneberge cũng đã chứng tỏ lợi ích trong việc ngăn ngừa những nhiễm trùng đường tiểu.
(LE FIGARO 28/1/2011)
2/ LÀM SAO THANH TOÁN NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIỂU TÁI DIỄN ?
Docteur Jean-Pierre Mignard
Chirurgien urologue.
Saint-Brieuc
Các viêm bàng quang được gọi là tái diễn (cystite récidivante) khi mỗi năm xảy ra 3 đợt viêm bàng quang. Đó là một bệnh của phụ nữ, không trầm trọng cũng chẳng đe dọa nhưng gây khó chịu biết bao ! Không có giải pháp tuyệt đối cho vấn đề này và thật là tự phụ nếu cho rằng ta có thể trừ khử được nó. Nhưng ít nhất, ta có thể cải thiện, làm thuyên giảm và đôi khi triệt trừ những nhiễm trùng này. Nguồn gốc của những nhiễm trùng lập đi lập lại này không hoàn toàn được sáng tỏ và có sự góp phần của những hiện tượng miễn dịch không được biết rõ. Chúng ta chỉ nhắc lại rằng, trước khi hiểu phòng ngừa chúng như thế nào, cần thiết một thăm dò niệu học (examen urologique) tối thiểu để xác nhận chẩn đoán và loại bỏ mọi bệnh khác có thể giống nó.
3 mức độ hành động khả dĩ : những quy tắc vệ sinh-ăn uống, các kháng sinh và những loại thuốc khác không phải kháng sinh.
NHỮNG QUY TẮC VỆ SINH-ĂN UỐNG
Quy tắc đầu tiên rất là đơn giản và có thể được tóm tắt trong một câu “ uống nhiều để đi tiểu nhiều ”. Thật vậy, chính thể tích nước tiểu mới là quan trọng bởi vì cho phép dội rửa đều đặn bàng quang và niệu đạo. Lượng nước tiểu bài tiết tối thiểu mỗi ngày là 1,5L. Vậy cần phải cung cấp một lượng dịch tương đương. Đó là một tối thiểu nhưng nên uống một lượng hơi nhiều hơn. Tính chất của dịch uống không quan trọng : nước máy (eau de robinet) hoàn toàn tốt nếu khẩu vị có thể chấp nhận.
Quy tắc thứ hai là trút hết nước tiểu trong bàng quang khi đầy, nghĩa là cứ mỗi 3 đến 4 giờ. Dung lượng của bàng quang biến thiên tùy theo cá thể nhưng trung bình 300 ml (ở phụ nữ hơi nhiều hơn). Nín tiểu và không đi tiểu thường xuyên đều có hại : điều này làm dễ sự tăng sinh của các vi khuẩn trong nước tiểu và có nguy cơ làm căng bàng quang.
3 lời khuyên khác cũng hữu ích. Ta thường chứng thực rằng viêm bàng quang thường trùng hợp với một đợt táo bón, mặc dầu ta không có bằng cớ khoa học về mối liên hệ nhân quả này. Nhưng có một nhu động ruột đều đặn và tránh táo bón dường như là điều hợp lý.
Sử dụng đơn thuần xà phòng để làm vệ sinh vùng hội âm rất là hoàn toàn thích ứng. Một dung dịch sát trùng không cho một kết quả tốt hơn và có thể gây nên những sự khó chịu và làm biến đổi quần thể vi khuẩn bình thường của vùng hội âm.
Sau cùng, sau mỗi lần đi cầu, nên lau chùi từ trước ra sau chứ không phải từ sau ra trước, như thế tránh làm lây nhiễm âm đạo và niệu đạo do các vi khuẩn phát xuất từ ruột. Những tài liệu xuất bản mới đây không đưa ra những nghi ngờ về tầm quan trọng của lời khuyên này.
ĐIỀU TRỊ KHÁNG SINH.
Nếu tái phát kéo dài mặc dầu tôn trọng những quy tắc vệ sinh, khi đó ta có thể sử dụng một điều trị kháng sinh. Đó là một điều trị với liều rất thấp (doses sub-inhibitrices) và kéo dài (6 đến 12 tháng). Những loại thuốc thường được sử dụng nhất là nitrofurantoine và Cotrimoxazole.
Có thể có nhiều protocole sử dụng, có xét đến tần số của những tái phát, và lối sống của mỗi người.
Kháng sinh dự phòng sau giao hợp (antibioprophylaxie postcoitale) hoàn toàn thích hợp khi viêm bàng quang xuất hiện sau một giao hợp. Khi đó một viên kháng sinh vào mỗi lúc giao hợp cho phép một dự phòng tốt. Ưu điểm của điều trị này so với một kháng sinh dự phòng liên tục (antibioprophylaxie continue) là giảm liều lượng các kháng sinh và giảm phí tổn.
Kháng sinh dự phòng liên tục (antibioprophylaxie continue) : một viên thuốc vào mỗi buổi chiều lúc đi ngủ, trong ít nhất 6 tháng, làm giảm 80%. tỷ lệ tái phát. Vậy đó là một điều trị có hiệu quả. Tiếc thay, điều trị này thường gây nên những tác dụng phụ, như nôn, nổi ban, bệnh nấm candida miệng hay âm đạo (candidose buccale ou vaginale) và nhất là nó làm dễ sự xuất hiện những vi khuẩn đề kháng.
Phương pháp tự dùng thuốc lấy (automédication) : phương cách này được áp dụng ở những bệnh nhân có học và nếu tần số các tái phát ít quan trọng. Phương pháp này nhằm trao cho bệnh nhân một toa thuốc, mà bệnh nhân sẽ sử dụng ngay khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Loại điều trị này nói chung rất có hiệu quả và những đợt nhiễm trùng hiếm khi xuất hiện trong lúc điều trị. Trái lại những đợt tái diễn thường xảy ra khi ngừng kháng sinh dự phòng.
NHỮNG ĐIỀU TRỊ KHÁC.
Các oestrogène dùng tại chỗ cho phép điều chỉnh những rối loạn do sự thiếu hụt hormone của thời kỳ mãn kinh : teo biểu mô âm đạo, giảm khuẩn chí âm đạo (flore vaginale résidente) (trực khuẩn Doderlein) và pH âm đạo gia tăng. Tất cả những yếu tố này, do làm dễ sự định cư vi khuẩn (colonisation bactérienne) vùng hội âm và các nhiễm trùng, giải thích sự gia tăng nhiễm trùng đường tiểu sau thời kỳ mãn kinh. Oestrogène cho bằng đường âm đạo cho phép giảm nhiều tần số các nhiễm trùng.
Canneberge (hay cranberry). Trái của canneberge (Vaccinium macrocarpon) chứa một chất đặc biệt, pro-anthocyanidine loại A (hay PAC type A) có tính chất ngăn cản vi khuẩn gây bệnh gắn vào thành bàng quang. Do đó được sử dụng thành công trong sự phòng ngừa các trường hợp viêm bàng quang tái diễn. Bây giờ ta có thể tìm thấy chất này ở hiệu thuốc và trong các siêu thị dưới những dạng khác nhau (sirop, viên thuốc, thuốc gói…) Nhưng lưu ý phải sử dụng một liều lượng 36 mg PAC loại A mỗi 24 giờ.
(LE FIGARO 23/5/2011)
Đọc thêm: http://www.yduocngaynay.com/1-1NgVThinh_News_nr103.htm (TSYH số 103, bài số 3)
3/ NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIỂU : TUỔI TÁC LÀM DỄ SỰ LẠM DỤNG NHỮNG ĐIỀU TRỊ VÔ ÍCH
“ Số những người có bàng quang được định cư bởi các vi khuẩn nhưng không gây triệu chứng gia tăng với tuổi tác. Tỷ lệ này đạt 20% lúc 65 tuổi và có thể lên đến 55% ở những phụ nữ trên 80 tuổi sống trong các nhà dưỡng lão, BS Christophe Trivalle, thầy thuốc chuyên về lão khoa thuộc bệnh viện Paul-Brousse (Villejuif) đã nhấn mạnh như vậy. Các thầy thuốc thường có khuynh hướng đòi một ECBU khi có chút ít vấn đề ở người già bởi vì đó là một xét nghiệm ít xâm nhập và dễ thực hiện.”
Vì lẽ xét nghiệm tế bào-vi khuẩn nước tiểu (ECBU) thường dương tính, khi đó nguy cơ là, cho một điều trị đối với một nhiễm trùng đường tiểu không hiện hữu và bỏ qua những nhiễm trùng khác mà hậu quả có thể nghiêm trọng hơn.
“ Trái với những phản xạ cố hữu, ECBU phải là xét nghiệm sau cùng được thực hiện, sau khi đã thăm dò tất cả những khả năng khác và nhất là một nhiễm trùng phổi ”, BS Trivalle đã chỉ rõ như vậy. Khuynh hướng này cũng dẫn đến một sự tiêu thụ quá mức các kháng sinh, do đó làm dễ sự xuất hiện những đề kháng.
Cũng như đối với những bệnh nhân trẻ tuổi hơn, các kháng sinh phải được chọn để hạn chế những nguy cơ xuất hiện đề kháng, nhưng một phân tích méta của Viện Cochrane đã cho thấy rằng, đối với những người trên 65 tuổi, điều trị với liều duy nhất (traitement minute) không có cùng hiệu quả lên các triệu chứng và rằng một điều trị ít nhất năm ngày nên được ưa thích hơn.
Nhiễm trùng đường tiểu thường xảy ra hơn ở những người già mặc dầu khó xác định một ngưỡng tuổi. Các yếu tố làm dễ trực tiếp liên kết với tuổi tác là sự cung cấp nước bị giảm, tình trạng són đái, những rối loạn nhu động ruột và sự giảm một protéine ngăn cản vi khuẩn gắn vào thành của bàng quang.
Ở các phụ nữ, thời kỳ mãn kinh gây nên một sự thiếu hụt œstrogène, do đó làm dễ sự lây nhiễm niệu đạo và bàng quang. Đối với đàn ông, phì đại tuyến tiền liệt là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường tiểu sau 50 tuổi.
NHỮNG TRIỆU CHỨNG BỊ CHE KHUẤT
Sự chênh lệch giữa đàn ông và đàn bà giảm đi sau 50 tuổi, nhưng nhiễm trùng đường tiểu vẫn 5 lần thường xảy ra hơn ở các phụ nữ sau 70 tuổi. Những triệu chứng vẫn như nhau nhưng có thể bị che khuất khi những bệnh lý khác hiện diện. Bệnh đái đường có thể làm muốn đi tiểu thường xuyên hơn hay làm giảm cảm giác rát bỏng khi đi tiểu. Chứng sa sút trí tuệ ngăn cản các bệnh nhân diễn tả những triệu chứng mà họ cảm thấy.
Ở những người rất già, các triệu chứng có thể trở nên ít đặc hiệu hơn : són tiểu, té ngã, lú lẫn, thay đổi tính khí và hành vi có thể là hậu quả của một nhiễm trùng đường tiểu. Khi nhiễm trùng lên đến thận, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, ở người già, không phải luôn luôn kèm theo sốt, điều này làm cho khó được chẩn đoán một cách nhanh chóng hơn.
Việc chậm chẩn đoán này giải thích tính chất nghiêm trọng của những nhiễm trùng đường tiểu cao ở những người già. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là cung cấp nước đủ kèm theo một sự làm vơi thường xuyên bàng quang.
(LE FIGARO 28/11/2011)
4/ NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIỂU : Ở TRẺ EM CHẨN ĐOÁN KHÓ HƠN VÀ ĐIỀU TRỊ LÂU HƠN
“ Ở trẻ sơ sinh hay trẻ dưới 3 tuổi, tiểu tiện không tự ý, đó là sự khác nhau chủ yếu với người lớn ”, GS Bensman, thầy thuốc chuyên khoa bệnh thận, thuộc bệnh viện Trousseau (Paris) đã nhắc lại như vậy. Không gặp các dấu hiệu thông thường như đái rắt và đái buốt và sốt không nhất thiết luôn luôn hiện diện. Đối với lứa tuổi này, đứng trước một sự biến đổi tình trạng tổng quát không giải thích được, một xét nghiệm tế bào vi khuẩn nước tiểu (ECBU) sẽ được thực hiện.“ Để tránh những dương tính giả, rất thường gặp, và một điều trị vô ích, phải tôn trọng những chỉ dẫn đối với việc lấy mẫu nước tiểu, được thực hiện với những bọc đặc biệt để hứng nước tiểu. Tất cả vùng phải được sát trùng kỹ, và bọc nước tiểu, được thay sau 20 phút, với một sự khử khuẩn mới sau mỗi lần thay. ”
Sau 3 tuổi, nhiễm trùng đường tiểu dưới thường xảy ra hơn ở các bé gái nhỏ, không sốt. Một trong những nguyên nhân thường gặp của viêm bàng quang tái diễn khi đó là bàng quang dễ bị kích thích (vessie instable), khiến rất buồn tiểu ngay cả khi bàng quang không đầy nước tiểu. Những co thắt không tự ý của thành bàng quang làm một ít nước tiểu lên trở lại trong bàng quang, đôi khi kéo theo những mầm bệnh. Bố mẹ thường có cảm tưởng con gái mình nín tiểu cho đến giây phút cuối cùng, bởi vì bé gái luôn luôn vội vàng đi vào nhà cầu. Một điều trị để tránh những co thắt không tự ý của bàng quang cho phép, trong đa số các trường hợp, tránh những tái phát nhiễm trùng và những hậu quả xã hội gây khó chịu của căn bệnh này, thường biến mất khi lớn lên.
Nhiễm trùng đường tiểu, ở trẻ em, thường được phát hiện bằng một viêm thận-bể thận (pyélonéphrite). Viêm thận bể thận có thể là một yếu tố phát hiện của những dị tật đường tiểu, mặc dầu từ nay những dị tật này thường được nhận diện bởi siêu âm tiền sinh (échographie anténatale). Đứng trước một nhiễm trùng như thế, các thầy thuốc không còn thực hiện chụp bàng quang ngược dòng (cystographie rétrograde), rất xâm nhập, nhưng sử dụng trước hết siêu âm để chẩn đoán.
Cũng như ở người lớn, chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu được thực hiện với bandelette urinaire, nếu dương tính, sẽ khiến thầy thuốc đòi hỏi một ECBU. “ Ở đây cũng vậy, cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lấy mẫu nước tiểu trong những điều kiện tốt, bằng cách hướng dẫn tốt đứa trẻ và đồng thời đảm bảo rằng mẫu nghiệm được gởi nhanh đến phòng xét nghiệm để tránh những dương tính giả, rất nhiều ”, thầy thuốc đã xác nhận như vậy.
Điều trị kháng sinh được thực hiện trong nhiều ngày, tránh cho fluroquinones và ưu tiên những kháng sinh thải tốt trong đường tiểu. “ Các đề kháng là một vấn đề thật sự, nhất là với amoxicilline, gặp 40% các mầm bệnh đề kháng. ” Chỉ còn một lớp kháng sinh hiệu quả trên 95% các mầm bệnh, các céphalosporines thế hệ thứ ba. Có nên sử dụng những kháng sinh này để điều trị những nhiễm trùng thông thường như nhiễm trùng đường tiểu ? “ Hiện nay cuộc tranh luận chưa được giải quyết, nhưng tôi nghĩ rằng, có thể thử, mà không bị nguy cơ, một loại kháng sinh khác trước khi có kết quả của kháng sinh đồ và để dành họ kháng sinh này đối với những nhiễm trùng nghiêm trọng hơn ”, GS Bensman đã kết luận như vậy
(LE FIGARO 28/11/2011)
5/ VỆ SINH RĂNG MIỆNG KÉM : NGUY CƠ TIM MẠCH ?
Một công trình nghiên cứu lớn của Đài Loan đã theo dõi hơn 100.000 người trưởng thành trong suốt 7 năm và đã so sánh hai nhóm : 51.000 người đã được lấy cao răng (détartrage) ít nhất một lần mỗi năm với những người không được lấy cao răng lần nào. Những trường hợp nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não đã được ghi nhận hai lần quan trọng hơn (24% đối với 13%) ở những người không tuân thủ vệ sinh răng.
(PARIS MATCH 1/12 – 7/12/2011)
6/ UNG THƯ VÚ : HƯỚNG CỦA MỘT VACCIN ĐƯỢC TRẮC NGHIỆM TRÊN CHUỘT.
Thể tích của một khối u ung thư vú chuột đã được thu giảm 80%
RECHERCHE. Cứ 8 phụ nữ thì có một mắc phải bệnh ung thư vú trong suốt cuộc đời của họ. Đó là ung thư nữ thường gặp nhất. Số các trường hợp không ngừng gia tăng dưới tác dụng của nhiều yếu tố, nhất là chế độ ăn uống, sự nhàn rổi không hoạt động và sự lão hóa của dân số. Phải chăng một ngày nào đó ta sẽ có thể hiệu chính một vaccin ngăn cản căn bệnh rất thường gặp này xuất hiện ? Ta vẫn ở còn xa để đạt được mục tiêu đó. Nhưng các nhà khoa học Hoa Kỳ của trung tâm chống ung thư của MayoClinic thuộc bang Arizona đang nghiên cứu một vaccin điều trị (vaccin thérapeutique), để kích thích cơ thể sản xuất những kháng thể chống lại những tế bào ung thư, và chỉ những tế bào này mà thôi. Họ đã hiệu chính một protocole, được trắc nghiệm ở chuột, đã cho phép làm giảm 80% thể tích của các khối u vú. Những kết quả này, được công bố hôm qua trong tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ, mở ra một phương pháp mới đầy hứa hẹn, nhưng vẫn còn cần được trắc nghiệm ở người.
Trong nhiều thập niên, các nhà nghiên cứu đã tự hỏi phải làm thế nào để hệ miễn dịch nhận biết những khác nhau giữa những tế bào bình thường và ung thư, để kích thích cơ thể, thí dụ bằng một vaccin, phá hủy những tế bào ung thư, và chỉ những tế bào này mà thôi. Cho đến nay, cơ thể không có khả năng phân biệt những mô bình thường voi ung thư và do đó không biểu hiện một phản ứng thải bỏ tự nhiên nào đối với ung thư. Thế mà mới đây, các nhà nghiên cứu đã khám phá rằng khi những tế bào trở nên ung thư, các hydrate de carbone ở bề mặt của vài protéine của tế bào có những dị biệt với những protéine của những tế bào lành mạnh. Chính những khác nhau vi thể này là cơ sở của vaccin được hiệu chính bởi các nhà nghiên cứu của Mayo Clinic.
Các nhà nghiên cứu khảo sát các con chuột vốn phát triển dễ dàng các ung thư vú và siêu biểu hiện một protéine MUC1 ở bề mặt của những tế bào của chúng (như trường hợp đối với nhiều ung thư vú của phụ nữ). Liên kết với protéine này là một nhóm hydrate de carbone đặc hiệu, khác biệt với những hydrate de carbone của những tế bào lành mạnh.
Bắt đầu từ đó, các nhà nghiên cứu đã chế tạo một vaccin tương đối đơn giản. Hoàn toàn được tổng hợp, vaccin này gồm 3 thành phần : một yếu tố kích thích hệ miễn dịch (được sử dụng như adjuvant), một yếu tố có khả năng doper một cách đặc hiệu sự sản xuất các tế bào T giết người (chống ung thư) và một peptide nhắm vào phản ứng miễn dịch chống lại những tế bào mang protéine MUC1, liên kết với những hydrate de carbone đặc hiệu của ung thư vú.
NHƯNG ĐỊNH VỊ KHÁC
“ Vaccin này, được tiêm vào các con chuột bị một khối u ung thư vú, đã gây nên một phản ứng miễn dịch rất quan trọng, một trong đồng tác giả của công trình nghiên cứu, Geert-Jan Boons, đã kể lại như vậy. Phản ứng miễn dịch này đã có thể hoạt hóa 3 thành phần của hệ miễn dịch để làm giảm 80% kích thước của khối u. ”
“ Đó là lần đầu tiên một vaccin được phát triển để huấn luyện hệ miễn dịch phân biệt và giết những tế bào ung thư nhờ những cấu trúc hydrates de carbone trên protéine MUC1″, Sarah Gendler, đồng tác giả của công trình nghiên cứu này đã đánh giá như vậy.
Theo Viện ung thư Hoa Kỳ, protéine này là một trong những protéine quan trọng nhất để hiệu chính vaccin chống ung thư. Protéine này được tìm thấy trên những tế bào của ung thư vú, nhưng cũng trong những định vị khác, tụy tạng, buồng trứng… MUC1 được siêu biểu hiện ở 90% những bệnh nhân bị ung thư vú loại được gọi là “ ba âm tính ” (triple négatif) và đề kháng với điều trị hormone và những loại thuốc khác.
Các nhà nghiên cứu tiếp tục trắc nghiệm vaccin này trên những mô hình thí nghiệm khác nhau. Họ dự kiến trắc nghiệm trên các bệnh nhân trong một tương lai gần. “ Với ý tưởng cho rằng, phối hợp với sự điều tra phát hiện sớm, phương pháp này có thể sẽ làm biến đổi sự điều trị của căn bệnh ung thư vú này.”, GS Boons đã xác nhận như vậy,
(LE FIGARO 13/12/2011)
7/ CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG : CHÌA KHÓA CHỦ CHỐT ĐỂ PHÒNG NGỪA UNG THƯ VÚ
Rượu, các thức ăn có index glycémique cao, các axit béo trans là nguyên nhân gây bệnh.
SANTE PUBLIQUE. Ta có thể ngăn ngừa ung thư vú bằng chế độ ăn uống ? Một colloque, dành cho câu hỏi này, đã được tổ chức ở Rennes vào đầu tháng 10 dưới sự chỉ đạo của Trường y tế công cộng. Câu hỏi được đặt ra bởi vì các lý luận khoa học, gán một vai trò cho chế độ ăn uống trong ung thư này, càng ngày càng nhiều.
Đối với GS Philippe, thầy thuốc chuyên về ung thư (CHRU Tours), “ phải luôn luôn ghi nhớ rằng ung thư là một bệnh của các gène, rằng chế độ ăn uống không gây nên ung thư. Ung thư vú là không thuần nhất . Chế độ ăn uống dường như ít có vai trò trong ung thư vú của phụ nữ trẻ, vốn thường có tố bẩm di truyền (à prédisposition génétique). Ung thư vú của phụ nữ trưởng thành thì khác. Tuổi là yếu tố nguy cơ đầu tiên của ung thư này, 25 lần xảy ra nhiều hơn ở lứa tuổi 75 so với ở lứa tuổi 50, nhưng chế độ ăn uống, môi trường theo nghĩa rộng sẽ biến đổi sự biểu hiện của bệnh này, do sự tích luỹ của những biến đổi di truyền, bằng cách làm gia tốc hay trái lại kềm hãm sự tăng trưởng của nó.
“ Cung cấp thức ăn lớn hơn tiêu hao năng lượng làm dễ sự tích trữ và sự xuất hiện dần dần một chứng béo phì với những hậu quả hormone của nó, trong đó sự tăng nồng độ oestrogène trong máu(hyperestrogénie) ảnh hưởng lên sự biểu hiện của các biến đổi di truyền trong các mô phụ thuộc hormone như vú và nội mạc tử cung “, GS Bougnoux đã xác nhận như vậy. Nhưng chứng béo phì cũng can thiệp bằng những đường khác.“ Chứng béo phì tác động lên các ung thư (gan, thận, lymphome,..), mà các hormone không đóng một vai trò nào, và tự chính nó có những tác dụng làm dễ sinh ung thư (effet procarcinogène), GS François Goldwasser, thầy thuốc chuyên khoa ung thư (CHU Cochi, Paris) đã chỉ rõ như vậy. Mô mỡ tiết những yếu tố sinh huyết quản (facteurs angiogéniques) kích thích sự tạo thành những huyết quản mới cần thiết cho sự tăng trưởng khối u, và phóng thích những yếu tố tăng trưởng (facteur de croissance) liên kết với insuline, như IGF1, những yếu tố này có tác dụng làm dễ sự tăng sinh mô “.
Vào năm 2006, công trình nghiên cứu WHI trên 49.000 người Mỹ đã phân tích tác dụng của một sự giảm lâu dài cung cấp calo bằng cách hạ 25% lipides được tiêu thụ, liên kết với hoạt động vật lý. “ Biện pháp này cũng đủ để làm giảm số những ung thư vú trong nhóm liên quan. Lần đầu tiên, công trình nghiên cứu gợi ý rằng có thể thực hiện một sự phòng ngừa ung thư bằng chế độ ăn uống, GS Bougnoux đã nhấn mạnh như thế. Nhưng phần nguy cơ bị ung thư vú do việc ăn uống dường như chỉ liên hệ một bộ phận của các phụ nữ. Nếu ta biết đích xác những phụ nữ này, ta có thể xét đến một biện pháp phòng ngừa bằng chế độ ăn uống nhắm đích (prévention nutritionnelle ciblée).”
Đơn vị Inserm U921 mà ông ta điều khiển thu thập những mẫu nghiệm mô mỡ lấy trên các phụ nữ lúc thực hiện những phẫu thuật khác nhau của vú. ” Mô này ghi nhớ những tiêu thụ lipide của chúng ta. Chúng tôi đã cho thấy rằng những phụ nữ bị ung thư vú có một mô mỡ ít giàu acide béo oméga-3 so với những phụ nữ không bị ung thư vú, và rằng một nồng độ tăng cao acide béo oméga-6 hay acide béo trans liên kết với một nguy cơ gia tăng.
PROFIL CỦA CÁC LIPIDE.
Những tương tác phức tạp giữa các lipide, giữa các chất dinh dưỡng đã khiến cho nhóm nghiên cứu của chúng tôi còn làm tinh tế thêm phương cách của mình. “ Bây giờ, trên mô mỡ, chúng tôi biết xác lập profil của các lipide, hay lipome, của một cá thể. Profil này, trước đây chỉ có thể được thực hiện nhờ sinh thiết, bây giờ có thể thực hiện được bằng chụp hình ảnh, bằng spectroscopie IRM. Nếu công trình của chúng tôi xác nhận điều đó, một ngày nào đó ta có thể thực hiện nó ở những phụ nữ có sức khoẻ tốt, nhằm giúp những phụ nữ có nguy cơ làm tiến triển profil lipide của họ theo chiều hướng tốt.”
Một chế độ ăn uống giàu đường có index glycémique cao cũng làm dễ sự tăng trưởng của khối u. “ Các tế bào ung thư có một chuyển hóa khác, rất phụ thuộc vào glucose. Những thức ăn có khả năng cao làm tăng đường huyết đột ngột, vậy nghĩa là rất tinh chế, đã cho thấy một tác dụng làm dễ sự tăng sinh (effet proprolifératif) lên các tế bào ung thư, gồm cả trong ung thư vú “, GS Goldwasser đã nhấn mạnh như vậy.
Điều tra dịch tễ học, được chỉ đạo bởi GS Françoise Clavel-Chapelon (Inserm U1018) trên hàng ngàn phụ nữ, xác nhận những kết quả này : nguy cơ ung thư vú được làm gia tăng bởi rượu, các thức ăn có index glycémique tăng cao, các acide béo trans, và được làm giảm bởi folate, vài phyto-oestrogène (lignanes), vitamine D. Nhưng đối với nhà dịch tễ học, “ đối với mỗi thức ăn, chính topologie thức ăn mới là quan trọng. Những phụ nữ theo một chế độ ăn uống lành mạnh, thận trọng, gồm trái cây, rau xanh, cá, ngũ cốc, dầu thực vật có nguy cơ bị ung thư vú hai lần ít hơn so với những phụ nữ có chế độ ăn uống “ kiểu tây phương “, nhiều thịt, pizza, charcuterie, frite, pâtes, bơ, rượu..
“ Điều này được GS Goldwasser diễn tả một cách khác : “ Thật vậy, chính cùng chế độ ăn uống này, lành mạnh, ít dồi dào mỡ động vật, không quá nhiều calo, cùng với hoạt động vật lý, có tác dụng bảo vệ đồng thời chống ung thư và những bệnh tim mạch và vài bệnh thoái hóa thần kinh (maladie neuro-dégénérative).”
(LE FIGARO 17/10/2011)
Đọc thêm: http://www.yduocngaynay.com/1-1NgVThinh_News_nr108.htm (TSYH số 108, bài số 8 )
8/ TỬ CUNG ĐƯỢC CÀ PHÊ BẢO VỆ ?
2 hoặc 3 tách cà phê mỗi ngày làm giảm nguy cơ bị ung thư tử cung 7% và 4 tách làm giảm 25% mặc dầu cơ chế không được xác định một cách rõ ràng. Những kết quả này phát xuất từ một công trình nghiên cứu dịch tễ học Hoa Kỳ, đã theo dõi nguy cơ xuất hiện các ung thư tử cung đối với vài thực phẩm, ở 67.470 người tham dự trong suốt 26 năm.
(PARIS MATCH 8/12 – 14/12/2011)
9/ TRÁNH STRESS TRONG KHI CÓ THAI
Stress xảy ra nơi người mẹ có thể được liên kết với vài bệnh lý ở các trẻ em.
SANTE. Stress mà một người mẹ kinh qua trong lúc mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa con tương lai của mình ? Đó là điều có thể thật, một công trình nghiên cứu, được chỉ đạo bởi Marion Tagethoff và Gunther Meinlschmidt, thuộc đại học Bale, đã xác nhận như vậy. Dựa trên những dữ kiện thu thập được ở Đan mạch và quy tụ hơn 66.000 bà mẹ và trẻ em, công trình nghiên cứu dịch tễ học của họ là công trình đầu tiên có một tầm cỡ như vậy. Công trình này đã được công bố trong số tháng 11 của tạp chí Environmental Health Perspectives.
Để hiểu rõ hơn hiện tượng, các tác giả của công trình nghiên cứu phân biệt hai loại stress ở phụ nữ có thai. Một mặt, stress hiện sinh (stress existentiel) do những khó khăn của cuộc sống như thiếu tiền bạc, những xung đột quan hệ trầm trọng, một đám tang hay một tai nạn. Mặt khác, stress cảm xúc (stress émotionnel) liên kết với một tình cảm noi tam như lo âu, trầm cảm…
Những hậu quả đối với sức khỏe của đứa bé không giống nhau. Thật vậy, những phân tích thống kê cho thấy rằng chỉ stress hiện sinh mới được liên kết với những bệnh lý nhiễm trùng, những bệnh của tai, của những đường hô hấp hay tiêu hóa. Stress cảm xúc trong lúc thai nghén không ảnh hưởng lên sức khỏe của các đứa trẻ. Ngược lại chính sau khi sinh mà những xúc cảm âm tính của người mẹ có thể có một tác động âm tính lên đứa bé. “ Chúng tôi đã tìm thấy một sự liên kết nhưng điều đó không nhất thiết muốn nói một nguyên nhân trực tiếp giữa stress của các phụ nữ có thai và các bệnh lý của các đứa con của họ ”, Gunther Meinlschmidt đã chỉ rõ như vậy. “ Phải lưu ý khi ta thông báo về chủ đề này, ông nói rõ như vậy. Thật vậy nếu ta nói rằng stress nơi người mẹ là xấu đối với đứa trẻ ta có nguy cơ làm gia tăng sự lo âu của các phụ nữ mang thai. Bài học cần ghi nhớ, trái lại, đó là tự bảo rằng nên tỏ ra thư thái trong khi có thai, bởi vì điều đó quan trọng đối với đứa bé sắp được sinh ra đời.”
NHIỀU KHÁM PHÁ.
Nếu một mối quan hệ nhân quả giữa stress và sứ khỏe của đứa bé được chứng minh một ngày nào đó, thì theo ông, điều đó có thể khiến cho chính phủ thưởng tiền sinh đẻ cho những gia đình nghèo trong lúc mang thai, như hiện nay đó đã là trường hợp của vài nước, đặc biệt là Pháp.
Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ đã có nhiều khám phá. Họ đã cho thấy rằng trong các móng tay của trẻ sơ sinh có một chỉ dấu (marqueur) về tất cả tình trạng căng thẳng (stress) mà người mẹ của nó đã có thể trải qua trong khi mang thai. Đó là một hormone được sản xuất bởi các tuyến thượng thận. Năm nay, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ đã công bố một công trình nghiên cứu khác cho thấy rằng các phụ nữ có thai bị stress đã sinh ra những em bé lớn hơn. Tại sao ? Có lẽ đó là một cơ chế phòng vệ để làm giảm thời gian thai nghén, Gunther Meinlschmidt đã đưa ra giả thuyết như vậy. Đó chỉ là một giả thuyết chưa được chứng minh.” Đối với ông ưu tiên vẫn là bằng mọi cách phải làm giảm stress ở người mẹ.
(LE FIGARO 6/12/2011)
10/ SIDA : PHUƠNG PHÁP MỚI ĐỂ LÀM GIẢM NHẸ NHỮNG BÓ BUỘC CỦA TAM LIỆU PHÁP.
BS Jacques Leibowitch, thầy thuốc, nhà nghiên cứu, giảng viên tại bệnh viện Raymond-Poincarré de Garches, tác giả của “ Pour en finir avec le sida ”, édition Plon.
Hỏi : Ngày nay ở Pháp, tần số của những người bị nhiễm bởi virus bệnh sida là gì ?
BS Jacques Leibowitch. 100.000 bệnh nhân đang được điều trị. Theo Viện theo dõi y tế, 7.000 đến 8.000 người bị nhiễm mỗi năm bởi virus HIV. Nhưng nhiều người khác, bị lây nhiễm mà không biết, tiếp tục truyền virus.
Hỏi : Những kết quả của tam liệu pháp (trithérapie) hiện nay đến đâu rồi ?
BS Jacques Leibowitch. Có nhiều phối hợp các thuốc chống virus (với 31 loại thuốc), mà ta có thể kê đơn thích ứng với mỗi cá thể, tùy theo những kết quả có được và mức độ dung nạp của mỗi người. Nhưng những điều trị này, mặc dầu chúng ngăn cản sự xuất hiện bệnh bằng cách phong bế virus, lại không giết chết nó. VIH, mặc dầu trở nên không thể phát hiện với điều trị, nhưng hoạt động trở lại ngay khi ngừng tam liệu pháp (trithérapie).Tùy theo trường hợp và tuổi tác, những người huyết thanh dương tính có được sự thuyên giảm nhiều chục năm.
Hỏi : Những tác dụng phụ nào đã khiến ông muốn cải thiện sự thoải mái của những bệnh nhân được điều trị tam liệu pháp.
BS Jacques Leibowitch : Việc phải theo đuổi điều trị hàng ngày và suốt đời, mà sự ngừng thuốc là một mối đe dọa khủng khiếp, tạo nên một gánh nặng về tâm lý. Vài bệnh nhân bảo là họ cảm thấy bị gò bó như thể bị cầm tù với lưỡi gươm Damoclès treo lơ lửng trên đầu. Protocole dùng thuốc mới ngày này cũng bao gồm những nguy cơ tuân thủ điều trị kém trong trường hợp có những biến cố làm đảo lộn cuộc sống (tang chế, mất việc, ly dị). Mặt khác, sự tích tụ lâu dài các loại thuốc tạo nên những nguy cơ bị các biến chứng mặc dầu chúng hiếm xảy ra : những vấn đề tim mạch, suy thận
Hỏi : Quan niệm về phương pháp mới của ông là gì ?
BS Jacques Leibowitch : Mục đích là làm giảm những bó buộc và những nguy cơ, đồng thời bảo tồn tính hiệu quả của tam liệu pháp hiện nay. Ta đã có thể quan sát thấy rằng virus, một khi không thể phát hiện được sau một năm điều trị cổ điển, cần nhiều ngày để tái hoạt động và tăng sinh. Kíp của chúng tôi căn cứ trên thời gian tiềm tàng này để cho cách quãng những lần uống thuốc, mỗi lần với cùng liều lượng và cùng loại thuốc.
Hỏi : Những thử nghiệm nào đã được thực hiện với protocole này ?
BS Jacques Leibowitch : Từ năm 2003, 70 bệnh nhân đã thuận theo protocole này. Trước hết, tất cả đã được điều trị trong một năm với một liệu pháp quy ước, cho đến khi virus không thể phát hiện được. Sau đó số lần dùng thuốc đã được giảm dần, mỗi 6 tháng, với nhịp độ dùng thuốc một ngày mỗi tuần. Sự giảm được thực hiện vô cùng chậm và thận trọng, với sự theo dõi rất nghiêm túc. Hôm nay, 30 bệnh nhân chỉ dùng thuốc hai lần mỗi tuần nhưng không gây nên một sự tái hoạt động nào của virus. Chúng tôi thu được cùng những kết quả với protocole cổ điển 7 ngày mỗi tuần. Phải nhắc lại rằng chúng tôi vẫn luôn luôn trong một thời kỳ thử nghiệm, mặc dầu không được chính thức công nhận, nhưng được cho phép vì lý do nghĩa vụ luận y khoa.
Hỏi : Một tạp chí khoa học phải chăng đã trình bày những kết quả của ông ?
BS Jacques Leibowitch : Những kết quả này đã được công bố trong tạp chí quốc tế sinh-y học “ Faseb Journal ” (Federation of American Societies for Experimental Biology). Tôi cũng đã trình bày những quan sát dương tính này nhân Hội nghị quốc tế mới đây về Sida.
Hỏi : Tóm lại, những lợi ích của việc làm nhẹ điều trị (allégement thérapeutique) này là gì ?
BS Jacques Leibowitch : Lợi ích lớn nhất là tâm lý. Đối với những bệnh nhân đang được nghiên cứu của chúng tôi, sự thay đổi này được xem như là một hình thức giải phóng. Vài người bệnh nói rằng họ cảm thấy ít bị tù túng với căn bệnh của mình. Lợi điểm khác : một sự tuân thủ điều trị tốt hơn nhiều. Trên bình diện sinh lý, có thể chịu ít hơn nhiều những tác dụng của một “ tủ thuốc nặng nề.”. Thí dụ trong 10 năm, một bệnh nhân với điều trị hai ngày mỗi tuần sẽ nhận tương đương 7 năm rưỡi các loại thuốc ít hơn so với một bệnh nhân khác được điều trị với tam liệu pháp cổ điển.
Hỏi : Vì những thử nghiệm của ông vẫn luôn luôn không được hợp thức hóa, thế thì những hy vọng của ông nằm ở đâu ?
BS Jacques Leibowitch : Mục đích của kíp nghiên cứu chúng tôi là thuyết phục được các chuyên gia và các cơ sở y tế đến lược họ tiến hành những nghiên cứu về protocole mới này, nhưng lần này phải được hợp thức hóa.
(PARIS MATCH 1/12 – 7/12/2011)
BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(19/12/2011)