Thời sự y học số 249 – BS Nguyễn Văn Thịnh

1/ NHỮNG CHIẾN LƯỢC CHỐNG LẠI BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY
Đối với đa số các bệnh nhân, có những điều trị có hiệu quả.
GASTROENTEROLOGIE. “ Mọi người thỉnh thoảng có những triệu chứng của trào ngược dạ dày-thực quản (RGO), GS Dominique Lamarque, trưởng khoa hépatologie-gastroentérologe của bệnh viện Ambroise-Parré, Boulogne-Billancourt đã nhấn mạnh như vậy. Vậy đó là một bệnh thường xảy ra, không trầm trọng trong đại đa số các trường hợp. ” Haute autorité de santé chỉ rõ rằng từ 15 đến 20% những người Pháp có những triệu chứng của trào ngược dạ dày-thực quản ít nhất một lần mỗi tuần và khoảng 5% bị mỗi ngày. Khi triệu chứng khó chịu chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra, bệnh nhân thường nhờ đến dược sĩ, sẽ khuyên dùng những thuốc băng niêm mạc (pansement) hay những thuốc kháng toan (antiacide). Khi triệu chứng thường xảy ra hơn, thầy thuốc gia đình thường ở tuyến đầu.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản được đặc trưng bởi sự đi qua vào trong thực quản của một phần chất chứa trong dạ dày, theo chiều ngược lại với chiều xảy ra trong quá trình tiêu hóa. Chứng trào ngược này là do cơ vòng của phần dưới thực quản bị yếu, bình thường tác dụng như một van chống hồi lưu (valve antiretour). Chất chứa trong dạ dày có tính acid và những đợt trào ngược gây nên một cảm giác rát bỏng trong thực quản, đôi khi đến tận hầu. Trong 40% các trường hợp, trào ngược xảy ra vào ban đêm hay khi bệnh nhân nghiêng mình. Chất chứa trong dạ dày khi đó có thể lên đến tận miệng, gây khó chịu và mất ngủ.

“ PETITE BEDAINE ” (BỤNG HƠI TO)
Những biện pháp vệ sinh đời sống có thể hữu ích : tránh những bữa ăn quá dồi dào, quá nhiều mỡ hay nhiều chất gia vị và tôn trọng một thời hạn 3 giờ giữa bữa ăn tối và lúc lên giường ngủ. Những miếng kê (cale) đặt ở đầu giường cũng đã chứng tỏ tính hiệu quả của chúng. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường xảy ra hơn sau 50 tuổi và được làm dễ bởi sự tiêu thụ quá mức rượu, thuốc lá và sự tăng thể trọng. “ Làm giảm trọng lượng vài ký đôi khi cũng đủ để làm giảm những triệu chứng ”, Dominique Lamarque đã chỉ rõ như vậy. Đàn ông bị bệnh 3 lần nhiều hơn phụ nữ, nên có thể cái bụng hơi to (“ petite bedaine ”) của lứa tuổi 50 đóng một vai trò.
Những đợt trào ngược axid có thể gây nên những thương tổn của thành thực quản, gây đau và những rối loạn tiêu hóa đôi khi do thực quản bị hẹp lại. Trong vài trường hợp ít xảy ra, khi sự trào ngược kéo dài và nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến một sự biến đổi của niêm mạc của đoạn dưới thực quản và, trong trường hợp ngoại lệ, sự xuất hiện một ung thư. “ Đó là điều mà tất cả các bệnh nhân đều sợ nhưng sự biến đổi này thật rất hiếm xảy ra ”, GS Frank Zerbib, trưởng khoa hépato-gastro-entérologie của bệnh viện Saint-André (Bordeaux) đã nhấn mạnh như vậy. Trong phần lớn các trường hợp, điều trị cho phép làm giảm các triệu chứng và bảo vệ thực quản. Việc lựa chọn điều trị tùy thuộc vào tần số và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nếu bệnh trào ngược dạ dày thực quản được biểu hiện dưới 1 lần mỗi tuần, thầy thuốc sẽ kê đơn một loại thuốc như kháng toan (antiacide), thuốc băng niêm mạc (pansement) hay ngay cả thuốc kháng bơm proton (IPP). Những thuốc kháng bơm proton (IPP) đúng hơn là một điều trị nền (traitement de fond), cho phép điều hòa một cách dài lâu sự sản xuất của acid trong dạ dày. Xuất hiện trong những năm 1990, các thuốc kháng bơm proton ngày nay là điều trị chuẩn của bệnh trào ngược dạ dày thực quản với các triệu chứng thường xảy ra và điều trị này thường tỏ ra có hiệu quả. Khi bệnh nhân trẻ, ngoại khoa có thể tránh việc dùng thuốc : trong đa số các trường hợp, bệnh trào ngược dạ dày thực quản không cải thiện khi lớn tuổi và trở nên mãn tính.
Nếu bệnh nhân không đáp ứng với những thuốc kháng bơm proton, nếu bệnh nhân lớn hơn 50 tuổi và/hoặc nếu các triệu chứng tái xuất hiện lúc ngừng điều trị, thầy thuốc có thể khuyến nghị những thăm dò phụ. Trong trường hợp này, nội soi cho phép phát hiện, 2 trường hợp trên 3, những thương tổn của thực quản với mức độ nghiêm trọng thay đổi. Khi nội soi không cho thấy gì hết, khi các triệu chứng không rõ ràng hay khi điều trị không có hiệu quả, chỉ có pH-métrie mới cho phép xác nhận trào ngược dạ dày thực quản acid khả dĩ đáp ứng với những thuốc kháng bơm proton. “ Thăm dò này đặc biệt hữu ích khi các triệu chứng không phải là tiêu hóa : thí dụ ho, đánh hắng họng hay hen phế quản. Nó cho phép tránh kê đơn một điều trị vô ích ”, BS Thierry Vallot, gastro-entérologue thuộc bệnh viện Bichat đã nhắc lại như vậy. Đứng trước việc kê đơn quá mức, Afssaps vào năm 2007 đã nhắc lại rằng không có một bằng cớ nào về tính hiệu quả của IPP lên các triệu chứng này khi bệnh trào ngược dạ dày thực quản không được xác nhận bằng thăm dò, một kết luận được xác nhận bởi HAS vào năm 2009.
(LE FIGARO 7/11/2011)

2/ NHỮNG CẢI TIẾN ĐỂ CHỐNG LẠI ACID DẠ DÀY
“ Sự xuất hiện của các thuốc kháng bơm proton (IPP : inhibiteur de la pompe à protons) đã hoàn toàn biến đổi việc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (RGO), cũng như sự nghiên cứu những điều trị mới ”, GS Franck Zerbib, trưởng khoa hépato-gastro-entérologie thuộc bệnh viện Saint-André (Bordeaux) đã nhắc lại như vậy. Những loại thuốc này tác động lên sự biến đổi của vài chất đồng thời ngăn cản chúng trở nên axit.
Thật vậy, đại đa số các bệnh nhân đáp ứng với những điều trị này. Những loại thuốc đang được thử nghiệm đúng hơn là những chất bổ sung cho các thuốc kháng bơm proton, tác dụng lên cơ vòng của phần dưới thực quản để giới hạn sự hồi lưu nhưng không tác động lên những tác dụng của IPP. “ Nhiều loại thuốc đang được thử nghiệm nhưng hiệu quả của chúng không đủ để được đưa ra thị trường ”, Franck Zerbib đã chỉ rõ như vậy.
Nhiều điều trị nội soi để may, tiêm hay làm nóng (échauffement) nhằm làm dày các mô đã được nhắm đến, rồi sau đó bị bỏ vì thiếu những kết quả thỏa mãn, nhưng những tiến bộ của ngoại khoa soi ổ bụng (chirurgie coelioscopique) chẳng bao lâu có thể cho phép lần nữa mở con đường nghiên cứu này.
“ Ngoại khoa vẫn hữu ích, nhất là khi những đợt trào ngược quá quan trọng xảy ra vào ban đêm bởi vì, mặc dầu các thuốc kháng bơm proton có hiệu quả, nhưng chúng không ngăn cản được sự hồi lưu ”, GS Dominique Lamarque, trưởng khoa hépato-gastro-entérologie thuộc bệnh viện Ambroise-Paré (Boulogne-Billancourt) đã nhấn mạnh như vậy. Nhưng đó vẫn là một can thiệp tế nhị, với nguy cơ làm hẹp và những tác dụng phụ gây khó chịu.
Mặt khác một công trình nghiên cứu châu Âu được công bố vào năm 2011 trong Journal of the American Medical Association đã cho thấy rằng điều trị ngoại khoa cho cùng kết quả với các thuốc kháng bơm proton : 90% các bệnh nhân cho là các kết quả thỏa mãn, mặc dầu những tác dụng phụ thường xảy ra hơn về phía ngoại khoa. “ Thật vậy, những bệnh nhân sử dụng ngoại khoa nhiều nhất cũng là những bệnh nhân đáp ứng tốt nhất với các thuốc kháng bơm proton, GS Zerbib đã chỉ rõ như vậy. Vậy phải nhắm đúng những bệnh nhân mà ngoại khoa có một lợi ích thật sự. ”
Tiến bộ quan trọng có thể phát xuất từ sự hiệu chính những công cụ chẩn đoán có khả năng xác định tốt hơn những bệnh nhân khả dĩ cần những điều trị khác với các thuốc kháng bơm proton để tránh kê đơn những loại thuốc này một cách vô ích. Capsule Bravo, được cắm vào trong thực quản bằng nội soi và trong 48 giờ truyền thông tin từ thực quản mà không cần dây dẫn, cho phép đo độ acid của trào ngược mà không buộc bệnh nhân phải trải qua 24 giờ với một cathéter trong mũi. Mặc dầu 10 lần tốn kém hơn cathéter, kỹ thuật này không được bồi hoàn bởi Bảo hiểm y tế. Nhưng việc sử dụng nó mang lại nhiều tiết kiệm : các IPP có con số doanh thu quan trọng nhất trong số các dược phẩm được bán.
(LE FIGARO 7/11/2011)

3/ BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY : Ở NHŨ NHI, MỘT BỆNH THƯỜNG XẢY RA NHƯNG TẠM THỜI.
“ Một nửa các nhũ nhi dưới 6 tháng ựa ít nhất một lần mỗi ngày, GS Patrick Tounian, trưởng khoa dinh dưỡng và tiêu hóa nhi đồng thuộc bệnh viện Armand-Trousseau (Paris) đã nhắc lại như vậy. Vậy phải nhắc lại cho bố mẹ rằng đó là một tình trạng sinh lý, bình thường trong đại đa số các trường hợp.”
Thật vậy, những triệu chứng trào ngược (régurgiation) này là do tình trạng chưa thành thục (immaturité) của hệ thống chống hồi lưu (système antireflux), trong phần lớn các trường hợp sẽ tự giải quyết với thời gian. “ Tuy nhiên khi một nhũ nhi ựa và bắt đầu khóc, người lớn lại thấy ở đó sự biểu hiện của một sự đau đớn tương tự với đau đớn mà họ đã cảm nhận khi bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (RGO), Patrick Tountan đã chỉ rõ như vậy. Vô cùng ít các trẻ được điều trị chống hồi lưu (traitement antireflux) trong khi tất cả các tài liệu chứng minh rằng placebo cũng hiệu quả như điều trị chống hồi lưu tốt nhất. ” Đứng trước những triệu chứng ựa của nhũ nhi, công cụ tốt nhất là sự nhẫn nại.
Nếu trẻ ựa rất nhiều, nhiều chiến lược có thể được áp dụng. Hàng đầu đó là sử dụng sữa đặc (lait épaissi) sẽ có phép hạn chế những trào ngược. Trong những trường hợp quá mức, có thể kê toa métoclopramide hay béthanéchol để ngăn cản trào ngược. Còn dompéridone đã cho thấy không có hiệu quả mặc dầu được kê đơn rộng rãi, nhất là bởi vì thuốc này có ít tác dụng phụ.
Đứng trước những triệu chứng ựa kèm theo khóc, viêm phế quản tái diễn, ho mãn tính, những bệnh tai mũi họng tái diễn, Afssaps khuyên trước hết phải tìm kiếm nguyên nhân khác với bệnh trào ngược dạ dày thực quản vì chứng bệnh này rất hiếm khi là nguyên nhân của những biểu hiện này. “ Nếu không có một sự giải thích nào khác có thể được tìm thấy, khi đó có thể điều trị thử với một thuốc kháng bơm proton (IPP : inhibietur de la pompe à protons) ”, GS Tounian đã nhắc lại như vậy. Nếu điều trị không cho kết quả một cách nhanh chóng, thì việc cho IPP cũng chỉ là vô ích. “ Tác dụng placebo rất là quan trọng, nhất là lên các bố mẹ, và tôi thấy thường xuyên các trẻ đến,với nhiều năm được điều trị với IPP nhưng không có kết quả thật sự. ”
TÁC DỤNG PLACEBO.
Cũng như đối với người lớn, pH-métrie là công cụ tốt nhất để xác nhận hay loại bỏ bệnh trào ngược dạ dày thực quản nhằm kê đơn điều trị tốt hay tiếp tục tìm kiếm những nguyên nhân khác giải thích các triệu chứng. Ngoài ra, việc chẩn đoán quá dễ dàng bệnh trào ngược dạ dày thực quản, cùng với việc kê đơn quá hệ thống thuốc kháng bơm proton (IPP) khiến bỏ qua những bệnh lý khác, như bệnh hen phế quản. Cũng như ở người lớn, bệnh trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý (RGO pathologique) đáp ứng tốt những điều trị này nhưng ở nhũ nhi vẫn có tính cách tạm thời. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường biến mất vào lúc trẻ học bước và không nhất thiết báo hiệu, đối với người trưởng thành tương lai, sự xuất hiện một trào ngược vào tuổi 50.
(LE FIGARO 7/11/2011)

4/ LOẠN NHỊP TIM C CÓ THẾ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ MỘT CÁCH NHẸ NHÀNG.
“ Rung nhĩ. Tích điện 300 joules. Phát sốc điện ! ” Trở thành thông thường qua các séries télévisées, câu nói này chẳng bao lâu có thể biến mất khỏi những thành ngữ thường được sử dụng bởi các thầy thuốc. Ít nhất là đối với điều trị rung nhĩ (fibrillation auriculaire), một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, được đặc trưng bởi một co bóp nhanh và không đều của các xoang tim, nhận máu để chuyển vào các tâm thất. Thay vì chỉ cần cho một sốc điện có cường độ mạnh, một nhóm nghiên cứu Đức-Mỹ vừa chứng tỏ, ở động vật, rằng rung nhĩ cũng có thể được làm ngừng lại bởi một loạt các sốc điện có cường độ thấp hơn.“ Nhiên hậu, mặc dầu năng lượng toàn thể được phát ra y hệt với năng lượng của một máy khử rung chuẩn (défibrillateur standard), sự việc làm giảm 84% cường độ của mỗi sốc điện có tác dụng hạn chế những tác dụng phụ, mà hàng đầu là su đau đớn ”, Flavio Fenton, một trong những nhà nghiên cứu của đại học Cornell (Nữu Ước) tham gia vào trong công trình nghiên cứu này, đã giải thích như vậy. Một viễn ảnh đáng phấn khởi đối với những bệnh nhân buộc phải chịu một cách đều đặn những khử rung điện (défibrillations électriques). Được đặt tên là LEAP (“low-energy antifibrillation pacing”), phương pháp mới này, còn cần phải được chứng minh ở người, cũng có thể được áp dụng để điều trị rung thất (fibrillation ventriculaire), nguyên nhân chính gây ngừng tim. “ Những thí nghiệm được tiến hành in vitro cho thấy rằng phương pháp mới này có hiệu quả đối với rung nhĩ cũng như đối với rung thất. Những trắc nghiệm sơ bộ cũng đi theo chiều hường này, nhưng chúng tôi còn phải thu thập các dữ kiện ”, Flavio Fenton đã xác nhận như vậy.
(SCIENCE ET VIE 10/2011)

5/ BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ CHẲNG BAO LÂU NỮA SẼ ĐƯỢC MỔ BẰNG LASER.
Một chiếc máy đầu tiên sẽ được thiết đặt ở Pháp vào tháng đến.
OPHTALMOLOGIE. Vào tháng đến máy laser đầu tiên nhằm phẫu thuật bệnh đục thủy tinh thể sẽ được thiết đặt ở Pháp. Khởi đầu của một chương mới trong một ngoại khoa vốn đã trải qua hai cuộc cách mạng lớn : “ Cách nay 25 năm, ta mở mắt bằng một đường xẻ hơn 1 cm để lấy thủy tinh thể bị mờ đục ra và thay thế nó bằng một implant ”, GS Antoine Brézin, trưởng khoa nhãn của bệnh viện Cochin-Hotel Dieu (APHP, Paris) đã nói như vậy. Bởi vì phương tiện duy nhất để điều trị bệnh là lấy đi thủy tinh thể, chiếc thấu kính (lentille) của mắt trở nên ít trong suốt khi lớn tuổi.
Vì thủy tinh thể được chứa trong một túi nhỏ (capsule : nang) nằm sau mống mắt, nên phải trổ một lỗ vào túi này để có thể lấy thủy tinh thể ra và thay thế nó. Một lỗ khá lớn để có thể lấy thủy tinh thể già nua ra, nhưng không quá lớn để implant thay thế có thể được giữ tại chỗ. “ Cuộc cách mạng lon của những năm 1980 đó là phacoémulsification ”, GS Brézin đã giải thích như vậy. Phacoémulsification là một kỹ thuật nhằm đưa một ống sonde vào trong nang (capsule) để làm vỡ thủy tinh thể ra từng mảnh nhỏ nhờ các siêu âm. Sau đó ta có thể lấy những mảnh vỡ này ra rồi đưa implant vào bằng một đường xẻ 6 mm. Cuộc cách mạng thứ hai, “ trong những năm 1990, những implant đã trở nên có thể gấp lại được (pliable), điều này cho phep chỉ cần một đường xẻ 3 mm ”, thầy thuốc chuyên khoa đã nói thêm như vậy. Ngày nay, các implant được cuộn lại như một điếu thuốc lá và chỉ cần một lỗ 2,2 mm để đưa chúng vào trong nang thủy tinh thể. Một lỗ nhỏ đến độ ta chỉ cần đặt một gel gây tê lên bề mặt của mắt, trái với ngày xưa ta phải thực hiện những mũi chích quanh mắt. Cũng chẳng cần phải đóng lỗ lại, thiên nhiên sẽ tự lo liệu lấy.
MỘT PHÍ TỒN ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN
Đối với BS Vincent Dedes, hiện dang mổ ở clinique Ambroise-Paré de Lille, nơi đây vào giữa tháng 11 sẽ thiết đặt laser femtoseconde đầu tiên (laser à impulsions extrement rapides) dành cho ngoại khoa của đục thủy tinh thể (chirurgie de la catracte), “ Chất lượng của đường xẻ vào túi nang (sac capsulaire) sẽ được định cỡ một cách hoàn hảo nhờ laser, cũng như việc tính toán implant sẽ được đặt vào. Hiệu năng của động tác cũng trở nên có thể tiên đoán hơn ”. Dĩ nhiên không phải các kết quả của phẫu thuật đục thủy tinh thể theo phương pháp truyền thống bấp bênh hơn.
Khoảng 600.000 người được mổ mỗi năm ở Pháp, với những kết quả hoàn toàn đặc sắc và những thầy thuốc ngoại khoa có những tỷ lệ biến chứng gần 0,5%. “ Một cách đơn giản động tác an toàn hơn, có thể tạo lại với laser ”, BS Dedes nói rõ như vậy , “ chúng ta đã học điều đó trong ngoại khoa khúc xạ (chirurgie réfractaire), thí dụ, của bệnh cận thị, trong đó buộc phải dùng laser ”. Tuy vậy, tiến bộ thật sự không phải trong việc cắt bằng laser (découpe au laser), theo GS Brézin : “ Hôm nay, biến chứng thường xảy ra nhất, mặc dầu hiếm, khi can thiệp, đó là vỡ nang thủy tinh thể (capsule du cristallin). Hơi giống như khi anh đập vỡ một bức tường (thủy tinh thể) nằm trên một tấm gương (nang : capsule). Mặc dầu laser cho phép đập vỡ bức tường, đó là một tiến bộ, nhưng còn cần phải nhờ đến những siêu âm để làm vụn chúng ra thành cát. Thế mà siêu âm lại hung tợn hơn đối với những thành chung quanh. Giai đoạn tiếp theo, và là cuộc cách mạng thật sự, sẽ là khỏi cần đến các siêu âm và làm vụn tất cả nhờ laser.”
(LE FIGARO 18/10/2011)

6/ BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ: FEMTOLASER ĐẾN PHÁP.
GS Thành Hoàng Xuân, trưởng khoa mắt của Hopital américain, tác giả của “ Bệnh đục thủy tinh thể ” giải thích những ưu điểm của máy cải tiến này.
Hỏi : Mọi người không trước thì sau đều bị đục thủy tinh thể(cataracte). Rối loạn thị giác này được biểu hiện như thế nào ?
GS Thanh Hoàng-Xuân. Rối loạn thị giác được xác định như là sự mất đi tính chất trong suốt của thủy tinh thể (cristallin), cái thấu kính (lentille) tự nhiên được bao quanh bởi một vỏ bọc gọi là nang (capsule), có nhiệm vụ làm hội tụ ánh sáng lên võngmạc. Nguyên nhân đầu tiên là tuổi tác. Bệnh đục thủy tinh thể nói chung được biểu hiện bắt đầu ở tuổi 70. Thị lực bị giảm dần dần nhưng rất biến thiên, điều này giải thích tại sao vài ngươi không muốn mổ khi họ cảm thấy ít bị trở ngại. Điều trị chủ yếu là ngoại khoa. Ở Pháp, gần 700.000 phẫu thuật được thực hiện mỗi năm.
Hỏi : Protocole ngoại khoa cổ điển được sử dụng là gì ?
GS Thanh Hoàng-Xuân. Mục tiêu của can thiệp ngoại khoa, được thực hiện theo phương thức cổ điển và ngoại trú, là thay thế thủy tinh thể bị mờ đục (bên trong nang) bằng một thủy tinh thể nhân tạo, nghĩa là một implant. Protocole gồm nhiều giai đoạn. 1. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, thường bằng thuốc giọt. 2. Thầy thuốc ngoại khoa thực hiện một đường xẻ nhỏ xíu trong giác mạc bằng mọt lưỡi dao nhỏ (microlame). 3. Ông ta đưa một cái cặp (pince) vào để lấy phần trước của nang thủy tinh thể ra. 4. Ông ta sử dụng một ông thăm dò siêu âm (sonde à ultrasons) để làm vỡ thủy tinh thể bị mờ đục ra từng mảnh, để lại tại chỗ phần sau của nang thủy tinh thể. 5. Luôn luôn với đường xẻ nhỏ (microincision), ông đưa vào một implant có thể gấp lại như một chiếc dù, được đặt trên phần sau của nang. Can thiệp, không đau đớn, kéo dài khoảng 15 phút. Nói chung, ta chờ một tuần để xem ta có phải mổ mắt kia hay không.
Hỏi : Rất thường bệnh nhân rất sợ khi phải thấy động tác phẫu thuật.
GS Thanh Hoàng-Xuân : Bị chói lòa bởi ánh sáng của kính hiển vi, bệnh nhân chỉ thấy một ánh sáng đôi khi nhuộm màu, nhưng không bao giờ thấy động tác mổ.
Hỏi : Hậu phẫu diễn ra như thế nào ?
GS Thanh Hoàng-Xuân : Bệnh nhân ra khỏi phòng mổ với một coque protectrice được đặt trên mắt được mổ và, trừ những trường hợp đặc biệt, sự cải thiện hầu như tức thời ngay ngày hôm sau.
Hỏi : Có những nguy cơ bị biến chứng hay không ?
GS Thanh Hoàng- Xuân : Những biến chứng rất là hiếm : ít nhất ta đạt được 98% ty lệ thành công đối với một đức thủy tinh thể chuẩn. Việc xuất hiện một nhiễm trùng vẫn là ngoại lệ.
Hỏi : Ta có thể số một tái phát hay không ?
GS Thanh Hoàng-Xuân : Ở khoảng 20% các bệnh nhân được mổ sau 70 tuổi, trong một thời hạn vài tháng đến vài năm có thể xuất hiện một sự mờ đục của phần sau nang thủy tinh thể đã được để lại. Không cần phải mổ lại, nhưng chỉ cần một buổi điều trị với laser Yag.
Hỏi : Khi ta thật sự cần phẫu thuật này, những nguy cơ nếu ta được mổ là những nguy cơ nào ?
GS Thanh Hoàng-Xuân : Nguy cơ đầu tiên là không còn thấy nữa. Và khi ta trì hoãn cuộc mổ quá, can thiệp có thể có biến chứng bởi vì đục thủy tinh thể bị cứng lại.
Hỏi : Trong sách của ông, ông nói đến một bước tiến với sự xuất hiện của femtolaser. Thủ thuật này là gì ?
GS Thanh Hoàng-Xuân : Kỹ thuật này đã được mở đầu đối với ngoại khoa giác mạc khúc xạ (chirurgie cornéenne réfractaire) của bệnh cận thị, của bệnh viễn thị, của bệnh loạn thị (astigmatisme) và của bệnh lão thị (presbytie) và trong ghép giác mạc (greffe de cornée). Bây giờ ta cũng đã thích ứng nó với ngoại khoa của đục thủy tinh thể (chirurgie de la cataracte). Femtolaser là một chùm ánh sáng được điều khiển từ xa, từ một ordinateur cho thấy mắt cần phải mổ. Về điều trị đục thủy tinh thể, máy này có nhiều chức năng : nó thay thế lưỡi dao nhỏ (microlame) để xẻ giác mạc, cái cặp (pince) để rút phần trước của nang thủy tinh thể ra, rồi các siêu âm để làm vỡ thủy tinh thể thành từng mảnh. Các giai đoạn tiếp theo, hút các mảnh vỡ và đưa implant vào, đều giống như đối với phẫu thuật cổ điển và đòi hỏi bàn tay của thầy thuốc ngoại khoa, vẫn luôn luôn cần thiết.
Hỏi : Những ưu điểm của femtolaser là gì ?
GS Thanh Hoàng-Xuân : 1. Nó cho phép tự động hóa giai đoạn đầu của phẫu thuật với một sự chính xác tuyệt vời. 2. Protocole phẫu thuật có thể được hoạch định trước trên máy vi tính. 3. Sự làm vỡ thành từng mảnh (fragmentation) bằng laser sẽ ít hung bạo hơn so với các siêu âm.
Hỏi : Thời gian nhìn lại của phương pháp mới này đối với bệnh đục thủy tinh thể ?
GS Thanh Hoàng-Xuân : Trên thế giới, vài ngàn bệnh nhân đã được mổ. Mặc dầu thời gian nhìn lại còn ngắn, nhưng mức độ cực kỳ chính xác và tính chất vô hại đã được xác nhận. Ở Pháp trong thời gian đến vài trung tâm sẽ được trang bị máy femtolaser.
(PARIS MATCH 10/1- 16/1/2011)

7/ HƯỚNG VỀ MÁU ĐƯỢC CHẾ TẠO TRONG PHÒNG THÍ NGHIỆM
Được chế tạo từ chính những tế bào gốc của chính mình, các hồng cầu đã được truyền thành công cho một bệnh nhân, ở Paris. Một première mondiale.
Lần đầu tiên, những hồng cầu được chế tạo ở phòng thí nghiệm đã được truyền thành công cho một bệnh nhân. Một bước tiến được thực hiện bởi GS Luc Douay, thầy thuốc chuyên khoa huyết học thuộc bệnh viện Armand-Trousseau (Paris). Vị thầy thuốc này từ nhiều năm nay đã lao mình vào việc sản xuất các tế bào hồng cầu được cấy (GRc : globules rouges cultivés) từ những tế bào gốc sinh huyết (CSH : cellules souches hématopoiétiques), có khả năng tạo nên những thành phần tế bào khác nhau của máu. Những trắc nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên chuột đã cho thấy rằng những tế bào hồng cầu được cấy (GRc) này có thể hoàn tất quá trình thành thục trong cơ thể và làm trò chức năng của chúng : vận chuyển oxy. Vấn đề là còn phải thử mức độ đáng tin cậy của chúng trên một người cho tình nguyện, bằng cách tiêm vào người này những tế bào hồng cầu được cấy từ những tế bào gốc của chính ông ta. Kết quả : những tế bào hồng cầu này được dung nạp và tỷ lệ sống sót của chúng cũng giống với tỷ lệ sống sót của những tế bào hồng cầu tự nhiên, giữa 41 và 63% sau 26 ngày. Nhưng, “ để biết tính hiệu quả thật sự của các hồng cầu được cấy (GRc) và quan sát một sự cải thiện về tình trạng lâm sàng của một bệnh nhân, phải truyền những lượng quan trọng hơn ”, Luc Douay đã giải thích như vậy. Thật vậy, đối với thử nghiệm này, khoảng 10 tỉ hồng cầu đã được chế tạo và được truyền. Thế mà chỉ một bọc máu, một culot globulaire, chứa đến 2000 tỉ. “ Chúng ta đã ấn định rõ ràng yếu tố chất lượng, bây giờ phải giải quyết những vấn đề về lượng. Vẫn còn nhiều chướng ngại đối với sự sản xuất công nghiệp các hồng cầu ”, vị thầy thuốc nói tiếp như vậy. Sự sản xuất này sẽ cần phải dùng đến những tế bào gốc sinh huyết (CSH) phát xuất từ máu cuống rốn, mà tiềm năng tăng sinh 10 lần lớn hơn tiềm năng của những tế bào gốc trưởng thành. “ Bắt đầu từ một cuống rốn, ta hy vọng có thể chế tạo từ 50 đến 100 culot globulaire ”, ông đã ước tính như thế. Khả năng khác, sử dụng những tế bào gốc được gây cảm ứng (cellules souches induites) (những tế bào trưởng thành được tái lập chương trình và có khả năng biệt hóa thành tất cả các loại tế bào. Tiềm năng tăng sinh của chúng gần như vô hạn nhưng cần phải 3 tháng để có được những các tế bào hồng cầu được cấy (GRc) bằng cách cấy chúng trong 3 tuần với các những tế bào gốc sinh huyết (CSH).
Theo Luc Douay, sẽ còn cần từ 5 đến 10 năm nữa để đạt được một mức sản xuất phù hợp với các nhu cầu của các bệnh nhân. Trước hết kỹ thuật này sẽ được dành cho những bệnh nhân mang những nhóm máu hiếm. Cũng như cho những người bị các bệnh về máu hay tủy xương cần phải truyền máu đều đặn. Đồng thời, mục đích là thiết lập những ngân hàng các tế bào gốc (banque de cellules souches) để có thể sản xuất các hồng cầu thích ứng với càng nhiều bệnh nhân càng tốt, và cần biết rằng với 3 dòng khác nhau, ta đã có thể cung cấp 99% dân số.
(SCIENCES ET AVENIR 10/2011)

8/ NGUY CƠ BỊ BỆNH TRẦM CẢM CÓ THỂ THẤY ĐƯỢC TRONG MÁU.
Bệnh trầm cảm (dépression) dường như đúng là do sự thiếu hụt một yếu tố tăng trưởng của những tế bào thần kinh, ít nhất trên chuột, một công trình được thực hiện bởi kíp của Jean-Jacques Benoliel (UPMC/Inserm/CNRS) đã chỉ rõ như vậy. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng trong số các con chuột bị chấn thương tâm lý nhiều lần, do phải đối đầu, rồi tiếp theo sau đó phải chiến đấu một cách không cân sức với một con chuột đồng loại lớn hơn và hung dữ hơn, vài con đã có nồng độ của một một yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng của những tế bào thần kinh bị giảm trong máu. Và chính những con vật này về sau này bị rơi vào tình trạng trầm cảm khi bị một stress nhỏ nhất, khi đó con vật thể hiện một sự mất hứng thú đối với vị đường và ít muốn đi ra khỏi bồn tắm khi bị đặt vào. “ Đó là một công trình nghiên cứu rất tốt cho thấy, ở mức độ tế bào, não bộ có thể trở nên dễ bị trầm cảm như thế nào ”, GS Philip Gorwood, bệnh viện Sainte-Anne (Paris) đã bình luận như vậy.
Tiếp theo sau một tình trạng căng thẳng tâm lý (stress psychologique) mạnh, ở vài người vì một nguyên nhân không được biết rõ, xuất hiện một cơ địa thần kinh (terrain nerveux) thuận lợi cho sự xuất hiện chứng trầm cảm. “ Nếu những kết quả này được xác nhận ở người, Jean-Jacques Benoliel đã nói thêm như vậy, chúng ta sẽ có phương tiện đầu tiên phát hiện trong máu một cơ địa nhạy cảm (vulnérabilité) đối với bệnh trầm cảm sau một stress quan trọng. ”
(SCIENCES ET AVENIR 11/2011)

9/ VÒNG TRÁNH THAI BẢO VỆ CHỐNG LẠI UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
Các phụ nữ đã sử dụng một vòng tránh thai (stérilet) trong cuộc đời mình có nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung hai lần ít hơn những phụ nữ khác, và điều này, dầu thời gian sử dụng là bao nhiêu chăng nữa. Đó là điều được kết luận bởi các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha, sau khi đã phân tích các dữ kiện của gần 20.000 phụ nữ.
Điều kỳ lạ là thiết bị trong tử cung để ngừa thai này lại không bảo vệ chống lại nhiễm trùng do papillomavirus, mặc dầu được liên kết với 80% những trường hợp ung thư cổ tử cung. Giải thích được đưa ra : vào lúc đặt và lúc rút vòng tránh thai ra, thiết bị ngừa thai này làm thương tổn các tế bào của cổ tử cung, phát khởi một phản ứng miễn dịch, có tác dụng phong bế sự ung thư hóa gây nên bởi virus.
(SCIENCE ET VIE 11/2011)

10/ ĐIỀU TRỊ CHỌN LỌC CÁC KHỐI U UNG THƯ SAU CÙNG ĐƯỢC TÌM THẤY !
Virus gây nhiễm các tế bào ung thư của một người bệnh nhưng không đụng đến các tế bào lành mạnh, rồi tăng sinh cho đến khi thắng được khối u ung thư. Kịch bản từng được mơ ước này, vốn được viết từ nhiều năm nay, có thể trở thành hiện thực. Thật vậy, một giai đoạn quyết định đã được vượt qua bởi một nhóm nghiên cứu của đại học Ottawa : kíp này đã thành công làm cho một virus, được gọi là “ tiêu ung thư ” (oncolytique), chỉ tăng sinh trong các tế bào ung thư. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng virus JX-594 của bệnh ngưu đậu (vaccine), virus được dùng để chống bệnh đậu mùa (variole), sau khi đã thực hiện trước một lifting. Một gène cần thiết cho sự tăng sinh (réplication) của virus đã được hủy bỏ và hai gène khác được thêm vào (một để phát hiện sự hiện diện của virus trong các tế bào và một gène khác gây sản xuất một phân tử có tác dụng kích thích hệ miễn dịch). Để tăng sinh, virus như vậy buộc phải sử dụng một enzyme chỉ hiện diện trong các tế bào ung thư, một phần chịu trách nhiệm sự tăng sinh của chúng. 10 ngày sau khi tiêm một liều virus ở 23 bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đã chứng thực rằng virus đúng là đã hiện diện và rằng virus này được biểu hiện trong tất cả các khối u ung thư. Và ở 8 bệnh nhân đã nhận liều cao nhất, khối u đúng là đã bắt đầu thoái triển.
(SCIENCE ET VIE 11/2011)

BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(22/11/2011)

Bài này đã được đăng trong Chuyên đề Y Khoa, Thời sự y học. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s