Thời sự y học số 220 – BS Nguyễn Văn Thịnh

1/ SỰ BÙNG NỔ CỦA CÁC DỊ ỨNG HÔ HẤP.

NHỮNG ĐIỂM MỐC

PHẤN HOA. Phấn hoa nằm trong số những nguyên nhân chủ yếu và được biết nhất làm phát khởi các phản ứng dị ứng, gây nên những rối loạn hô hấp, các viêm mũi hay các viêm kết mạc. Sau đây là một thi dụ của bulletin du RNSA vào cuối tháng ba : “ Khi mùa xuân đến, các phấn hoa đang và sẽ rất hiện diện trong những ngày đến. Các cây bách (cyprès) đang huy động những khả năng cuối cùng để gây nên một nguy cơ dị ứng còn rất cao trong vùng Địa Trung hải và từ thấp đến trung bình trong phần còn lại của nước Pháp. Các cây tống quán sủi (aulnes) và các cây phỉ (noisetiers) dần dần cạn lực nhưng vẫn còn có mặt để gây nên một dị ứng từ rất thất đến thấp. Các cây dương (peuplier) và các cây tần bì (frêne) sẽ lợi dụng những khoảng trời quang mây để thụ phấn, gây nên tại địa phương những nguy cơ dị ứng trung bình. Những phấn hoa của cây dương liễu (saule) hiện diện tren toàn bộ lãnh thổ. Các phấn hoa graminée hiện diện trên ¼ tây nam rông lớn của lãnh thổ với một nguy cơ rất thấp vào lúc này.
SỰ Ô NHIỄM. Sự ô nhiễm không khí dường như cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự lan rộng mạnh của các dị ứng hô hấp. Nhưng sự ô nhiễm bên trong nhà ở, bụi bặm, acarien, mốc, lông động vật nuôi trong nhà phủ nước miếng, cũng là nguyên nhân.
SỰ CHỮA LÀNH. Các kỹ thuật y khoa, nhằm chế ngự hay, mục đích tối hậu, tống xuất các bệnh nhân vĩnh viễn khỏi một dị ứng đang tiến triển và cho phép hé thấy khả năng chữa lành từ nay đến không còn bao lâu nữa.

Những tiến bộ được dự kiến, nhất là trong lãnh vực giải cảm ứng (désensibiisation), có thể làm thay đổi tình hình.
KHÔNG KHÍ. Tỷ lệ các người Pháp bị dị ứng đã tăng gấp đôi từ năm 1980 đến 2000. “ Nơi những người trẻ sinh ra đời sau năm 1980, ta đếm được 1/3 là những người có cơ địa dị ứng. Vậy những bố mẹ tương lai với cơ địa dị ứng này sẽ kết cặp với nhau. Nếu ta biết rằng nguy cơ thừa kế một thể địa dị ứng đối một đứa trẻ sẽ sinh ra đời là 30% nếu cha hoặc mẹ bị dị ứng, 40% nếu cả hai đều có cơ địa dị ứng và ngay cả hơn 50% nếu cả cha lẫn mẹ đều bị cùng dị ứng, thì như thế ta dự kiến một sự gia tăng số các dị ứng trong tương lai ”, GS Frédéric de Blay, thuộc khoa phổi của CHRU de Strasbourg và cựu chủ tịch của Hiệp hội dị ứng Pháp đã nhận xét như vậy. Những ước tính của hội nghị 2010 của Hiệp hội dị ứng Pháp là 50% những người Pháp sẽ bị dị ứng từ nay đến năm 2040.
Tại sao một sự bùng nổ như vậy ? Những giả thuyết không thiếu gì. Vài người lo ngại về những tác dụng tai hại của sự ô nhiễm, do kích thích các phế quản, nên làm cho chúng dễ bị thương tổn hơn. Những người khác ghi nhận rằng những điều kiện sống của chúng ta thay đổi, lối sống đô thị càng ngày càng thường thấy. “ Ta có lý do để nghĩ rằng, vào lúc sinh ra đời tất cả các trẻ sơ sinh đều có cùng một profil miễn dịch dị ứng (profil immunologique d’allergique), nhưng dưới ảnh hưởng của môi trường, hệ miễn dịch của chúng bị biến đối nhanh chóng, ngoại trừ noi những trẻ nhỏ có thể trạng dị ứng, hệ miễn dịch của chúng vẫn chưa được trưởng thành ”, GS de Blay đã giải thích như vậy. Như thế, việc thụ đắc một thể địa không dị ứng (terrain non allergique) là một hiện tượng tích cực, với sự tham dự của những tế bào lympho được gọi là “ điều hòa ” (lymphocytes régulateurs). Nhưng có lẽ do nhiều thay đổi xảy ra trong lối sống của chúng ta, hiện tượng này, xét theo các con số, càng ngày càng càng chịu nhiều thất bại.
Thế mà, nếu các nhà dị ứng học quan tâm đến những tế bào lympho “ điều hòa ” này đến thế, đó là bởi vì có lẽ họ đã tìm ra phương tiện để tác động lên chúng, nhờ sự giải mẫn cảm (désensibilisation). Mục đích là làm cơ thể quen với một dị ứng nguyên (allergène), bằng cách cho tiếp xúc với dị ứng nguyên này trước hết bằng những liều lượng rất nhỏ, rồi tăng dần lên. Kỹ thuật này không phải là mới, nhưng dường như sự giải mẫn cảm thành công phục hồi quần thể các tế bào lympho điều hòa vốn rất bị thiếu hụt nơi những người dị ứng. “ 5 năm sau một giải mẫn cảm với các phấn hoa graminées, dị ứng hô hấp đã không luôn luôn tái xuất hiện nơi vài bệnh nhân. Điều này đúng là chứng tỏ rằng có cách để đạt được những tác dụng lâu dài và, tại sao không, một sự chữa lành của bệnh dị ứng ”, GS de Blay đã nêu lên như vậy.
Tuy nhiên cần phải tối ưu hóa những kết quả này : sự giải mẫn cảm đối với phấn hoa cây họ lúa (graminées) hay cây bouleau cải thiện đến 80% các bệnh nhân, nhưng các con số hơi ít tốt hơn với những dị ứng nguyên hô hấp khác, có lẽ bởi vì những dị ứng nguyên được sử dụng không thuần chất. Chính vì thế BS François Lavaud, pneumologue-allergologue (CHU Reims) đánh giá rằng cuộc đại cách mạng có thể đến từ các “ allergènes recombinants ” : “ Ngày nay ta biết phân lập từ một dị ứng nguyên hô hấp phần protéine quan trọng chịu trách nhiệm sự dị ứng. Chủng ta cũng có khả năng cho chế tạo protéine này với số lượng rất lớn, bằng các nấm men hay những vi khuẩn (từ đó có tên “ allergène recombinant ”), rồi phân lập nó lần nữa và làm thanh khiết nó. Ưu điểm thứ nhất : các trắc nghiệm chẩn đoán được thực hiện với những allergène recombinant này (để biết một cách chính xác ta bị dị ứng cái gì) là chính xác hơn nhiều so với những trắc nghiệm cổ điển, người thầy thuốc đánh giá như vậy. Thật vậy, thay vì sử dụng một phấn hoa của cây họ lúa (graminées) trong đó nhiều phần protéine gây dị ứng cùng hiện diện, ta trở nên có khả năng trắc nghiệm mỗi trong số những phần protéine này. Ưu điểm thứ hai : trong tương lai, ta có thể đề nghị những giải mẫn cảm với hỗn hợp các allergène recombinant tương ứng rất chính xác với profil dị ứng của mỗi bệnh nhân. Nói một cách khác đó là sự giải mẫn cảm theo từng cá thể (désensibilisation sur mesure). ”
Để đạt được mục đích này, các chướng ngại không có gì là không thể vượt qua. “ Ta đã có khoảng 20 allergène recombinant hô hấp, nhưng để làm tốt, chúng ta sẽ phải cần khoảng 100. Từ nay đến 4 hay 5 năm nữa, chúng ta sẽ có chúng để sử dụng ”, B Catherine Quequet, thầy thuốc chuyên khoa dị ứng và tác giả của nhiều tác phẩm đại chúng về dị ứng đã phát biểu như vậy. Ngoài ra còn phải chứng tỏ rằng sự sử dụng chúng trong giải mẫn cảm đúng là làm cho hệ miễn dịch trở thành dễ dung nạp hơn, như chúng ta có tất cả lý do để nghĩ như vậy (nhờ những kết quả sơ khởi của những công trình nghiên cứu đang được thực hiện). Có lẽ khi đó chúng ta sẽ có những điều trị đầu tiên có khả năng chữa lành những dị ứng hô hấp
. (LE FIGARO 28/3/2011)

2/ NHÀ Ở, THÓI QUEN : TA CẦN THAY ĐỔI TẤT CẢ.
“ Khi ta áp dụng những biện pháp loại bỏ các dị ứng nguyên (những kháng nguyên chịu trách nhiệm dị ứng đường hô hấp) ở nhà các em bé bị dị ứng, ta thu được một sự cải thiện dài lâu của bệnh dị ứng. Mặt khác đó là lý do tại sao chúng tôi đã phát triển ý niệm các nhà cố vấn y khoa về môi trường bên trong nhà ở (CMEI : conseiller médical en environnement intérieur) ”, GS de Blay đã giải thích như vậy. Sứ mệnh của họ ? Đến nhà các bạn và điều chỉnh tất cả những gì có thể được để hạn chế sự tập trung của các kháng nguyên.
“ Trong số tất cả những biện pháp cần được thực hiện, đơn giản nhất và hữu ích nhất là làm thoáng những căn phòng tong đo chúng ta ở, ít nhất 10 phút mỗi ngày, BS Quequet đã giải thích như vậy. Chỉ cần thận trọng vào thời kỳ phấn hoa : đừng thông gió vào cuối chiều, là khi không khí chứa rất đầy phấn hoa. ” Điều này cho phép hạn chế đồng thời sự tăng sinh của các acarien (chủ yếu thích thú trong những môi trường tù hãm, nóng và ẩm) và sự tăng sinh của mốc (moisissures). Và dĩ nhiên làm giảm nồng độ các chất kích thích phế quản : các hợp chất hữu cơ bay hơi (phát xuất từ vernis, colles, peintures…), nhưng cũng thuốc lá, các thuốc diệt sâu bọ hay nước hoa tổng hợp mà các thầy thuốc chuyên khoa dị ứng khuyên không nên dùng.
ĐỪNG SƯỞI NÓNG QUÁ CÁC CĂN PHÒNG.
Những biện pháp hữu ích khác : chống các acarien, nhà ở là không thể thay thế được, nhưng cũng phải tránh chất đống các đồ vật vô ích (các tổ bụi bặm : nids à poussière). Sử dụng lit à lattes, có chân giường, với khăn trải giường và áo gối chống acarien. Đừng sưởi nóng quá (khoảng hơn 18 độ C trong các căn phòng). Lát gạch vuông hay sàn ván (parquet) hơn là thảm (tapis) và thảm lát sàn (moquette). Và bức sáo bằng kim loại (store métallique) hơn là màn (rideau). Bởi vì mốc meo tăng sinh trên các bức tường ấm, nhất là các bức tường hướng về phía bắc, hay trong đất mủn của các cây xanh, do đó điều quan trọng là xử lý mọi nguồn gốc gây ẩm ướt. Đừng để giường dựa vào một bức tường phía bắc (không khí phải lưu thông). Kiểm tra để cho sự thông khi không bị tắc. Và thích hơn những loại cây ưa mọc trên đất khô (xương rồng, các cây mỡ)…
Khi ta có một con mèo và ta lại bị dị ứng, khôn ngoan nhất là giao nó cho một đệ tam nhân chăm lo, (và như thế ta phải chia lìa nó), nhưng điều này chỉ được thực hiện trong 20% các trường hợp, vì những lý do tình cảm hiển nhiên. Trong trường hợp này, đừng để cho con mèo vào căn phòng và nhờ một đệ tam nhân hút lông của nó ở trong nhà mỗi ngày. Chống lại gián, cũng là nguồn dị ứng hô hấp, sự phòng ngừa nhằm đừng bao giờ để thức ăn nằm trong tâm tay của chúng, kể cả trong nhà bếp. Vậy phải đóng lại trong các hộp khép kín các gói đồ ăn đã duoc mở ra và lau chùi đều đặn các tủ ở hốc tường.
Vấn đề còn lại là phải giải quyết vấn đề các phấn hoa, không thể loại bỏ được, ngay cả nhiều cố gắng đã được thực hiện. “ Đã có những chiến dịch khai hoang những vùng đất bị xâm chiến bởi ambroisie ở vùng Rhone-Alpes và những lệnh được đưa ra để hạn chế việc trồng các cây bách. Sau cùng với service communal phải nhờ đến các nhà chuyên khoa di ứng để có được những lời khuyên về những vùng đất cần phải trồng trọt.”, BS Lavaud đã nhận xét như vậy. “ Chủ yếu là cần phải ít tiếp xúc chừng nào tốt chừng đó. ”, BS Quetquet đã nói tiếp như vậy. Và để đạt được điều đó, các lời khuyên là đừng ra khỏi nhà từ 16 đến 19 giờ, nhất là khi trời nắng và có gió, suốt trong mùa các phấn hoa mà ta bị dị ứng. Đừng phơi khô quần áo lẩn khăn trải giường ngoài trời. Giao phó cho một người thân (không bị dị ứng) cắt cỏ, nhất là nếu ta bị dị ứng với graminées. Nên làm vườn vào buổi sáng (có ít phấn hoa trong không khí), đội mũ, mang găng tay và đeo gương và nhanh chóng đi tắm và gội đầu khi trở lại nhà. Sau cùng, trước khi đi du lịch, kiểm tra kỹ là ta đã không chọn một nơi tham quan ở đấy mùa phấn hoa đang nở rộ.
(LE FIGARO 28/3/2011)

3/ SỰ PHÁT TRIỂN ĐÁNG LO NGẠI CỦA CÁC DỊ ỨNG THỨC ĂN CỦA TRẺ EM.
Trong vòng 20 năm, tần số của các dị ứng thức ăn tăng gấp đôi ở Pháp và trong những nước kỹ nghệ khác.
ALIMENTATION. Với sự gia tăng không thay đổi, các dị ứng thức ăn ảnh hưởng từ 3 đến 7% những trẻ em của các nước phát triển và tần số của những dị ứng này cũng gia tăng trong các nước đang phát triển. Tiến triển này, tính chất nghiêm trọng tiềm tàng của chúng và những khó khăn chẩn đoán đã khiến Hoa Kỳ năm 2010, và hôm nay Anh quốc, ban hành những khuyến nghị mới để giúp các thầy thuốc nhận diện và điều trị chúng tốt hơn. Ở Pháp, mặc dầu ta chỉ có những điều tra dịch tễ học một phần, nhưng tần số dường như y hệt nhau với 5 đến 8% các trẻ em từ 1 đến 2 tuổi bị dị ứng so với 2% nơi người lớn. “ Mặc dầu những dị biệt về chế độ ăn uống của một dân tộc, của nước này hay nước kia, ta vẫn luôn luôn tìm thấy cùng những dị ứng nơi trẻ em : sữa, trứng, lạc (arachides), cá, tôm cua (nhất là tôm) ” , BS Fabienne Rancé, thầy thuốc nhi khoa dị ủng (CHU, Toulouse) đã nhấn mạnh như vậy. “ Với hai đặc điểm ở Pháp : dị ứng với quả phỉ (noisette), bởi vì các trẻ em của chúng ta ăn Nutella trong khi các trẻ nhỏ Anh và Mỹ ăn bơ đậu phụng (beurre de cacahuète), và dị ứng với kiwi, còn chưa giải thích được. ”
Dị ứng thức ăn thật sự xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau. “ Trong 90% các trường hợp, phản ứng xảy ra tức thời ; đứa trẻ ăn một hột đậu phụng và trong vòng 10 phút, tối đa trong một giờ sau khi ăn, nó nổi mày đay và đôi khi bị phù nề. Một dấu hiệu điển hình của dị ứng thức ăn : đứa trẻ gãi lòng các bàn tay và bàn chân và da đầu. Đôi khi phản ứng dữ dội hơn, với nôn mửa hay cơn hen phế quản, thậm chí trong những trường hợp nặng, một choáng phản vệ với sụt huyết áp hay tệ hại hơn, một ngừng tim. Thường xảy ra hơn nơi những trẻ vốn có một eczéma atopique, phản ứng dị ứng thức ăn này cũng có thể xảy ra ngoài bối cảnh này ”, BS Michel Bouvier, thầy thuốc chuyên khoa dị ứng, CHU de Lyon, đã giải thích như vậy. Cũng có một dạng phản ứng muộn (réaction retardée), nhất là trong dị ứng với sữa bò : đứa trẻ bị đi chảy, có những dấu hiệu suy dinh dưỡng, và thường một cassure de la courbe de croissance khiến phải báo động.
TEST DE PROVOCATION ORALE
Chẩn đoán được xác nhận bởi những trắc nghiệm da (test cutané, prick-test) và một định lượng máu IgE đặc hiệu, rồi được xác nhận bởi một test de provocation orale, “ phải luôn luôn được thực hiện trong môi trường bệnh viện bởi một nhân viên lành nghề ”, BS Fabius Rancé đã nhấn mạnh như vậy. “ Những trắc nghiệm được tiêu chuẩn hóa này cần được những khuyến nghị chính xác. Nhưng những dị ứng thức ăn thật sự chỉ chiếm một phần nhỏ của tất cả những dị ứng bị nghi ngờ sai. ” Đối với BS Bouvier, các thầy thuốc có quá nhiều khuynh hướng đòi hỏi một trắc nghiệm Ig đặc hiệu khi chỉ mới nghi ngờ dị ứng thức ăn. Dầu là nguyên nhân của sự gia tăng dị ứng này ? Di truyền đóng một vai trò vì lẽ 80% những dị ứng này xảy ra trong những gia đình có người bị atopique. “ Nhưng nhất là môi trường của chúng ta : chúng ta sống trong những nhà ở bị tù hãm hơn, bị tiếp xúc nhiều hơn với acarien, nông nghiệp của chúng ta, các cây cối cùa chúng ta đã thay đổi và khiến chúng ta bị tiếp xúc với những phấn hoa gây nên những phản ứng dị ứng chéo với thức ăn, thí dụ dị ứng với phấn hoa cây bouleau và với quả táo, quả phỉ, với phấn hoa của cây bách (cyprès) và với quả đào .. Chúng ta cũng tiêu thụ nhiều hơn các món ăn công nghiệp mà những thành phần được thêm vào hay được biến hóa làm biến đổi khả năng gây dị ứng của các thức ăn ”, BS Rancé đã giải thích như vậy. “ Ngược lại, quy kết một sự đa dạng hóa (diversification) quá sớm của chế độ ăn uống của các em bé chỉ là huyền thoại. Trước 3 tháng, đúng là quá sớm, nhưng sự đa dạng hóa phải xảy ra giữa tháng 4 và tháng 6. sau đó, ta có khả năng làm dễ sự dị ứng. ”
Điều trị trước hết dựa trên sự loại bỏ thức ăn chịu trách nhiệm. Nhưng mọi đi ứng tiến triển một cách khác nhau. Dị ứng đối với sữa và trứng biến mất khá nhanh. “ Khi sự dị ứng vẫn tồn tại, thầy thuốc chuyên khoa dị ứng, trong môi trường y khoa chuyên môn, có thể thử đưa vào lại (réintroduction) để gây nên một sự dung nạp (tolérance).Tùy theo từng trường hợp, ta cũng có thể cho phép tiêu thụ thức ăn với lượng nhỏ, dưới liều lượng giới hạn ”, BS Rancé đã xác nhận như thế. Ngược lại, những dị ứng đối với lạc (arachide), với noix de cajou, và trong một chừng mực ít hơn với cá và tôm cua, thường là cố định, vĩnh viễn. “ Trong những dị ứng nghiêm trọng với nguy cơ phản vệ, như những dị ứng đối với lạc (arachide), một dụng cụ cấp cứu bao gồm một antihistaminique, cortisone, Ventoline và một stylo Anapen d’adrénaline phải được sần sàng trong vài phút ”, BS Bouvier đã nhấn mạnh như vậy. Từ nay những trẻ em này được nhận vào trường nhờ một chương trình tiếp nhận cá thế hóa, được xác lập phối hợp với nhà trường, gia đình và tòa thị chính. “ Nhưng trong nhiều thành phố, như ở Lyon, các tòa thị chính vẫn còn từ chối chúng.”
(LE FIGARO 21/3/2011)

4/ CÁC NIỆU ĐẠO ĐƯỢC CHẾ TẠO TỪ NHỮNG TẾ BÀO SỐNG.
Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ đã tái tạo các ống tiểu chức năng (canal urinaire fonctionnel) của các bệnh nhân bằng cách sử dụng các tế bào của các ống thoát tiểu này, được cấy trong phòng thí nghiệm.
Niệu đạo (urèthre) (ống thoát tiểu từ bàng quang) nhân tạo đầu tiên, được chế tạo từ những tế bào sống (cellules vivantes), đã được hiệu chính bởi các nhà nghiên cứu của Wake Forest Institute of Regenerative Medicine de Winston Salem (North Carolina, Hoa Kỳ). Viện y khoa tái sinh này đã nổi tiếng vào năm 2006 với việc tạo một bàng quang nhân tạo. Giám đốc của viện, GS Anthony Atala, và những cộng sự viên Mễ Tây Cơ đã lập lại với một kỹ thuật đã cho phép ghép những niệu đạo mới vào 5 đứa bé có các bộ máy nước tiểu đã bị tổn hại do những chấn thương nặng của vùng chậu.
Công trình nghiên cứu, vừa được báo cáo trong tạp chí The Lancet, xác nhận rằng sáu năm sau can thiệp, tất cả các cậu con trai trẻ tuổi đi tiểu hoàn toàn bình thường, không khó khăn cũng chẳng bị nhiễm trùng. Nhóm nghiên cứu đã nhờ đến những tế bào của chính bàng quang của các cậu bé trẻ tuổi này, tất cả đều dưới 14 tuổi vào lúc phẫu thuật tái tạo. Trong thời kỳ đầu, các nhà khoa học đã trích lấy một cách tỉ mỉ những mẫu mô, khoảng 1cm, ở bàng quang của mỗi đứa trẻ. Sau đó họ đã phân lập vài tế bào, cơ và nội mô, và đã cấy chúng trước khi đặt chúng trên những cấu trúc hình ống một mạng mắt lưới (maillage) gồm collagène và acide polyglycolique. Trong vòng một tuần lễ, các tế bào đã tăng sinh rất nhanh chóng trong các ống đã được ghép vào trong cơ thể của các bệnh nhân trẻ tuổi, đúng ở nơi các niệu đạo bị hỏng. Và lại nữa, vật liệu đã tan biến đi một cách nhanh chóng và các tế bào đã tăng sinh để tái tạo mới những ống tiểu có chức năng. Không có điều trị này, các trẻ em đáng lý sẽ phải chịu ghép một vật liệu hoàn toàn nhân tạo, một thủ thuật thất bại trong 50% các trường hợp.
(SCIENCES ET AVENIR 4/2011)

5/ NHỮNG NGUY CƠ CỦA LỰC PHÓNG XẠ LÀ GÌ ?
Professeur André Aurengo
Médecine nucléaire
Membre de l’Académie nationale de médecine

Chúng ta biết rằng lực phóng xạ (radioactivité), không được chế ngự tốt hay được sử dụng vì những mục đích không phải hòa bình, có thể làm nguy hại trầm trọng. Từ khi Hiroshima, lực phóng xạ đi đối với nguy hiểm. Sau Tchernobyl, và hôm nay Fukushima, nguyên tử (nucléaire) làm sợ hãi. Những tác dụng của nucléaire lên sức khoẻ được biết rõ, ta biết rằng chất độc (poison), một lần nữa, chính là liều lượng (dose). Liều lượng này được tính bằng mSv (millistevert), đơn vị quốc tế phối hợp lượng năng lượng phát ra và tính nhạy cảm của các mô. Thí dụ, ở Paris, sự phát xạ tự nhiên mang lại một liều lượng khoảng 2,5 mSv mỗi năm.
Những tác dụng của lực phóng xạ càng nghiêm trọng và tức thời khi liều lượng càng lớn. Trong trường hợp toàn cơ thể bị tiếp xúc một cách nhanh chóng, những dấu hiệu báo trước như nôn, mửa được biểu hiện vào khoảng 700 mSv ; một liều 4500 mSv gây tử vong trong 50% các trường hợp, do tủy xương bị phá hủy ; trên 6000 mSv, liều lượng này gần như luôn luôn gây tử vong, trong vòng vài giờ, do phù não hay trong vài ngày do thành của đường tiêu hóa của bệnh nhân bị phá hủy. Ở Tchernobyl, 134 liquidateur đã bị một phát xạ (irradiation) với liều lượng rất lớn ; 28 người chết trong vòng vài tuần. Ở Fukushima, liều lượng đạt đến 400 mSv mỗi giờ và xảy ra từng nơi ; dầu làm việc ngay trong một thời gian ngắn vẫn nguy hiểm. Trái lại, cùng những tác dụng sớm này đã được khai thác ngay năm 1901 nhằm mục đích trị liệu, bằng cách hạn chế sự tiếp xúc vào vài cơ quan, để điều trị bằng “ curiethérapie ” những khối u da rồi nhiều ung thư khác.
Về lâu về dài hơn, ta quan sát thấy chủ yếu những ung thư mà xác suất gia tăng với liều lượng. Sau Hiroshima và Nagasaki, việc theo dõi đều đặn khoảng 90.000 người sống sót đã cho thấy, đối với những người chịu một phát xạ ít nhất 100 mSv, một đỉnh cao số các trường hợp ung thư bạch cầu (leucémie) 6 đến 7 năm sau khi bị dội bom nguyên tử và, trong những năm sau đó, một sự gia tăng số các ung thư của hầu như tất cả các cơ quan. Vào năm 2000, những trường hợp tử vong là 570 do ung thư và 250 do những bệnh không phải ung thư (tim mạch, hô hấp, tiêu hóa) mà nguồn gốc không được chắc chắn.
UNG THƯ TUYỂN GIÁP
Những ung thư tuyến giáp do sự hấp thụ iode phóng xạ hầu như chỉ xảy ra nơi những trẻ em nhỏ tuổi, đối với những liều ít nhất 100 mSv cho tuyến giáp. Sau Tchernobyl, 98% những trẻ em, trong nước Liên xô trước đây, đã bị một ung thư tuyến giáp gây nên bởi iode phóng xạ, đều dưới 10 tuổi lúc xảy ra tai nạn. Ở Fukushima, ta ước tính rằng do bị tiếp xúc lúc ở ngay giữa đường, vào những ngày từ 18 đến 22/3, một trẻ em ở Tokyo đã nhận 1 mSv đối với tuyến giáp. Ngoài vài “ liquidateur ” can thiệp ở nhà máy nguyên tử, và nếu như các vùng nơi đó lưu lượng vẫn cao, được nhanh chóng di tản và các thực phẩm hay nước uống bị ô nhiễm tránh được, ta có thể hy vọng một cách hợp lý rằng tai nạn ở Fukushima sẽ gây nên rất ít nạn nhân do lực phóng xạ. Ở Pháp, cách xa Fukushima 15.000 km theo chiều gió (2.200 km đối với Tchernobyl), nguy cơ sẽ không đáng kể.
Ở mức dưới 100 mSv, các cơ chế phòng vệ của cơ thể chống lại các phóng xạ là khác nhau và xét về mặt tỷ lệ, hiệu quả hơn nhiều so với phải chống lại những liều lượng lớn, và những công trình nghiên cứu dịch tễ học không cho thấy sự gia tăng đáng kể nguy cơ bị ung thư. Vậy ta không thể ước tính số nạn nhân của một tai nạn nguyên tử bằng cách nhân số dân quan trọng với những liều rất nhỏ và bằng cách giả định rằng nguy cơ tỷ lệ với liều lượng, dầu liều lượng thấp đến đâu chăng nữa.
Y khoa nguyên tử (médecine nucléaire) hàng ngày sử dụng những sản phẩm phóng xạ để chẩn đoán, thăm dò, điều trị các bệnh tật, hiền tính hay ác tính, của rất nhiều cơ quan. Chỉ có một chống chỉ định : đàn bà có thai, để bảo vệ thai nhi. Nhưng, trái với một tin đồn được xác lập rõ, các dị dạng chỉ xuất hiện trên một liều lượng đối với thai nhi nằm giữa 100 và 200 mSv, với một sự nhạy cảm tối đã từ ngày thứ 9 đến đầu tuần lễ thứ 9, vào lúc các cơ quan được tạo thành. Về các dị tật di truyền, được truyền lại cho con cháu, chúng đã chỉ được phát hiện ở động vật, mà không bao giờ cho loài người cả.
(LE FIGARO 28/3/2011)

6/ NICOTINE CÓ HẠI CHO CÁC THIẾU NIÊN.
Nơi các thiếu niên, chứng nghiện thuốc lá càng cao thi phần trước của não bộ dường như càng ít được hoạt hóa. Đó là điều được tiết lộ bởi một công trình của các nhà nghiên cứu thuộc đại học Californie, được công bố trong tạp chí Neuropsychopharmacology. Não bộ vùng trước trán (cerveau préfrontal), đặc biệt can thiệp để dự kiến trong tương lai và đưa ra những quyết định, đang trong thời kỳ phát triển trong suốt thời kỳ thiếu niên. Sự so sánh bằng chụp hình ảnh não bộ với những trẻ không hút thuốc đã cho thấy rằng sự hoạt hóa của não bộ nơi những thiếu niên hút thuốc đều đặn là thấp hơn. Mặc dầu ta chưa biết sự việc hút thuốc có phải là nguyên nhân hay một hậu quả của hiện tượng này.
Tuy nhiên, các tác giả của công trình nghiên cứu gợi ý rằng một sự hoạt động bị xáo trộn của não bộ vùng trước trán có thể hạn chế khả năng của các thiếu niên quyết định ngừng hút thuốc. Điều này đặc biết giải thích tại sao những người hút thuốc nặng thường nhất đã bắt đầu hút từ tuổi thiếu niên. Ngoài ra, nicotine đã được biết là có tác dụng đặc hiệu lên não bộ của các thiếu niên. Thật vậy nicotine là một phân tử có tác dụng giống với một chất dẫn truyền thần kinh rất quan trọng của hệ thần kinh, acétylcholine, và những thí nghiệm nơi các động vật gậm nhấm ở thời kỳ thiếu niên đã cho thấy rằng nicotine gây ở chúng những biến đổi lâu dài của hành vi. Các nhà nghiên cứu của đại học Amsterdam (Hòa lan) vừa cho thấy trong tạp chí Nature Neuroscience (20/2) rằng nicotine có thể gây nên một sự giảm đặc hiệu của thụ thể của một chất dẫn truyền thần kinh, glutamate, trong não bộ vùng trước trán của những động vật này
(SCIENCES ET AVENIR 4/2011)

7 / CỨ MƯỜI NGƯỜI BỈ THÌ CÓ 4 BỊ THIẾU IODE.
Điều chủ yếu :
– Sự thiếu hụt iode có thể dẫn đến những khiếm khuyết thần kinh
nghiêm trọng.
– Các nhà khoa học chủ trương thay thế muối thường bằng muối có
thêm iode (sel iodé) trong lãnh vực nghề bánh mì hay ngay cả ở nhà.
– Nhưng không gia tăng liều lượng muối !
Tin thời sự Nhật bản đã đưa iode vào chương trình nghị sự, mà ta có thể sử dụng dưới dạng pastille để làm bảo hòa tuyến giáp, điều này ngăn cản iode phóng xạ bay hơi (iode radioactif volatil) gắn vào tuyến giáp. Nhưng mặt khác, iode là một vi yếu tố (oligo-élément) đặc biệt quan trọng để phát triển hệ thần kinh, sự thiếu hụt nó có thể dẫn đến sự thiểu năng tâm thần (arriération mentale), được gọi là crétinisme, một hiện tượng hiện diện nơi các dân cư trong những dãy núi lớn, bởi vì vào cuối thời kỳ băng hà sau cùng, đất đai của những vùng này đã trở nên nghèo iode. Thật vậy, sự tan các băng hà lớn đã mang đi một phần lớn iode, rất hòa tan trong nước, trên đường tiến về biển cả. Đất đai của nước Bỉ cũng đã nghèo iode vào lúc tan rã các băng hà lớn. Và sự hấp thu nguyên tố này mặc dầu không quá thấp như trong vài vùng trên thế giới, vẫn không phải là tối ưu. Đó là kết quả của một công trình nghiên cứu mới được tiến hành bởi một nhóm nghiên cứu của ULB nơi những ngươi trưởng thành lành mạnh.
Nhóm nghiên cứu của BS Moreno-Reyes muốn kiểm tra xem những vấn đề thiếu hụt iode này, đã được báo cáo rất nhiều ở trẻ em, cũng xảy ra nơi người lớn hay không, và xem có những dị biệt tùy theo mùa hay chủng tộc (Bỉ, Maroc, Thổ và Congo) hay không.
Kết quả : 40% những người được khảo sát có một thiếu hụt iode nhẹ, và 30% một thiếu hụt trung bình, và điều này độc lập với chủng tộc. Công trình nghiên cứu cũng cho thấy một hiệu quả liên hệ với mùa, với những trường hợp thiếu hụt cao hơn một cách đáng kể vào mùa thu và mùa đông so với mùa xuân và mùa hè. Một hiệu quả như thế của mùa được biết rõ đối với vitamine D, một phần được chế tạo nhờ sự tiếp xúc với những tia tử ngoại, nhưng khó giải thích hơn đối với iode. Nhất là vài công trình nghiên cứu được tiến hành trong những nước khác của châu Âu đã báo cáo một tình hình ngược lại, với một sự thiếu hụt ít rõ rệt hơn vào mùa đông, điều này được quy cho chế độ ăn uống của gia súc, được bổ sung iode trong suốt mùa này.
ĐỐI VỚI NHỮNG PHỤ NỮ MÀ THAI NGHÉN BẮT ĐẦU VÀO MÙA ĐÔNG.
Các nhà khoa học kêu gọi sự lưu ý về vấn đề cung cấp iode, rõ ràng không đủ đối với một bộ phận lớn của dân chúng, đặc biệt là những phụ nữ có thai vào đầu mùa đông. Vấn đề thiếu hụt iode được xét đến trong Plan National Nutrition Santé, khuyến khích thay thế muối thông thường bằng muối có iode (sel iodé) trong lãnh vực nghề bánh mì hay ngay cả tại nhà. Tuy vậy không được cho muối nhiều hơn ! Muối, dầu là muối “ biển ” hay không, hầu như không còn chứa iode nữa, trừ phi đã đuợc làm phong phú. Cá, tôm cua và những sản phẩm biển khác cũng là một nguồn iode quý báu.
(LE SOIR 16/3/2011)

8/ MỘT THAI NHI BỊ THIẾU OMEGA 3 CÓ NGUY CƠ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH BỊ BỆNH TRẦM CẢM
Nếu như, trong thời kỳ thai nghén, thai nhi không nhận đủ oméga-3, một axít béo thiết yếu, cá thể khi đạt đến tuổi trưởng thành sẽ có nhiều nguy cơ bị trầm cảm hơn. Thật vậy, một sự thiếu hụt oméga 3 trong não bộ làm rối loạn sự dẫn truyền thần kinh và, điều này, ngay khi bào thai phát triển trong tử cung. Sophie Layé và Olivier Manzoni (Inra và Inserm, Bordeaux) đã quan sát thấy hiện tượng này nơi chuột. Nó cho phép giải thích mối liên quan được quan sát giữa những chế độ ăn uống nghèo oméga 3, rất phổ biến trên thế giới kỹ nghệ, và những rối loạn tính khí như chứng trầm cảm.
(SCIENCE ET VIE 4/2011)

9/ CHẾT ĐỘT NGỘT DO RUNG THẤT : MỘT ĐIỀU TRỊ PHÒNG NGỪA NHẮM ĐÍCH.
GS Jean-Michel Haissaguerre, trưởng khoa tim, CHU de Bordeaux, ủy viên Viện hàn lâm khoa học, giải thích phương thức mới nhất dùng tần số phóng xạ (radiofréquence) nhằm tránh sự xuất hiện của những trường hợp chết đột ngột.
Hỏi : Trong một cơ tim lành mạnh, các tâm thất hoạt động như thế nào ?
GS Jean-Michel Haissaguerre : Cơ học của tim được thực hiện nhờ sự co bóp của các tâm nhĩ gởi máu vào trong các tâm thất, các tâm thất phóng máu (qua động mạch chủ) vào trong cơ thể. Các tam thất là những yếu tố thiết yếu nhất của cơ tim.
Hỏi : Trong trường hợp rung thất (fibrillation ventriculaire), điều gì xảy ra ?
GS Jean-Michel Haissaguerre : Các tâm thất bị kích thích một cách quá nhanh bởi một cơn bão điện (300 đến 400 đập mỗi phút), điều này làm cho chúng không còn có khả năng co bóp để làm tròn chức năng của chúng.
Hỏi : Những hậu quả là gì ?
GS Jean-Michel Haissaguerre : Rối loạn nhịp tim có cùng hậu quả của một phát súng lục ! Chính vì vậy có 50.000 tử vong mỗi năm ở Pháp. Tai ương này phần lớn không được công chúng biết đến, thường gán những tai biến này do một sự ngừng tim vĩnh viễn, mà ta chẳng làm gì được. Khi một người bị ngã qụy, phải nghĩ đến các rung thất một cách hệ thống bởi vì nạn nhân có thể cứu được nhờ một sốc điện (choc électrique) của một máy khử rung (défibrillateur). Trong lúc chờ đợi cấp cứu, cần phải xoa bóp tim. Ở Pháp, ta thống kê chỉ 2% những người sống sót, trong đó vài người còn giữ các di chứng.
Hỏi : Ta biết được các nguyên nhân của những rung thất này hay không ?
GS Jean-Michel Haissaguerre : Có thể do là những hậu quả của một nhồi máu cơ tim hay một bệnh tim. Trong những trường hợp khác, đó là một rối loạn thuần điện của tim mặc dầu một cơ tim lành mạnh. Ngày nay ta biết nhiều hơn những tế bào chịu trách nhiệm. Những tế bào này tạo thành một mô thần kinh được mệnh danh là “ Purkinje ” (phần rất nhỏ của khối cơ tim), có khả năng sinh ra những xung động nhanh một cách bất thường, những tia chớp thật sự, và là nguồn gốc của những cơn bão điện này. Trong 10% các trường hợp, một yếu tố di truyền giải thích sự xuất hiện của nhiều trường hợp chết đột ngột xảy ra trong gia đình.
Hỏi : Những thăm khám cho phép phát hiện những rối loạn tâm thất này là gì?
GS Jean-Michel Haissaguerre : Hiện nay ta chỉ có thể tiên đoán sự xảy ra của những rung thất này trong một thiểu số các trường hợp (30%) mỗi năm, bằng một điện tâm đồ hay một siêu âm. Những xét nghiệm này thường được thực hiện nơi những bệnh nhân được theo dõi vì những vấn đề tim. Và ta khuyến nghị những thăm khám này cho những người đã từng là các nạn nhân của những trường hợp ngất xỉu không thể giải thích, hay có những tiền sử gia đình chết đột ngột.
Hỏi : Nói chung ta điều trị những người bị đe dọa bởi những rung thất này như thế nào ?
GS Jean-Michel Haissaguerre : Một máy khử rung tim (défibrillateur cardiaque) được đặt vào hay những thuốc chống loạn nhịp được kê đơn, với những kết quả tốt, nhưng nơi vài bệnh nhân có một sự đề kháng đối với điều trị chống loạn nhịp.
Hỏi : Tiến bộ mới nhất để điều trị những bệnh nhân nguy cơ này với một can thiệp ít nặng nề hơn việc đặt máy khử rung tim là gì ?
GS Jean-Michel Haissaguerre : Kíp của chúng tôi ở CHU de Bordeaux đã hiệu chính một kỹ thuật mới nhằm vô hiệu hóa những tế bào dễ bị kích thích, nguồn gốc của những cơn bão điện. Phương thức nhằm đưa vào trong các tâm thất những cathéter mang các điện cực, rồi phát hiện những tế bào nguy hiểm và hủy diệt chúng bằng một dòng điện tần số phóng xạ (un courant de radiofréquence). Tùy theo các trường hợp buổi điều trị kéo dài từ 1 đến 4 giờ, với gây mê tổng quát.
Hỏi : Công trình nghiên cứu nào đã chứng minh tính hiệu quả của phương thức dùng tần số phóng xạ này ?
GS Jean-Michel Haissaguerre : Chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật này nơi 45 bệnh nhân, rồi chúng tôi đã theo dõi họ trong nhiều năm trời. Hôm nay, các kết quả xác nhận tính hiệu quả của điều trị. Nhưng dầu sao đó vẫn là một phương thức xâm nhập (un procédé invasif) nên hy vọng của chúng tôi là phát triển những loại thuốc nhắm đích (médicaments ciblés) nhằm vô hiệu hóa một cách trực tiếp tính kích thích của những tế bào phát sinh rung thất. Những công trình nghiên cứu đang được tiến hành.
(PARIS MATCH 24/3 – 30/3/2011)

10/ SỰ LÃO HÓA : ƯA THÍCH HƠN NHỮNG MÔN THỂ THAO ĐÒI HỎI DAI SỨC.
Các ty lạp thể (mitochondrie) là những trung tâm năng lượng nhỏ, từ đường và những axit béo của thức ăn, sản xuất năng lượng mà những tế bào của chúng ta cần để hoạt động. Một cơ chế chủ chốt của quá trình lão hóa là sự tích lũy, khi lớn tuổi, những bất thường di truyền trong những ty lạp thể này và sự giảm số lượng của chúng. Nhóm nghiên cứu của GS Mark Tarnopolsky (Hamilton, Canada) đã sử dụng những con chuột được chương trình hóa để có những gène của những ty lạp thể bất thường, nhằm làm cho chúng già trước tuổi. Một vài con chuột, được để cho nhàn rổi không hoạt động, đã bị già sớm. Những con khác, chịu 3 lần mỗi tuần một hoạt động đòi hỏi dai sức (un exercice d’endurance) đã bình thường hóa điều đó (45 phút, ba lần mỗi tuần). Kết quả : ta đã quan sát thấy nơi những con chuột được tập luyện này một sự thu giảm các bất thương di truyền, số các ty lạp thể được duy trì, một sự cải thiện của tất cả các chức năng sinh lý của chúng. Và, mặc dầu các gène của chúng bị hỏng, chúng vẫn có một thời gian sống bằng những chú chuột bình thường. Công trình nghiên cứu này mang lại bằng cớ cho rằng môn thể thao đòi hỏi dai sức (sport d’endurance) tác động một cách thuận lợi lên các ty lạp thể, những vi cơ quan cần thiết cho sự sống.

BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(4/4/2011)

Bài này đã được đăng trong Chuyên đề Y Khoa, Thời sự y học. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

1 Response to Thời sự y học số 220 – BS Nguyễn Văn Thịnh

  1. Pingback: Thời sự y học số 502 – BS Nguyễn Văn Thịnh | Tiếng sông Hương

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s