Thời sự Y Học số 215: Eczéma – BS Nguyễn Văn Thịnh

1/ CÀNG NGÀY CÀNG CÓ NHỮNG TRƯỜNG HỢP ECZEMA (CHÀM)TRONG CÁC NƯỚC CÔNG NGHIỆP.

NHỮNG ĐIỂM MỐC
DA. Các eczéma (chàm) không phải là những bệnh lý mới bởi vì chúng đã được biết từ thời thượng Cổ.Ta có thể tìm thấy những thí dụ điều trị nơi những người Ai Cập. Họ sử dụng natron (natrite), có chất cơ bản là carbonate de sodium, được tạo nên bởi hơi bốc của nước muối. Những người Ai Cập sử dụng nó không những để điều trị da của những người sống mà natron cũng là tác nhân bảo quản chính trong việc ướp xác (momification des corps).
MARAT. Eczéma cũng là nguyên nhân của sự kiện Marat đã bị ám sát trong bồn tắm ngày 13 tháng 7 năm 1793. Để làm giảm cơn ngứa dữ dội do bệnh chàm nặng (gãi làm cho nặng thêm căn bệnh), Marat cuối cùng phải trải qua nhiều giờ mỗi ngày trong bồn tắm với nước lưu huỳnh. Ông làm việc trong bồn tắm và cũng tiếp khách ở đó. Chính tại đây ông đã tiếp người khách viếng cuối cùng, Charlotte Corday.
ĐIỀU TRỊ. Ngày nay các thầy thuốc chính thức khuyên không nên tắm kéo dài như thế, có hại cho da. Những điều trị bằng thuốc chủ yếu đều dựa trên corticoides. Nhưng cũng có những giải pháp thay thế khác.
NGUỒN GỐC. Chàm thường nhất có nguồn gốc dị ứng, có hay không một thể trạng di truyền (terrain génétique) thuận lợi. Và mặc dầu bệnh không phải là mới, các eczéma, được gây nên bởi các chất gây dị ứng (substances allergisantes), đang tiến triển mạnh. Do đó lợi ích không chỉ săn sóc các triệu chứng, mà còn khám phá nguyên nhân của dị ứng để tránh mọi tiếp xúc với nó và làm cho nó biến mất. Eczéma gây bệnh cho một trẻ nhỏ trên 4 hoặc 5 (nó cũng có thể gây bệnh cho các động vật nuôi trong nhà). Vậy điều chủ yếu là phải thăm khám thầy thuốc chuyên khoa da (dermatologue) hay dị ứng (allergologue). Nhiều bệnh viện có những khoa chuyên trách tìm kiếm những nguyên nhân dị ứng và cả một loạt các trắc nghiệm cho phép, trong đại đa số các trường hợp, tìm thấy chất chịu trách nhiệm gây eczéma.

Ngày nay các bệnh nhân hưởng được những điều trị thích ứng hơn nhờ một sự hiểu biết sâu các cơ chế gây bệnh.
EPIDERME “Eczéma : từ chữ Hy lạp ekzein, “ sôi sục ” (bouillonner), từ điển nói như vậy. Thật vậy, triệu chứng ngứa dữ dội kèm theo căn bệnh ngoài da này để lại một kỷ niệm “ thấm thía ” cho những người từng bị triệu chứng ngứa này. Cấp tính, chàm tạo thành những mảng đỏ (plaques rouges) có kích thước thay đổi, lấm tấm bởi những mụn nước nhỏ đầy chất dịch trong suốt, vỡ đi dưới tác dụng của động tác gãi, thường là dữ dội. Các thương tổn rịn nước, đóng vảy, đôi khi nứt rạn bởi những đường nứt đau đớn. Khi căn bệnh trở nên mãn tính, da dày lên dưới tác dụng của gãi, trở nên cứng và màu xam xám : da bị hằn cổ trâu (lichénifié).
Chàm có hai nguyên nhân chính. Một, chàm quá mẫn (hay eczéma dị ứng, dermatite atopique), là một bệnh mãn tính tíến triển thành từng đợt. Chàm quá mẫn (dermatite atopique) đối với da cũng như hen phế quản đối với các phế quản : một tính kích thích đặc biệt ở đây do những bất thường cấu tạo của lớp da bọc, rất khô và tăng nhạy cảm với vài tấn công (agression). Nguyên nhân thứ hai là chàm do tiếp xúc (eczéma de contact), là một phản ứng chống lại một chất xác định.
Phân biệt giữa loại này với loại kia không phải luôn luôn dễ dàng bởi vì các thương tổn giống hệt nhau. Chàm dị ứng ảnh hưởng lên 20% các nhũ nhi sau 3 tuổi, từ 7 đến 10% các trẻ em trước 16 tuổi, và 1% những người trưởng thành, thường có những thể nặng hơn.
Trái lại chàm do tiếp xúc (eczéma de contact) chủ yếu thường xảy ra nơi người lớn. “ Vậy tuổi cho một chỉ định chẩn đoán, cũng như sự định vị của các mảng, GS Laurent Misery, trưởng khoa dermatologie của CHU de Brest đã giải thích như vậy. Chàm dị ứng (eczéma atopique) không có định vị chính xác (atopie có nghĩa là “ không nơi chốn ” ), nhưng tùy theo tuổi, vài vùng bị ảnh hưởng hơn : nơi nhũ nhi : má, da đầu và những chỗ lồi (convexité), bắt đầu từ 2 tuổi : các nếp gấp (hõm của cùi tay và của đầu gối), mí mắt và phần sau của tai, nơi người trưởng thành : mặt, cổ và các bàn tay. Còn chàm do tiếp xúc vẫn chỉ được giới hạn ở vùng trực tiếp tiếp xúc với dị ứng nguyên.” Đôi khi hai loại chàm hiện diện cùng lúc : từ 15 đến 30% các chàm dị ứng cũng có một dị ứng tiếp xúc đối với nickel.
Da đóng một vai trò quan trọng như là một hàng rào trong sự trao đổi giữa ngoại và nội môi trường mà nó bảo vệ. “ Tất cả những gì tiếp xúc với da đều đi vào hàng rào da một ít, nhất là khi da mảnh. Da bình thường chỉ để đi qua những phân tử nhỏ xíu. Nhưng trên một ngưỡng nào đó, cơ thể chống cự lại và các tế bào lympho T, có rất nhiều trong da, làm phát khởi một phản ứng viêm, nguồn gốc của chàm tiếp xúc, GS Jean-François Nicolas, thầy thuốc chuyên khoa da-dị ứng thuộc CHU de Lyon, đã nói như vậy. Trong chàm dị ứng (dermatite atopique) một bẩm chất bị các biến dị, đặc biệt là biến dị của filagrine, một protéine cấu trúc của biểu bì, làm cho da dễ thấm thấu hơn bình thường. Do đó da để đi qua những phân tử lớn hơn, như là những protéine, nguồn gốc của phản ứng viêm. ” Vậy ngưỡng dung nạp của nó cũng bị hạ xuống. Khi bị chàm tiếp xúc, việc loại bỏ chất chịu trách nhiệm của sự gây cảm ứng (sensibilisation) cũng đủ để mọi chuyện đâu vào đó. Bôi thuốc dermocorticoides cho phép làm giảm phản ứng viêm và triệu chứng ngứa trong vài ngày. Nhưng các tế bào lympho T bị cảm ứng vẫn ghi nhớ về biến cố này : do đó khi chất gây cảm ứng được đưa vào lại, điều này có thể làm tái phát chàm trong vài giờ. Do đó lợi ích nhận diện dị ứng nguyên (allergène) để tránh sự tái phát này.
KHÔ DA
Chàm dị ứng (dermatite atopique), từ lâu khá hiếm xảy ra, đã bùng nổ vào đầu những năm 1970 trong các nước công nghiệp hóa. Sự đô thị hóa, sự giảm những nhiễm trùng vốn đã bảo vệ chống lại các dị ứng, sự vệ sinh gia tăng với xà phòng gột sạch (savon détersif) và sự “ đánh bóng ”(astiquage) không đúng lúc các em bé ngay sinh , có lẽ đã làm dễ sự biểu hiện của một tạng dị ứng (terrain atopique) nơi nhiều trẻ em ”, GS Alain Taieb, trưởng khoa bệnh ngoài da của CHU de Bordeaux đã đánh giá như vậy.
Mặc dầu 80% các chàm dị ứng tự nó được cải thiện khi lớn lên, nhưng bệnh gây khó chịu đối với một trẻ em đến độ cần một điều trị để giảm các triệu chứng. “ Điều ưu tiên, đó là chống lại khô da nhờ các thuốc làm dịu (émollient), được đắp đúng đắn mỗi ngày lên toàn thân thể, do đó tầm quan trọng của việc giáo dục điều trị. Điều trị cũng dựa vào các dermocorticoide (mà các bố mẹ ngờ vực một cách sai lầm) bởi vì chúng làm thu giảm một cách nhanh chóng phản ứng viêm và các triệu chứng ngứa, với những tác dụng phụ vừa phải, thầy thuốc chuyên khoa Bordeaux đã nhấn mạnh như vậy. Đó là điều quan trọng, bởi vì một chàm dị ứng không được săn sóc tốt thường lót đường cho bệnh hen phế quản và viêm mũi dị ứng. ”
Trong những trường hợp nặng, một pommade có chất cơ bản là tacrolimus (Protopic), một chất làm giảm miễn dịch, có thể được sử dụng ngay năm 2 tuổi. Nơi người lớn, những thuốc làm suy giảm miễn dịch khác như méthotrexate và ciclosporine cũng như quang liệu pháp tử ngoại (photothérapie) có thể cải thiện những trường hợp nặng nhất. Những hiểu biết mới đây trong sự thông hiểu bệnh chàm dị ứng (dermatite atopique) cũng mở đường cho những điều trị sinh học mới, trong đó vài điều trị còn đang được thử nghiệm.
(LE FIGARO 21/2/2011)

2/ CHÀM DỊ ỨNG (DERMAITE ATOPIQUE) : MỘT VẤN ĐỀ CỦA HÀNG RÀO DA.
Từ lâu ta biết rằng eczéma và ngứa được cải thiện nếu ta làm giảm khô da, dấu hiệu đặc trưng của chàm dị ứng (dermatite atopique). Nhưng chỉ từ vài năm nay ta mới hiểu rõ hơn các cơ chế gây bệnh. “ Từ lâu ta đã nghĩ rằng chàm dị ứng là biểu hiện da, cái đích, của các dị ứng thức ăn. Thật ra, đúng hơn là điều trái lại : đó là một bệnh da (maladie cutanée), có thể có những hậu quả ở xa. Vậy đó là một đảo ngược của quan niệm ” , GS Jean-François Nicolas đã ghi nhận như vậy. Một sự đảo ngược quan niệm chủ yếu là do việc nhận diện một biến dị của filagrine, được tìm thấy nơi 30% các bệnh nhân.
Protéine này đóng một vài trò quan trọng trong sự kết dính của biểu bì. “ Lớp sừng ngoài (couche cornée externe) được tạo thành do sự chồng lên nhau của 5 đến 7 lớp kératinocyte. Những tế bào này đổi mới thường xuyên từ màng căn bản. Filagrine là một thành phần quan trọng của “ natural moisteing factor ”, yếu tố này đảm bảo tính chất kín (étanchéité) của biểu bì. Khi filagrine bị biến dị, nước, thay vì lăn trên biểu bì như trên một film plastique, sẽ đi vào bên trong như qua một giấy thấm.” Da tạng dị ứng (peau atopique) khi đó trở nên 100 lần dễ thẩm thấu hơn, để di qua những phân tử lớn hơn nhiều như các protéine, và cũng đánh mất nước 10 lần hơn bình thường.
“ Da tạng dị ứng cũng chế tạo các peptides kháng khuẩn da ít hơn và có một khuẩn chí (flore microbienne) mất cân bằng, với các tụ cầu khuẩn vàng và các loại nấm không có trên da bình thường, GS Taeib đã xác nhận như vậy. Trong những điều kiện này, các dị ứng nguyên được cấu tạo bởi protéine, ví dụ vi khuẩn, bình thường bị chận lại ở da, có thể đi vào nhờ sự phá vỡ của hàng rào da này và gây nên một phản ứng miễn dịch.” Điều này giải thích tại sao những người bị chàm dị ứng cũng sản xuất nhiều kháng thể IgE chống lại các protéine này. “ Những kháng thể này làm khởi phát phản ứng viêm, sau đó những phản ứng viêm này rất giống với phản ứng của chàm do tiếp xúc, Vậy ta có thể xem chàm dị ứng như là một dị ứng tiếp xúc với protéines, GS Nicolas đã nhấn mạnh như vậy. Sự thiếu hụt filagrine này cũng làm dễ cho sự phát sinh của bệnh hen phế quản và viêm mũi dị ứng. Nơi động vật, các thí nghiệm đã cho thấy rằng một phần của các tín hiệu có khuynh hướng gây viêm (signal pro-inflammatoire), sinh ra trong da tạng dị ứng, tác động ở xa lên biểu mô phế quản và mũi. Vậy da điều biến không những đáp ứng miễn dịch tại chỗ mà còn ở xa nữa.”
Những biến dị khác đang được nghiên cứu chắc chắn can thiệp vào trong sự phá vỡ hàng rào da này, và người ta chưa biết tại sao chàm dị ứng lại giảm bớt khi đứa trẻ lớn lên. “ Sự trưởng thành của các tế bào lympho T điều hòa (lymphocytes T régulateurs) ngay khi đứa trẻ tiếp xúc hơn với các nhiễm trùng có lẽ can thiệp để làm gia tăng sự dung nạp miễn dịch (tolérance immunitaire) của nó ”, GS Taieb đã nhấn mạnh như vậy.
Cũng còn phải hiểu rõ hơn stress làm dễ các đợt bộc phát eczéma như thế nào. Nhưng những công trình này xác nhận vai trò của việc chống lại sự khô da để tái tạo một hàng rào da hiệu quả. Ngoài các thuốc làm dịu (émollient) hiện nay, các kết quả đáng lưu ý đã đạt được với các kem có chất cơ bản là cholestérol. Một đường hướng khác, còn trong tương lai xa, đó là phát trực tiếp filagrine vào da dưới dạng chất có thể đưa vào cơ thể. Sau cùng, đó là chưa kể những hướng khác còn đang được thăm dò trong các phòng nghiên cứu.
(LE FIGARO 21/2/2011)

3/ BỐ MẸ CÓ KHẢ NĂNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ TRÁNH CHO CON EM MÌNH TRỞ NÊN BỊ DỊ ỨNG KHÔNG ?
Các dị ứng, càng ngày càng thường xảy ra, là do trong thời thơ ấu, những thức ăn như sữa, trứng, cá hay lạc (arachide) và có thể gây chết người khi gây phù, choáng hay các cơn hen phế quản. Về sau, được gây nên do sự đi vào trong đường hô hấp của những chất như phấn hoa, acariens, lông động vật, chúng chịu trách nhiệm viêm mũi và hen phế quản. Chàm là do vài thức ăn nhưng cũng do các acariens. Những chất chịu trách nhiệm dị ứng này được gọi là dị ứng nguyên (allergène).
Sự phòng ngừa tốt nhất là tránh những dị ứng nguyên, dẫu sao trong một thời kỳ, vẫn còn không được xác định rõ, của thời thơ ấu, là lúc hệ miễn dịch chưa được thành thục. Chính là điều phải khuyến nghị các trẻ em “ có nguy cơ ”, khi một trong bố mẹ bị dị ứng hay đã bị như vậy. Đó thật là dễ dàng nếu chỉ cần không mang gia súc vào nuôi trong nhà. Nhưng lại khó hơn khi phải xa cách chúng. Điều đó trở nên thật sự gay go khi đó là các acarien : số lượng của chúng giảm khi căn phòng khô ráo, được thông khí, ít được sưởi nóng và khi máy hút được dùng đều đặn, dài lâu, trên đất và trên giường chiếu.
Việc cho bú sữa mẹ phải được theo đuổi càng lâu càng tốt ; điều đó làm chậm lại sự tiếp xúc với các dị ứng nguyên, và sữa mẹ chứa những chất dạy cho cơ thể nhận biết những dị ứng nguyên như là những yếu tố thông thường của môi trường.
Ngoài ra, phải chủ trương bố mẹ không được hút thuốc lá : nhiễm độc thuốc lá co hại cho trẻ em hen phế quản bằng cách làm dễ sự xuất hiện của cac cơn, và làm gia tăng nguy cơ bị dị ứng.
CÁC ĐỘNG VẬT CÓ LÔNG VÀ ACARIEN
Những biện pháp thận trọng này liên quan đến sự phòng ngừa nguyên phát để cho bệnh không xảy đến. Những đường hướng nghiên cứu trong lãnh vực này chủ yếu nhằm vào những biến đổi của chế độ ăn uống trong thời bé thơ hay nơi người mẹ trong thời kỳ thai nghén. Những thử nghiệm đã được tiến hành với các probiotique làm phong phú vài loại yaourt, hay những prébiotique nuôi dưỡng các probiotique này và làm dễ khuẩn chí ruột bảo vệ bằng cách biến đổi tính miễn dịch. Vài trong số những thử nghiệm này có hiệu quả lên eczéma. Nhưng nếu những chế độ ăn uống này có thể có hiệu quả lên một vài người, thì chúng lại không như vậy nơi những người khác, và do do khó mà phổ biến được.
Do đó các bố mẹ và các thầy thuốc phải suy nghĩ về một phòng ngừa thứ phát : làm thế nào để bệnh hen phế quản không phát ra nơi một đứa trẻ bị eczéma, dị ứng thức ăn, viêm mũi ?
Dĩ nhiên những biện pháp thận trọng được áp dụng đối với phòng ngừa nguyên phát cũng đúng với phòng ngừa thứ phát : một khi dị ứng được phát ra, cần khuyến nghị tránh chừng nào có thể được sự nhiễm độc thuốc lá, các động vật có lông và các acarien. Những đường hướng nghiên cứu ở đây cũng nhằm vào sự biến đổi của hệ miễn dịch trong mục đích làm cho nó chịu được những dị ứng nguyên mới. Ví dụ miễn dịch liệu pháp (immunothérapie) hay sự giải cảm ứng (désensibilisation) làm giảm nguy cơ bị những dị ứng mới và nguy cơ bị hen phế quân nơi trẻ em bị viêm mũi. Chính trong mục đích phát triển những chiến lược này mà Real (Réseau allergies respiratoires et alimentaires) đã được thiết lập trong Pays de Loire. Điều này trùng hợp với việc khai trương ở CHU de Nantes một plate-forme d’allergologie, quy tụ trong cùng một nơi các chuyên gia về dị ứng, các allerlogue, các thầy thuốc chuyên khoa về bệnh phổi, các thầy thuốc chuyên bệnh ngoài da, các thầy thuốc nhi khoa, TMH… Sự tham gia vào Real của những nhóm nghiên cứu cơ bản và những nhóm nghiên cứu lâm sàng sẽ là một tác nhân tăng tốc để kiểm tra nơi người những ý niệm được khám phá nơi động vật. Những chiến lược như sự sử dụng prébiotique hay vaccin sẽ có thể được trắc nghiệm nơi động vật và sau đó được nhanh chóng đánh giá trên người.
Các bố mẹ đúng là có khả năng hành động để tránh dị ứng hay ít nhất làm nhẹ bớt, hạn chế nó.
(LE FIGARO 24/1/2011)

4/ ALZHEIMER : PHÁT HIỆN BẰNG CHỤP HÌNH ẢNH ?
Hãng bào chế Hoa Kỳ Eli Lilly đã hiệu chính một trắc nghiệm phát hiện (test de détection) bằng chụp hình ảnh những lắng đọng beta-amyloide trong não bộ. Beta-amyloide là một protéine được tích tụ quá mức nơi những người bị bệnh Alzheimer và tạo nên những mảng phá hủy dần dần các neurone và gây nên một sự thoái hóa não bộ. Kỹ thuật nhằm tiêm, bằng đường tĩnh mạch, một chất radioactive (florbetapir 18) có ái tính mạnh đối với beta-amyloide. Sau 30 phút chất phóng xạ gắn vào beta-amyloide và “ soi sáng ” các lắng đọng trong một giờ, điều này cho phép P-Scan (tomographie par émission de positons) thời gian cần thiết để chụp hình ảnh. Trắc nghiệm đã được thực hiện nơi 29 bệnh nhân bị bệnh Azheimer vào cuối cuộc đời. Một giải phẫu tử thi, phương tiện duy nhất để thiết lập chẩn đoán chắc chắn, sau đó đã được thực hiện. Tỷ lệ tương quan giữa các hình ảnh của Pet-Scan và phân tích mô não của các bệnh nhân là 96%. Nơi 74 người chứng, trắc nghiệm âm tính, không soi sáng một lắng đọng nào. FDA đã đưa ra điều kiện để thương mãi hóa trắc nghiệm này là trắc nghiệm phải được chứng minh lại bằng những công trình nghiên cứu mới.
(PARIS MATCH 10/2-16/2/2011)

5/ SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI CẦM TAY “ KÍCH ĐỘNG ” NÃO BỘ.
SANTE PUBLIQUE. Các điện thoại cầm tay gây nên nhiều lo ngại nơi những người sử dụng. Cho đến nay, những câu hỏi liên quan đến sự can dự của chúng trong việc xuất hiện các khối u não đã cho những câu trả lời mâu thuẫn nhau từ phía những nhà khoa học. Mặc dầu vài công trình nghiên cứu kết luận có sự hiện diện của một mối liên hệ nhân quả, nhưng những công trình nghiên cứu khác lại chứng minh một cách chính xác sự ngược lại. Năm vừa rồi, công trình nghiên cứu của Interphone đã kết luận không có nguy cơ gia tăng bị ung thư đối với những người sử dụng điện thoại cầm tay, tuy nhiên công trình này đã nhấn mạnh rằng những nghiên cứu cần phải được tiếp tục theo đuổi.
Trong bối cảnh này, những công trình của những nhà nghiên cứu Hoa Kỳ hẳn sẽ phải phát động trở lại sự bàn cãi về tính chất nguy hiểm khả dĩ của các điện thoại cầm tay. Những thầy thuốc này của Viện các chất ma túy quốc gia Bethesda (trong tiểu bang Maryland) đã tiến hành một công trình nghiên cứu mà các kết quả vừa được công bố trong tạp chí nổi tiếng Journal of the American Medical Association (JAMA).
Kết quả là : chỉ sự việc dán một điện thoại cầm tay vào tai cũng đủ làm gia tăng một cách đáng kể hoạt động của não bộ. Một cách chính xác hơn, các sóng điện từ có một tác động lên chuyển hóa của một vùng của não bộ mặc dầu không thể kết luận là có một nguy hiểm thật sự đối với sức khỏe của người sử dụng. Để thực hiện các công trình, các nhà nghiên cứu đã khảo sát và ghi những phản ứng xảy ra trong não bộ của 47 bệnh nhân được đặt trên tai một điện thoại cầm tay trong 50 phút. Các con cobaye này không được nói và không có một âm thanh nào phát ra từ máy điện thoại, được đặt lần lượt trên tai phải rồi tai trái. Các bệnh nhân đã nhận hai lần một mũi tiêm fluodésoxyglucose (un traceur : một nguyên tử đánh dấu). Mục đích là đo lường chuyển hóa của glucose trong não bộ, một lần với điện thoại cầm tay được khởi động (không có âm thanh) và kéo dài trong 50 phút, rồi sau đó với điện thoại không hoạt động.
Như thế các thầy thuốc đã có thể so sánh mối liên hệ giữa hoạt động chuyển hóa của glucose và biên độ của tần số của các tín hiệu điện từ phát ra từ máy điện thoại. Sau đó họ đã có thể quan sát trên các hình ảnh tác động của điện thoại cầm tay lên chuyển hóa của glucose trong não bộ người.
Các nhà nghiên cứu đã chứng thực rằng một điện thoại di động được sử dụng trong 50 phút làm gia tăng sự chuyển hóa của glucose trong một vùng của não bộ nằm ở gần tai, nghĩa là gần antenne của điện thoại. Những kết luận của các nhà nghiên cứu rất đáng lưu ý bởi vì sự chuyển hóa này không biến thiên trên toàn bộ não bộ mà chỉ trên vùng nằm kể cận với điện thoại cầm tay, đó là vùng vỏ não hốc mắt-trán (cortex orbitofrontal) và thùy thái dương (pôle temporal). Chính ở vùng này, chuyển hóa của glucose cao hơn 7% so với thời kỳ trong đó điện thoại không hoạt động.
Những kết quả này cho thấy rằng chuyển hóa của não bộ người nhạy cảm với những tác dụng của các sóng điện từ nếu bị tiếp xúc dài lâu với các điện thoại này ”, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã quan sát thấy như vậy. Một quan điểm được chia sẻ bởi BS Michel Desmurget, nhà sinh lý thần kinh học (neurophysiologiste) và là giám đốc nghiên cứu của Inserm.
“ Công trình nghiên cứu này cho phép thấy rằng các sóng điện từ của các điện thoại cầm tay đúng là có những tác dụng lên chuyển hóa của glucose. Theo giả thuyết có thể thực nhất, điều này có thể được giải thích bởi một sự gia tăng của tính kích thích của các neurone.. Các tế bào thần kinh này dễ bị kích thích hơn sau khi đã chịu tác dụng của các sóng điện từ trong 50 phút ”, Michel Desmurget đã giải thích như vậy.
Theo chuyên gia sinh lý thần kinh, công trình nghiên cứu này là một đóng góp mới, cho thấy rằng các điện thoại di động có những tác dụng quan trọng lên hoạt động của não bộ. “ Để biết điện thoại cầm tay có tác dụng sinh ung thư hay không, sẽ còn phải thực hiện những công trình khác trước khi có thể xác nhận điều đó. Nhiều công trinh nghiên cứu đang được tiến hành, nhất là ở Hoa Kỳ. Các kết quả sẽ đươc biết trong những năm đến ”, ông đã kết luận như vậy.
(LE FIGARO 24/2/2011)

6/ MEDIATOR : HƠN 500 NGƯỜI CHẾT VÀ HƠN 3.500 TRƯỜNG HỢP NHẬP VIỆN.
Giới hữu trách y tế từ nay dự kiến triệu hồi, qua trung gian các thầy thuốc gia đình, những bệnh nhân đã sử dụng loại thuốc này.
SANTE PUBLIQUE. Giữa năm 1976 và 2009, hơn 500 bệnh nhân tử vong ở Pháp vì đã sử dụng Mediator. Và hơn 3.500 người đã được nhập viện vì những thương tổn của các van tim. Những con số này phát xuất từ một phân tích mới mà các kết quả đã được trình bày trong một hội nghị bất thường cảnh giác dược (pharmacovigilance) thuộc Afssaps (Agence française de sécurité sanitaire des produits de santé). Tài liệu này, đã được công bố hôm nay, nhấn mạnh rằng sự đánh giá này về tỷ lệ tử vong là ở mức “ tối thiểu ”. Trong khung cảnh này Afssaps yêu cầu các thầy thuốc gia đình tiến hành thăm khám tim cho bệnh nhân đã được điều trị bởi Mediator. Mediator của các hãng bào chế Servier (nhóm dược phẩm lớn thứ hai của Pháp sau Sanofi-Aventis) nguyên thủy dành cho các bệnh nhân đái đường bị tăng thể trọng hay có tăng triglycéride-huyết, rồi sau đó được kê toa cho những người mong muốn được mất cân.
NHỮNG TÁC DỤNG PHỤ.
Afssaps cũng ghi nhận trong phân tích này rằng Mediator (có hoạt chất là benfluorex) chịu trách nhiệm 1750 phẫu thuật tim. Những “ đánh giá này không tính đến surmortalité của những trường hợp các bệnh van tim có mức độ trầm trọng trung bình hơn, gây nên bởi benfluorex (và do đó đã không được nhập viện) ”, bảng phân tích này còn nêu lên như vậy. Thế mà những thương tổn van này rất thường xảy ra, theo một công trình nghiên cứu được thực hiện bởi chính phòng bào chế Servier.
Mediator đã được thương mãi hóa vào năm 1976 và được rút ra khỏi thị trường vào tháng 11 năm 2009 vì chính những tác dụng phụ lên các van tim, được phát hiện bởi công trình của CHU de Brest, rồi được xác nhận bởi Cnam (Caisse nationale d’assurance-maladie). Suốt trong thời kỳ này, hơn 145 triệu hộp thuốc đã được bán ở Pháp (không kể đến những trường hợp kê đơn ở bệnh viện).
Mùa hè năm nay, Afssaps đã yêu cầu Cnam thực hiện một cuộc điều tra về tỷ lệ tử vong có thể quy cho Mediator, vì nhiều bệnh nhân đã kiện Hãng dược phẩm Servier do những biến chứng tim gây nên bởi loại thuốc này. Cơ quan quản trị dược phẩm cũng đã bị chỉ trích kịch liệt vì đã chậm rút Meditor ra khỏi thị trường : 33 năm sau khi được thương mãi hóa và 10 năm sau lời khai báo đầu tiên của cảnh giác dược ở Pháp. Để thực hiện điều này, Cnam đã xem xét tỉ mi tiến triển y khoa của 303.000 bệnh nhân (83.000 đàn ông và 220.000 phụ nữ với một tuổi trung bình 53 tuổi), vốn đã sử dụng Mediator từ năm 2006. Mục tiêu là đánh giá số các trường hợp nhập viện và tử vong có khả năng có thể quy cho loại thuốc này. Kết luận : 64 tử vong với một tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân nhập viện khoảng 11%. Chính sự phân tích của cuộc điều tra này bởi Afssaps ngày nay dẫn đến những tỷ lệ này về tử vong, phẫu thuật và nhập viện. Theo những công trình khác của Cnam, nguy cơ của các biến chứng nghiêm trọng do dược phẩm này là 0,5 trường hợp đối với 1000 người đã sử dụng.
Ngay năm 2000, tạp chí khoa học của Hoa Kỳ Circulation đã công bố một bài báo vạch rõ một cách chi tiết những tác dụng có hại của norfenfluramine (chất chuyển hóa của Mediator) lên các van tim, lời báo động này đã được nhắc lại năm 2007 bởi tờ báo uy tín New England Journal of Medicine. Những bài báo khoa học khác sẽ tiếp theo sau, nhất là trong Plos. Thế mà Mediator không phải là một sản phẩm không được biết đến vì lẽ đó là một dẫn xuất của amphétamine, về phương điện hóa học tương cận với một loại thuốc khác của Servier, Isoméride, được rút ra khỏi thị trường vào năm 1997. Hãng bào chế vậy không thể không hay biết rằng Isoméride và Mediator có cùng chất chuyển hóa độc hại.
Khi Mediator đã được rút ra khỏi thị trường ở Pháp, thì 300.000 người đang được điều trị ở Pháp. Mỗi năm, 7 triệu hộp thuốc được bán trong đất nước của chúng ta. Ngoài Pháp ra, Portugal và Chypre đã là những nước cuối cùng cấm chỉ loại thuốc này.
MỘT BỆNH VAN TIM (VALVULOPATHIE) LÀ GÌ ?
Theo các thống kê của Afssaps, hàng ngàn người đã bị một thương tổn của các van tim, hậu quả của sự sử dụng Mediator, các thương tổn có mức độ trầm trọng thay đổi, hiền tính trong hầu hết các trường hợp, có khả năng rất nặng trong những trường hợp khác. “ Theo một phân tích méta của Hoa Kỳ, được công bố năm 2002, về những tác dụng của các thuốc dẫn xuất của fenfluramine (trong đó có Mediator), thì cứ 8 người đã dùng thuốc thuộc họ này thì có một bị một thương tổn của các van tim ”, BS Georges Chiche (thầy thuốc chuyên khoa tim ở Marseille) đã giải thích như vậy. Một cách chính xác đó là thương tổn gì ? Những nguy cơ là gì ? Các van tim và những mô mảnh và đàn hồi phân cách trong tim các tâm nhĩ với các tấm thất (van tim phân cách tâm nhĩ trái với tâm thất trái được gọi là van hai lá (valve mitrale) hay phân cách các tâm thất với các động mạch lớn phát xuất từ tim (van tim phân cách tâm thất trái với động mạch chủ được gọi là van động mạch chủ (valve aortique).
“ Nơi vài bệnh nhân, thường nhất Mediator có tác dụng làm các van động mạch chủ hay hai lá trở nên bị cứng đi. Khi đó các van hóa sợi, mất đi sự mềm dẻo, BS Chiche đã mô tả như vậy. Các van không còn có khả năng đóng lại một cách đúng đắn.” Khi đó các van bị bất túc (insuffisance valvulaire). Tâm thất trái buộc phải cung cấp một công sức quan trọng để duy trì một lưu lượng tim không thay đổi. Tim sẽ giãn ra, mệt mỏi. Khi bất túc van ở mức tối thiểu, bệnh nhân không có triệu chứng. Nếu không, sự bất túc này có thể được biểu hiện bởi một suy tim với khó thở, phù…
“ Khi tôi khám các bệnh nhân với các thương tổn van tim, từ nay tôi hỏi họ một cách hệ thống để biết là họ đã sử dụng Mediator hay những thuốc khác cùng họ hay không ”, BS Chiche, một trong những người đầu tiên đã nhận biết mối liên hệ giữa Mediator và những bệnh tim này vào năm 1999, đã nói tiếp như vậy. Chẩn đoán được nghi ngờ trên những dấu hiệu lâm sàng và trên thính chẩn, đôi khi có phép nghe được một tiếng thổi. Nhưng chính siêu âm tim sẽ cho phép chẩn đoán bằng cách cho thấy những thương tổn và đánh giá tầm quan trọng của chúng và ảnh hưởng lên bệnh nhân.
Đối với những thể tối thiểu, chỉ cần theo dõi là đủ. Trong những trường hợp khác, một điều trị bằng thuốc có thể cần thiết (betabloquant, inhibiteur de l’enzyme de conversion, các thuốc lợi tiếu). Trong những thể nặng, một điều trị ngoại khoa tỏ ra cần thiết. “ Sau khi ngừng các thuốc làm dễ các căn bệnh này, các thương tổn van ổn định một cách tự nhiên ”, BS Chiche đã ghi nhận như vậy.
Vài biện pháp thận trọng là cần thiết đối với những bệnh nhân bị bệnh van tìm. Trước hết một sự theo dõi đều đặn để đo lường sự tiến triển. Nhưng nhất là cần thực hiện một điều trị với kháng sinh trước khi săn sóc răng, để tránh nguy cơ viêm nội tâm mạc.
Phải biết rằng chỉ có những bệnh nhân đã sử dụng Mediator trong hơn 3 tháng mới có một nguy cơ gia tăng bị bệnh van tim.
(LE FIGARO 16/1/2010)

7/ VI KHUẨN RUỘT ĐIỀU BIẾN NÃO BỘ.
Điểm thiết yếu :
– Các chú chuột không có khuẩn chí ruột (flore intestinale) sẽ trở nên không nhạy cảm đối với sự nguy hiểm.
– Điều này chứng tỏ rằng khuẩn chí duy nhất có trong ruột của chúng ta, vào lúc sinh, tạo nên một bộ phận của sự phát triển của các tế bào thần kính của chúng ta.
Đó là một công trình nghiên cứu có những kết luận gây ngạc nhiên : ta đã biết rằng ngay khi sinh, ruột của động vật có vú con (bébé mammifère) được định cư bởi một cộng đồng các vi khuẩn, đến độ ruột có một di sản (patrimoine) duy nhất, di sản này khác nhau đối với mỗi bébé, cũng như dấu tay vậy.Ta cũng đã biết rằng quá trình này là chủ yếu cho sự phát triển đúng đắn của nhiều hệ cơ thể, trong số đó có chức năng miễn dịch, sự phát triển của các huyết quản và ngay cả chức năng thận.
Công trình nghiên cứu mới, được công bố hôm nay trong tạp chí Procedings of the National Academy of Sciences, cho thấy rằng các vi khuẩn ruột dường như ảnh hưởng lên sự phát triển não bộ và hành vi của người lớn.
Các nhà khoa học của Viện Karolinska ở Thụy Điển đã muốn trắc nghiệm ảnh hưởng của các vi khuẩn ruột “ bình thường ” lên sự phát triển và chức năng của não bộ. Nhóm nghiên cứu đã so sánh hành vi của các con chuột đã lớn lên với những vi khuẩn bình thường, với hành vi của những con chuột đã lớn lên trong một môi trường không có những vi khuẩn, được gọi là souiris axéniques.
Kết quả : các con chuột axénique hoạt động hơn những con chuột mang các vi khuẩn và cũng có một hành vi “ mạo hiểm ” hơn khi đứng trước nguy hiểm. Sau đó cho những con chuột axénique tiếp xúc với vi khuẩn ở một giai đoạn sớm của cuộc sống, đã dẫn đến những con chuột trưởng thành có hành vi tương tự với những con chuột được tiếp xúc từ lúc sinh. Trái lại, nếu sự định cư này được thực hiện ở tuổi trưởng thành, nó không ảnh hưởng lên hành vi. “ Những dữ kiện gợi ý rằng có một thời kỳ chủ yếu vào lúc đầu của cuộc đời khi các vi khuẩn ruột ảnh hưởng lên não bộ và làm biến đổi hành vi về sau này ”, tác giả chính, BS Rochellys Heijtz đã giải thích như vậy.
Một phân tích hoạt động gène trong các não bộ của hai nhóm chuột đã cho thấy những khác nhau trong các mức độ hoạt tính của các gène có liên hệ trong học tập, trí nhớ và kiểm soát vận động.
(LE SOIR 8/2/2011)

Đọc thêm :
http://www.yduocngaynay.com/1-1NgVThinh_News_nr44.htm (TSYH số 44, bài số 6)
http://www.yduocngaynay.com/1-1NgVThinh_News_nr35.htm (TSYH số 35, bài số 1)

8/ CÁC UNG THƯ Ở GIAI ĐOẠN TIẾN TRIỂN : NHỮNG BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG NĂM 2011.
GS Jean-Charles Soria, thầy thuốc chuyên ung thư, nhà nghiên cứu của Viện Gustave-Roussy, bình luận những công trình nghiên cứu quốc tế mới nhất chứng minh tính hiệu quả của các điều trị nhắm đích mới.
Hỏi : Những ung thư tiến triển nào được nói đến trong những ấn bản mới đây của “ New England Journal of Medicine ” về những điều trị cá thể hóa (traitements personnalisés) mới ?
GS Jean-Charles Soria. Ở giai đoạn di căn này, là lúc mà những cơ quan khác đã bị thương tổn, 3 ung thư sẽ hưởng điều trị mới này : u hắc tố ác tính (mélanome), ung thư tuyến tiền liệt và một dạng đặc biệt của ung thư tụy tạng.
Hỏi : Cho đến nay ta điều trị những thể tiến triển này như thế nào ?
GS Jean-Charles Soria. Các u hắc tố được điều trị bằng hóa học liệu pháp (thí dụ cisplatine..) Đối với các ung thư tiền liệt tuyến, trong trường hợp đề kháng với điều trị, ta kê toa các thuốc chống kích thích tố (antihormonaux) và, trong trường hợp đề kháng với điều trị, ta thực hiện một hóa học liệu pháp (nhất là với Taxotere). Các khối u tụy tạng nội tiết-thần kinh (tumeur pancréatique neuroendocrinienne) cũng được điều trị bằng hóa học liệu pháp.
Hỏi : Trong chiến đấu chống lại bệnh tật, những tác dụng mà bệnh nhân phải chịu đựng là gì ?
GS Jean-Charles Soria. Hóa học trị liệu, không những tấn công vào các tế bào ung thư mà còn những tế bào lành mạnh, gây nên một sự mệt mỏi, giảm các bạch cầu… rất thường xảy ra rụng tóc cũng như một sự biến đổi các lông mi và móng tay móng chân. Những thuốc chống kích thích tố, mặc dầu ít độc hơn, tuy vậy làm mất dục tính (libido).
Hỏi : Những điều trị mới đến trên thị trường vào năm 2011 là những loại thuốc nào ?
GS Jean-Charles Soria. Các liệu pháp cá thế hóa (thérapie personnalisée) đến làm đảo lộn tiên lượng của các dạng ung thư tiến triển này ! Không còn là khoa học viễn tưởng nữa, mà là những tiến bộ điều trị thật sự. Những protocole mới này, được gọi là nhắm đích, bởi vì các thuốc của chúng tấn công một cách đặc hiệu vào những bất thường riêng của những tế bào ung thư. Trong trường hợp u hắc tố ác tính, có hai điều trị mới. Về điều trị thứ nhất, một loại thuốc (PLX4032) sẽ nhắm một cách đặc hiệu một gène đặc biệt. Gène này do bị biến hóa, chịu trách nhiệm sự tăng sinh hỗn loạn của các tế bào ác tính. Kết quả : sự biến dị của gène bị phong bế và bệnh dường như thoái lui.
Hỏi : Thế cơ chế tác dụng của loại thuốc mới thứ hai là gì ?
GS Jean-Charles Soria. Thuốc này nhằm kích thích hệ miễn dịch để chống lại những tế bào ung thư. Thuốc này cũng sẽ được thương mãi hóa trong năm nay. Đó là thuốc ipilimumab, trong một thử nghiệm quốc tế được tiến hành trên 676 bệnh nhân, đã chứng tỏ một hiệu quả chưa bao giờ đạt được từ trước đến nay !
Hỏi : Lần này về các ung thư tuyến tiền liệt, tiến bộ điều trị là gì ?
GS Jean-Charles Soria. Đó là một dược phẩm mới chống hormone : abirateron. Mục đích là loại bỏ sự đề kháng thường xảy ra với các thuốc chống hormone cổ điển. Một công trình nghiên cứu rộng rãi, được chỉ đạo bởi GS Fiazi của Viện Gustave-Roussy của chúng tôi, đã cho phép quan sát thấy một sự cải thiện ngoạn mục của các di căn xương và các triệu chứng đau đớn do chúng gây ra.
Hỏi : Những bệnh nhân bị ung thư tụy tạng thể nội tiết-thần kinh (forme neuroendocrinnienne) sẽ được hưởng những tiến bộ nào ?
GS Jean-Charles Soria. Hai loại thuốc sẽ biến đổi tiên lượng của những bệnh nhân này : thuốc thứ nhất, sunitinib, làm ngạt khối u bằng cách tiêu hủy các mạch máu nuôi dưỡng nó. Thuốc thứ hai (évérolimus) cắt đứt tín hiệu tăng sinh của các tế bào ác tính, bằng cách tác động lên một protéine đặc hiệu.
Hỏi. Những tác dụng phụ của những loại thuốc mới này là gì ?
GS Jean-Charles Soria. Nói chung những tác dụng phụ ít nặng nề hơn so với những tác dụng phụ của những liệu pháp cổ điển bởi vì chúng cho phép một chất lượng sống tốt hơn.
Hỏi : Còn đối với năm 2012, những tiến bộ lớn nhất là gì ?
GS Jean-Charles Soria. Đối với những ung thư tiến triển của phổi, những người mang một gène đặc hiệu, một thuốc mới dùng bằng đường miệng (với crizotinib) sẽ cho phép các di căn biến mất nhanh chóng. Và đối với một dạng đặc biệt của ung thư vú, 3 loại thuốc mới đang rất được mong chờ.
(PARIS MATCH 17/2-23/2/2011)

9/ CÁC TẾ BÀO UNG THƯ : SỰ PHÁT HIỆN BẰNG CÁC CHẤT ĐỂ BAY HƠI.
Để phát hiện sự hiện diện của một ung thư ở giai đoạn sớm, các chất chỉ dâu máu thường dùng thường ít đặc hiệu hay xuất hiện chậm. Phần lớn các mẫu nghiệm các tế bào ác tính phát ra vài chất hữu cơ dễ bay hơn được gọi là “ COV ”, những hợp chất chứa carbone và hydrogène, tạo thành một chất khí có thể phát hiện được. Vài trong số những chất này có nguồn gốc công nghiệp, còn những chất khác có trong tự nhiên. Hai công trình nghiên cứu mới đây (một của Pháp và một của Nhật Bản, với 70 bệnh nhân cho mỗi công trình và nhiều nhan chứng ) được thực hiện với những mẫu nghiệm được lấy trên người (nước tiểu, các mô, phân…) đã cho thấy rằng khứu giác của các con chó được huấn luyện đặc biệt cho công tác này, có khả năng, như đối với thuốc ma túy, chỉ rõ mẫu nghiệm mang những tế bào ung thư : các con vật ngồi bên cạnh lọ tương ứng với những tế bào ác tính. Như thế các khối u ở giai đoạn đầu của tuyến tiền liệt và của đại tràng có thể được phát hiện với một độ tin cậy 90%. Nếu những thí nghiệm trên động vật này cho phép xác nhận nguyên tắc chẩn đoán này, trong tương lai các máy phát hiện các chat dễ bay hơi này sẽ được hiệu chính.
(PARIS MATCH 24/2-2/3/2011)

10/ HÃY LÀM NGỪNG LẠI BỆNH LAO !
Đại dịch bệnh lao đang lan tràn và những vi khuẩn đề kháng đối với tất cả các loại thuốc hiện có đang xuất hiện. Để đáp trả, các nhà sinh học đang nghiên cứu chi tiết vi khuẩn và nghĩ ra những chiến lược điều trị mới.
Dịch hạch đen, đậu mùa, bệnh bại liệt, HIV : những loại bệnh khác nhau đã giết vô số người ở những thời kỳ khác nhau. Nhưng một căn bệnh đã truy nã nhân loại từ lâu hơn so với những bệnh khác : bệnh lao. Những bằng cớ kết thạch cho thấy rằng bệnh lao gây bệnh cho người từ hơn 1/2 triệu năm. Không ai có thể tránh được. Bệnh lao gây bệnh cho những người giàu và những người nghèo, những người trẻ và những người già, những người mạo hiểm và những người cẩn trọng. Chỉ cần ho, khạc nhổ hay ngay cả chỉ cần nói, một người bệnh có thể làm phân tán vi khuẩn chịu trách nhiệm căn bệnh này.
Ngày nay, bệnh lao là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do nhiễm trùng trên thế giới, sau bệnh sida ; bệnh lao giết hai triệu người mỗi năm. Tuy vậy, các thuốc chống lao hiện hữu và chữa lành hầu hết những người bị nhiễm trùng. Thế thì đâu là vấn đề ? Nhiều người đã không tiếp cận được với thuốc điều trị và nhiều nguời được săn sóc không luôn luôn theo điều trị đến cùng.
Ngoài ra, bệnh lao tiến triển nhanh hơn là các liệu pháp điều trị. Trong những năm qua, các nhà khoa học đã quan sát thấy một sự gia tăng đáng lo ngại số các giống gốc đề kháng với nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lao. Lại còn đáng lo ngại hơn : xuất hiện những bệnh lao đề kháng với tất cả các kháng sinh hiện có và như vậy gần như nan y.
Bệnh lao đặc biệt gây tàn phá đối với những nước đang phát triển, là nơi người ta đếm được 90% các trường hợp và 98% những trường hợp tử vong. Ngoài những đau khổ và những mối lo phiền, bệnh lao làm xáo trộn kinh tế của các nước bị ảnh hưởng nhất. Với 75% các trường hợp tử vong xảy ra nơi những người từ 15 đến 54 tuổi, bệnh lao trong 10 năm gây tổn phí từ một đến 3 tỷ dollars cho các nước nghèo nhất. Ngoài ra, bệnh bắt buộc các quốc gia này phải chuyển các nguồn tài chánh được cấp cho những lãnh vực khác để điều trị bệnh lý này. Nhưng các nước phát triển cũng không tránh khỏi nó : mặc dầu tỷ lệ mắc bệnh lao thấp ở các nước này, nhưng tình hình có thể thay đổi nếu một giống gốc rất đề kháng lan tràn …
Tuy nhiên, các kỹ thuật phân tử được hoàn thiện cho phép các nhà nghiên cứu khảo sát những tương tác phức tạp của vi khuẩn với cơ thể con người ; như thế người ta hy vọng phát triển những xét nghiệm chẩn đoán mới và những điều trị mới.
Được nhận diện lần đầu tiên bởi thầy thuốc người Đức Robert Koch năm 1882, mycobactérie dạng chiếc gậy nhỏ gây bệnh lao, Mycobacterium tuberculosis hay trực khuẩn Koch, hiện hữu đồng thời dưới dạng tiềm tàng và hoạt động. Khi nhiễm trùng tiềm tàng, hệ miễn dịch ngăn cản vi khuẩn tăng sinh và như thế gây nên sự phá hủy của các mô. Những người bị nhiễm không có những triệu chứng và không lây nhiễm. Trực khuẩn có thể ẩn trong nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên, mà không tăng sinh cũng như không làm cho ký chủ bị bệnh. 80% những người bị nhiễm trùng không bao giờ phát triển thành bệnh. Tuy nhiên, 10% trong số những người này cuối cùng có một thể hoạt động, nhất là những người có một hệ miễn dịch suy yếu, như những trẻ em nhỏ tuổi và những bệnh nhân sida hay những người được điều trị bởi hóa học trị liệu.
MẠNH HƠN HỆ MIỄN DỊCH
Khi bệnh lao hoạt động, các vi khuẩn vượt quá hệ miễn dịch : chúng tăng sinh nhanh chóng, lan tràn và gây nên sự phá hủy của các cơ quan. Vì là một vi khuẩn hiếu khí, nghĩa là thích ứng với những môi trường giàu oxy, vi khuẩn tăng sinh nhất là trong phổi. Thật vậy, gần 75% các bệnh nhân có một thể phổi của bệnh. Các vi khuẩn càng tăng sinh, chúng càng sinh ra những phản ứng phòng vệ, gây nên sự phá hủy mô phổi, vì vậy xuất hiện nơi bệnh nhân các triệu chứng như ho dữ dội, đau ngực và khạc đờm có máu.
Nhưng bệnh lao có thể ảnh hưởng len hầu hết tất cả các cơ quan. Nơi trẻ em, vi khuẩn xâm nhập dịch não tủy (bao bọc hệ thần kinh trung ương), gây nên viêm màng não. Không được điều trị, một nửa những người bị bệnh lao dưới dạng hoạt tính chết vì nó, phần lớn do sự phá hủy của các lá phổi.
Cách nay một thế kỷ, người ta không có một phương tiện nào để chống lại bệnh lao, ngoại trừ làm giới hạn sự lan tràn của nó bằng cách đặt bệnh nhân trong các sanatorium (những cơ sở chuyên về điều trị bệnh lao). Vào thời kỳ này, bệnh lao rất là lan tràn, ngay cả trong những vùng mà ở đó ngày nay tai ương chỉ có một tỷ lệ thấp, như Bắc Mỹ và Tây Âu.
Ngay năm 1921, người ta đã bắt đấu chống lại bệnh lao : các nhà nghiên cứu người Pháp Albert Calmette và Camille Guérin, thuộc Viện Pasteur Paris, đã phát triển vaccin đầu tiên, gọi là BCG. Người ta nhĩ rằng nó bảo vệ đồng thời chống lại những thể trưởng thành và trẻ em của bệnh lao ; nhưng sau đó, người ta cho thấy rằng nó chỉ mang lại một bảo vệ có hiệu quả chống lại các thể trầm trọng của trẻ em.
22 năm sau, nhóm vi trùng học Hoa Kỳ Selman Waksman đã khám phá ra streptomycine ; mặc dầu có vài tác dụng không mong muốn (nhất là những rối loạn thận và thính giác), kháng sinh này là điều trị đầu tiên hiệu quả chống lại bệnh lao. Sự khám phá này dẫn đến sự xuất hiện trên thị trường, ngay những năm 1950, một loạt các kháng sinh không có những bất tiện của streptomycine.
Toàn bộ những điều trị này làm biến mất các sanatorium và một đưa đến sự giảm quan trọng tỷ lệ mắc bệnh lao trong những nước có quỹ và các cấu trúc hạ tầng cần thiết để tấn công vào vấn đề. Trong những năm 1970, nhiều chuyên gia nghĩ rằng bệnh lao hầu như được triệt trừ. Tuy nhiên, với sự gia tăng của các di chuyển của những người dân vào thành phố, những trận dịch lớn thật ra đang xuất hiện. Còn tệ hại hơn, những người sẽ bị ảnh hưởng nhất là những người không thể tự bảo vệ : những người dân của các nước nghèo, trước hết bị thương tổn bởi trực khuẩn lao, trước khi bị đương đầu với một tác nhân giết người khác, VIH.
Ngày nay, hơn nửa thế kỷ sau khởi đầu những điều trị kháng sinh đầu tiên, OMS đánh giá rằng 1/3 dân số thế giới (hơn 2 tỉ người) bị nhiễm bởi trực khuẩn Koch. Trung bình, 8 triệu trong số những người mang trùng này mỗi năm phát triển một dạng hoạt động của bệnh lao và mỗi người trong số họ lại gây nhiễm thêm 10 đến 15 người mỗi năm, như thế duy trì đại dịch.
Bức tranh này càng đáng quan ngại hơn khi ta xét đến sự gia tăng của tỷ lệ của VIH. Những người bị bệnh lao tiềm tàng (tuberculose latente) và bị nhiễm trùng bởi VIH có 30 đến 50 lần nguy cơ nhiều hơn, so với những người huyết thanh âm tính, phát triển bệnh lao hoạt động (tuberculose active), bởi vì VIH làm cho hệ miễn dịch của họ không có khả năng kềm chế trực khuẩn.
Thật vậy, bệnh lao là nguyên nhân đầu tiên gây tử vong nơi những người bị nhiễm bởi VIH : bệnh lao giết chết một người trên ba trên thế giới và một trên hai ở Châu Phi dưới Sahara, là nơi những săn sóc y tế hầu như không thể tiếp cận được. Mặc dầu những người huyết thanh dương tính tiếp cận được với các thuốc kháng lao, nhưng sức khỏe của họ thường suy thoái, bởi vì những tương tác nguy hiểm của điều trị antirétroviral với các thuốc kháng lao thường buộc các bệnh nhân phải đình chỉ điều trị chống VIH cho đến khi bệnh lao được loại trừ. (Còn tiếp)
(POUR LA SCIENCE 6/2009)

BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(28/2/2011)

Bài này đã được đăng trong Chuyên đề Y Khoa, Thời sự y học. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

1 Response to Thời sự Y Học số 215: Eczéma – BS Nguyễn Văn Thịnh

  1. Pingback: Thời sự y học số 628 – BS Nguyễn Văn Thịnh | Tiếng sông Hương

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s